Bà Lê Thị Thu Hằng bị vạ miệng vì đã nói rằng bà Phạm Thị Đoan Trang vi phạm pháp luật Việt Nam.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 17-3, trả lời câu hỏi cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải Phụ nữ can đảm quốc tế cho bà Phạm Thị Đoan Trang, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân, trong đó có quyền của phụ nữ.
Bà Hằng nhấn mạnh các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng đảm bảo và cải thiện các quyền con người trong thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
“Việt Nam cho rằng việc Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho bà Phạm Thị Đoan Trang, một cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam đã được đưa ra xét xử và đang chịu án phạt tù, là hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho phát triển quan hệ hai nước”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Tối 14-12-2021, sau một ngày xét xử và nghị án, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (43 tuổi, trú quận Đống Đa, Hà Nội, được biết đến là blogger, từng làm việc cho nhiều tờ báo) 9 năm tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự 1999.
Tòa nhận định hành vi xuyên tạc đường lối chính sách, phỉ báng chính quyền của bị cáo Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với mục đích cố ý xâm phạm chế độ XHCN và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, xã hội, đối ngoại, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.
“Bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định, hiểu và biết rõ hậu quả hành vi, tuy nhiên vẫn tích cực thực hiện trong thời gian dài. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo không khai báo thành khẩn, phạm tội nhiều lần, cần thiết xử phạt nghiêm minh”, bản án nêu.
Trước đó, trong phần thẩm vấn, bị cáo Đoan Trang được hội đồng xét xử cho phép ngồi trả lời vì bị đau chân. Đối đáp quan điểm của hội đồng xét xử về cáo buộc trả lời phỏng vấn các hãng báo chí nước ngoài với nội dung chống đối, xuyên tạc, bị cáo Đoan Trang cho hay bản thân là nhà báo, từng phỏng vấn và được phỏng vấn bởi trăm, nghìn người. Có lần trao đổi có thể là tư cách bạn bè, có thể là trả lời báo chí chính thức, “tôi không nhớ hết”.
Tại phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phạt bị cáo Phạm Thị Đoan Trang 7 – 8 năm tù.
Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo Đoan Trang đã có hành vi trả lời phỏng vấn đài nước ngoài BBC News tiếng Việt và Đài Á Châu tự do (RFA). Trong các bài phỏng vấn này, bà Trang có phát ngôn “tuyên truyền các nội dung thông tin xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước”.
“Phạm Thị Đoan Trang phải chịu trách nhiệm hình sự vì nhiều lần thực hiện hành vi làm ra, tàng trữ và lưu hành các tài liệu có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, cáo trạng nêu.
Theo cáo trạng, từ ngày 16-11-2017 đến 5-12-2018, bà Đoan Trang có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Cáo trạng xác định, bị cáo Đoan Trang đã trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, cũng như “phỉ báng chính quyền nhân dân”.
Cụ thể, bà Đoan Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu: “Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam”;”Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”; “Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam”.
Theo kết luận của viện kiểm sát, các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền “luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.
Quá trình làm việc với cơ quan công an, bị cáo Đoan Trang xác nhận mình là tác giả của báo cáo nghiên cứu về luật tín ngưỡng, tôn giáo. Bị cáo Đoan Trang cùng nhóm tác giả viết báo cáo này bằng tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt và đăng tải trên trang điện tử do mình lập ra.
Sau bản án hình sự sơ thẩm nêu trên, bà Phạm Thị Đoan Trang đã kháng cáo phúc thẩm.
Hiến pháp 2013, ở Điều 31.1 ghi “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Theo Điều 343 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 01-01-2018, thì bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Theo Khoản 2 Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, thì bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Như vậy theo hiến định thì trong thời gian chờ đợi phiên tòa hình sự phúc thẩm, việc Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã buộc tội bà Phạm Thị Đoan Trang được xem là hành vi vi hiến, và bà Lê Thị Thu Hằng cần có những phát ngôn điều chỉnh về nhận định sai lầm của mình về tình trạng pháp lý hiện tại của bà Phạm Thị Đoan Trang.
Không có nhận xét nào