(Bản gốc tiếng Anh: “I Want to Tell My Story”: Journalist Nguyen Tu and the Price of Courage)
Tù Tội
Sự tàn phá hàng quân của Tướng Phú trên đường 7B bỏ ngỏ sự phòng thủ của Miền Nam Việt Nam, khiến hoảng hốt lan ra trong Quân Đoàn I, và rồi Quân Đoàn nhanh chóng ngã gục trước các lực lượng địch. Vào cuối tháng 4 1975, khi các đơn vị Cộng Sản mở cuộc tấn công vào Sài Gòn, tòa đại sứ Mỹ ngỏ ý muốn giúp ông Tú di tản. Ông Đặng Văn Sung khuyên ông Tú trốn, nhưng cũng như ở Lào Cai và nhiều nơi khác, ông từ chối. Tuy biết rằng sẽ bị bắt, và sẽ bị cầm tù hoặc hành hình, ông vẫn từ chối không chạy. Ông Tú không muốn trốn thoát, bỏ lại những ký giả Miền Nam Việt Nam khác ở lại. Trong trại tù, ông nói với ký giả Vũ Ánh, “Làm sao tôi đi được? Văn phòng tòa báo còn đầy người kẹt lại, và tôi đi như thế là hèn nhát.”
Là ký giả, ông cũng muốn là nhân chứng mục kích xe tăng Cộng Sản tiến vào Sài Gòn. Ông biết đây là nỗ lực cuối cùng của ông như ký giả của tờ Chính Luận. Ông sẽ phải trả giá vô cùng đắt cho sự can đảm này.
Miền Nam đầu hàng vào 30 tháng 4, và hôm sau, ông Tú bảo ông Đặng Văn Sung đóng cửa tờ báo. Ông nói, “Thà là chúng mình làm còn hơn để Cộng Sản làm.”
Vì phòng của ông ở khách sạn Eden đang có bạn ông ở, ông Tú đến chỗ ở của một người bạn khác là cựu đại sứ Bùi Diễm, đã rời Sài Gòn một tuần trước khi Sài Gòn sụp đổ. Ông Diễm đã nói rằng ông Tú có thể xử dụng chỗ ở của ông.
Ông Tú mời một vài ký giả Việt Nam cùng đến đó. Thay vì đồng ý với quyết định ở lại của ông, nhiều ký giả đã cho rằng quyết định không bỏ trốn của ông là dại dột. Ông Tú cũng mời nhiều ký giả Pháp đến. Một trong những ký giả dó là Jean Louis Arnaud, ký giả địa phương cho hãng thông tấn Agence France-Presse. Ông Tú hứa sẽ đưa cho Arnaud nhiều tập bản thảo ông đã viết về cuộc chiến, nhưng trước khi có dịp đưa những tập bản thảo đó cho Arnaud, ông đã bị bắt. Cộng sản tịch thu tất cả những gì ông có, kể cả những tập bản thảo.
Ông bị bắt vào ngày 7 tháng 5, và tin rằng ông đã bị một ký giả Việt Nam đồng nghiệp chỉ điểm. Họ giải ông đến bộ chỉ huy Cảnh Sát Sài Gòn, kết án ông phản quốc, và đưa ông vào một phòng chờ thẩm vấn.
Có hai người lính gác trong phòng. Người cán bộ thẩm vấn ông là một cán bộ cấp trung, đã cố tình khiến ông bối rối bằng cách để ông ngồi trên một chiếc ghế cập kênh, chân thấp, chân cao.
Vì không biết ông là ai, người thẩm vấn đã hỏi ông về gia đình và công việc của ông.
Ông Tú nói, “Tôi là ký giả.”
Người cán bộ nghi ngay rằng ông là gián điệp CIA. Cộng sản tin rằng ký giả Việt Nam làm việc cho CIA. Anh ta hỏi ông Tú đã dùng những bút hiệu nào?
Ông nói lúc nào ông cũng dùng tên thật, không bao giờ dùng bút hiệu nào khác.
Ông viết những gì?
Ông Tú nói, “Tôi viết bài chống các anh.”
Tên tờ báo của anh là gì?
Vì người cán bộ rõ ràng không biết ông, ông Tú bảo anh ta đến tòa báo Chính Luận để kiếm tất cả các bài viết của ông.
Tại sao anh không trốn?
“Vì tôi muốn xem các anh vào thành phố thế nào.”
Người cán bộ phẫn nộ và hỏi phải chăng ông Tú đang mỉa mai anh ta?
Ông nói không, tất cả những điều tôi nói đều là sự thật.
Một người lính dùng báng súng đánh ông. Cú đầu tiên khiến ông gãy răng. Cú thứ hai đánh nứt xương sườn. Vết nứt không bao giờ lành và ông phải chịu đau ngực suốt đời.
Khi đến Mỹ, ông đã nhiều lần đến văn phòng bác sĩ để tìm nguyên nhân. Vào tháng 4 năm 2009, sau nhiều cuộc xét nghiệm, một bức ảnh quang tuyến X cho thấy xương sườn ông vẫn nứt. Bác sĩ có thể thấy vết nứt lúc này vì ông đã quá gầy, gần như chẳng còn bắp thịt.
Người cán bộ tiếp tục thẩm vấn ông trong nhiều ngày. Anh ta không tin ông đã gặp các viên chức cao cấp của chính phủ.
Ông nói với anh ta, “Tôi biết rất nhiều nhân viên cao cấp, bởi vì tôi đến các cuộc họp báo.” Người cán bộ không tin, nên ông Tú giải thích, “Chúng tôi sống trong một xã hội mở, anh sống trong một xã hội khép kín.”
Người cán bộ nói rằng nếu đã gặp những nhân viên cao cấp như thế, ông Tú hẳn phải là một ký giả đặc biệt, và cố tình ép ông phải thú tội là gián điệp cho CIA. “Không,” ông Tú nói. “Ký giả nào cũng có thể gặp các nhân viên cao cấp của chính phủ.”
Người thẩm vấn vẫn cho rằng ông đang nói dối, nhưng khi viết bản báo cáo cho cấp trên, cấp trên của anh đã mắng anh tại sao không chứng thực những lời khai của ông Tú. Người cán bộ quay lại nói với ông Tú rằng ông đã làm tôi mất mặt với cấp trên, nhưng tôi xin chúc mừng ông đã khai đúng sự thực.
Ông Tú đã quyết định không bao giờ nói dối. Ông nói với tôi, bằng cách này ông sẽ không phải nhớ đã nói dối những gì. Vì không phải là quân nhân, ông đã dùng đầu óc để chiến đấu với họ và khí giới hay nhất là sự thực.
Chẳng hạn, họ hỏi ông, “Tại sao ông không lập gia đình?”
Khi ông trả lời vì ông không muốn lập gia đình, họ không tin và cứ tiếp tục hỏi đi hỏi lại câu hỏi đó.
Cuối cùng ông nói, “Hồ Chí Minh cũng có lập gia đình bao giờ đâu.” “À,” ông nói với tôi, “câu này khiến họ hết sức phẫn nộ. Họ quát lên rằng tôi không được nói như thế, và họ dọa tôi. Tôi chỉ trả lời đơn giản rằng đó là sự thật và các anh có thể xem lại. Sau đó họ đổi đề tài.”
Ông bị giam giữ ở một phòng tù ở sở cảnh sát Sài Gòn hai tháng và rồi chuyển đến một nhà tù nhỏ ở Sài Gòn. Vì muốn buộc ông phải khai là gián điệp, cộng sản tra tấn và đánh ông liên tục. Trong cuộc thẩm vấn cuối, ông bị 4 người khác nhau tra hỏi. Người cuối cùng là người sâu sắc nhất. Tuy ông ta không đeo phù hiệu cấp bậc gì, nhưng ông Tú có thể đoán qua phong cách và ngôn ngữ rằng ông là một nhân viên cao cấp.
Vì không chịu khai là đã làm việc với CIA, vào tháng 12 1975, ông bị gửi vào khám Chí Hòa, khám chính của thành phố. Tuy biết ông là ký giả, Cộng sản vẫn giam ông chung với các phạm nhân hình sự, trộm cướp, giết người. Vào lúc đầu, cuộc sống vất vả nhưng khi vô tình cách hành xử của ông hợp với đạo nghĩa giang hồ, họ đã đối xử với ông rất tử tế. Có lần ông bật lửa châm điếu thuốc cho một người tù. Thái độ thân tình của ông khiến anh ta cảm động. Anh nói trong đời anh từ trước đến nay chưa ai làm điều đó. Từ đó trở đi, anh ta bảo vệ ông và mang những phần cơm của ông đến cho ông.
Sau khi chịu đựng thêm một trận đòn nữa của Cộng Sản ở khám Chí Hòa, phân nửa phía phải người ông tê liệt, nhưng không có thuốc để chữa trị. Một hôm có một người tù khuyên ông nên hút thuốc lào. Anh ta bảo rằng thuốc sẽ khiến máu luân lưu và giúp ông chữa trị bệnh tê liệt. Ông Tú kể, “Thuốc lào trong tù rất hiếm, và nếu chỉ có một lượng nhỏ thuốc lào cũng đã được xem là giàu. Chỉ một dúm thuốc lào tí hon cũng đã được xem tương đương với cả khẩu phần gạo của tù.” Tuy thế, những người tù cố nhặt nhạnh cho đủ lượng thuốc và mượn cái ống điếu của một ông cha để giúp ông trị bệnh. Sau đó khoảng 10 người tù quây quanh xem ông hút thuốc. Ông hết sức ngạc nhiên khi thấy họ tỏ vẻ hết sức kính nể. Và lạ lùng thay khi say thuốc lào, chân phải đã liệt của ông bỗng co, giật trước những tiếng trầm trồ của những người tù “Chân bố giật rồi! Chân bố giật rồi!” Thuốc lào đã chữa khỏi bệnh tê liệt cho ông, nhưng phần người bên phải của ông vẫn yếu suốt đời.
Năm 1982, ông chuyển về trại cải tạo Xuân Phước, một căn cứ cũ của Cộng Sản sâu trong rừng ở Tuy Hòa. Đó là những năm khốn khổ nhất. Đây là trại khổ sai, và thực phẩm rất hiếm. Trại trưởng tù không muốn nhận ông vào trại vì vết thương sương sườn và phân nửa người ông phía phải rất yếu. Một người tù đã làm một cái giá vịn cho ông để ông có thể tự làm việc ngoài vườn. Uyên Thao, chủ bút báo Sóng Thần nhớ lại ông Tú thường lén nhét rau hoặc các loại lá ăn được vào dưới áo ông để giúp các bạn tù khác.
Nhưng ông thường bị bắt và bị biệt giam. Ông vừa cười, vừa kể, “Thực sự thì tôi lại thích biệt giam vì được yên tĩnh, chỉ có cái là anh phải bị cùm. Bởi thế nên mới khó chịu. Nhưng nếu được tự do, không bị cùm, chẳng hóa ra anh tự nhiên lại có phòng ngủ riêng sao?”
Tuy ông Tú chống Cộng, một số người Quốc Gia trong trại vẫn phẫn nộ với ông vì ông không ghét những người cai tù. “Nếu ghét họ,” ông nói với tôi. “Điều đó sẽ làm mình mù quáng. Muốn đánh bại họ, anh cần phải có một mức độ kỷ luật và có cái nhìn rộng lớn hơn về đời.”
Năm 1985, ông bị chuyển sang một trại khác gần Xuân Lộc, một tỉnh nằm ngoài Sài Gòn. Trại này dễ chịu hơn nhiều, và họ được nhiều cơm hơn. Vào ngày 14 tháng 2, 1988, sau 13 năm tù, ông được thả. Khi vào tù ông 51 tuổi, khi ra ông 64.
“Tù tội làm tôi già quá,” ông nói. “khi họ thả tôi, trông tôi như một ông già lọm khọm.” Đầu bạc trắng, sức lực yếu đuối, ông đã phải chịu đựng “tra tấn, khổ sai, sỉ nhục, bỏ đói và luôn phải nghe những bài giảng về chủ nghĩa Cộng Sản.” Nhiều bạn tù của ông đã chết vì những bệnh hoạn lúc nào cũng đầy dẫy trong trại.
Ông trở về Sài Gòn và may mắn được một gia đình thuê ông dạy kèm con em của họ. Những con em này bị cấm không cho đi học vì cha chúng đã làm việc cho chế độ cũ. Gia đình thuê ông đưa tiền ông, nhưng ông không lấy. Ông nói, ông chỉ cần thực phẩm.
Mỗi tuần, nhiều cán bộ công an địa phương đến nơi ông cư ngụ để bàn luận những hoạt động của ông. Khi một công an biết được có người thuê ông, họ đã thuyết phục gia đình đó đuổi ông bằng cách nói rằng ông là tù mới được thả. Sau đó ông bị quản cố.
Sau một năm quản cố, cán bộ công an hỏi ông muốn đi Mỹ hay ở lại Việt Nam. Ông muốn ở lại, nhưng vì đã mất tất cả, ông biết ông phải đi. Ông nói với cán bộ công an “nếu các anh không cho tôi làm việc thì tôi chẳng còn sự chọn lựa nào ngoài cách đi đến một quốc gia cho phép tôi sống tự do.”
Ông Tú sắp bắt đầu một cuộc mạo hiểm cuối cùng.
Trốn thoát sang Mỹ
Lúc này đã quyết định rời Việt Nam, ông cần một kế hoạch trốn thoát. Vào tháng 7 1989, ông đi về hướng bắc, đến Hải Phòng, nơi một người bạn cho ông một ít vàng để mua chỗ trên một chiếc tàu sắp đi Hồng Kông. Tuy chưa bao giờ bàn luận về chuyến đi, chuyến đào thoát của ông có lẽ là do sự giúp đỡ của người cán bộ công an. Nếu nhìn vào tình trạng duyệt xét đi lại khó khăn bên trong Việt Nam, và vì ông đang bị công an địa phương chú ý, việc ông có thể từ Sài Gòn trốn ra Hải Phòng là việc rất khó nếu không có sự chấp thuận.
Hơn nữa, vào năm 1989, những cuộc vượt thoát khổng lồ của “thuyền nhân” Việt Nam đã phát động từ nhiều năm, và nhiều cán bộ Cộng Sản đã lợi dụng nhận hối lộ để cấp giấy tờ cho những người vượt biển. Cộng sản đã nhận ra rằng họ có thể diệt trừ kẻ thù bằng cách giúp đỡ những người chống cộng vượt thoát. Đặc biệt là trong số những kẻ vượt thoát trên tàu có những kẻ tội phạm, rõ ràng là Cộng Sản muốn quét sạch những thành phần họ không muốn chấp nhận. Trong số đó có ông Tú.
Vào ngày 25 tháng 9, 1989, ông cùng với 98 người khác lên một chiếc tàu gỗ nhỏ rời Hải Phòng trước lúc rạng đông. Trong ba tuần sau đó, những người trên tàu phải chịu đựng hai cơn bão dữ dội, mỗi cơn kéo dài 4 ngày và thuyền tròng trành trên biển như chiếc lá giữa những ngọn sóng.” Tuy thời tiết nguy hiểm, thuyền bị thủng và chỉ đáp ứng đủ những điều kiện tối thiểu nhất để ra khơi, nhóm thủy thủ đoàn còn đáng sợ hơn. Về sau ông Tú viết rằng thủy thủ đoàn đa số là “những kẻ sát nhân, nghiện ngập, trộm cắp, trên thân thể đầy những vết sâm ghê gớm.” Bọn côn đồ trên tàu đối xử hung hãn với mọi người, buộc họ phải đưa hết tất cả vàng, nữ trang, và thực phẩm họ đã mang theo. Thủy thủ đoàn lột quần áo những người trên tàu để lục soát và mò mẫm cả những chỗ kín. Họ đánh đập những người không chịu để bị lục soát. Tuy thế, bọn côn đồ lại không đụng gì đến ông, “không phải vì tôi là một ông già, mà vì tôi biết nói tiếng Anh và có thể làm người thông dịch cho họ.”
Tàu đến Hồng Kông vào ngày 14 tháng 10, 1989. Chính quyền địa phương cung cấp thực phẩm, thuốc men và chỗ ở, nhưng ông Tú và nhiều người Việt Nam tị nạn khác bị quản thúc phải ở trong trại. Tuy vào lúc đầu, họ được đối xử tử tế, con số lớn những người vượt thoát đã gây căng thẳng cho tài nguyên của Hồng Kông. Một thời gian ngắn trước khi ông Tú đến, chính quyền Hồng Kông đã quyết định áp dụng chính sách cưỡng bức hồi hương, trừ phi họ có bằng chứng họ là những người tị nạn chính trị chứ không phải kinh tế. Vì không hề có giấy tờ chứng minh rằng ông đã bị giam cầm 13 năm, ông Tú có nguy cơ lớn sẽ bị trả về Việt Nam.
Cố gắng tránh để khỏi bị trả về, ông Tú đã viết thư cho nhiều tổ chức báo chí, xin họ giúp đỡ. Những lá thư đó hữu hiệu vì nhiều ký giả Mỹ, Pháp có ảnh hưởng đã kêu gọi chính phủ Mỹ chấp thuận tình trạng của ông như một người tị nạn chính trị. Khi các ký giả Hồng Kông biết về sự khốn khó của ông, ảnh ông được đưa lên bìa một tờ tờ báo địa phương là tờ Correspondent. Vào đầu tháng 12 1989, sau khi tòa lãnh sự Mỹ ở Hồng Kông thông báo với chính quyền Hồng Kông rằng Mỹ sẽ nhận ông qua diện tị nạn chính trị, chính quyền Hồng Kông chấp thuận cho ông Tú ở lại.
“Tôi hết sức may mắn,” ông nói. “Tôi đã giúp nhiều ký giả ở Việt Nam, và rồi họ lại giúp tôi. Tôi thực sự biết ơn.”
Sau một chuyến bay vất vả, ông đến Mỹ ngày 16 tháng 2, 1990. Ông ở với một người bạn ở tiểu bang Virginia, và sau đó dời về ở một căn apartment tí hon, nơi ông đã sống trọn đời. Một trong những chuyến thăm của ông là thăm Bức Tường Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam ở Washington, D.C. Ông nói với tôi, ông đã khóc khi nhìn thấy 58,000 cái tên. Tuy cảm thấy rất thương những người lính Mỹ đã chiến đấu và hy sinh, ông tin tưởng mạnh mẽ rằng đáng lẽ những người chiến đấu phải là thanh niên Việt Nam. Ông muốn người Mỹ huấn luyện và viện trợ giúp người Việt Nam, nhưng không muốn người Mỹ chiến đấu cho họ. Điều đó sẽ tẩy sạch những tuyên truyền của Cộng Sản rằng Miền Nam Việt Nam là một thuộc địa của Mỹ. Ông đúc kết những suy nghĩ của ông bằng cách phát biểu rằng “sự nhúng tay sâu rộng của Mỹ vào cuộc chiến khiến chúng tôi đau khổ trong tâm vì các anh không tin chúng tôi, nhưng người Việt chúng tôi cũng chưa hề bảo người Mỹ rằng họ không đồng ý với sự can thiệp của Mỹ.”
Ông Tú đã quyết định tiếp tục sự nghiệp như một ký giả. Vào năm 1990, cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra mặt nói chuyện. Kể từ khi mất Việt Nam, đây là lần đầu tiên ông Thiệu xuất hiện trước công chúng. Ông Tú đến nghe ông Thiệu nói chuyện ở Virginia. Sau khi ông Thiệu ngừng diễn thuyết, các cựu chiến binh VNCH đã đưa ra những câu hỏi hóc búa về cuộc chiến và vì sao họ đã thua năm 1975.
Theo lời ông Tú, ông Thiệu đã mất bình tĩnh cao giọng, “Nếu không có ai nhận lãnh trách nhiệm, thì tôi xin nhận.” Ông Tú bảo tôi, “Câu nói đó đã nói lên tất cả những gì trong tâm ông Thiệu. Ông Thiệu là tổng tư lệnh. Đó là trách nhiệm của ông, nhưng ông lại chối bỏ trách nhiệm đó.”
Khi cúp điện, tất cả đều ra ngoài. Ông Tú đang viết thì thấy một cái bóng che vào ông. Rồi ông thấy hình như có người vỗ nhẹ vai ông. Nhìn lên, ông thấy ông Thiệu. Tuy đã rất nhiều năm tháng trôi qua, vị cựu tổng thống vẫn nhận ra ông.
Ông Thiệu bắt tay ông Tú và hỏi ông Tú đang làm gì.
“Tường trình về ông!” Ông Tú nói. Ông Thiệu mỉm cười.
Một ký giả Mỹ trong cuộc chiến cũng đến nghe diễn thuyết. Ông nhận ra ông Tú, và vì ông không nói được tiếng Việt, ông Tú đã dịch lại cho ông. Người ký giả muốn trả tiền cho ông, nhưng ông Tú từ chối. Ông đã nhiều lần được những ký giả Mỹ trả tiền cho sự giúp đỡ của ông, nhưng ông không bao giờ lấy tiền của ai. Tuy nghèo, ông Tú vẫn là một người tử tế và hữu ích.
Từ năm 1990 cho đến khi ông qua đời, ông Tú vẫn viết các mục báo cho các tờ báo Việt Nam ở Mỹ và Úc. Ông bàn luận mọi đề tài, từ chính trị đến kinh tế, nhưng không lúc nào tiền nhuận bút của ông đủ để ông có thể trả tiền mướn phòng hoặc ăn uống đầy đủ. Tuy thế, ông Tú chẳng bao giờ để ý đến tiền bạc hoặc phần thưởng. Trước lúc ông qua đời, ông Bùi Diễm có hỏi ông về việc lo liệu đám tang. Ông Tú nói ông Diễm không cần lo vì ông đã trả tiền trước cho nhà quàn. Khi giám đốc nhà quàn hỏi ông có muốn thông báo cho ai biết khi qua đời không, ông Tú đã trả lời không. Ông sẽ chết chẳng khác gì khi sống: đơn độc.
Vào tháng 10 2009, chúng tôi có nói chuyện qua điện thoại nhiều lần sau khi ông nói với tôi rằng ông sẽ viết hồi ký. “Vâng,” ông nói, “tôi đang viết một số điều cho anh.” Thế thì hay quá, khi nào thì tôi được đọc? “Chưa, tôi vẫn còn đang làm việc.” Tôi không thúc ông, tôi muốn để ông làm theo ý ông. Và rồi tôi được nghe một tin rúng động. Một người bạn gọi báo cho tôi biết ông Tú đã qua đời vào ngày 11 tháng 7, 2010. Ông đã qua đời nhiều ngày rồi và người ta đang dọn đồ ở phòng ông ra. Có ai tìm thấy bản thảo của ông không? Không, chẳng có gì cả. Tôi năn nỉ người bạn tìm lại, nhưng đã quá trễ. Bất kể những tài liệu ông Tú đang viết là gì, những tài liệu đó đã bị vứt bỏ, lại thêm một sự mất mát nữa đối với thư viện dữ kiện của lịch sử.
Kể từ khi ông qua đời, tôi đã xuất bản hai quyển sách về Việt Nam Cộng Hòa, toan tính kể lại câu chuyện về “quốc gia đã mất” của ông. Nhưng sâu trong tâm khảm tôi, khát vọng kể lại câu chuyện đời ông vẫn hừng hực. Tôi muốn kể cho thế giới biết về một người đáng trọng đã tận tụy cống hiến đời mình để tường trình những câu chuyện của dân tộc mình.
Cuối cùng, đã đến thời điểm đó. Đây là chút tưởng nhớ của cá nhân tôi đối với ký giả Nguyễn Đình Tú, câu chuyện của một người khiêm tốn, lặng lẽ, một người Quốc Gia đã chiến đấu bằng cả tâm hồn lẫn thể xác cho một nước Việt Nam tự do. Tôi hân hạnh được ông Tú cho phỏng vấn 9 lần, nhưng chỉ có ông mới thực sự có thể kể lại những huyền thoại của cuộc sống đầy biến cố của cuộc đời ông. Tôi đã cố gắng kiểm chứng các câu chuyện của ông, nhưng nếu có chi tiết lịch sử nào sai lầm, tôi xin một mình nhận trách nhiệm.
Tuy thế, đây cũng là câu chuyện của các bạn, về các bạn, những con em của nước Việt Nam, sống ở một nơi xa mồ mả gia tiên. Tôi hy vọng rằng bài viết này sẽ khuyến khích những người khác viết về những câu chuyện của họ. Cũng giống như ông Tú, nhiều người vẫn còn những cay đắng, chua xót sâu xa vì mất đất nước, nhưng lịch sử cần câu chuyện của các bạn. Rủi thay, ông Tú không bao giờ viết hồi ký, và khi ông qua đời, người Việt mất thêm một người trọng tuổi đáng kính: họ mất đi một miểng lịch sử của họ. Nhưng khi phải sống một cuộc sống cam khổ và trả một cái giá đắt cho các quyết định của ông, ông Tú không bao giờ nhìn lại. Những sự chọn lựa của ông là những sự chọn lựa dành cho ông và nhằm giúp ích cho dân tộc ông. Đó là cái giá của sự can đảm.
Không có nhận xét nào