Header Ads

  • Breaking News

    Cập nhật tình hình Nga-Ukraine

     


    Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ: Không có cái gọi là ‘vùng cấm bay phạm vi nhỏ hơn’

    Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tổ chức một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia, tại Bộ Quốc phòng Slovakia ở Bratislava, Slovakia, hôm 17/03/2022. (Ảnh: Vladimir Simicek/AFP/Getty Images)

    Hôm thứ Năm (17/03), Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết một vùng cấm bay do NATO thực thi sẽ không giúp gì nhiều để ngăn chặn một số cuộc tấn công của Nga bên trong Ukraine. Bình luận này được đưa ra sau khi một số thành viên Quốc hội đề nghị biện pháp này.

    Người đứng đầu Ngũ Giác Đài Lloyd Austin nói với các phóng viên: “Những hệ thống đang được Nga sử dụng để giao chiến với quân đội Ukraine – họ đang sử dụng rất nhiều hỏa tiễn, đạn tự hành, và pháo. Có một số thứ có thể được sử dụng để chống lại những hệ thống đó.”

    Nhưng ông Austin cho biết quân đội Nga đã sử dụng hỏa tiễn hành trình được phóng từ bên trong biên giới của Nga.

    Ông Austin nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad ở Bratislava, Slovakia: “Vì vậy, một vùng cấm bay sẽ không ngăn cản được hoạt động đó.”

    Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật hủy bỏ quy chế thương mại ‘tối huệ quốc’ đối với Nga, Belarus

    Hôm thứ Năm (17/03), Hạ viện Hoa Kỳ đã ủng hộ áp đảo một dự luật nhằm xóa bỏ quy chế thương mại “tối huệ quốc” đối với Nga và Belarus vì cuộc xâm lược Ukraine, mở đường cho việc áp thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập cảng từ các quốc gia này.

    Hạ viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát đã bỏ phiếu 424–8 ủng hộ việc loại bỏ quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR). Đây là nỗ lực mới nhất của Quốc hội nhằm gây áp lực kinh tế lên Moscow.

    Để trở thành luật, dự luật này cũng phải thông qua Thượng viện. Lãnh đạo Đa số Dân Chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết dự luật sẽ nhanh chóng thông qua Thượng viện, sau khi được Hạ viện thông qua.

    Hành động hủy bỏ vị thế của Nga tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang được phối hợp với những nỗ lực tương tự của các nước dân chủ G7 khác. Hành động này sẽ tự động nâng mức thuế của Hoa Kỳ lên mức ngoài WTO đối với các mặt hàng nhập cảng từ Nga và cho phép Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công bố mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm có xuất xứ từ cả Nga và Belarus.

    Quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc gặp Đại sứ Nga tại Trung Quốc

    Một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gặp Đại sứ Nga tại Trung Quốc hôm 17/03 để trao đổi quan điểm về quan hệ song phương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (18/03).

    Theo tuyên bố, ông Trình Quốc Bình (Cheng Guoping), Ủy viên Ngoại giao và An ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã gặp ông Andrey Denisov của Nga và trao đổi quan điểm về hợp tác chống khủng bố và an ninh song phương.

    Úc trừng phạt các tỷ phú Nga có liên kết với ngành công nghiệp khai khoáng 

    Hôm thứ Sáu (18/03), Úc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai nhà tài phiệt Nga có liên kết với ngành công nghiệp khai khoáng của họ, một trong số những người này là tỷ phú sở hữu một khoản đầu tư vào liên doanh nhà máy alumin Gladstone của Rio Tinto.

    Ngoại trưởng Marise Payne cho biết Úc đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để gia tăng áp lực trừng phạt đối với các nhà tài phiệt thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cuộc xâm lược Ukraine.

    Bà Payne cho biết trong một tuyên bố: “Úc hiện đã thêm hai tỷ phú có các mối liên hệ lợi ích kinh doanh ở Úc, ông Oleg Deripaska và ông Viktor Vekselberg.”

    Bà nói, các biện pháp này bổ sung vào các biện pháp hạn chế đối với 41 nhà tài phiệt và các thành viên gia đình trực hệ của họ, những người vốn dĩ đã đối mặt với các lệnh trừng phạt tài chính và các lệnh cấm đi lại nhắm thẳng vào họ.

    Bà Payne cho biết chính phủ hoan nghênh các công ty Úc chọn một lập trường có nguyên tắc đối với các hành động cắt đứt quan hệ với Nga “để phản đối cuộc chiến bất hợp pháp, không thể biện minh được của Moscow chống lại Ukraine.”

    Nhật Bản áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các quan chức quốc phòng, nhà xuất cảng vũ khí của Nga

    Hôm thứ Sáu (18/03), Nhật Bản cho biết họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 15 cá nhân và 9 tổ chức của Nga, trong số này có các quan chức quốc phòng và nhà xuất cảng vũ khí quốc doanh Rosoboronexport.

    Các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả phong tỏa tài sản, là biện pháp mới nhất trong một loạt các biện pháp của Nhật Bản sau khi Nga xâm lược Ukraine.

    Nhật Bản hiện đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 76 cá nhân, 7 ngân hàng và 12 tổ chức khác ở Nga, theo Bộ Tài chính nước này.

    Chính phủ hôm thứ Sáu đã chỉ định phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova và một số nhà sản xuất thiết bị quân sự bao gồm United Aircraft Corp, công ty sản xuất chiến đấu cơ, thuộc danh sách trừng phạt.

    Nga sẽ không yêu cầu Hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về nghị quyết Ukraine

     

    Nga-ukraina

    Lá cờ của Liên Hiệp Quốc trước trụ sở chính của họ ở Đức ở Bonn, Đức, vào ngày 11/07/2006. (Ảnh: Ralph Orlowski/Getty Images)

    Nga tuyên bố sẽ không yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu vào thứ Sáu (18/03) về bản dự thảo nghị quyết của họ liên quan tới hoạt động cứu trợ nhân đạo cho Ukraine, vốn bị chỉ trích vì không đề cập đến cuộc xâm lược của Moscow đối với nước láng giềng.

    Thay vào đó, họ sẽ sử dụng phiên họp hội đồng đã lên lịch để một lần nữa đưa ra cáo buộc rằng Hoa Kỳ có các phòng thí nghiệm chiến tranh sinh học ở Ukraine, Hoa Thịnh Đốn khẳng định rằng đó là thông tin sai lệch và có khả năng là một phần của “chiến dịch cờ giả” của Moscow.

    Đại sứ Liên Hiệp Quốc của Nga, Vassily Nebenzia, đã đưa ra thông báo này tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào chiều thứ Năm, được sáu nước phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, kêu gọi để cập nhật thông tin về cuộc chiến kéo dài ba tuần này.

    Ông cho biết Nga không rút lại nghị quyết nhưng quyết định không theo đuổi một cuộc bỏ phiếu vào thời điểm này vì điều mà ông gọi là “áp lực chưa từng có” từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ và Albania, lên các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc để phản đối nghị quyết này.

    Truyền thông Nga: Việc giam giữ cầu thủ Griner của WNBA sẽ kéo dài đến ngày 19/05

    Truyền thông Nga đưa tin, việc giam giữ ngôi sao WNBA Brittney Griner đã được kéo dài đến ngày 19/05, một diễn biến có thể cho thấy nhà vô địch Olympic hai lần sẽ bị giam giữ ít nhất ba tháng trước khi vụ việc của cô được giải quyết.

    Vụ việc của cô Griner, 31 tuổi, một trong những cầu thủ nổi tiếng nhất trong làng bóng rổ nữ, xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Thịnh Đốn và Moscow ngày càng dâng cao do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

    Cô Griner đã bị giam giữ tại một phi trường ở Moscow, được cho là vào giữa tháng Hai, sau khi nhà chức trách Nga cho biết việc khám xét hành lý của cô cho thấy các hộp thuốc lá điện được cho là chứa dầu chiết xuất từ ​​cn sa, hành vi này có th b pht ti đa 10 năm tù.

    “Tòa án đã chấp thuận yêu cầu điều tra và kéo dài thời gian giam giữ công dân Hoa Kỳ Griner cho đến ngày 19/05,” tòa án cho biết, theo hãng thông tấn nhà nước Tass.

    Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Moscow đã không lập tức phản hồi các cuộc gọi từ Associated Press để xin yêu cầu bình luận.

    Chính phủ Tổng thống Biden cho phép người Ukraine từ Mexico vào Mỹ lánh nạn

    Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ Alejandro Mayorkas cho biết, các nhân viên của Cục Hải quan và Biên phòng dọc theo biên giới Hoa Kỳ-Mexico đã được chỉ thị cho phép người Ukraina nhập cảnh vào nước này để xin tị nạn ngay cả khi hầu hết mọi người đều bị trả lại theo sắc lệnh về y tế công cộng được thiết lập vào đầu đại dịch COVID-19.

    Hơn 3 triệu người đã chạy khỏi Ukraine sau cuộc xâm lược ngày 24/02 của Nga. Hơn một nửa đã đến Ba Lan. Phần lớn những người còn lại ở các quốc gia xung quanh Đông Âu, theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn.

    Ông Mayorkas nói với các phóng viên hôm thứ Năm (17/03) rằng các sĩ quan tị nạn của Hoa Kỳ đã được cử đến khu vực này để làm việc với Liên Hiệp Quốc và xác định liệu một số người Ukraine có thể tìm cách đến Hoa Kỳ thông qua chương trình tị nạn hay không. Nhưng ông và các quan chức chính phủ khác không nghĩ rằng nhiều người sẽ muốn đến.

    Bộ trưởng cho biết: “Phần lớn người Ukraine đang di cư đến các quốc gia trong khu vực đó với hy vọng dễ cảm thông, đó là có thể trở về đất nước của họ.”

    Ngoại trưởng Blinken: Tội ác chiến tranh đã được thực hiện ở Ukraine

    Ngoại trưởng Antony Blinken hôm thứ Năm (17/03) cho biết ông đồng ý với Tổng thống (TT) Joe Biden rằng tội ác chiến tranh đã được thực hiện ở Ukraine và các chuyên gia Hoa Kỳ đang thu thập bằng chứng để chứng minh điều đó.

    TT Biden nói với các phóng viên một ngày trước đó rằng ông cho là Tổng thống Nga Vladimir Putin là một “tội phạm chiến tranh” nhưng Tòa Bạch Ốc sau đó cho biết không có quyết định chính thức nào được đưa ra về những vi phạm luật pháp quốc tế tiềm tàng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02.

    “Cá nhân tôi đồng ý,” ông Blinken nói trong một cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao.

    “Chủ đích nhắm mục tiêu vào dân thường là một tội ác chiến tranh,” ông Blinken nói và cho biết thêm rằng ông cảm thấy “khó kết luận rằng người Nga đang làm điều ngược lại” sau hành động tàn phá trong vài tuần qua.

    Điện Kremlin gọi bình luận của ông Biden là “luận điệu không thể chấp nhận được và không thể tha thứ được”. Moscow cho biết họ đang tiến hành một “chiến dịch quân sự đặc biệt” để giải giáp và “phi phát xít hóa” nước láng giềng đồng thời bác bỏ những tuyên bố nhắm vào dân thường.

    Ông Blinken kể lại những sự cố gần đây về việc Nga ném bom các bệnh viện, trường học, và nhà hát nơi thường dân trú ẩn, và nói rằng những công trình này là một phần của “danh sách dài các cuộc tấn công nhằm vào các địa điểm dân sự, không phải quân sự, trên khắp Ukraine”.

    Công dân Mỹ thiệt mạng ở Ukraine

    Một công dân Hoa Kỳ đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine, một quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ xác nhận hôm 17/03.

    “Tôi có thể xác nhận rằng một công dân Mỹ đã thiệt mạng. Tôi không có bất kỳ thông tin chi tiết nào cho quý vị ngoài điều đó,” Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ở Hoa Thịnh Đốn.

    Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với các hãng thông tấn rằng: “Chúng tôi xin gửi lời chia buồn chân thành nhất tới gia đình về sự mất mát của họ. Để tỏ lòng kính trọng đối với gia đình trong thời gian khó khăn này, chúng tôi không có bình luận gì thêm.”

    Đầu ngày thứ Năm, giới chức ở Chernihiv, một thành phố phía bắc Ukraine, cho biết trên phương tiện truyền thông xã hội rằng một công dân Hoa Kỳ nằm trong số người thiệt mạng do các cuộc tấn công bằng pháo binh của Nga “nhằm vào dân thường không có vũ khí.”

    Không có nhận xét nào