Bình luận của TS. Đinh Hoàng Thắng
Cuộc họp ngoại trưởng các nước ASEAN ở Phnom Penh, Campuchia hôm 17/2/2022
AFP
Đến nay chưa có thông tin chính thức về việc ASEAN dời cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo các nước trong khối với Tổng thống Mỹ Joe Biden cho tới lúc nào. Trong khi sức ép về an ninh quốc tế ở cả trời Á lẫn trời Âu, dưới hiệu ứng của cuộc chiến tranh tàn khốc đang diễn ra ở Ukraine, ngày một gia tăng.
Tuyên bố dưới cái bóng Trung Quốc
Không theo thuyết âm mưu, nhưng nên nhìn nhận khách quan và tìm hiểu xem tại sao Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt lần thứ 10 giữa ASEAN với Hoa kỳ bị trì hoãn? Cho đến nay, ít người biết được nguyên nhân đích thực và các bên vẫn chưa tìm được thời điểm thích hợp để nhóm họp. Chừng nào là trách nhiệm của Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Campuchia Hun Sen? Chừng nào là do các yếu tố khách quan? Hội nghị bị đình hoãn, dường như bản thân Hun Sen cũng sốt ruột. Ông tuyên bố, với tư cách Chủ tịch Hiệp hội, ông sẵn sàng chấp thuận bất cứ thời điểm nào, ngoại trừ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 là thời gian bầu cử chính quyền địa phương ở đất nước Chùa Tháp. Sau cuộc hiệp thương không thành, dư luận vẫn khẳng định, Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác giữa Mỹ và Hiệp hội quá quan trọng để có thể lùi lâu hơn nữa. Chính sự hối thúc từ tất cả các bên đòi hỏi phải đi đến thoả thuận. Cấp cao cho thấy nhiều ý nghĩa đặc biệt, từ cấp độ song phương lẫn đa phương của Hội nghị lần thứ 10 này. (1)
Hãy đọc nhà báo Joaquin Nguyễn Hoà từ San Jose, Hoa Kỳ, viết trên BBC: “Một nguồn tin từ Việt Nam cho tôi biết, ông Hun Sen nói về việc hoãn Cấp cao khi cắt băng khánh thành một bệnh viện do Trung Quốc tài trợ. Trước khi có lời xác nhận của Campuchia một ngày, vào hôm 8/3/2022, nhà phân tích thời sự quốc tế người Thái Lan, Kavi Chongkittavorn có viết một bài trên tờ Bangkok Post về khả năng các quốc gia Hồi giáo của ASEAN là Indonesia, Malaysia và Brunei sẽ không dự được Thượng đỉnh, vì bận rộn cho tháng chay Ramadan của người Hồi giáo. Nhưng thực ra, tháng chay Ramadan năm nay không rơi vào hai ngày họp dự định, vì năm 2022 này, Ramadan bắt đầu vào đầu tháng 4” (2). Theo bỉnh bút Kavi Chongkittavorn, các quốc gia ASEAN khá bực bội về quan hệ với Hoa Kỳ từ thời tổng thống Donald Trump cho tới nay. Ông Trump thì lơ là quan hệ với ASEAN, còn cuộc họp trực tuyến với ASEAN được chính quyền của ông Joseph Biden dự định sau khi cầm quyền lại bị hủy bỏ, vì trục trặc kỹ thuật.
Vẫn theo Kavi Chongkittavorn, lời hứa hẹn của Washington về cuộc gặp thượng đỉnh cứ bị Mỹ dời, và cuối cùng được đưa ra một cách đơn phương. Nhưng theo nhà báo Sebastian Strangio của tờ The Diplomat, dẫn một nguồn tin ngoại giao từ Washington DC, viết vào ngày 10/3/2022 rằng, chắc chắn có đến bảy quốc gia nói sẽ tham dự Thượng đỉnh vào hai ngày 28 và 29 tháng 3, một nước nữa nhiều khả năng sẽ tham dự, còn Thái Lan thì chắc chắn bận vào hai ngày đó. Myanmar bị loại vì cuộc đảo chánh quân sự lật đổ chính quyền dân sự hồi năm ngoái. Trình tự những diễn biến nói trên dẫn tới suy diễn rằng, có phải Campuchia, muốn lợi dụng tư cách Chủ tịch luân phiên của ASEAN để trì hoãn, thậm chí hủy bỏ cuộc gặp Thượng đỉnh hay không? Điều này, theo giới phân tích, có cơ sở hơn khi Campuchia là nước ngày càng gắn bó với Trung Quốc về kinh tế và quân sự, mà Trung Quốc thì không muốn Mỹ phát triển quan hệ chặt chẽ hơn nữa với ASEAN (3).
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc hôm 26/10/2021. AFP
Đừng hỏi “chuông nguyện hồn ai”?
So với Hội nghị Cấp cao 30 năm thiết lập quan hệ đối tác Trung Quốc – ASEAN năm ngoái (20/11/2021), sức ép về môi trường an ninh quốc tế năm nay căng thẳng gấp bội lần. Hơn ai hết, đã đến lúc ASEAN cần xem xét lại môi trường an ninh khu vực dưới hiệu ứng từ cuộc chiến tranh của Putin ở trời Âu. Đúng như lời suy niệm từ tiểu thuyết kinh điển nổi tiếng, không quốc gia nào trên hành tinh này là một hòn đảo cô độc, mỗi chúng ta đều là một mảnh của đại lục, một phần của đất liền. Sự tàn lụi của bất cứ quốc gia nào do chiến tranh sẽ làm bản thân chúng ta bị tổn thương, bởi vì chúng ta là một thể thống nhất với toàn nhân loại. Với cuộc chiến hiện nay ở Ukraine lại càng như thế. Khi sinh mệnh từ cả hai phía bị cướp đi theo các con số thống kê khủng khiếp tuy chưa kiểm chứng được trong những ngày này, đừng bao giờ hỏi “chuông nguyện hồn ai?” Chuông nguyện chính hồn bạn đấy.
Hiển nhiên, các thành viên của Hiệp hội thấu cảm được sức ép về thời gian diễn ra cuộc xâm lăng của Tổng thống Putin đối với Ukraine, dù muốn hoặc không, sẽ bao phủ những ngày họp Cấp cao. Lập trường của 10 thành viên ASEAN vốn đang bị chia rẽ và phức tạp không kém sự phức tạp và chia rẽ của cuộc xung đột vũ trang lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ Hai đến nay. Ngay tại thời điểm nổ ra chiến tranh, Ngoại trưởng 10 nước ASEAN đã ra tuyên bố kêu gọi tiến hành đối thoại giữa các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện kiềm chế tối đa và nỗ lực hết sức để theo đuổi đối thoại thông qua tất cả các kênh, bao gồm cả các biện pháp ngoại giao, nhằm kiềm chế tình hình. Chúng tôi tin rằng vẫn còn nhiều khả năng cho một cuộc đối thoại hòa bình để ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát” (4).
Vào đầu tháng 2 năm nay, Hoa Kỳ đưa ra một cách chính thức chiến lược mới của mình ở vùng Ấn Thái Dương (IPS mới), trong đó đề cao vai trò của ASEAN, cũng như hai quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Việt Nam, mặc dù hai nước này không có hiệp ước liên minh với Mỹ. Sau một khởi đầu chậm chạp trong những tháng đầu cầm quyền của nội các Biden, kể từ giữa năm 2021, Mỹ đã cử một số quan chức cấp cao thực hiện các chuyến công du khu vực, bao gồm Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman và Daniel Kritenbrink, nhà ngoại giao hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Chuyến thăm gần đây nhất của các quan chức Mỹ tới khu vực này là vào tháng 12/2021, khi Ngoại trưởng Antony Blinken thăm Malaysia, Thái Lan và Indonesia, và trong chuyến thăm này ông đã nói rằng ASEAN là một tổ chức “thiết yếu đối với cấu trúc khu vực Ấn Thái Dương” (5).
Việt Nam ngày càng không có đất lùi
Hôm 2/3/2022, Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang đã có bài diễn văn gây chú ý, khi ông nhấn mạnh: “Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này.” Tưởng rằng với phát biểu mạnh mẽ như vậy, Việt Nam sẽ có thái độ dứt khoát hơn tại ĐHĐ/LHQ. Thế nhưng trong cuộc biểu quyết ngày 2/3 về nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt chiến tranh và rút quân khỏi Ukraina ngay lập tức, Việt Nam lại nằm trong số các quốc gia bỏ phiếu trắng! Sẽ còn tốn nhiều giấy mực để giải mã tại sao Hà Nội vẫn tránh lên án nước Nga của Putin về cuộc xâm lược Ukraina. (6)
Về nhận thức, một bộ phận xã hội hiểu rằng, Ukraine chiến đấu chống xâm lăng của Nga cũng là chiến đấu cho cả Việt Nam. Mặc dầu đối với Putin xâm lược Ukraine, Chính phủ Việt Nam tỏ thái độ “nước đôi”. Tuy phát biểu rằng “các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế”, nhưng do bị ràng buộc bởi cả lịch sử lẫn hiện tại, nên cho đến nay, Việt Nam vẫn không thể tuyên bố, đó là cuộc chiến tranh xâm lược (7). Mới đây, chúng ta chứng kiến một đêm lịch sử tại Versailles. Sau năm giờ thảo luận sôi nổi đêm 11/3, lãnh đạo EU nhất trí với việc gia nhập khối của Ukraine. Điều này có ý nghĩa rất lớn. Một điều khoản trong hiệp ước EU nêu rõ nếu một thành viên trở thành nạn nhân của hành động gây hấn có vũ trang, các quốc gia khác trong EU có nghĩa vụ viện trợ và hỗ trợ bằng mọi cách trong khả năng của họ. Trước đó, các đại sứ EU, Na Uy, Thụy Sĩ, và Anh tại Hà Nội cùng kêu gọi Việt Nam hãy theo lập trường ủng hộ Ukraine. Trang mạng của EU tại Việt Nam vào ngày 8/3 đăng bài viết chung do các vị đại sứ cùng ký tên. Bài báo nhắc lại việc Việt Nam không nằm trong nhóm 141 nước bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết của LHQ, mặc dù trong phát biểu tại Đại hội đồng trước đó, Việt Nam đã nêu lập trường phản đối chiến tranh và kêu gọi các bên tôn trọng chủ quyền của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế. (8)
Cuộc gặp Phạm Minh Chính – Biden (đã có thảo thuận riêng với Mỹ) sẽ được đón đợi ở Việt Nam. Theo một khảo luận mới nhất trên “The National Interest” ngày 4/3/2022, chính Trung Quốc đã đẩy Việt Nam vào vòng tay Mỹ (China Has Forced Vietnam Into America’s Arms ): “Các hành động của Trung Quốc đang đe dọa quyền tự chủ và lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời khuyến khích thêm chủ nghĩa dân tộc Việt Nam” (9). Những nhân tố khác như tăng trưởng kinh tế, sức mạnh quân sự, vị trí địa-chính trị và thế đứng ngoại giao của đất nước khiến Việt Nam trở thành nhân tố được đánh giá cao trong cuộc cạnh tranh các cường quốc đang nổi lên tại khu vực Indo-Pacific. Đặc biệt, vai trò kinh tế và an ninh ngày càng lớn của Mỹ. Việt Nam càng không có đất lùi khi Trung Quốc tiến hành 51 cuộc tập trận trong một năm trên Biển Đông. Giá trị “đồng minh kinh tế” cũng như các giá trị kết nối Ấn Thái Dương (IPS mới) hy vọng đủ để hoá giải những thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt. “Lòng Dân” Việt Nam thì đã quá rõ, đến hơn 90% người dân Việt Nam thích kết nối với người Mỹ. Vấn đề là “ý Đảng” trong trường hợp này như thế nào? (10)
Không có nhận xét nào