Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam: Cần có nghiệp đoàn độc lập cạnh Công đoàn của nhà nước Việt Nam



    Nguồn hình ảnh, AFP via Getty Images/ Chụp lại hình ảnh,

    Công nhân làm việc trong một dây chuyền sản xuất tại Công ty May 10 ở ngoại thành Hà Nội.

    Nghiệp đoàn còn gọi là công đoàn hay liên đoàn lao động, là hiệp hội của những người làm công ăn lương. Trong bài sẽ dùng từ nghiệp đoàn, để tránh nhầm lẫn với Công đoàn Việt Nam (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thường được gọi tắt là Công đoàn.

    Theo tờ Tuổi Trẻ, ngày 16/02/2022, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh ký công văn nêu nhiều giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Công văn tỏ ý lo ngại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã xảy ra một số vụ ngừng việc tập thể có yếu tố tiềm ẩn, nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tại nhiều tỉnh, thành phố.

    Báo chí VN gọi một số vụ là "ngừng việc tập thể" để tránh gọi là "đình công" nhưng ta không thể né tránh vấn đề thực chất là gì.

    Nguyên nhân đình công

    Để duy trì liên tục hoạt động của một công ty, mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động là điều cần thiết. Tiếc thay, mối quan hệ không phải lúc nào cũng diễn ra như mong đợi. Tuy nhiên đình công không phải là lựa chọn đầu tiên trong việc giải quyết các vấn đề, vì đình công có ảnh hưởng tới nền kinh tế từ trong phạm vi cấp thành phố, rồi lan tới cấp tỉnh và/hoặc rộng ra toàn quốc.

    Bình thường trước khi đình công xảy ra, các bên phải thương lượng để mong đạt được thỏa thuận. Chỉ khi nào mọi nỗ lực thương lượng không thành công thì đình công mới là một chọn lựa. Trong trường hợp này có thể nói đình công là biện pháp chẳng đặng đừng trong việc giải quyết tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động.

    Làm sao để mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động được hài hoà, là chức năng chính của nghiệp đoàn, từ công việc tìm hiểu nhu cầu của người lao động đến khéo léo bàn thảo với người sử dụng lao động để tìm giải pháp, tránh cho người lao động cảm tưởng bị o ép đưa tới sự đối đầu căng thẳng, tới mức độ phải chọn lựa "biện pháp chẳng đặng đừng".

    Khi trong một nước có những cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra thì điều quan trọng là phải xét lại khả năng và tinh thần trách nhiệm của nghiệp đoàn.

    Tôi xin điểm ra một số chức năng quan trọng nhất của nghiệp đoàn theo tiêu chuẩn quốc tế:

    Tăng cường sự hợp tác và phúc lợi giữa người lao động với nhau

    Đảm bảo cơ sở vật chất nơi làm việc thích hợp cho người lao động

    Thiết lập mối liên hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động

    Nghiệp đoàn hoạt động giúp sự tiến bộ của người lao động

    Bảo vệ lợi ích của người lao động

    Cung cấp phúc lợi cho người lao động.


    Nguồn hình ảnh, AFP via Getty Images/Chụp lại hình ảnh,

    Công nhân (phải) đang tổ chức một cuộc đối thoại đình công với ban quản lý (trái) tại một công ty nước ngoài ở tỉnh Bình Dương, tháng 1/2006 (Ảnh minh họa)

    Tăng cường hợp tác và phúc lợi trong tâp thể người lao động

    Nền công nghiệp hiện đại rất phức tạp và đòi hỏi sự chuyên môn hóa trong các công việc. Điều này dẫn đến sự phân công lao động cực đoan, dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân và sự phát triển của các mối quan hệ phi cá nhân và nặng hình thức: mất đi mối ràng buộc thống nhất giữa những người lao động.

    Chính trong bối cảnh này, nghiệp đoàn phải có mặt để phát huy tính thân thiện, đoàn kết trong tập thể người lao động. Bên cạnh đó, nghiệp đoàn cũng phải tìm hiểu cặn kẽ về những vấn đề chung, liên quan đến tất cả mọi người lao động.

    Nghiệp đoàn phải là một nền tảng nơi những người lao động đến với nhau và quen biết nhau, do đó nghiệp đoàn có cả bổn phận cung cấp một số hình thức giải trí và thư giãn cho người lao động.

    Đảm bảo cơ sở vật chất nơi làm việc phải thích hợp cho người lao động

    Hầu hết các nhà công nghiệp không quan tâm nhiều đến việc cung cấp các phương tiện và điều kiện làm việc thích hợp cho người lao động. Họ quan tâm hơn đến việc hoàn thành công việc tới mức tối đa.

    Trong trường hợp đó, nghiệp đoàn phải thay mặt người lao động đấu tranh đòi hỏi ban quản lý phải cung cấp cơ sở vật chất cần thiết.

    Thiết lập mối liên hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động

    Trong thời đại hiện nay, có rất nhiều ngành công nghiệp đã phát triển thành những "gã khổng lồ". Một đơn vị trong một công ty có thể sử dụng hàng trăm nhân viên khiến cho một công nhân hoặc nhân viên thường không có cơ hội gặp người quản lý của họ.

    Trước tình trạng đó, người lao động không có cơ hội bày tỏ sự bất bình với người sử dụng lao động, thậm chí ban lãnh đạo cũng không biết đến những khó khăn mà người lao động gặp phải.

    Nghiệp đoàn có vai trò quan trọng trong việc thông báo cho người sử dụng lao động về những khó khăn, bất bình của người lao động. Nghiệp đoàn phải cố gắng sắp xếp các cuộc gặp mặt trực tiếp để thiết lập mối liên hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.

    Ngiệp đoàn hoạt động để đẩy mạnh sự tiến bộ của người lao động

    Nghiệp đoàn phải cố gắng cải thiện điều kiện kinh tế của người lao động bằng cách tìm hiểu nhu cầu và nguyện vọng của họ, cũng như đại diện họ giải quyết vấn đề với người sử dụng lao động và cố gắng đạt được lợi ích thỏa đáng cho người lao động.

    Bảo vệ lợi ích của người lao động

    Hầu hết các ngành công nghiệp đều cố gắng khai thác tối đa người lao động.

    Họ né tránh cung cấp những quyền lợi như tăng lương, cấp giấy nghỉ ốm đau, bồi thường trong trường hợp tai nạn, hoặc người lao động không được hưởng hợp đồng dài hạn ngay cả sau nhiều năm làm việc và trong một số trường hợp, họ còn bị đuổi việc ngay lập tức, không lý do chính đáng.

    Trong những tình huống này nghiệp đoàn có bổn phận có mặt để bảo vệ người lao động.

    Cung cấp phúc lợi lao động

    Điều kiện kinh tế của người lao động tại các nước nghèo (như Việt Nam) rất kém, mức sống rất thấp. Phần lớn người lao động mù chữ hoặc chỉ biết tối thiểu.

    Nghiệp đoàn có trách nhiệm phải thu xếp nhà ở thích hợp và phát huy lợi ích kinh tế - xã hội của Người lao động. Nghiệp đoàn cũng mang trách nhiệm bố trí cơ sở vật chất giáo dục cho con em người lao động...

    Điều gì tạo nên một Nghiệp đoàn tốt?

    Điều quan trọng nhất cần ở nghiệp đoàn là chính người lao động phải là nghiệp đoàn. Một Nghiệp đoàn chỉ vững mạnh, hiệu quả và quyền lực khi chính người lao động là các thành viên có quyền tham gia tích cực vào hoạt động của nó.

    Để thực hiện quyền đó một cách tốt nhất người lao động cần được thông tin đầy đủ, để tích cực đóng góp hiểu biết và hành động vào nghiệp đoàn của họ.

    Những cuộc đình công tự phát từ sau Tết Nhâm Dần

    Cho tới nay, 28 cuộc tranh chấp lao động, "ngừng việc tập thể", đã xảy ra tại 12 tỉnh thành, chủ yếu xoay quanh các yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng chế độ hỗ trợ độc hại, phụ cấp thâm niên, hỗ trợ người lao động mắc Covid-19, thái độ của một số quản lý người nước ngoài không đúng mực với người lao động…

    Đó là những vấn đề tiêu biểu đáng lý phải được giải quyết ngay khi phát sinh bằng một cơ chế giải quyết công bằng, minh bạch và nhanh chóng.

    Tại Việt Nam, Công đoàn Việt Nam (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), là đại diện duy nhất của người lao động. Câu hỏi đặt ra là tại sao biện pháp bất đắc dĩ "ngừng việc tập thể" lại xảy ra liên tiếp và không những thế, không có lần nào trong số 28 cuộc đình công là do Công đoàn Việt Nam tổ chức và hướng dẫn?

    Phải chăng người lao động đã đình công mà không tham khảo ý kiến của Công đoàn vì Công đoàn không có mặt thường trực trong đời sống công nhân của họ, hay vì họ cho rằng:

    - Công đoàn không đủ mạnh để truyền đạt tiếng nói của họ đến người sử dụng lao động một cách có kết quả?

    - Công đoàn không độc lập với người sử dụng lao động để có thể đạt được mục tiêu tối cao là đại diện cho quyền và lợi ích của người lao động?

    - Nhân viên của Công đoàn không phải là người lao động nên không có cùng nhu cầu với họ?

    - Công đoàn chưa bao giờ thể hiện vai trò lãnh đạo như tích cực thương lượng những thoả ước tập thể thực chất về lương và lợi ích có thể cao hơn quy định trong Luật Lao động cho người lao động?

    Đình công làm gián đoạn hoạt động, gây tổn thất vật chất và làm tổn thương mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động (Ảnh minh họa)

    Chức năng của Công đoàn không phải chỉ là để "đối phó" khi xảy ra chuyện

    Công văn của Phó Chủ tịch Phan Văn Anh nhấn mạnh: "...Công đoàn các cấp cần tăng cường tuyên truyền, tư vấn để người lao động và doanh nghiệp chia sẻ, đồng hành vượt qua khó khăn; chăm lo, nâng cao việc làm, đời sống, thu nhập của công nhân lao động… Với các địa phương, đơn vị đông người lao động, doanh nghiệp, công đoàn các cấp phải chủ động nắm thông tin, số lượng, địa chỉ, tình hình sản xuất, kinh doanh, thực hiện chế độ, các vấn đề bức xúc, khó khăn chung của người lao động…"

    Đó phải là những công việc chính, hàng ngày, của Công đoàn. Công đoàn được nhận toàn bộ đoàn phí cũng như kinh phí công đoàn từ người lao động và doanh nghiệp để làm những việc đó.

    Sáu chức năng của nghiệp đoàn như đã nêu ở trên, có tính cách xây dựng và phòng ngừa, không phải vỏn vẹn chỉ là đối phó khi đã xảy ra chuyện như hiện nay.

    Dù những cuộc đình công vừa qua đã được giải quyết bằng cách đôi bên, người lao động và người sử dụng lao động chấp nhận mỗi bên lui một chút, nhưng người lao động Việt Nam vẫn cần thoát khỏi tình trạng kiệt quệ, không đủ sống đang lan rộng hiện nay. Sức người có hạn, nếu không được giải quyết tận gốc thì những cuộc đình công sẽ còn tiếp tục nổ ra.

    Đình công, dù có hay không theo các quy định pháp luật đều làm gián đoạn hoạt động, gây tổn thất vật chất và làm tổn thương mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Năng xuất lao động sẽ bị suy giảm và phải mất nhiều thời gian mới khôi phục lại được.

    Việt Nam cần có nghiệp đoàn độc lập bên cạnh Công đoàn Việt Nam

    Giải pháp để hạn chế nguy cơ xảy ra đình công không phải là tạo luật để o ép người lao động mà là xây dựng một hệ thống làm việc có thông tin giao tiếp hai chiều và thường xuyên giữa người lao động và người sử dụng lao động.

    Người lao động cần được tự do đại diện cho chính họ để trình bày đầy đủ những nhu cầu của mình, và đạt được những quyền lợi đúng theo tiêu chuẩn quốc tế, khi nền kinh tế Việt Nam đang muốn tăng trưởng bền vững để sánh bước với nền kinh tế toàn cầu.

    Việt Nam cần có những nghiệp đoàn độc lập bên cạnh Công đoàn Việt Nam để tăng cường đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Những nghiệp đoàn độc lập không phải là kẻ thù hay mối nguy cho Công đoàn mà là thành phần bổ túc quan trọng để góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

    Không có nhận xét nào