Theo như từ năm 2010-2020, Trung Quốc đã xuất khẩu gần 16,6 tỉ TIV vũ khí thông thường trên toàn cầu, trung bình 1,5 tỉ TIV mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2020, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm chỉ còn 759 triệu TIV – mức thấp nhất kể từ năm 2008, khiến chuyên gia cho rằng vấn đề lớn nhất với tất cả các loại vũ khí của Trung Quốc, kể cả những bản sao của thiết bị phương Tây là chúng vẫn chưa được thử nghiệm trong chiến đấu.
Bất chấp các tuyên bố rất kêu của Trung Quốc, các chuyên gia nghi ngờ về chất lượng của các loại vũ khí Trung Quốc khi thị phần xuất khẩu vũ khí của nước này trên thị trường toàn cầu giảm.
Bên cạnh những chi phí ẩn, gồm cả những chi phí chính trị, vũ khí Trung Quốc dường như đang mất đi sức hút khi phần lớn chúng chưa được thử nghiệm trong thực chiến, không như những hệ thống của phương Tây vốn đã được chứng minh giá trị trên chiến trường.
UAV CH-4 của Trung Quốc. Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới, sau Mỹ, Nga và Pháp. Cách đây không lâu, Trung Quốc mang về tầm 3 tỉ USD- 4 tỉ USD mỗi năm từ việc xuất khẩu vũ khí, nhưng con số này đang giảm dần.
Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc
SIPRI có một hệ thống đo lường xuất khẩu vũ khí duy nhất theo nghĩa TIV (giá trị chỉ báo xu hướng) vốn không trực tiếp đo lường giá trị tài chính của một thương vụ vũ khí bằng một đơn vị tiền tệ cụ thể, mà thay vào đó là cho phép so sánh giữa các quốc gia với nhau và theo dòng thời gian.
Theo đó, từ năm 2010-2020, Trung Quốc đã xuất khẩu gần 16,6 tỉ TIV vũ khí thông thường trên toàn cầu, trung bình 1,5 tỉ TIV mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2020, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm chỉ còn 759 triệu TIV – mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Theo SIPRI, các doanh số bán vũ khí của Trung Quốc trong giai đoạn năm 2016-2020 thấp hơn 7,8% so với giai đoạn năm năm trước đó. Về thị phần, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm từ 5,6% xuống còn 5,2%.
Dĩ nhiên, có thể lập luận rằng sự tụt hạng nghiêm trọng trong xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc có thể được nhìn nhận trong bối cảnh xuất khẩu vũ khí trên toàn cầu giảm 16%, do đó, nguyên nhân có thể được cho là do ảnh hưởng của COVID-19.
Tuy nhiên, điều đó không giải thích tại sao Trung Quốc, bất chấp không ngừng tuyên bố chế tạo ra tên lửa mới, chiến cơ mới, tàu ngầm mới, tàu chiến mới mạnh mẽ và chất lượng, nhưng vẫn lép vế so với Nga và Mỹ.
Mỹ được cho đã xuất khẩu 105 tỉ TIV vũ khí từ năm 2010-2020, gấp sáu lần Trung Quốc. Còn Nga đã xuất khẩu 70,5 tỉ TIV, gấp bốn lần Trung Quốc.
Vũ khí Trung Quốc chảy về đâu?
Tuy vậy, trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí, Trung Quốc dường như làm tốt hơn các đối thủ cạnh tranh của mình, đó là ở lĩnh vực sản xuất máy bay không người lái (UAV) vũ trang. Những khách hàng chính của Trung Quốc trong lĩnh vực này có thể kể đến Myanmar, Iraq, Pakistan, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Tiêm kích JF-17 Block III được trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn PL-10. Ảnh: TWITTER
Tuy nhiên, điều đó làm mất cân đối thị trường khi khách hàng và cũng là thị phần lớn nhất của Trung Quốc – chiếm gần 80% - là đến từ một số quốc gia thuộc châu Á. Bên cạnh 17% chảy vào châu Phi thì 3% còn lại được bán cho các khu vực khác của thế giới. Và trong số 80% doanh số bán vũ khí thông thường của Trung Quốc từ năm 2010, có tới 63,4% là đến từ Pakistan, Bangladesh và Myanmar.
Pakistan là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Trung Quốc. Từ năm 2010, doanh số bán vũ khí cho Pakistan trung bình đạt 586,9 triệu TIV mỗi năm. Và những điều này bao gồm hợp tác trong sản xuất máy bay JF-17 và tàu hộ vệ Type 054AP.
Từ năm 2010-2020, Trung Quốc đã cung cấp 2,6 tỉ TIV vũ khí cho Bangladesh, chiếm 73,6% mua sắm vũ khí từ nước ngoài của quốc gia này trong giai đoạn đó. Điều này khiến Trung Quốc trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Bangladesh.
Trung Quốc đã hỗ trợ các hoạt động mua sắm này thông qua các khoản cho vay hào phóng và giá cả cạnh tranh, bao gồm cả chiết khấu (năm 2013, Trung Quốc chuyển giao hai tàu ngầm lớp Ming Type-035G Ming đã qua sử dụng cho Bangladesh với chỉ hơn 100 triệu USD/chiếc). Từ năm 2006, Trung Quốc còn cung cấp cho Bangladesh lượng lớn vũ khí cỡ nhỏ, tổng cộng hơn 16.000 súng trường và 4.100 súng lục.
Myanmar là thị trường lớn thứ ba của xuất khẩu vũ khí Trung Quốc tại châu Á. Từ năm 2013, Myanmar đã nhập khẩu 970 triệu TIV vũ khí thông thường từ Trung Quốc, chẳng hạn như 17 tiêm kích JF-17, 12 UAV Rainbow, 2 máy bay vận tải Y-8, 2 tàu hộ vệ Type-43 và 76 xe bọc thép Type-92.
Giá rẻ lơn, phương thức thanh toán linh hoạt
Rõ ràng là có nhiều yếu tố chính trị cũng như kinh tế đứng đằng sau những quốc gia chuộng vũ khí Trung Quốc. Nhiều trong số những quốc gia kể trên có quan hệ rắc rối với các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu của phương Tây như Mỹ, Pháp hay Đức. Họ không chỉ thấy vũ khí Trung Quốc rẻ hơn mà còn nhận được các ưu đãi khác như quà tặng, tín dụng và các phương thức thanh toán linh hoạt.
Tiêm kích FC-31 của Trung Quốc được cho là bản sao của tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Ảnh: THE EURASIAN TIMES
Vũ khí Trung Quốc cũng có xu hướng dễ sử dụng hơn và giám sát ít bị khắt khe so với vũ khí của các đối thủ cạnh tranh. Đây là những lợi thế mà ngay cả Nga – nước xuất khẩu vũ khí lớn không thể có được.
Thiết kế ngược và sao chép
Mặc dù tích lũy được nhiều vũ khí hiện đại hơn trong những năm gần đây nhưng Trung Quốc vẫn có một lượng lớn thiết bị cũ kỹ và lỗi thời vốn sử dụng công nghệ từ thời Liên Xô. Ngay cả một số hệ thống vũ khí hiện đại của Trung Quốc cũng dựa trên việc tái cấu trúc các sản phẩm của những đối thủ cạnh tranh. Vì vậy cũng dễ hiểu khi nhiều người cho rằng quân đội Trung Quốc được xây dựng bằng vũ khí nhân bản.
Cách tiếp cận này cho phép Trung Quốc duy trì khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới, đồng thời còn tiết kiệm được thời gian và tiền bạc vốn sẽ dùng để phát triển các sản phẩm của riêng nước này.
Trung Quốc có các phiên bản tiêm kích rất giống các tiêm kích hiện đại của Mỹ như F-35 Joint Strike Fighter của Lockheed Martin, X-47B của Northrop Grumman, trong đó tiêm kích Shenyang J-31 (FC-31) giống hệt F-35.
Một số công nghệ được sử dụng trong thiết kế được cho là có được thông qua chiến dịch gián điệp mạng mạnh mẽ của Trung Quốc. Giới chức quốc phòng Mỹ còn nghi ngờ rằng Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ kỹ thuật có giá trị bằng cách tiến hành các thỏa thuận bí mật với các đồng minh của Mỹ - những nước đã mua vũ khí Mỹ. Đây được cho là lý do Mỹ quyết định không bán tiêm kích tàng hình F-22 Raptor.
Tiêm kích Shenyang J-11 của Trung Quốc. Ảnh: THE EURASIAN TIMES
Trong “trò chơi nhân bản” này, Trung Quốc cũng không chừa Nga ra. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga cần tiền và tổ chức bán tiêm kích tiên tiến Su-27. Giới phân tích cho biết Trung Quốc đã mua 24 tiêm kích loại này và sau đó đàm phán để xin giấy phép lắp ráp thêm máy bay trong nước sử dụng các linh kiện nhập khẩu từ Nga.
Trong vòng vài năm, Trung Quốc tuyên bố tiêm kích Su-27 không còn đáp ứng được nhu cầu của nước này và đã hủy hợp đồng. Trước sự giận dữ của người Nga, Trung Quốc sớm trình làng tiêm kích Shenyang J-11B được chế tạo và trang bị trong nước. Mẫu tiêm kích này trông giống hệt Su-27.
Nói cách khác, khi Nga sử dụng tiền của Trung Quốc từ việc bán vũ khí để phát triển công nghệ mới thì Trung Quốc đã đi trước bằng cách đánh cắp công nghệ của Nga. Trung Quốc đã tái cấu trúc các vũ khí Nga để chế tạo thành những phiên bản của chính nước này.
Dù vậy, những vũ khí nhân bản có hiệu quả như những vũ khí thực thụ?
“Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất với tất cả các loại vũ khí của Trung Quốc, kể cả những bản sao của thiết bị phương Tây là chúng vẫn chưa được thử nghiệm trong chiến đấu” –nhà phân tích hải quân Eric Wertheim nhận định.
“Chúng ta không biết chúng sẽ hoạt động thế nào, vì vậy trong khi chúng rẻ hơn nhiều so với các vũ khí phương Tây, có thể hiểu được là nhiều quốc gia miễn cưỡng chấp nhận rủi ro mua các sản phẩm chưa vượt qua thử nghiệm chiến đấu cuối cùng” – ông Wertheim nói.
Theo chuyên gia Wertheim, nhiều vũ khí của Trung Quốc hoạt động kém hơn đáng kể so với các vũ khí phương Tây.
Không có nhận xét nào