Header Ads

  • Breaking News

    Ts. Phạm Đình Bá - Hoan hô bạn đình công vì mức lương tối thiểu quá thấp



    Lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory, huyện Diễn Châu, Nghệ An đối thoại với công nhân sau ba ngày xảy ra sự việc hơn 5,000 công nhân nghỉ việc – Ảnh: Tuổi Trẻ


    Gần đây có những vụ đình công đòi tăng lương. Từ ngày 7/2/2022 đến ngày 11/2, 5000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory ở huyện Diễn Châu, Nghệ An đình công đòi tăng lương cơ bản, bổ sung phụ cấp thâm niên, đảm bảo các chế độ hỗ trợ và tôn trọng người lao động.[1] Ngày 14/2, hơn 5.000 công nhân Công ty TNHH Vienergy (địa chỉ tại Khu công nghiệp Phúc Sơn, TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đã đi làm trở lại sau nhiều ngày đình công đòi tăng lương.[2] Công ty TNHH Vienergy đã đồng ý tăng 6% lương cho công nhân - mức lương thử việc tăng từ 3.920.000 đồng lên 4.150.000 đồng, và lương chính thức tăng từ 4.194.400 đồng lên 4.440.000 đồng.

    Trên VNTB, T.K.Tran phân tích các vụ đình công trên. T.K. kết luận là tiền lương tối thiểu quá thấp là nguyên nhân chính của đình công. Theo T.K., hội đồng tiền lương của Nhà nước nên ấn định lại mức lương tối thiểu Vùng, nên nâng cao mức lương tối thiểu đến mức công nhân có thể duy trì cuộc sống. Điều nầy rất quan trọng bởi các doanh nghiệp dựa vào mức lương tối thiểu để trả lương cho công nhân.[3] Trong trường hợp Vietglory, chủ nhân đã nói là họ không làm gì sai vì đã theo đúng pháp luật VN, trả lương cơ bản còn cao hơn mức luật ấn định.

    Tôi tìm các dữ liệu liên hệ. Mức lương tối thiểu ở các nước ASEAN đang tăng dần để phù hợp với mức tăng chi phí sinh hoạt của khu vực và thúc đẩy nhu cầu trong nước.[4] Tuy nhiên, do đại dịch, nhiều nước ASEAN đã không tăng lương tối thiểu hoặc tăng không đáng kể. Bất chấp việc tăng lương, mức lương tối thiểu ở đa số các nước ASEAN vẫn nằm trong nhóm thấp nhất ở châu Á.

    Việt Nam - Mức lương tối thiểu hàng tháng là kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2020, không thay đổi cho năm 2021.[4] Ở, khu vực I (Hà Nội và Sài Gòn), mức lương tối thiểu hàng tháng là 4.200.000 đồng (181 USD) trong khi khu vực IV thấp nhất với 3.070.000 đồng (132 USD).

    Mã Lai - Mức lương tối thiểu hàng tháng năm 2020 đã tiếp tục đến năm 2021, mặc dù chính phủ sẽ tiến hành xem xét để đảm bảo thu nhập vẫn phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại.[4] Mức lương tối thiểu hàng tháng ở 56 thành phố lớn là 1.200 ringgit (291 USD, so sánh với 181 USD ở VN), trong khi mức lương tối thiểu ở các khu vực ngoài thành thị và thị trấn nông thôn là 1.100 ringgit (266 USD, so với 132 USD ở VN).

    Nam Dương - Bộ Nhân lực Indonesia đã ban hành thông tư vào cuối tháng 10 năm 2020, trong đó khuyến cáo rằng do tác động kinh tế của đại dịch, các chính phủ khu vực nên giữ mức lương tối thiểu hàng tháng trong đại dịch giống như năm 2020.[4] Trong số 34 tỉnh của Indonesia, chỉ có năm tỉnh quyết định tăng lương tối thiểu cho năm 2021. Mức lương tối thiểu ở Indonesia được yêu cầu thông qua Quy định 78 năm 2015 của Chính phủ, cung cấp công thức cho các chính phủ khu vực để tính toán tỷ lệ phần trăm tăng của mức lương tối thiểu. Từ công thức nầy, người viết bài nầy ước lượng mức lương tối thiểu trung bình hàng tháng là 185 USD, cao nhất là 306 USD và thấp nhất là 122 USD. Ước tính là ở vùng đắt đỏ I, mức lương là từ 209 – 306 USD (so với 181 USD ở VN), vùng đắt đỏ II là 180 – 208 USD, vùng III là 164 – 179 USD, và vùng IV là 122 – 163 USD (so với 132 USD ở VN).

    Philippines - Philippines có mức lương tối thiểu hàng ngày thay đổi theo từng khu vực, dao động từ PHP316 (6,57 USD mỗi ngày, so với 6,34 USD ở VN) đến P537 (11,17 USD, so với 8,69 USD) cho năm 2021.[4] Các con số lương tối thiểu ở VN là do tôi tính để tiện so sánh, giả đính là 150 ngày làm việc trong năm 2021 và 20.83 ngày làm việc mỗi tháng.

    Thái Lan - Mức lương tối thiểu hàng ngày ở Thái Lan dao động từ 313 baht (10,03 USD, so với 6,34 USD ở VN) đến 336 baht (10,77 USD, so với 8,69 USD đô la Mỹ) cho năm 2021.[4]

    Kết luận: Tôi đồng ý với T.K. là Việt Nam nên tăng mức lương tối thiểu để công nhân ta có đời sống bảo đảm như công nhân ở Nam Dương hay Mã Lai. Thực hiện việc nầy có thể làm cho Việt Nam mất đi một phần lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư vào đất nước. Nhưng Việt Nam nên cạnh tranh với các nước khác dựa vào quản trị không tham nhũng, nhân lực trẻ và giáo dục cao, điều kiện làm việc tốt và giá trị đời sống cao.

    Không nên chèn ép công nhân để thu hút đầu tư. Nếu không thì việc công nhân đình công là rất đáng được sự ủng hộ của mọi người và của các nguồn truyền thông xã hội, ví dụ như Việt Nam Thời Báo.

    Tài liệu

    1. Ngọc Tú. CAFEF - 5 ngày nghỉ việc của 5000 công nhân đầu năm mới: "Không tăng lương, chúng tôi không làm" 11-02-2022; Available from: https://cafef.vn/5-ngay-nghi-viec-cua-5000-cong-nhan-dau-nam-moi-khong-tang-luong-chung-toi-khong-lam-20220211161851512.chn.

    2. Minh Hải and K. Hoan. 10.000 công nhân đình công ở Ninh Bình, Nghệ An đã đi làm trở lại 14/02/2022; Available from: https://thanhnien.vn/10-000-cong-nhan-dinh-cong-o-ninh-binh-nghe-an-da-di-lam-tro-lai-post1429363.html.

    3. T.K.Tran. VNTB – Đình công nối tiếp đình công… và vai trò mờ nhạt của Công đoàn. 14/02/2022; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-dinh-cong-noi-tiep-dinh-cong-va-vai-tro-mo-nhat-cua-cong-doan/.

    4. Asianbriefing.com. Minimum Wages in ASEAN for 2021. April 16, 2013; Available from: https://www.aseanbriefing.com/news/minimum-wages-in-asean-for-2021/.

    Không có nhận xét nào