Header Ads

  • Breaking News

    Trịnh Hữu Long - “The mountains sing” hay là một tình tự đẹp về dân tộc

    Câu chuyện của cả dân tộc gói ghém trong bốn thế hệ của một gia đình.

    08/02/2022

    https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/D.jpg

    Ảnh nền: Vietnam Briefing. Bìa sách: Amazon. 

    Tôi dành gần như trọn kỳ nghỉ Tết cho hai việc trọng đại: ngủ và đọc sách. Ngủ thì đã đành, rất Tết. Còn đọc sách thì đọc gì cho nó ra… Tết đây?

    Tôi chợt nhớ tới một cuộc nói chuyện không lâu trước đó với một người bạn. Bạn khen người này người kia viết tiếng Anh hay, rồi hỏi tôi có thấy vậy không. Tôi đành thú thực là tôi đọc tiếng Anh chỉ hiểu chứ không cảm được. Bạn bảo không cảm được là tại tôi không đọc văn học, hay từ chính xác bạn dùng là fiction (hư cấu). Thì quả đúng là tôi toàn đọc sách giáo khoa và sách phi hư cấu. Về khoản này tôi khá giống Đoan Trang.

    Vậy thì kiếm tiểu thuyết tiếng Anh để đọc. Ngay lập tức tôi nghĩ tới cuốn “The mountains sing” của Nguyễn Phan Quế Mai, là tại vì một người bạn khác – một cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam – có giới thiệu cho tôi vài tháng trước. [1] Và thêm một lý do nữa: tiểu thuyết tiếng Anh mà viết về Việt Nam thì tôi còn đoán mò ngữ nghĩa để hiểu được, chứ tiểu thuyết nước ngoài thì đọc từ Tết năm nay tới Tết năm sau chưa chắc đã xong. Vốn từ vựng tiếng Anh của tôi ít khi nào vượt ra ngoài lĩnh vực luật và chính trị.

    “The mountains sing” đi xa hơn mọi kỳ vọng của tôi.

    Đó là cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Việt Nam, viết về Việt Nam, nhưng lại được viết bằng tiếng Anh và cho tới nay vẫn chưa có bản dịch tiếng Việt. Nếu có, bản dịch có lẽ sẽ được đặt tên là “Sơn ca” (lý do vì sao thì mời bạn đọc sách).

    Cả một thế kỷ với bốn thế hệ người Việt Nam trôi qua trong một mạch truyện đầy cuốn hút, rất khó mà dứt ra. Từ ông bà cố họ Trần – những người gây dựng cơ nghiệp ở một làng quê Nghệ An, tới bà ngoại Diệu Lan – nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, tới bà mẹ Ngọc, và cuối cùng là cô gái Hương, tác giả bắt họ mang vác toàn bộ những biến cố lịch sử lớn lao của đất nước trong thế kỷ XX. Những biến cố đó trải dài từ chế độ thực dân Pháp, tới chế độ phát xít Nhật, tới nạn đói năm 45, tới Cải cách Ruộng đất, tới Nhân văn – Giai phẩm, tới Chiến tranh Việt Nam, tới trại cải tạo, và tới cả cuộc khủng hoảng thuyền nhân.

    Xa hơn thế nữa, gia đình họ Trần này còn là hình ảnh thu nhỏ của một đất nước bị giày xéo, bị chia cắt, bị hủy hoại theo đủ mọi cách thức thảm khốc tới mức không thể thảm khốc hơn, nhưng sau cùng và trên tất cả, họ vẫn là một gia đình – một gia đình có bản năng sinh tồn mạnh mẽ và luôn phải bặm môi cắn răng nén chặt nỗi đau để tự khâu sống từng vết thương của mình.

    “The mountains sing” không cho người đọc dừng lại ở nơi chốn nào quá lâu. Nó bắt người ta phải tốc hành liên tục, cứ như thể vạn vật phải vận động không ngừng, và cứ như thể vận động không ngừng mới là lẽ sống. Những cuộc tốc hành đó, khi được chắp nối lại, chính là chiều dài đất nước, và khi nhìn xa hơn nữa, chính là nghìn mảnh chia lìa của dân tộc lang bạt khắp nơi trên địa cầu. Để sinh tồn và để vá lại nghìn mảnh của đất nước. Đó chẳng phải là thứ đã thúc giục bàn chân Việt Nam chạy đôn chạy đáo mấy trăm năm qua hay sao?

    Ẩn dụ thôi chưa đủ, thỉnh thoảng trong cuốn tiểu thuyết này, Nguyễn Phan Quế Mai sẽ nói toạc ra tâm bệnh của dân tộc nói riêng và của con người nói chung, cũng như cách để chữa lành nó – thông qua những câu nói để đời của Diệu Lan, cũng là những câu được rất nhiều độc giả “highlight” trên Kindle. 

    Đọc “The mountains sing”, người ta thấy những người phụ nữ vác thánh giá. Nó là câu chuyện của một dân tộc qua lăng kính của những anh hùng đội đá vá trời nhưng từ lâu đã bị hệ thống tuyên giáo dìm xuống đằng sau cái bóng của những người lính ra trận.

    Gia đình Trần Diệu Lan được hư cấu tới mức siêu thực. Nó siêu thực không những vì phải mang vác những nỗi đau thế kỷ của cả dân tộc, mà dường như còn vì phải đèo bòng niềm hy vọng của tác giả vào tương lai. Không phải bỗng dưng mà nhân vật Ngọc thành thục cả Tây y lẫn Đông y, và không phải bỗng dưng mà cô gái Hương trở thành một người kể chuyện. Tương lai của đất nước nằm trong chính mỗi gia đình, bắt đầu từ cách vợ chồng ứng xử với trí tuệ của nhau, bắt đầu từ những ánh mắt và cử chỉ nhỏ của cha mẹ dành cho con cái, và bắt đầu từ cách con cái ứng xử với di sản của tổ tiên mình.

    Nguyễn Phan Quế Mai gói ghém biết bao tình tự dân tộc sâu sắc trong những câu chuyện đan xen giữa nhiều thế hệ, và đẩy nó thành triết lý nhân sinh cho con người nói chung. Tôi đọc xong chỉ biết thán phục.

    Bạn tôi khuyên tôi đọc văn học tiếng Anh để cảm được tiếng Anh. Tôi không biết tôi cảm được tiếng Anh tới đâu rồi. Chỉ biết mắt mũi cay xè trong cả những tấn bi kịch và niềm hân hoan mà “The mountains sing” trao gửi.

    Điểm sách văn học coi vậy mà nguy hiểm. Cái nguy hiểm thứ nhất là sợ nhét chữ vào mồm tác giả, tức là phạm tội vu khống. Cái nguy hiểm thứ hai là sợ mình tiết lộ quá nhiều, tức là phạm tội cướp đi cơ hội thưởng thức tác phẩm một cách trọn vẹn của độc giả. Thôi thì mời bạn đọc.

    Tạp Chí Luật Khoa

    Không có nhận xét nào