Header Ads

  • Breaking News

    Trần Quốc Hùng - Tác động toàn cầu của sự xâm lược của Nga vào Ukraine


    Với 190.000 quân được tập trung quân đội tới các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk — mặc dù các hoạt động ngoại giao vào phút chót vẫn đang diễn ra. Một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sau đó là các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt của phương Tây sẽ gây ra những hậu quả chính trị và kinh tế đáng kể, đáng chú ý nhất là sự thiếu hụt năng lượng trầm trọng dẫn đến lạm phát cao hơn và suy giảm kinh tế, đặc biệt là ở châu Âu. Giá dầu và khí đốt toàn cầu sẽ tăng đột biến trong thời gian tới. Tuy nhiên, giá cao hơn sẽ khuyến khích sản xuất nhiều hơn bao gồm các chuyến hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được chuyển hướng sang châu Âu. Trong khi tình trạng thiếu hụt năng lượng có khả năng giảm bớt vào cuối năm nay, hậu quả chính trị của một cuộc xâm lược của Nga sẽ làm gia tăng xung đột địa chính trị trong nhiều năm tới.

    Xâm lược, trừng phạt và thiếu hụt năng lượng

    Phương Tây nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ sẽ được áp dụng đối với Nga, nhưng còn bỏ ngỏ nhiều chi tiết ngoại trừ đề cập đến việc từ chối cho Nga tiếp cận thị trường tài chính quốc tế cũng như thị trường xuất nhập khẩu đối với hàng hóa quan trọng bao gồm các sản phẩm công nghệ cao - về cơ bản là để gây áp lực lên nền kinh tế Nga . Nga có thể cố gắng tìm nguồn cung cấp một số sản phẩm bị cấm và đa dạng hóa thương mại ở nơi khác, đặc biệt là với Trung Quốc - nhưng có lẽ sẽ không thể bù đắp đầy đủ cho các lệnh trừng phạt.

    Có lẽ, một số chuyến giao hàng khí đốt của Nga (chiếm 40% lượng nhập khẩu của Châu Âu) và dầu thô (hơn 1/3 lượng hàng nhập khẩu của Châu Âu) sẽ được phép để không khiến Châu Âu rơi vào khủng hoảng kinh tế và năng lượng. Nga có thể phản ứng với các lệnh trừng phạt bằng cách giảm hơn nữa việc giao hàng tới các thị trường giao ngay và thậm chí cố gắng chia rẽ châu Âu bằng cách cắt giảm nguồn cung cho các nước như Ba Lan và Lithuania, những nước đã tích cực hơn trong việc hỗ trợ Ukraine và tránh đụng tới Đức. Nhưng ít có khả năng Nga sẽ ngừng hết chuyện giao hàng vì lo ngại gây tổn hại nghiêm trọng đến độ tin cậy của mình với tư cách là nhà cung cấp năng lượng lâu dài. Nhân đây, thông tin rằng chính phủ Đức đã tiến hành các bước để ngừng chứng nhận đường ống dẫn khí Nord Stream II sẽ chỉ có giá trị biểu tượng về mặt chính trị vì đường ống đó vẫn chưa trở thành một yếu tố trong cân bằng cung cầu khí đốt hiện tại ở châu Âu.

    Trong bối cảnh này và với dự trữ thấp, giá khí đốt ở châu Âu - được đo lường bởi giá chuẩn TTF (cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu) của Hà Lan - đã tăng vọt trong suốt năm 2021: từ khoảng € 17 mỗi megawatt giờ vào đầu năm lên € 187 mỗi megawatt giờ vào cuối năm. Tuy nhiên, cho đến nay vào năm 2022, giá khí đốt của châu Âu gần đây đã giảm trở lại khoảng 75 € do việc giao hàng từ các tàu chở LNG đã được chuyển hướng từ châu Á. Thực thế, trong tháng qua, lần đầu tiên các chuyến vận chuyển LNG của Mỹ đến châu Âu đã vượt quá lượng giao qua đường ống từ Nga. Do cảng LNG và các cơ sở tái khí hóa không được phân bổ đồng đều trên toàn EU, nên cần phải đảm bảo việc giao hàng thuận tiện và công bằng cho tất cả các thành viên. Trong mọi trường hợp, giá khí đốt của châu Âu có khả năng sẽ tăng trở lại khi Nga xâm lược Ukraine và phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trên thực tế, giá khí đốt đã tăng sau khi Nga công nhận hai khu vực ly khai ở Donbas.

    Giá khí đốt cao đã thúc đẩy việc chuyển một phần sang dầu, đặc biệt là để sản xuất điện. Điều này đã củng cố sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu sau khi nới lỏng các hạn chế của Covid, đẩy giá dầu thô tăng 15% trong năm nay, vượt qua mức 90 USD / thùng. Theo dự báo của ngân hàng J.P. Morgan, giá dầu sẽ tăng lên 120 USD / thùng trong trường hợp có cuộc xâm lược; và lên 150 USD / thùng nếu Nga giảm một nửa lượng năng lượng cung cấp cho châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt. Ngay cả trong trường hợp xấu hơn, tác động có khả năng xảy ra từ một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ ít nghiêm trọng hơn nhiều so với lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973 của OPEC - khiến giá dầu tăng gấp bốn lần và chính sách tiền tệ của Mỹ thắt chặt đáng kể dẫn đến cuộc suy thoái năm 1973- 74.

    Về cơ bản, giá dầu cao sẽ khuyến khích tăng sản lượng. Hiện tại, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có công suất dự phòng khoảng 3,5 triệu thùng / ngày và có thể được Mỹ thuyết phục để tăng sản lượng. Bản thân Mỹ có thể sản xuất nhiều hơn, sau khi đã trở thành nhà sản xuất dầu và khí đốt hàng đầu thế giới vào năm 2021. Thật vậy, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã ước tính rằng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng trung bình 6,2 triệu thùng / ngày vào năm 2022, so với với mức tăng 1,5 triệu thùng / ngày vào năm 2021. Nói cách khác, thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ thặng dư trở lại vào cuối năm nay - giải trừ áp lực tăng giá.

    Bên cạnh năng lượng, một cuộc xâm lược của Nga có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp các mặt hàng quan trọng khác bao gồm titan (được sử dụng trong máy bay), palađi (được sử dụng để chế tạo bộ chuyển đổi xúc tác) và neon (từ Ukraine, được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn), kền (Nga là nhà sản xuất lớn thứ ba ) và lúa mì (Nga là nhà xuất khẩu lớn nhất) - đẩy giá của chúng lên, làm tăng thêm áp lực lạm phát và gây ra tình trạng thiếu hụt cho các quốc gia và công nghiệp phụ thuộc vào những mặt hàng xuất khẩu đó. Tuy nhiên, tác động tổng thể của chúng đối với nền kinh tế toàn cầu có lẽ ít lan tỏa hơn so với sự gián đoạn trên thị trường năng lượng.

    Hai yếu tố gây phức tạp

    Trong ngắn hạn, giá năng lượng và các hàng hóa khác tăng sẽ khiến tỷ lệ lạm phát cao hơn trong thời gian dài hơn; và tăng trưởng chậm hơn trong bối cảnh sự không chắc chắn gia tăng. Điều này sẽ đặt ra một tình thế khó xử đối với nhiều ngân hàng trung ương khi đối mặt với lạm phát gia tăng và tốc độ tăng trưởng chậm lại. Ví dụ, trong lần sửa đổi dự báo kinh tế vào tháng 1 năm 2022, IMF đã cắt giảm ước tính tăng trưởng năm 2022 của thế giới 0,5 điểm phần trăm (ppt) xuống còn 4,4%, cao hơn đối với Mỹ là 1,2 ppt còn 4% và thấp hơn đối với châu Âu là 0,4. ppt còn 3,9%; đồng thời nâng ước tính lạm phát tiêu dùng của các nền kinh tế phát triển thêm 1,6 ppt lên 3,9%. Giá năng lượng và hàng hóa tăng sau cuộc xâm lược có thể thúc đẩy các đợt điều chỉnh giảm ước tính tăng trưởng mới trong khi nâng cao ước tính lạm phát. Đặc biệt, tỷ lệ lạm phát cao liên tục sẽ tạo thêm áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, bị coi là chậm trễ trong việc đối phó với tăng lạm phát, phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn và kiên quyết hơn - có thể bằng cách nâng mục tiêu lãi suất của Fed thêm 0,5% vào cuộc họp tháng Ba tới, tiếp theo là nhiều lần tăng sau đó. Kết quả là, thị trường tài chính sẽ vẫn biến động trong một chế độ giảm giá.

    Về mặt địa chính trị, Trung Quốc có thể lợi dụng sự bận tâm của phương Tây với Nga / Ukraine để thực hiện các hành động gây hấn hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng với Mỹ. Hơn nữa, các cuộc tấn công mạng tăng cường có thể được dự kiến ​​từ Nga và Trung Quốc, đe dọa gián đoạn các cơ sở và chức năng quan trọng ở các nước phương Tây, cũng như can thiệp vào cuộc bầu cử của các nước này.

    Nói tóm lại, một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sau đó là các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ làm tăng giá dầu, khí đốt và các hàng hóa khác, làm tăng tỷ lệ lạm phát trong khi giảm tốc độ tăng trưởng - với tác động nhiều hơn vào châu Âu. Cuối cùng, giá cao hơn sẽ thúc đẩy sản xuất nhiều hơn để giảm bớt áp lực tăng giá. Nhìn chung, tác động kinh tế toàn cầu dài hạn sẽ hạn chế do tỷ trọng nhỏ của Nga trong nền kinh tế thế giới - chỉ 1,7%. Tuy nhiên, về mặt chiến lược, tác động sẽ lâu dài, kết tinh xung đột giữa Trung Quốc / Nga và Mỹ / phương Tây thành một cuộc chiến tranh lạnh mới - với việc tăng cường chiến tranh mạng và các cuộc chiến tranh nóng có thể xảy ra ở ngoại vi.

    Trần Quốc Hùng

    Thành viên cấp cao không thường trú tại Atlantic Council, và là cựu giám đốc điều hành tại Viện Tài chính Quốc tế và nguyên phó giám đốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế

    Không có nhận xét nào