Võ Thái Hà tổng hợp
Miến Điện: Dân chúng phản đối tập đoàn quân sự bằng cuộc đình công thầm lặng
Một trục phố ở Rangoon vắng lặng trong ngày 01/02/2022 vì đình công. AP
Chính quyền quân sự Miến Điện đàn áp ngày càng khốc liệt, nhưng dân chúng vẫn tiếp tục tìm ra các hình thức phản kháng mới. Tròn một năm cuộc đảo chính, hôm nay, 01/02/2022, những người phản kháng đã tổ chức một cuộc « đình công thầm lặng » tại nhiều thành phố.
Trước dịp kỉ niệm hôm nay, chính quyền đã đe dọa bắt các doanh nghiệp đình công phải đóng cửa, và cảnh báo là những người tham gia vào các cuộc tập hợp ồn ào hoặc các hoạt động « tuyên truyền » chống quân đội có thể bị cáo buộc tội phản quốc hoặc khủng bố. Cách đây ít hôm chính quyền quân sự ra luật đe dọa khép vào tội « phản quốc » đối với những người tham gia biểu tình chống quân đội.
Tuy nhiên, lời kêu gọi đình công do các lực lượng chống tập đoàn quân sự đã được dân chúng khắp nơi nghe theo, từ bang Shan (miền đông) đến bang Kachin (miền bắc) hay ở thành phố Mandalay (miền trung), thành phố lớn thứ hai đất nước. Hôm nay, Rangoon, thủ phủ kinh tế Miến Điện, hoang vắng, rất nhiều cửa hàng đóng cửa. Một cư dân Mandalay cho AFP biết, « tại khu tôi ở, không ai ra ngoài, các lực lượng an ninh tuần tiễu khắp nơi ». Một nhà đối lập viết trên Twitter : « im lặng là tiếng kêu mạnh mẽ nhất mà chúng tôi có thể đưa ra để chống lại quân đội và các đàn áp đẫm máu của họ ».
Các thông tín viên của AFP và người dân địa phương cho biết, vào lúc 4 giờ 30 chiều, giờ địa phương, người dân tại thủ phủ kinh tế Rangoon và thành phố Mandalay đã đồng loạt vỗ tay. Loạt vỗ tay đánh dấu « cuộc đình công thầm lặng » chống đảo chính kết thúc.
Sáng hôm nay, truyền thông địa phương cũng cho thấy tại Rangoon và Mandalay, xuất hiện một số cuộc tập hợp chớp nhoáng. Người biểu tình giương biểu ngữ ủng hộ dân chủ, và đốt pháo sáng rồi giải tán.
Triển hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng
Theo trang mạng Nhật Bản NHK, chính quyền quân sự đã thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng, vốn đã hết hạn từ hôm qua, 31/01. Theo NHK, với quyết định như trên, dự kiến tình trạng thiết quân luật có thể kéo dài đến cuối năm nay.
Giới tướng lĩnh dự kiến tổ chức bầu cử vào tháng 8/2023. Việc kéo dài này sẽ cho phép tập đoàn quân sự chuẩn bị kỹ càng hơn cho cuộc bầu cử, để hy vọng củng cố quyền lực.
Tuy nhiên, tình hình Miến Điện ngày một căng thẳng. Chuyên gia về dân chủ và nhân quyền ở Đông Nam Á Catherine Renshaw, giảng viên Đại học Sydney, cảnh báo nguy cơ « nội chiến trên quy mô lớn », « Miến Điện đang bên bờ sụp đổ », « mỗi tuần trôi qua, những thống khổ ngày một lớn, những oán trách tích tụ, ngờ vực giữa quân đội và đối lập gia tăng ».
Liên Hiệp Quốc điều tra về « tội ác chống nhân loại »
Hôm nay, người đứng đầu cơ chế điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, ông Nicholas Koumjian, cho biết đang tập hợp nhiều bằng chứng liên quan đến các cáo buộc « tội ác chống nhân loại hoặc tội ác chiến tranh » tại Miến Điện. Lãnh đạo cơ chế điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh, hơn 1.000 người bị giết hại, kể từ đảo chính đến nay, có thể là nạn nhân của các tội ác nói trên.
Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Thomas Andrews cáo buộc tập đoàn quân sự Miến Điện là « một cỗ máy giết người ». Theo chuyên gia của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, việc Hội Đồng Bảo An không ra được nghị quyết cấm vận hoàn toàn vũ khí với Miến Điện trong năm qua, trong lúc các vũ khí vẫn tiếp tục được đưa vào Miến Điện, giết hại bao nhiêu người vô tội, « đây là điều không thể chấp nhận được ».
Theo WHO, còn “quá sớm” để “tuyên bố chiến thắng” Covid-19
Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới ( WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, trong một cuộc họp tại Genève, Thụy Sĩ ngày 24/05/2021. AP - Laurent Gillieron
Trong khi nhiều nước giảm nhẹ các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19, ngày 01/02/2022, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreysus cảnh báo “còn quá sớm” để các nước tuyên bố thắng đại dịch Covid-19 đã khiến gần 5,7 triệu người chết trên thế giới.
Phát biểu trong buổi họp báo, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) kêu gọi các nước cần thận trọng do số ca tử vong gia tăng trong thời gian gần đây ở hầu hết các vùng trên thế giới. Ông Ghebreysus đánh giá còn quá sớm để từ bỏ những biện pháp ngăn virus lây lan trong bối cảnh nhiều nước tính đến việc trở lại cuộc sống bình thường như trước.
Còn ông Michael Ryan, phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO, quan ngại về việc do sức ép chính trị nên nhiều chính phủ muốn làm theo các nước đã dỡ bớt hạn chế mà không nhìn vào thực tế dịch bệnh và tỉ lệ tiêm chủng của nước họ.
Bà Maria Van Kerkhove, phụ trách quản lý đại dịch Covid-19 của WHO, cũng kêu gọi “thận trọng” dỡ bỏ từng bước các biện pháp phòng dịch vì nhiều nước chưa đạt đến đỉnh dịch Omicron. Hơn nữa, “rất nhiều nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp”. Nói tóm lại, theo ông Ghebreysus, “virus càng lây lan đồng nghĩa với việc có thêm nhiều ca tử vong”.
Chủng phụ của Omicron (BA.2) đã xuất hiện ở 57 nước trên thế giới kể từ khi được phát hiện ở vùng Nam Phi cách đây 10 tuần. Dựa theo nhiều nghiên cứu khoa học, Tổ Chức Y Tế Thế Giới khẳng định chủng phụ này có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn biến thể trước và hiện chiếm đại đa số ca nhiễm trên thế giới.
Còn theo thống kê sáng 01/02 của AFP, Covid-19 đã khiến gần 5,7 triệu người chết trên khắp thế giới, trong đó Hoa Kỳ có số ca tử vong cao nhất (890.356 người). Tuy nhiên, WHO cho rằng con số thực tế, liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp, có thể cao hơn gấp hai hoặc gấp ba lần số liệu thống kê.
Putin cáo buộc Mỹ tìm cách dẫn dụ Nga vào chiến tranh
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp báo với Thủ tướng Hungary Viktor Orban ở Moscow, Nga, ngày 1 tháng 2, 2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày thứ Ba cáo buộc phương Tây cố tình tạo ra một trạng huống được thiết kế nhằm dẫn dụ nước này tham chiến và phớt lờ những lo ngại về an ninh của Nga liên quan đến Ukraine.
Trong những phát biểu trực tiếp công khai đầu tiên về cuộc khủng hoảng kéo dài gần sáu tuần, ông Putin không tỏ dấu hiệu sẽ lùi bước khỏi các đòi hỏi an ninh mà phương Tây đã gọi là không đi tới đâu và là một cái cớ khả dĩ để tiến hành một cuộc xâm lược, điều mà Moscow phủ nhận.
"Bây giờ thì rõ là các lo ngại căn bản về an ninh của nga đã bị phớt lờ,” ông Putin nói trong cuộc họp báo với thủ tướng Hungary đang thăm Nga, một trong số các nhà lãnh đạo NATO đang cố gắng giao thiệp với ông trong khi cuộc khủng hoảng gia tăng cường độ.
Ông Putin đã mô tả một trạng huống tiềm năng trong tương lai, trong đó Ukraine được gia nhập NATO và sau đó tìm cách tái chiếm bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ mà Nga chiếm giữ vào năm 2014.
"Hãy tưởng tượng Ukraine là thành viên NATO và bắt đầu các hoạt động quân sự này. Chúng ta sẽ phải giao chiến với khối NATO à? Có ai đưa nghĩ về điều đó chưa? Rõ ràng là chưa," ông nói.
Nga đã điều hơn 100.000 binh sĩ đến biên giới Ukraine và các nước phương Tây nói họ lo ngại ông Putin có thể đang lên kế hoạch xâm lược. Nga phủ nhận điều này nhưng nói họ có thể thực hiện các hành động quân sự không nêu cụ thể là gì trừ phi các yêu cầu an ninh của họ được đáp ứng. Các nước phương Tây nói rằng bất cứ cuộc xâm lược nào cũng sẽ đưa tới các chế tài nhắm vào Moscow.
Phát biểu của ông Putin hôm thứ Ba phản ánh một thế giới quan mà trong đó Nga cần phải tự vệ trước một nước Mỹ hiếu chiến và thù địch, theo Reuters. Ông Putin nói quan tâm chính của Washington không phải là an ninh của Ukraine mà là kiềm chế Nga.
"Theo cách hiểu này, bản thân Ukraine chỉ là một công cụ để đạt được mục tiêu này," ông nói.
"Điều này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, bằng cách dẫn dụ chúng tôi vào một cuộc xung đột vũ trang nào đó, và với sự giúp đỡ của các đồng minh của họ ở Châu Âu, buộc chúng tôi phải chịu các chế tài khắc nghiệt mà họ đang nói đến hiện nay ở Mỹ."
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người thường xuyên tranh cãi với các nhà lãnh đạo Tây Âu về nền dân chủ ở nước mình, cho biết sau cuộc hội đàm với ông Putin rằng có chỗ cho thỏa hiệp.
"Hôm nay tôi tin rằng những khác biệt hiện thời về lập trường có thể được dung hòa và có thể kí một thỏa thuận bảo đảm hòa bình, bảo đảm an ninh của Nga và cũng có thể chấp nhận được đối với các nước thành viên NATO.”
Ukraine công bố kế hoạch tăng quân, Mỹ yêu cầu Nga giảm leo thang
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Tổng thống Ukraine vừa ký một sắc lệnh hôm 1/2 cho phép tăng cường lực lượng vũ trang của nước này thêm 100.000 binh sĩ trong vòng ba năm, giữa lúc các nhà lãnh đạo châu Âu đồng loạt ủng hộ ông trong cuộc đối đầu với Nga và Hoa Kỳ yêu cầu Nga giảm leo thang căng thẳng ngay lập tức .
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy kêu gọi các nhà lập pháp bình tĩnh và tránh hoảng sợ. Ông nói ông đã ra lệnh tăng quân “không phải vì chúng ta sắp có chiến tranh... mà vì sẽ sớm và trong tương lai sẽ có hòa bình ở Ukraine”.
Nga đã điều hơn 100.000 quân đến gần biên giới Ukraine. Moscow phủ nhận kế hoạch xâm lược nhưng nói rằng họ có thể thực hiện các hành động quân sự nếu các yêu cầu không được đáp ứng, bao gồm cả việc cấm Ukraine gia nhập NATO. Hoa Kỳ và các đồng minh nói rằng bất kỳ cuộc xâm lược nào cũng sẽ kích hoạt các biện pháp trừng phạt cứng rắn từ phương Tây.
Nói chuyện với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov qua điện thoại, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại Washington sẵn sàng tiếp tục đối thoại, nhưng kêu gọi Mosocw “ngay lập tức giảm leo thang” và “rút quân binh và thiết bị khỏi biên giới Ukraine”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
Lực lượng vũ trang của Ukraine có quân số khoảng 250.000 người, so với sức mạnh tổng thể của Nga là khoảng 900.000 người.
Quân đội Nga đã tổ chức các cuộc tập trận ở Belarus và ở một khu vực ly khai của Moldova, có khả năng tấn công từ nhiều hướng.
Ukraine cho biết họ đang làm việc với Ba Lan và Anh để tăng cường hợp tác “trong bối cảnh Nga đang tiếp tục gây hấn”.
Trong chuyến thăm tới Kyiv, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Warsaw sẽ giúp Ukraine cung cấp khí đốt và vũ khí, cũng như viện trợ nhân đạo và kinh tế.
Ông Morawiecki nói: “Sống gần một nước láng giềng như Nga, chúng tôi có cảm giác như đang sống dưới chân núi lửa”, đồng thời hứa hẹn với Ukraine về việc cung cấp đạn dược, đạn cối, hệ thống phòng không di động và máy bay trinh thám không người lái.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã đến thăm Kyiv hôm 1/2 trong một sự ủng hộ của phương Tây nhằm thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông sẽ phải trả giá đắt cho bất kỳ hành động gây hấn nào.
“Chúng tôi kêu gọi Nga lùi lại và tham gia đối thoại để tìm ra giải pháp ngoại giao và tránh đổ máu thêm”, ông Johnson nói trong bài phát biểu được đưa ra trước khi ông đến.
Một số quốc gia đã đưa các nhân viên đại sứ quán không thiết yếu ra khỏi Kyiv và Washington hôm 1/2 khuyến cáo người dân không nên đến Belarus vì “sự gia tăng hoạt động quân sự bất thường của Nga gần biên giới Ukraine”.
(AFP) - Một phái đoàn Đài Loan dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh.
Trái với quyết định đã đưa ra vào tuần trước, hôm nay, 01/02/2022, Đài Loan thông báo sẽ cử một phái đoàn đến dự lễ khai mạc và bế mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh. Theo Đài Bắc, Ủy ban Thế vận Quốc tế CIO bắt buộc toàn bộ các nước tranh tài ở Bắc Kinh phải có mặt tại những buổi lễ này. Theo thỏa thuận với CIO vào năm 1981, Đài Loan được tham gia tranh tài quốc tế nhưng với điều kiện là dưới tên gọi “ Đài Bắc Trung Quốc”.
(AFP) – Cuba : 33 người tham gia cuộc biểu tình lịch sử ngày 11/07/2021 ra tòa trong tuần này.
Các bị cáo sẽ phải đối mặt với tội danh « nổi dậy chống chính quyền ». Phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 07/02. Trong những ngày gần đây, tư pháp Cuba lần đầu tiên thừa nhận hơn 700 người biểu tình đã bị truy tố - trong đó có 55 người từ 15 đến 18 tuổi - và 172 người khác đã bị kết án. Một số đã bị kết án đến 20 hoặc 30 năm tù. Ngày 11/07/2021, hàng nghìn người dân Cuba đã biểu tình vào ngày 11/07, để kêu gọi « Tự do » và cứu trợ thực phẩm. Trong đợt biểu tình chưa từng có kể từ cách mạng 1959, có một người chết và hàng chục người bị thương. 1.377 người bị bắt, theo tổ chức phi chính phủ Cubalex.
(AFP) – Pháp : Gần 1.400 nhà khoa học lo ngại về « sự vắng mặt của các tranh luận dân chủ » về khí hậu và đa dạng sinh học trong tranh cử tổng thống.
Trong một tuyên bố hôm nay 01/02/2022 trên trang Franceinfo, 1.398 nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (như khí hậu học, hải dương học, toán học, kinh tế học, triết học, sử học ...) đã kêu gọi các ứng cử viên tranh cử tổng thống Pháp đưa ra quan điểm về các chủ đề thiết yếu này. Các nhà khoa học nhấn mạnh « cử tri cần biết đề xuất của các ứng cử viên » và « các điều kiện thực thi », và không thể quy cuộc tranh luận về các lĩnh vực hệ trọng này « thành một cuộc đối đầu giữa hai phe ủng hộ năng lượng hạt nhân và bảo vệ năng lượng tái tạo ».
( AFP ) - Liên hoan điện ảnh châu Á Vesoul vinh danh đạo diễn Nhật Koji Fukada.
Lần đầu tiên toàn bộ các phim của đạo diễn Nhật Koji Fukada, 42 tuổi, được trình chiếu trên thế giới. Đây là cách mà Liên hoan Điện ảnh châu Á Vesoul, Pháp, khai mạc hôm nay, 01/02/2022, vinh danh người được xem là ngôi sao đang lên của điện ảnh Nhật. Liên hoan Vesoul năm nay sẽ giới thiệu hơn 90 phim tiêu biểu cho điện ảnh châu Á, trong đó có 17 phim tranh giải. Trong số các phim tranh giải ở Vesoul lần này có một phim hợp tác Nhật - Việt « Along the Sea » của đạo diễn Fujimoto Akio, nói về số phận đầy gian nan của 3 lao động nữ người Việt ở Nhật.
(AFP) – Nhật Bản đề cử mỏ vàng Sado trở thành di sản thế giới.
Chính phủ Nhật Bản hôm nay 01/02/2022 đã xác nhận việc đề cử mỏ Sado trở thành di sản thế giới của UNESCO. Quyết định này khiến Seoul bất bình vì địa điểm này là nơi người Hàn Quốc từng bị cưỡng ép lao động trong nửa đầu thế kỷ 20. Nằm ở đảo Sado (phía bắc Nhật Bản), mỏ này được khai thác từ đầu thế kỷ 17 và bị đóng cửa vào năm 1989, nhưng vẫn được bảo tồn rất tốt.
(AFP) – Pháp chuẩn bị dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống Covid-19.
Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 thường nhật vẫn chưa giảm, mai 02/02/2022, Pháp sẽ bỏ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời, bỏ lệnh bắt công nhân viên làm việc từ xa và bỏ quy định giới hạn số người tụ tập ở những nơi khép kín.
Olympic mùa đông 2022 : Lễ tiếp đuốc truyền thống bắt đầu tại Bắc Kinh
Phi hành gia người Trung Quốc Cảnh Hải Bằng (Jing Haipeng) cầm ngọn đuốc Olympic tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 02/02/2022. Leo RAMIREZ AFP
Hai ngày trước lễ khai mạc Olympic mùa đông 2022, hôm nay, 02/02/2022, tại thủ đô Bắc Kinh đã diễn ra màn rước đuốc truyền thống. Nước chủ nhà đang nỗ lực tổ chức ngày hội thể thao lớn của thế giới trong bối cảnh bị nhiều nước tẩy chay ngoại giao và mối lo đại dịch Covid-19 có thể bùng phát.
Hơn 1.000 người tham gia chặng rước đuốc sẽ đưa ngọn lửa thiêng Olympic qua những khu vực tổ chức thi đấu ở Bắc Kinh và thành phố lân cận Trương Gia Khẩu trước khi đưa tới sân vận động Olympic thủ đô Bắc Kinh nổi tiếng với kiến trúc hình tổ chim, trong lễ khai mạc vào tối ngày 04/02 tới. Khán giả xem lễ rước đuốc bị hạn chế bởi dịch Covid-19 và ban tổ chức khuyến khích mọi người dõi theo sự kiện qua hình thức trực tuyến.
Trong giá lạnh -5°C, phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính đã châm đuốc và chuyển cho vận động viên tiếp đuốc đầu tiên Luo Zhihuan, cựu vô địch thế giới môn trượt băng tốc độ năm 1963, danh hiệu lớn đầu tiên của thể thao mùa đông Trung Quốc. Tham dự hành trình rước đuốc Olympic còn có nhà du hành vũ trụ Cảnh Hải Bằng (Jing Haipeng) và nhà chế tạo vệ tinh nhân tạo Trung Quốc Diệp Bồi Kiến (Ye Peijian), nhật báo Bắc Kinh cho biết.
Ngọn lửa được lấy từ khu đền Olympia ở Hy Lạp hồi tháng 10 năm trước. Hành trình rước đuốc đầu tiên khi đó cũng đã bị xáo động vì dịch Covid-19 và nhất là vì các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vi phạm nhân quyền.
Cũng vì lý do nhân quyền, một chiến dịch tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh đã dấy lên rộng rãi. Đến giờ các nước lớn như Hoa Kỳ, Úc, Anh, Canada cùng hơn chục quốc gia khác đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao để bày tỏ phản ứng với việc Trung Quốc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và đàn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông.
Về vấn đề y tế phòng dịch, áp dụng chính sách « zero Covid », Trung Quốc hy vọng có thể tổ chức được sự kiện thể thao lớn hàng đầu thế giới này trong an toàn tuyệt đối, tuy nhiên đến gần ngày diễn ra Thế Vận Hội, Covid-19 và biến chủng Omicron tiếp tục là nguy cơ lớn. Vẫn xuất hiện lẻ tẻ những ổ dịch nhỏ ở một vài địa phương.
Olympic Bắc Kinh được tổ chức trong các điều kiện phòng dịch đặc biệt nghiêm ngặt : Không có khán giả đến từ nước ngoài. Phần lớn các cuộc thi đấu không có khán giả xem trực tiếp. Mọi hoạt động liên quan đến Thế Vận Hội diễn ra trong khuôn khổ một khu vực khép kín, không có tiếp xúc giao lưu với công chúng cũng như giữa những người dự sự kiện, để đề phòng dịch lây lan.
Khán giả tham dự cuộc rước đuốc hôm nay cũng bị hạn chế, chính quyền khuyến cáo dân chúng nên xem qua truyền hình.
Không có nhận xét nào