Võ Thái Hà tổng hợp
Trung Quốc cùng Nga lên án việc Nato mở rộng sang phía Đông
Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh,
Cuộc gặp giữa Vladimia Putin và Tập Cận Bình là cuộc hội đàm trực tiếp kể từ tháng 6/2019
Trung Quốc cùng với Nga phản đối việc mở rộng thêm của Nato khi hai nước này xích lại gần nhau hơn trước sức ép từ phương Tây.
Moscow và Bắc Kinh đưa ra một tuyên bố thể hiện sự đồng thuận về một loạt vấn đề trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin để tham dự Thế vận hội Mùa đông.
Trong tuyên bố, Moscow nói rằng nước này ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Đài Loan và phản đối độc lập cho hòn đảo này.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Nga phủ nhận họ đang lên kế hoạch xâm lược.
Ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có các cuộc hội đàm ngay trước lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông.
Điện Kremlin cho biết các cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo "rất nồng ấm" và mang tính xây dựng.
Tuyên bố chung, viết dài, của hai nước cáo buộc Nato tán thành ý thức hệ Chiến tranh Lạnh và cũng nói rằng họ lo ngại về hiệp ước an ninh Aukus giữa Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Australia.
Trong khi Nga nói rằng họ ủng hộ chính sách Một Trung Quốc của Bắc Kinh, mà khẳng định rằng Đài Loan tự trị là một tỉnh ly khai cuối cùng sẽ lại là một phần của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Đài Loan tự coi mình là một quốc gia độc lập, với hiến pháp riêng và các nhà lãnh đạo được bầu theo nguyên tắc dân chủ.
"Không có lĩnh vực hợp tác nào bị ngăn cấm," tuyên bố có đoạn, theo bản dịch của Điện Kremlin.
Tuy nhiên, tuyên bố Nga-Trung không đề cập đến Ukraine, chủ đề của căng thẳng đang leo thang giữa Nga và phương Tây.
Trong bối cảnh cuộc chiến ngôn từ ngày càng gia tăng, hôm thứ Tư (02/02), Mỹ cáo buộc Nga đang lên kế hoạch dàn dựng một cuộc tấn công giả của Ukraine mà nước này sẽ sử dụng để biện minh cho một cuộc xâm lược.
Mỹ cáo buộc Moscow có khả năng sẽ tung ra một đoạn video đồ họa cho thấy cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga hoặc chống lại người nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine.
Nga phủ nhận họ đang lên kế hoạch dàn dựng một cuộc tấn công, và Mỹ không đưa ra được bằng chứng nào cho tuyên bố này.
Tin tức về âm mưu bị cáo buộc được đưa ra một ngày sau khi Hoa Kỳ cho biết nước này đang gửi thêm quân đến Đông Âu để hỗ trợ đồng minh trong liên minh phòng thủ Nato.
Nga nói rằng động thái này là "phá hoại" và nó cho thấy lo lắng của họ về sự mở rộng sang phía Đông của Nato là chính đáng.
WHO lạc quan dự báo đại dịch Covid-19 tạm lắng tại châu Âu
Một góc phố ở Paris, Pháp, trong mùa đại dịch Covid-19, Pháp. Ảnh chụp ngày 30/01/2022. REUTERS - VIOLETA SANTOS MOURA
Mười hai triệu là số ca nhiễm mới trong tuần qua tại châu Âu. Một con số kỷ lục từ đầu dịch đến nay. Thế nhưng, giám đốc chi nhánh châu Âu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) Âu ngày 03/02/2022, nhận định là tình hình tại châu Âu chỉ tạm lắng xuống, có thể ví như là một « cuộc hưu chiến ».
Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche tường trình :
« Một giai đoạn dài yên tĩnh ». Đây chính là dự báo của giám đốc chi nhánh châu Âu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, ông Hans Kluge, cho châu lục trong những tuần sắp tới, cho dù mỗi ngày có 22% số ca dương tính được phát hiện khi xét nghiệm, cho dù số ca nhập viện vẫn còn cao. Và bất chấp cảnh báo của tổng giám đốc WHO – Tedros Ghebreyesus – phản đối sử dụng từ « trò chơi đã kết thúc », nhưng lại được vị giám đốc khu vực của ông dùng đến.
Ông Hans Kluge nói : « Chẳng có gì mâu thuẫn cả. Chúng ta có một tình huống duy nhất ở châu Âu. Bởi vì khi làn sóng dịch Omicron quay trở lại, chúng ta sẽ có được khả năng miễn dịch rộng rãi, hoặc do bị lây nhiễm hoặc nhờ vào tiêm ngừa. Còn có việc chúng ta sắp ra khỏi mùa đông. Rồi chúng ta cũng biết rằng Omicron gây ra những triệu chứng nhẹ tới hai hay ba lần ở những người đã được tiêm ngừa »
Cũng theo ông Hans Kluge, tình hình hiện nay có lẽ đủ thuận lợi để châu Âu tránh được những biện pháp nghiêm ngặt mới, ngay cả trong trường hợp xuất hiện một biến thể mới. Một sự lạc quan trái ngược với thái độ thận trọng từ trụ sở WHO. Vài ngày trước đó, một trong số các quan chức của tổ chức này tỏ ra thất vọng về thái độ theo đuôi vô ý thức của một số chính phủ khi quyết định bắt chước các nước láng giềng cho dỡ bỏ mọi biện pháp an toàn dịch tễ.
Pháp, « điều tệ hại đã qua »
Tại Pháp, bộ trưởng Y tế Olivier Véran, tối thứ Tư, 02/02 cho rằng « điều tệ hại nhất đã qua ». Cơ quan Y Tế công của Pháp hôm thứ Năm công bố số liệu cho thấy tình hình dịch bệnh có dấu hiệu giảm sau nhiều tuần liền giữ các con số kỷ lục. Cụ thể, trong vòng 24 giờ, số ca nhiễm mới xuống dưới ngưỡng 300 ngàn, ở mức 274.352 người và số ca tử vong vì Covid-19 là 280 người. Tuy nhiên, bản thống kê của cơ quan y tế này cho thấy số người nhập viện vẫn còn cao.
Nam Phi chế tạo vaccine mRNA dùng dữ liệu của Moderna
Vaccine Moderna
Công ty Afrigen Biologics của Nam Phi dùng chuỗi gen đã được công bố công khai từ vaccine mRNA của Moderna để chế tạo một phiên bản vaccine riêng của mình. Vaccine này sẽ được thử nghiệm trên người trước cuối năm nay, giám đốc điều hành hàng đầu của Afrigen loan báo ngày 3/2.
Vaccine này sẽ trở thành vaccine đầu tiên được bào chế dựa trên một vaccine được sử dụng rộng rãi mà không cần sự hỗ trợ hay chấp thuận của nhà phát triển vaccine. Đây cũng sẽ là vaccine mRNA đầu tiên được thiết kế, phát triển và sản xuất trên quy mô phòng thí nghiệm tại lục địa châu Phi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm ngoái đã chọn ra một nhóm, trong đó có Afrigen, trong dự án thí điểm giúp các nước thu nhập thấp và trung bình biết cách làm vaccine COVID, sau khi Pfizer/BioNTech và Moderna từ chối yêu cầu của WHO về chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm.
WHO và các đối tác hy vọng trung tâm chuyển giao công nghệ của họ sẽ giúp giải quyết nạn bất bình đẳng vaccine giữa các nước giàu và các nước nghèo. Gần 99% các vaccine ngừa bệnh tại châu Phi là hàng nhập khẩu.
Trong đại dịch, các nước giàu đã tích trữ hầu hết các nguồn cung cấp vaccine trên thế giới.
Biovac, công ty sản xuất vaccine ở Nam Phi do nhà nước làm chủ một phần, sẽ là công ty đầu tiên nhận được công nghệ sản xuất từ trung tâm vừa kể. Afrigen cũng đồng ý giúp huấn luyện các công ty tại Argentina và Brazil.
Dưới áp lực sản xuất thuốc tại các nước có thu nhập thấp, Moderna và BioNTech đã loan báo kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy vaccine mRNA tại châu Phi, nhưng sản xuất vẫn còn là một con đường dài.
“Chúng tôi không sao chép Moderna, chúng tôi phát triển tiến trình riêng của mình vì Moderna không trao cho chúng tôi bất kỳ công nghệ nào,” ông Petro Terblanche, giám đốc điều hành của Afrigen nói với Reuters.
“Chúng tôi bắt đầu với chuỗi gen của Moderna vì cảm thấy đó là chất liệu tốt nhất để bắt đầu. Tuy nhiên đây không phải là vaccine của Moderna, mà là vaccine mRNA của Afrigen,” ông Terblanche nhấn mạnh.
Trung Quốc đón nhiều nhà lãnh đạo « chuyên chế » dự khai mạc Olympic mùa đông 2022
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc Tế Thomas Bach, tại Nhà khách chính phủ, Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 25/01/2022. VIA REUTERS - XINHUA
Khoảng 20 lãnh đạo thế giới tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh ngày 04/02/2022. Tổng thống Nga Vladimir Putin được đón tiếp long trọng nhằm giúp Trung Quốc giữ hình ảnh nước chủ nhà sự kiện thể thao toàn cầu bị nhiều nước phương Tây, do Hoa Kỳ khởi xướng, tẩy chay ngoại giao để lên án chính quyền Bắc Kinh vi phạm nhân quyền.
Sau hơn hai năm không ra khỏi Trung Quốc, lần đầu tiên chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp đón khoảng 20 nhà lãnh đạo và định chế thế giới, trong đó có chủ tịch Ủy ban Thế Vận Quốc tế (CIO) Thomas Bach, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Đa số khách mời tham dự lễ khai mạc bị coi là những nhà lãnh đạo chuyên chế, độc tài. Ngoài tổng thống Nga, còn có tổng thống Ai Cập Al Sissi, hoàng thái tử Ả Rập Xê Út Mohamed Ben Salmane, quốc vương Qatar Tamim ben Hamad al-Thani và hoàng thái tử Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất Mohammed ben Zayed.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda là nguyên thủ Liên Hiệp Châu Âu duy nhất tham dự lễ khai mạc. Pháp không tẩy chay ngoại giao Thế Vận Bắc Kinh và cử bộ trưởng Thể Thao Roxana Marcineanu đến Trung Quốc vào tuần tới để cổ vũ cho đoàn vận động viên Pháp.
Lễ khai mạc diễn ra vào lúc 20 giờ (giờ địa phương). 91 đoàn vận đông viên tiến vào sân vận động quốc gia theo thứ tự bảng chữ cái của Trung Quốc. Theo truyền thống, đoàn Hy Lạp sẽ mở đầu lễ diễu hành vì nơi khai sinh Thế Vận Hội. Đoàn vận động viên nước chủ nhà sẽ khép lại lễ diễu hành và trước đó là đoàn Ý, do Ý sẽ đăng cai Olympic mùa đông lần tới. Đoàn Pháp diễu hành ở vị trí thứ 46, sau Rumani và trước Ba Lan. Riêng đoàn vận động viên Nga, do bị cấm thi đấu thể thao quốc tế 4 năm vì tai tiếng doping, sẽ diễu hành ở vị trí thứ 56 dưới mầu cờ của Thế Vận Hội (Russian Olympic Committee, ROC).
theo AFP, một ngày trước lễ khai mạc, ngọn đuốc Olympic đã được những người rước đuốc, trong đó có diễn viên nổi tiếng Jackie Chan, truyền tay nhau trên Vạn Lý Trường Thành ở vùng núi Badaling, cách tây bắc Bắc Kinh khoảng 75 km. Dù được khai mạc chính thức ngày 04/02 nhưng những trận thi đấu đầu tiên của bộ môn Bi đá trên băng (curling) đã diễn ra từ tối thứ Tư 02/02.
Toàn bộ tuyết trong Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022 là tuyết nhân tạo và bị nhiều tổ chức bảo vệ môi trường chỉ trích nặng nề.
Sứ mạng khả thi: Giải cứu và giúp chó mèo… “tỵ nạn chính trị”!
Những con chó và mèo được đưa lên chuyến bay “giải cứu” khỏi Afghanistan (SPCA International)
Chiến dịch – được thực hiện với 5 tháng chuẩn bị – được đặt tên là “Sứ mạng khả thi” (Mission Possible). Đó là chiến dịch giải cứu những con chó và mèo bị “mắc kẹt” ở Afghanistan sau khi đất nước này hoàn toàn rơi vào tay Taliban. Những “công dân” chó mèo được đưa đến Vancouver (Canada) vào Thứ Ba ngày 1 Tháng Hai 2022. Tất nhiên những “công dân” này không phải tốn một xu cho “Cục Lãnh sự” nào như 200,000 đồng bào Việt Nam phải è cổ ra trả cho những chuyến bay “giải cứu” do bị mắc kẹt bởi dịch bệnh COVID-19….
Những con chó và mèo này đã bị bỏ lại ở Afghanistan sau khi chủ của chúng hỗn loạn chạy thoát khỏi đất nước lúc đoàn quân Taliban kéo về Kabul vào Tháng Tám 2021. Tổ chức thực hiện chiến dịch “Sứ mạng khả thi” là SPCA International. 154 con chó và 131 con mèo đã được cứu. Lori Kalef, Giám đốc chương trình của SPCA International, nói với Global News rằng họ hợp tác với nhiều tổ chức thế giới để “giảm bớt sự đau khổ cho động vật”; trong đó có Kabul Small Animal Rescue, War Paws, Marley’s Mutts, Thank DOG I Am Out Rescue Society…
Ngày 31 Tháng Tám 2021, khi những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan và dòng người di tản tràn ngập phi trường Kabul, đám chó mèo bị chủ của chúng bỏ lại trên đường băng sân bay. Lori Kalef cho biết, khoảng 35% số động vật đến Vancouver sẽ được đoàn tụ với chủ của chúng là người Afghanistan; những con khác được tạm giữ lại chờ những người chủ chưa đến; và số còn lại được đưa đi nuôi khắp Bắc Mỹ. Ai muốn nhận những con vật này có thể đăng ký qua trang web SPCA International và đơn đăng ký được xử lý thông qua SPCA và Hiệp hội Cứu hộ Chó Raincoast.
“Vai trò của chúng tôi gần như đã kết thúc”, Susan Patterson, thuộc Thank DOG I Am Out Rescue Society, có trụ sở tại Vancouver, nói với Global News. “Chúng tôi đã dựng tạm một cơ sở rộng 17,000 foot vuông để nuôi đám chó mèo. Chúng tôi rất vui về việc có thể giúp những con vật này cảm thấy thoải mái và an toàn”. Patterson cho biết thêm, tất cả con vật đều được bác sĩ thú y giám định, tiêm thuốc ngừa, có giấy tờ nguồn gốc và giấy chứng nhận y tế xác định tình trạng sức khỏe! Chiến dịch “Sứ mạng khả thi” được thực hiện thông qua các khoản quyên góp. “Chúng tôi có rất nhiều nhà tài trợ tham gia, cũng như những người tình nguyện và những người chia sẻ các bài viết gây quỹ của chúng tôi” – Kalef nói thêm.
Xứ người ta đối xử với động vật như thế; trong khi đó, nhiều nơi, thân phận con người và quyền con người thì bị chà đạp và bị bóc lột tàn bạo bởi chính cái thể chế được mặc định bảo vệ công dân và chăm lo cho người dân.
Cuba dùng thực phẩm giá Nhà nước để nhử người dân đói khổ, né biểu tình
Tại đảo quốc cộng sản Cuba, phong trào phản kháng trở nên « ngoan ngoãn » vì cái đói, theo Le Figaro. Sáu tháng sau khi đàn áp các cuộc biểu tình lịch sử, chính quyền giơ ra củ cà rốt với dân chúng và cây gậy với đối lập, trong bối cảnh tất cả đều nghèo khổ.
Alberto, một nhạc công đại vĩ cầm (contrebasse) thất nghiệp do đại dịch than thở, người dân bây giờ phải xếp hàng, xô xát nhau vì một mẩu thịt gà « mậu dịch », giá cả thị trường tăng đến chóng mặt. Sổ mua hàng phân phối không đủ cho nhu cầu, nhưng ít ai còn sức để chống đối, sau các cuộc biểu tình quy mô ngày 11/07/2021 (được mệnh danh là sự kiện « 11 J »), cuộc tuần hành công dân hụt ngày 15/11/2021 (« 15 N ») và nạn trấn áp sau đó.
Mua báo Đảng thay cho giấy vệ sinh !
Chính quyền cách mạng Cuba đã được 63 tuổi và có vẻ trường thọ. Sự thiếu vắng báo chí độc lập và internet khiến những xáo động được che khuất. Theo tổ chức Observatorio Cubano de Conflictos, đã có hơn 3.000 vụ nổi dậy ở đảo quốc trong năm 2021 – một con số khó thể kiểm chứng – nhưng dù sao, những ý định chống đối chế độ đều thất bại. Một đợt bắt bớ các nhà ly khai đã diễn ra từ 2003, và những tháng gần đây an ninh bắt giữ, hàng ngàn người. Human Rights Watch (HRW) tố cáo chính quyền tống giam hoặc quản thúc các nghệ sĩ, ngọn cờ đầu trong các cuộc biểu tình ngày 11/07, còn chủ tịch Miguel Diaz-Canel nói rằng « không có tù nhân chính trị tại Cuba ».
Gần đây chế độ dùng mánh khóe phân phối lương thực để bóp nghẹt những hoạt động phản đối, trong tình hình mọi thứ đều hiếm hoi. Hôm 15/11/2021, ngày mà đối lập kêu gọi xuống đường, chính quyền mở bán thực phẩm giá rẻ, dân La Habana lo tranh thủ mua để dành nên ít ai tham gia. Vào dịp Noel, trên 800 tấn thực phẩm giá cung cấp được tung ra, nhờ có sự giúp đỡ của Nga, Nicaragua và Bolivia, còn Mêhicô cho tàu buôn chở đến.
Nhưng chiến lược này có vẻ thiếu bền vững. Người vợ của nghệ sĩ Alberto nói trên cho biết : « Thực phẩm không phải là thứ duy nhất, chúng tôi thiếu thốn tất cả mọi mặt hàng. Tôi đặt mua tờ báo đảng Granma để thay cho giấy vệ sinh dùng hàng ngày. Đặt báo mỗi tháng chỉ mất có 30 peso, giấy vệ sinh đắt tiền hơn nhiều, lại khó mua được ». Cuba nhập khẩu 80% thực phẩm, và dự trữ ngoại hối của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đang ở mức thấp nhất.
Zero Covid làm nhân tài chạy khỏi Hồng Kông
Nhìn sang châu Á, Le Figaro nhận thấy chính sách « zero Covid » làm hại cho uy tín của Hồng Kông. Giới tài chính lo ngại những người tài sẽ bỏ đi vì các biện pháp khắt khe cóp theo kiểu Trung Quốc. Một ví dụ : từ 21 đến 28/01, khoảng 2.700 cư dân tòa nhà Yat Kwai House bị phong tỏa, chính quyền thực hiện 14.518 cuộc xét nghiệm Covid để tìm ra 139 ca dương tính.
Đặc khu 7,5 triệu dân từ đầu đại dịch cho đến nay chỉ có 13.626 ca nhiễm và 213 tử vong vì Covid, nhưng chính quyền cố ngăn chận Omicron lây lan. Tất cả những hành khách vào Hồng Kông đều bị cách ly 21 ngày tại khách sạn, các chuyến bay đến từ 8 nước trong đó có Pháp bị cấm. Theo một báo cáo của Phòng Thương mại Châu Âu, Hồng Kông có thể chỉ mở cửa từ 2024, ảnh hưởng nặng nề đến các nhân viên ngoại quốc. Theo Financial Times, năm 2021 Hồng Kông đã mất đi số cư dân kỷ lục là 87.000 người, tức 1,2 % dân số. Lần đầu tiên từ 180 năm qua, cựu thuộc địa Anh có thể mở cửa cho Hoa lục, thay vì phần còn lại của thế giới.
Ukraina : Putin khai thác sự bất lực của châu Âu, sự do dự của Mỹ
Hồ sơ Ukraina vẫn luôn nóng bỏng, bên cạnh những chủ đề thời sự trong nước của báo chí Paris hôm nay : nhập cư, vấn đề nhà ở, bầu cử tổng thống Pháp. Chuyên gia Benjamin Haddad, thuộc Atlantic Council ở Washington nhận xét trên Le Monde « Putin muốn làm nổi rõ sự bất lực của châu Âu và sự do dự của Mỹ ».
Theo ông, chính là châu Âu mà Vladimir Putin muốn tấn công, thông qua Ukraina. Tổng thống Nga thừa biết là cánh cửa NATO hiện đang đóng lại với Ukraina và Gruzia. Hội nghị thượng đỉnh ở Bucarest năm 2008 chỉ công nhận hai nước này có thể trở nên thành viên, nhưng không đưa ra thời hạn và cũng chẳng có một tiến trình nào. Cũng không phải là NATO, mà việc thương lượng một hiệp ước tự do mậu dịch với Liên hiệp Châu Âu (EU) đã dẫn đến phong trào ủng hộ châu Âu ở Maidan năm 2014, lật dổ tổng thống thân Nga Viktor Ianoukovitch, sau đó Matxcơva bèn dùng đến vũ lực.
Việc chiếm Crimée và đỡ đầu phe ly khai thân Nga ở Donbass đã đánh thức ý muốn hướng về NATO của công chúng Ukraina, chứ không phải ngược lại. Một đất nước mà 92 % dân chúng đã bỏ phiếu ủng hộ độc lập khỏi Liên bang Xô viết năm 1991, nay lại bị ngăn trở một cách thô bạo sự tự do chọn lựa vận mệnh của mình.
Đối thoại với Nga, nhưng phải trên thế mạnh
Lợi dụng Mỹ đổi hướng ưu tiên chiến lược sang châu Á, đánh hơi thấy điểm yếu sau vụ rút quân khỏi Afghanistan, Putin muốn vẽ lại cấu trúc an ninh châu Âu sau chiến tranh lạnh. Ông ta cũng vi phạm những cam kết của Nga trong khuôn khổ hiệp ước Helsinki năm 1975 về tôn trọng biên giới, và bản ghi nhớ Budapest năm 1994, bảo đảm chủ quyền Ukraina để đổi lấy việc Kiev từ bỏ vũ khí nguyên tử.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với một cánh tả có ảnh hưởng lớn trong đảng Dân Chủ, chủ trương không can thiệp, và cánh hữu thân Trump cũng vậy. Biden bác hẳn khả năng dùng đến vũ lực, và như vậy tự làm mất đi thế mạnh khi đàm phán. Châu Âu và Hoa Kỳ đồng ý sẽ mạnh tay trừng phạt Nga với thông điệp: nếu xâm lăng Ukraina, Matxcơva sẽ phải trả một cái giá thật đắt; tuy nhiên Pháp và Đức không muốn từ bỏ giải pháp ngoại giao.
Có nên đối thoại với Nga không ? Chuyên gia Haddad cho rằng rất nên, nhưng cần củng cố tương quan lực lượng: đầu tư ồ ạt vào quốc phòng - có thể vay nợ nếu cần, giảm lệ thuộc Nga thông qua phát triển nguyên tử lực hay các đối tác mới về khí đốt. Trong khi Đức do dự, Pháp có thể đóng vai trò trụ cột, và quan hệ sâu sắc với Hy Lạp trong những năm gần đây là kiểu mẫu. Khi gởi chiến hạm đến để giúp Hy Lạp bảo vệ biên giới biển ở Địa Trung Hải trước sự đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ tháng 8/2020, Emmanuel Macron đã chứng tỏ một châu Âu cứng rắn, và Paris cũng muốn đưa quân sang Rumani. Có thể đã đến lúc Pháp dứt khoát trong những bất đồng chiến lược với Berlin, thôi thúc những vấn đề từ Nord Stream 2 đến chi tiêu quân sự, vì thông qua hồ sơ Ukraina, tương lai châu Âu đang bị đe dọa.
Ukraina, cuộc xung đột mang tầm vóc nguyên tử Mỹ-Nga-Trung
Nhà nghiên cứu Mélanie Rosselet cho rằng cuộc xung đột Ukraina còn mang tầm vóc nguyên tử, trong sự cạnh tranh chiến lược giữa Washington, Matxcơva và Bắc Kinh. Tác giả nhấn mạnh, Vladimir Putin vi phạm trắng trợn thỏa thuận Budapest ký với Nga, Hoa Kỳ và Anh, theo đó Ukraina từ bỏ vũ khí nguyên tử, đổi lấy việc Matxcơva cam kết tôn trọng chủ quyền. Nga còn dùng tư cách cường quốc nguyên tử để đe dọa mọi chống đối trước việc áp đặt chuyện đã rồi. Khi chiếm Crimée năm 1994, Nga cho bắn thử hỏa tiễn đạn đạo địa-địa và địa-không, vi phạm không phận và hải phận châu Âu với các lực lượng trang bị nguyên tử, triển khai hỏa tiễn Iskander ở Kaliningrad... Chiến lược răn đe kiểu này cũng được Bắc Triều Tiên áp dụng.
Trung Quốc chăm chú theo dõi diễn biến Ukraina để rút kinh nghiệm cho kịch bản Đài Loan. Hoa Kỳ phải đối mặt với hai đối thủ đều là cường quốc nguyên tử, không thể giải quyết với kẻ này mà không đụng chạm đến kẻ khác. Liệu Hoa Kỳ, bận rộn ở Thái Bình Dương, có bị động trước sự tấn công của Nga vào châu Âu, với bóng ma nguyên tử phía sau, thậm chí nhân đôi nếu Iran ra tay ở vùng Vịnh? Đó là chân dung tình trạng đa cực nguyên tử, mà tâm chấn được di chuyển về châu Á xung quanh quan hệ Mỹ-Trung. Một sự bùng phát ở châu Á sẽ tác động đến châu Âu. Ai sẽ canh giữ ngôi nhà châu lục nếu người châu Âu không chuẩn bị? Khó khăn của Mỹ trong việc hiệu chỉnh tam giác răn đe, đối phó cùng lúc với hai đối thủ Nga và Trung Quốc sẽ còn kéo dài nhiều năm.
Nhà nghiên cứu quá cố Thérèse Delpech cách đây 25 năm đã dự báo về tình hình vô trật tự về vũ khí nguyên tử. Xu hướng phi hạt nhân hóa tại các quốc gia dân chủ, với hiệp ước cấm vũ khí nguyên tử (hiệu lực từ tháng 1/2021) có nguy cơ làm tương quan lực lượng nghiêng về phía những thế lực độc tài. Các chế độ toàn trị không hề có khái niệm đạo đức, và tầm quan trọng của vũ khí nguyên tử chưa hề giảm sút sau chiến tranh lạnh. Bà Delpech nói thẳng, răn đe nguyên tử là cần thiết trong bối cảnh chiến lược xấu đi, để có thể đối thoại trong thế mạnh, mở ra cho đối thủ cơ hội xuống thang. Tuy không phải là tất cả, nhưng không có răn đe nguyên tử, sẽ dễ dàng bị địch thủ đe dọa, bắt bí, và lệ thuộc nặng nề vào các đồng minh có loại vũ khí tối thượng này.
Ba Lan : « Đức nạp đạn cho khẩu súng để Putin dùng đe dọa cả châu Âu »
Cũng liên quan đến Ukraina, thông tín viên Le Figaro cho biết chi tiết về việc Ba Lan và các nước Baltic cung cấp vũ khí cho Kiev.
Từ hai tuần qua, Litva và Latvia đã giao các giàn hỏa tiễn địa-không và Estonia đưa sang Ukraina hỏa tiễn chống tăng. Litva cũng tặng thêm kính ngắm hồng ngoại cho quân đội Ukraina, trị giá trên 300.000 euro. Nhà chính trị học Linas Kojala, Trung tâm nghiên cứu Đông Âu nhấn mạnh, Ukraina chiến đấu không chỉ để tự vệ mà còn bảo vệ phần còn lại của châu Âu. Từ sau cuộc cách mạng màu cam năm 2004 và nhất là sau khi Crimée bị chiếm, Litva chăm sóc những người lính Ukraina bị thương và gởi cố vấn quân sự sang giúp Kiev. Vào đầu tuần này, một phái đoàn chính phủ Litva đến Ukraina và lưu lại một tháng, tìm hiểu những nhu cầu của nước này để thích ứng. Litva cũng sẵn sàng kích hoạt lực lượng phản ứng nhanh của châu Âu chống tin tặc.
Ba Lan, quốc gia có 535 kilomet đường biên với Ukraina và có 1 triệu kiều dân Ukraina sinh sống, rốt cuộc đến 31/01 đã loan báo sẽ viện trợ Ukraina hàng ngàn quả pháo cùng với đạn dược, hỏa tiễn phòng không Grom, súng cối, máy bay không người lái và các loại vũ khí thám báo khác. Lần đầu tiên sang thăm nước láng giềng kể từ khi nhậm chức năm 2017, thủ tướng Mateusz Morawiecki khẳng định « Một Ukraina có chủ quyền, một Nhà nước Ukraina dân chủ là có lợi cho toàn thể châu Âu ». An toàn năng lượng cũng được đề cập đến, Ba Lan có thể cung cấp khí đốt, và ông Morawiecki chỉ trích với dự án Nord Stream 2, Đức đã « nạp đạn cho Putin, và với khẩu súng này ông ta bắt chẹt cả châu Âu ».
Ấn Độ phản đối thượng tá Trung Quốc rước đuốc Olympic
Kỳ Phát Bảo tham gia rước đuốc Olympic Bắc Kinh ngày 2/2. Ảnh: Reuters.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ không cử quan chức dự Olympic Bắc Kinh, vì Trung Quốc cho thượng tá từng tham gia vụ ẩu đả ở biên giới hai nước năm 2020 rước đuốc.
“Thật đáng tiếc khi Trung Quốc chọn chính trị hóa một sự kiện như Olympic”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi nói hôm thứ Năm 3/2. Các nhà ngoại giao hàng đầu của Ấn Độ ở Bắc Kinh sẽ không dự lễ khai mạc hay bế mạc Olympic, trong khi vận động viên vẫn tham gia thi đấu.
Đài Doordarshan, do chính phủ Ấn Độ thành lập, cũng cho biết sẽ không truyền hình trực tiếp lễ khai mạc và bế mạc Olympic Bắc Kinh.
Quyết định được đưa ra sau khi truyền thông Trung Quốc công bố hình ảnh cho thấy tiểu đoàn trưởng, thượng tá Kỳ Phát Bảo là một trong số 1.200 người tham gia rước đuốc.
Kỳ Phát Bảo được ca ngợi là anh hùng tại Trung Quốc sau khi bị thương trong vụ đụng độ chết người với lính Ấn Độ tháng 6/2020 ở thung lũng Galwan. Ít nhất 4 binh sĩ Trung Quốc và 20 lính Ấn Độ thiệt
Ấn Độ chỉ trích Trung Quốc đưa căng thẳng chính trị giữa hai nước vào Olympic, sự kiện lẽ ra phải là “cuộc cạnh tranh hòa bình giữa các quốc gia”. Trong khi đó, Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập tờ Global Times của Trung Quốc, chỉ trích phản ứng của Ấn Độ. “Tôi thấy để anh ấy rước đuốc là lời kêu gọi hòa bình biên giới Trung – Ấn và hòa bình thế giới. Có gì sai cơ chứ?”, ông nói.
Hơn 20 lãnh đạo nước ngoài dự định tham dự Olympic Bắc Kinh, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong lúc đó lãnh tụ Mỹ, Úc, Anh và Canada đã thông báo không cử quan chức tới sự kiện với cáo buộc “Trung Quốc vi phạm nhân quyền”.
Ấn Độ cử một vận động viên tham dự Olympic Bắc Kinh là Arif Khan, thi đấu môn trượt tuyết đổ đèo.
Thủ lĩnh ISIS bị tiêu diệt
Thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (ISIS) Amir Muhammad Said Ablad-Rahman Al-mawla
Một cuộc tấn công của quân đội Mỹ tại tây bắc Syria đã dẫn tới cái chết của thủ lĩnh nhóm Nhà nước Hồi giáo, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố ngày 3/2.
Abu Ibrahim al-Hashemi al-Quraishi, gốc Iraq, 45 tuổi, lên lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo kể từ sau cái chết hồi năm 2019 của người sáng lập ISIS, Abu Bakr al-Baghdadi, người đã nổ bom tự sát trong một cuộc bố ráp của Mỹ.
“Nhờ sự can đảm của các binh sĩ, tay thủ lĩnh khủng bố khủng khiếp này không còn nữa,” Tổng thống Biden phát biểu tại Tòa Bạch Ốc và cho biết thêm rằng các lực lượng Mỹ đã hết sức cẩn trọng để giảm thiểu thương vong nơi thường dân.
Khi lực lượng Mỹ áp sát mục tiêu, Quraishi đã tự nổ bom giết chết luôn cả những người trong gia đình, kể cả phụ nữ và trẻ em, theo Tổng thống Biden và các quan chức Mỹ.
Tổng thống Biden và các quan chức Mỹ không cho biết số thương vong, nhưng lực lượng cứu hộ Syria nói ít chất có 13 người chết, trong đó có 4 phụ nữ và 6 trẻ em.
Ông Biden và các quan chức Mỹ mô tả Quraishi là “lực đẩy” đằng sau cuộc diệt chủng người sắc tộc thiểu số Yazidi tại bắc Iraq năm 2014 và từng giám sát một mạng lưới chi nhánh Nhà nước Hồi giáo từ châu Phi cho đến Afghanistan.
“Cuộc hành quân tối qua đã loại khỏi vòng chiến một thủ lĩnh khủng bố quan trọng và gởi một thông điệp mạnh mẽ tới khủng bố trên toàn thế giới: Chúng tôi sẽ truy lùng và lôi các người ra,” ông Biden nói.
Kể từ khi bị đánh bại trên chiến trường cách đây gần ba năm, Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria, còn được gọi là ISIS, đã mở các cuộc tấn công nổi dậy tại Iraq và Syria. Gần đây nhất là trong tháng trước khi ISIS xông vào một nhà tù tại đông bắc Syria, nơi giam giữ những nghi phạm Nhà nước Hồi giáo.
Các lãnh đạo, giới chức an ninh và cư dân địa phương tại miền bắc Iraq nói ISIS đã tái xuất hiện như một mối đe dọa chết người.
Lực lượng Mỹ nhiều năm nay dùng máy bay không người lái để nhắm mục tiêu các phần tử thánh chiến trong khu vực, nhưng cuộc hành quân ngày 3/2 dường như là lớn nhất của lực lượng Mỹ tại tây bắc Syria kể từ sau cuộc bố ráp dẫn tới cái chết của Baghdadi, theo nhận định của nhà nghiên cứu Charles Lister thuộc Viện Trung Đông ở thủ đô Washington.
Trường đại học hàng đầu nước Mỹ 2022
Trường đại học hàng đầu nước Mỹ
Khi nhắc đến những trường đại học danh tiếng nhất Thế giới, chắc chắn mỗi người đều sẽ cảm thấy “quen tai” với một vài những cái tên thật nổi bật trong đại chúng, và không phải ngẫu nhiên khi phần đông trong số đó đều xuất phát từ Mỹ. Vậy top 5 trường đại học hàng đầu nước Mỹ là giấc mơ của hầu hết sinh viên trên Thế giới là những cái tên đình đám nào?
Massachusetts Institute of Technology (MIT)
Không chỉ dừng lại với vị trí đầu tiên trong top các trường đại học hàng đầu nước Mỹ, MIT còn được xếp đứng đầu các trường đại học danh giá nhất Thế giới trong hơn 4 năm liền. Nổi danh là môi trường lý tưởng cho các sinh viên đam mê về lĩnh vực công nghệ, MIT giờ đây còn được biết đến với chất lượng giảng dạy tuyệt vời trong cả các ngành nghề khác như kinh tế, kiến trúc, âm nhạc, mỹ thuật, ngôn ngữ…
Harvard University
Harvard nổi tiếng xuất hiện nhiều trong các tác phẩm điện ảnh mang vẻ đẹp cổ kính đậm chất Mỹ
Harvard nổi tiếng mang vẻ đẹp cổ kính đậm chất Mỹ là ngôi trường trong mơ của rất nhiều sinh viên toàn Thế giới
Nhắc đến giáo dục Mỹ là nhắc đến Harvard! Được thành lập vào năm 1636 và là ngôi trường có “tuổi thọ” cao nhất nước Mỹ, Harvard hiện vẫn đang được đặt tại Cambridge bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Với bề dày lịch sử cùng thành tích nổi bật, Harvard hiện là một trong những đại học danh tiếng thuộc top đầu trên Thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng. Đại học Harvard là nơi gắn liền với tên tuổi của nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng tại Mỹ như vợ chồng cựu tổng thống Barack Obama, cố tổng thống John F. Kennedy, cựu tổng thống George W. Bush, các chính khách và triết gia nổi tiếng trên Thế giới, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, diễn viên Natalie Portman, Matt Damon… Harvard là ngôi trường được đánh giá cao về tất cả ngành nghề đào tạo, đặc biệt là các lĩnh vực về kinh doanh, luật, dược và nghệ thuật.
Stanford University
Stanford hiện đang tọa lạc tại trung tâm thung lũng Sillicon, bang California, Mỹ. Stanford nổi danh toàn cầu bởi các khóa học về kinh tế, là “cái nôi” lừng danh của những doanh nhân hàng đầu hiện nay như các sáng lập viên tài ba của Google, Instagram, Yahoo! và Nike… Lĩnh vực công nghệ kỹ thuật của Stanford cũng được đánh giá rất cao khi chỉ xếp sau Massachusetts Institue of Technology trên toàn Thế giới.
California Institute of Technology (Caltech)
Nếu chỉ nhìn từ đằng trước lối vào Caltech, không ai có thể đoán được đây là ngôi trường có quy mô nhỏ nhất trong top đầu trường đại học chất lượng nhất Thế giới
Nếu chỉ nhìn từ đằng trước, chẳng ai đoán được Caltech là ngôi trường có quy mô nhỏ nhất trong top trường đại học hàng đầu Thế giới
Tọa lạc tại bang California với quy mô khiêm tốn chỉ hơn 2,000 sinh viên, Caltech lại giữ vị trí không hề nhỏ khi xếp thứ 4 các trường đại học hàng đầu Thế giới. Vốn là nơi sản sinh ra các ông trùm làng công nghệ, không có gì ngạc nhiên khi Caltech liên tục được vang danh bởi những nghiên cứu về khoa học kỹ thuật mang tầm cỡ quốc tế.
University of Chicago
Cái tên đình đám trong danh sách này chính là đại học danh tiếng Chicago. Với môi trường học tập và chất lượng giảng dạy tuyệt vời, Chicago đã xuất sắc chiếm trọn vị trí thứ 9 trong top các trường đại học hàng đầu Thế giới. Được thành lập từ năm 1890, Chicago nổi tiếng là ngôi trường về khoa học và nghệ thuật. Tính đến nay, có đến 89 cựu sinh viên đại học Chicago đã đạt giải Nobel về nhiều lĩnh vực khác nhau. Khoa vật lý của trường cũng từng tạo nên sự “chấn động” khi là đơn vị tiên phong đặt nền móng cho việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân nhân tạo đầu tiên trên Thế giới ngay tại khuôn viên trường.
Mỗi ngôi trường trong danh sách đều có thế mạnh về chất lượng và lĩnh vực đào tạo cũng như các yêu cầu và chỉ tiêu tuyển sinh rất khác nhau. Ngoài cá đại học danh tiếng như trên, Mỹ vẫn còn rất nhiều những trường đại học trứ danh có môi trường học tập và chất lượng giảng dạy xuất sắc.
Không có nhận xét nào