Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 21 tháng 02 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Nga dập tắt hy vọng thượng đỉnh Putin – Biden để giải quyết khủng hoảng Ukraina

    Hình ảnh ghép: Tổng thống Mỹ Joe Biden (T) trong một buổi lễ tại Nhà Trắng ở Washington Mỹ, và tổng thống Nga tại hội nghị của đảng Nước Nga Thống Nhất, tại Matxcơva, Nga MANDEL NGAN, Mikhail Metzel AFP 

    Điện Kremlin hôm nay, 21/02/2022, đánh giá còn « quá sớm » để tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Vladimir Putin và Joe Biden, dập tắt hy vọng sau thông báo của Pháp tối hôm qua về cuộc gặp này nhằm giảm nguy cơ một cuộc xâm lược Ukraina từ Nga.  

    Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov, được AFP trích dẫn tuyên bố : « Có một sự đồng tình về việc phải tiếp tục đối thoại ở cấp ngoại trưởng. Việc bàn về những kế hoạch cụ thể để tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh là quá sớm ».

    Tuyên bố này của Nga được đưa ra sau khi phủ tổng thống Pháp, đêm 20/02/2022, trong thông cáo cho biết Tổng thống Mỹ đã chấp nhận về nguyên tắc gặp đồng người đồng cấp Nga theo như đề xuất của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Washington ra điều kiện từ nay đến khi gặp thượng đỉnh, Nga không được tấn công Ukraina. 

    Đây là kết quả sau các cuộc điện thoại liên tiếp của tổng thống Pháp Emmanuel Macron với lãnh đạo Nga, Ukraina, Mỹ và Đức trong ngày Chủ Nhật.  

    Hiện vẫn chưa có thời điểm cụ thể cho cuộc gặp thượng đỉnh này. Nội dung và cách thức sẽ được ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov chuẩn bị trong cuộc gặp vào ngày thứ Năm (24/02) tại Genève, Thụy Sĩ. 

    Thông cáo của phủ tổng thống cho biết thêm, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ sẽ được mở rộng cho « tất cả các bên liên quan » và sẽ đề cập đến  vấn đề « an ninh và ổn định của châu Âu ». 

    Joe Biden sẽ gặp Vladimir Putin « nếu không xảy cuộc xâm lược », Nhà Trắng đã khẳng định. Thông cáo của phát ngôn viên Nhà Trắng, Jen Psaki, nhấn mạnh, Hoa Kỳ « cam kết theo đuổi ngoại giao chỉ khi cuộc xâm lược chưa bắt đầu ».  

    Washington tiếp tục khẳng định Nga đang sắp mở chiến dịch quân sự tấn công Ukraina. Trong thông cáo nói trên, Nhà Trắng nhắc lại cảnh báo, « hiện tại Nga dường như đang tiếp tục chuẩn bị một cuộc tấn công trên uy mô lớn vào Ukraina, sắp tới đây ».  

    Matxcơva vẫn quả quyết không có ý định xâm lược Ukraina mà chỉ nhất mực yêu cầu Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) cam kết Ukraina không được gia nhập, cũng như NATO không mở rộng biên giới về phía Nga. Cho đến nay, các yêu sách trên của Nga đều bị phương Tây bác bỏ. 

    Cuộc gặp tới đây được giới quan sát đánh giá là cơ hội cuối cùng để ông Vladimir Putin và Joe Biden trực tiếp thương lượng về những bất đồng giữa Nga và phương Tây đã dẫn đến cuộc khủng hoảng Ukraina hiện nay.  


    Biden và Putin sẽ họp thượng đỉnh về Ukraine 

    Reuters 

    Ông Biden và ông Putin gặp thượng đỉnh ở Geneva hồi tháng 6 năm 2021

    Ông Biden và ông Putin gặp thượng đỉnh ở Geneva hồi tháng 6 năm 2021 

    Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý trên nguyên tắc sẽ họp thượng đỉnh về vấn đề Ukraine, Tổng thống Pháp cho biết hôm 21/2, mở ra một con đường khả dĩ thoát khỏi một trong những cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất châu Âu trong nhiều thập kỷ.

    Các thị trường tài chính khắp thế giới tăng nhờ tia hy vọng về một giải pháp ngoại giao ngay cả khi hình ảnh vệ tinh dường như cho thấy Nga triển khai binh lính gần biên giới với Ukraine, trong khi tiếng đạn pháo đã được nghe thấy hôm 21/2 ở miền đông Ukraine, nơi lực lượng chính phủ Ukraine đang giao tranh với phe ly khai thân Nga.

    Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong một tuyên bố rằng ông đã vận động với cả hai nhà đồng cấp Nga-Mỹ về một hội nghị thượng đỉnh bàn về ‘an ninh và ổn định chiến lược ở châu Âu’. Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết ông Biden đã chấp nhận cuộc họp ‘trên nguyên tắc’ nhưng với điều kiện ‘Nga không xâm lược Ukraine’.

    “Chúng tôi luôn sẵn lòng cho ngoại giao,” Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói. “Chúng tôi cũng sẵn sàng áp đặt những hậu quả nhanh chóng và nghiêm trọng, nếu Nga chọn chiến tranh thay vì ngoại giao”.

    Có ít chi tiết rõ ràng về cuộc gặp thượng đỉnh, vốn được công bố sau một loạt các cuộc điện đàm giữa các ông Macron, Biden, Putin, Tổng thống Ukranie Volodymyr Zelenskiy và Thủ tướng Anh Boris Johnson.

    Điện Élysée và Nhà Trắng cho biết nội dung thực chất của cuộc gặp thượng đỉnh sẽ được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov quyết định trong cuộc gặp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24/2.

    Ukraine có vai trò gì trong cuộc gặp thượng đỉnh này, nếu có, cũng không chắc chắn.

    Một quan chức chính quyền Biden nói với Reuters qua email rằng hội nghị thượng đỉnh này là ‘hoàn toàn đáng chú ý’ trong khi thời gian và thể thức vẫn chưa được xác định.

    Lãnh đạo đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, cho biết nhu cầu đàm phán để tránh chiến tranh là cấp bách, trong khi Đức nói Nga nên quay trở lại bàn đàm phán.

    Trong khi giá dầu giảm, thị trường chứng khoán châu Á lấy lại những gì đã mất và phố Wall phục hồi nhờ tin tức về hội nghị thượng đỉnh, ông Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, cho biết ông hoài nghi.

    “Nhưng nếu Biden và Putin gặp nhau, họ nên mời ông Zelenskiy tham gia,” ông nói trong một thông điệp trên Twitter.

    Quân Nga đã dồn về xung quanh biên giới với Ukraine kể từ cuối năm ngoái, trong hành động mà các nước phương Tây cho là mở màn cho một cuộc xâm lược có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

    Nga phủ nhận họ có ý định xâm lược Ukraine, nhưng căng thẳng càng bị đẩy lên cao sau khi Bộ Quốc phòng Belarus tuyên bố Nga sẽ mở rộng các cuộc tập trận ở Belarus vốn dự kiến kết thúc hôm 20/2.

    Công ty hình ảnh vệ tinh Maxar có trụ sở tại Mỹ cho biết có nhiều đợt triển khai mới của các đơn vị quân đội Nga trong rừng, trang trại và khu công nghiệp chỉ cách biên giới với Ukraine 15 km.

    Trước đó, ông Blinken cho biết việc Nga kéo dài tập trận ở Belarus, giáp Ukraine về phía bắc, khiến ông lo lắng hơn là Nga đang sắp sửa tấn công và cần phải tận dụng mọi cơ hội để có tiến hành ngoại giao.

    Belarus cho biết quân đội Nga sau khi tập trận sẽ quay về nhà khi có ‘nhu cầu khách quan’, hãng tin Interfax cho biết.

    Trong một bức thư gửi người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet, Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng ‘cuộc xâm lược Ukraine của Nga có thể gây ra thảm họa nhân quyền", bao gồm việc vây bắt và tàn sát đối phương.

    Các cuộc pháo kích lẻ tẻ qua đường phân chia giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly khai thân Nga ở miền đông đã leo thang kể từ hôm 17/2.

    Âm thanh giao tranh đã được nghe thấy một lần nữa hôm 21/2, bao gồm một vụ nổ ở trung tâm thành phố Donetsk do phe ly khai kiểm soát. Nguyên nhân chưa được biết.

    Phiến quân cho biết hai thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc pháo kích của lực lượng chính phủ, hãng tin RIA của Nga cho hay. Truyền thông Nga đưa tin 61.000 người sơ tán từ miền đông Ukraine đã vào Nga.

    Kiev cáo buộc các lực lượng thân Nga pháo kích người dân của họ trong khu vực ly khai để đổ lỗi cho quân chính phủ Ukraine.

    Canada : Sau 24 ngày biểu tình, cảnh sát kiểm soát được Ottawa

    Cảnh sát Canada bắt giữ một người biểu tình trong quá trình giải tán xe tải và những người biểu tình cuối cùng khỏi thành phố Ontario, ngày 20/02/2022. REUTERS - LARS HAGBERG 

    Tại Canada, sau 24 ngày biểu tình của tài xế xe tải, phản đối các biện pháp phòng chống dịch tễ, làm tê liệt trung tâm thành phố Ottawa, cảnh sát Canada ngày 21/02/2022, hầu như đã kiểm soát được tình hình. Gần 200 người biểu tình đã bị bắt giữ.  

    AFP cho biết, vào giữa buổi sáng hôm qua, cảnh sát Canada đã tiến hành các chiến dịch phá dỡ những nơi trú ẩn tạm thời, xịt hơi cay đuổi người biểu tình, bắt giữ khoảng 190 người biểu tình và cho kéo đi khoảng 50 chiếc xe. Trong nhiều tuần qua, giới tài xế biểu tình đã bấm còi liên tục tại một thành phố nổi tiếng là yên tĩnh.   

    Hôm thứ Bảy, cảnh sát đã lên tiếng cảnh báo cho rằng đã đến lúc những người tài xế xe tải phải rời đi. Chính quyền thành phố cho biết đã cho dựng rào chắn xung quanh Nghị Viện Canada nhằm bảo đảm là những chỗ đã được giải tỏa thì không bị người biểu tình chiếm lại.   

    Về phần mình, những người biểu tình khẳng định họ sẽ tiếp tục gây áp lực để dỡ bỏ hoàn toàn những hạn chế phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Canada, nằm trong số những nước nghiêm ngặt nhất thế giới.  

    Theo AFP, nếu như sự yên tĩnh dường như đã trở lại ở Ottawa, phong trào phản kháng lịch sử này có nguy cơ len lỏi trong các cuộc tranh luận chính trị ở Canada. Mặt khác, làn sóng phản đối còn lan rộng sang nhiều nước khác như Pháp và New Zealand.  

    Hôm qua, cảnh sát thủ đô Washington chuẩn bị đối phó với một đoàn xe tải vào thời điểm tổng thống Joe Biden gởi thông điệp quốc gia truyền thống ở Quốc Hội Mỹ, dự kiến vào ngày 01/03/2022. Để đề phòng, một lớp rào chắn có thể sẽ được dựng lên xung quanh đồi Capitole.

    Ukraine chuẩn bị cho kịch bản bị tấn công mạng

    Với hơn 150.000 quân Nga áp sát biên giới, Ukraine đang đối diện nguy cơ thường trực bị xâm lược. Song họ còn phải chuẩn bị cho một mặt trận khác. Trước đó vào ngày 14 tháng 1, tin tặc đã hack vào cơ sở dữ liệu của nhà nước và để lại lời cảnh báo: “Hãy sợ hãi và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.” Sau đó là vụ tấn công hôm 15 tháng 2 làm tê liệt hai ngân hàng lớn cũng như trang web của Bộ Quốc phòng.

    Nguy cơ là rất lớn. Sự cố bị ngắt liên lạc điện thoại di động và internet có thể tạo ra hỗn loạn, mở đầu cho một cuộc xâm lược. Đánh sập hệ thống liên lạc có thể sẽ khó hơn vì nó yêu cầu can thiệp vật lý từ bên trong Ukraine. Nhưng Nga có những lựa chọn khác. Họ có thể gây ra cắt điện hoặc làm gián đoạn kiểm soát không lưu, như đã từng làm trong giai đoạn 2015 đến 2017.

    Ukraine đã cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của mình. Giờ đây đội ngũ của họ rất xuất sắc trong việc phát hiện các mối đe dọa. Ngoài ra, việc cơ sở hạ tầng của họ còn thô sơ cũng là một lợi thế. Tuy nhiên Nga có lẽ vẫn chưa chơi hết bài.

    Cựu tổng thống Trump ra mắt mạng xã hội mới

    Công ty truyền thông mới của Donald Trump sẽ ra mắt nền tảng mạng xã hội Truth Social vào thứ Hai. Cựu tổng thống Mỹ đã bị cấm sử dụng Facebook và Twitter kể từ sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vào tháng 1/2021.

    Với tiêu chí tạo không gian thân thiện cho phe bảo thủ— với khẩu hiệu “Hủy bỏ văn hóa hủy bỏ” (“Cancelling cancel culture”)— Tập đoàn Truyền thông & Công nghệ Trump còn có kế hoạch ra mắt dịch vụ phát trực tuyến và mạng tin tức. Kho tiền tài trợ 1,3 tỷ đô la sẽ rất hữu ích. Song bản thân công ty lại có khởi đầu không suôn sẻ khi bị các nhà quản lý tài chính điều tra về vụ sáp nhập với một công ty séc khống (một dạng công cụ sáp nhập) vào năm ngoái.

    Ông Trump có thể quá bận để có thể để tâm đến vấn đề này. Vài tuần sau ông sẽ phải điều trần trước tổng chưởng lý New York để phục vụ cuộc điều tra của bà về cáo buộc gian lận tại doanh nghiệp gia đình của ông. Rõ ràng ông đang có một giai đoạn hậu nhiệm kỳ đầy bận rộn.

    IMF đối diện môi trường vĩ mô phức tạp và rủi ro trả nợ của các thành viên 

    12 tháng tới sẽ rất quan trọng đối với IMF. Hiện nay nợ đang tăng nhanh trên toàn cầu. Trong tình hình đó, việc lãi suất tăng ở các nước giàu có thể khiến một số thị trường mới nổi chao đảo. Các khoản nợ của hơn một nửa các quốc gia thu nhập thấp trên thế giới có thể sẽ không còn bền vững.

    IMF bị hạn chế nặng nề trong nỗ lực giải quyết các vấn đề như vậy. Tiến trình giúp các nước vững chân hơn về tài chính đang trở nên phức tạp vì nợ Trung Quốc ngày càng chồng chất. Các nước mắc nợ không muốn phật lòng chủ nợ, trong khi các lãnh đạo Trung Quốc lại không thống nhất về mức độ khoan dung dành cho các nước. Khó khăn do đại dịch gây ra cũng khiến các cải cách IMF thường đề xuất – chẳng hạn như cắt giảm trợ cấp năng lượng hoặc cải tổ hệ thống lương hưu – trở thành điều xa vời. Các nước giàu có thể cung cấp nhiều tài trợ hơn cho các nước nghèo đồng thời cho Trung Quốc nhiều tiếng nói hơn trong IMF. Song tình hình địa chính trị hiện tại khiến lựa chọn này trở nên khó xảy ra.


    Không có nhận xét nào