Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 14 tháng 02 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Cầu nối Mỹ-Canada mở cửa trở lại sau khi cảnh sát dẹp người biểu tình 

    14/02/2022 

    Reuters 

    Cầu Ambassador nối thành phố Detroit của Mỹ và thành phố Win của Canada.

    Cầu Ambassador nối thành phố Detroit của Mỹ và thành phố Win của Canada. 

    Cơ quan Quản lý Biên giới Canada cho biết, huyết mạch giao thông thương mại nhộn nhịp nhất Bắc Mỹ đã mở cửa trở lại vào tối ngày 13/2, kết thúc 6 ngày bị phong tỏa, sau khi cảnh sát Canada giải tỏa những người biểu tình yêu cầu chấm dứt các hạn chế COVID-19, theo Reuters.

    Cảnh sát Canada đã thực hiện một số vụ bắt giữ hôm 13/2 và giải tỏa những người biểu tình và phương tiện chiếm Cầu Ambassador ở Windsor, Ontario, sau lệnh của tòa án hôm 11/2.

    Việc phong tỏa đã làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất ô tô của thành phố Detroit, buộc công ty Ford Motor, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai của Mỹ, công ty General Motors và Toyota Motor, phải cắt giảm sản lượng.

    Chiếc cầu này vận chuyển hàng hóa hai chiều khoảng 360 triệu đôla mỗi ngày - 25% tổng giá trị thương mại hàng hóa Mỹ-Canada.

    Một quan chức Cảnh sát Windsor nói với các phóng viên rằng 20 đến 30 vụ bắt giữ đã được thực hiện. Cảnh sát cũng thu giữ các phương tiện trong khu vực biểu tình, theo một tuyên bố trước đó.

    Các cuộc biểu tình “Đoàn xe Tự do”, bắt đầu ở thủ đô Ottawa bởi các tài xế xe tải của Canada phản đối quy định tiêm chủng hoặc kiểm dịch đối với những người lái xe qua biên giới, đã bước sang ngày thứ 17 vào hôm 13/2.

    FGM-148 Javelin 

    https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEgqhCH1RdlFLHbCMaxnkdshTK1fSFYBlff1bUvEcr1zB-5OsfBvbrNVObzh1wasjR1-tQ84kxG8NN57h5v1v2CfIOAZ4qCAlrdQC5mAkI7ScCpdc6M1PrRK2E6_3aGxyHr5ts5BqHpkANZjgL7LAgvEfeSo7DztVkQqm-oAePKb1x0yzrbZtN_U2UEbpg=w400-h300

    Ngày hôm nay ký giả Sandra Smith của đài truyền hình Fox News hỏi Chủ tịch Báo Chí Ngũ Giác Đài John Kirby (cựu Chuẩn Đô Đốc, Rear Admiral) về tin tình báo là Liên Bang Nga sẽ tấn công Ukraine vào thứ Tư 16/02 này.

    John Kirby cho biết Ngũ Giác Đài sẽ không xác nhận tin tình báo là khi nào Nga sẽ tấn công. Tuy nhiên ông cho biết chính quyền Hoa Kỳ đã rất "minh bạch" và có chia sẻ tin tức tình báo Nga có thể tấn công cho lãnh đạo Ukraine. 

    John Kirby nhắc lại, tất cả công dân Mỹ phải lập tức rời Ukraine vì quân đội Hoa Kỳ sẽ không vào nước này để giúp người Mỹ di tản.

    Thiệt sự chưa biết tình báo CIA lần này có ngửi trúng hong, vì họ đã đoán mò trật lất các xe tải biến chế sữa uống ở Iraq là xe chở võ khí hóa học. Và khi đế quốc Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 thì tình báo CIA vẫn còn đang ngủ gục hỏng biết gì.

    Tin tức hôm nay Chủ Nhật, vận tải cơ C-17 Hoa Kỳ đã chở rất nhiều hỏa tiễn địa không cầm tay FIM-92 Stinger cho quân đội Ukraine. Đây có lẽ là loại Stinger đời mới, tối tân hơn loại dùng ở chiến trường A Phú Hãn, nơi mà kháng chiến quân Mujahideen đã dùng Stinger do Hoa Kỳ viện trợ bắn rớt hàng ngàn máy bay Liên Xô.

    Ngoài ra hôm thứ Sáu 11/02 Hoa Kỳ cung cấp thêm cho Ukraine 300 hỏa tiễn chống chiến xa FGM-148 Javelin. Tính từ nhiệm kỳ của cựu tổng thống Donald Trump cho tới giờ, thì Ukraine hiện nay có khoảng 1200 hỏa tiễn FGM-148 Javelin.

    Hỏa tiễn FGM-148 Javelin là một phát minh tân kỳ. FGM-148 Javelin có đặc điểm là “bắn rồi quên”. Tức là xạ thủ dùng máy nhắm hồng ngoại tuyến khóa, đóng khung mục tiêu có khoảng cách xa nhứt là 4.700 mét. Khi bấm cò khai hỏa, mục tiêu được máy nhắm đóng khung truyền qua bộ phận tìm kiếm (seeker) cũng bằng hồng ngoại tuyến của hỏa tiễn. 

    Trên đường bay, bộ phận seeker tìm kiếm mục tiêu đã được đóng khung, luôn luôn cập nhật hóa so sánh hình ảnh và vị trí mới của mục tiêu vào computer hỏa tiễn, và dùng các cánh điều khiển hỏa tiễn bay đến trúng mục tiêu. Khi ấy xe tăng địch dù có tống hết ga đào tẩu vẫn hỏng thoát được con mắt hồng ngoại tuyến đang thôi miên. Xạ thủ bấm cò khai hỏa rồi thì có thể xuống hầm ngồi hút thuốc lá, đợi nghe tiếng nổ từ xa vọng về của con cua vừa bị rang muối.

    FGM-148 Javelin có hai chế độ sát thủ: 1/ Bắn trực xạ thì hỏa tiễn chỉ bay là là cách mặt đất khoảng 60 mét để hun các mục tiêu như các công sự chiến đấu, các tòa nhà kiên cố có địch quân ẩn núp, hoặc máy bay trực thăng bay thấp. 2/ Bắn khui nóc xe tăng. Hỏa tiễn bay là là khi đến gần xe tăng địch thì vọt lên cao khoảng 150 mét rồi bổ nhào xuống thẳng góc, khui thủng được nóc thiết giáp bề thế nhứt thế giới.

    Hỏa tiễn chỉ nặng khoảng 22 kg. Đầu nổ nặng 8,4 kg. Ống phóng và máy nhắm nặng 15 kg. Chỉ cần hai người lính bộ binh là có thể vác, ráp và bắn hỏa tiễn FGM-148 Javelin trong vòng vài phút. 

    FGM-148 Javelin tiện dụng hơn hỏa tiễn TOW rất nhiều vì TOW rất cồng kềnh nặng nề. Khi khai hỏa TOW, xạ thủ phải ngồi chình ình sau máy nhắm để điều khiển hỏa tiễn. Nếu vị trí của TOW bị phát hiện, thì đối phương có thể tập trung hỏa lực bắn dập vị trí của TOW, và xạ thủ bị chết hay hoảng hốt sẽ nhắm trật.

    Liên Hiệp Quốc bị tố cáo phớt lờ các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc do ảnh hưởng của Bắc Kinh

    David Zhang

    https://img.etviet.com/2022/02/Michelle-Bachelet-700x420.jpg

    Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet đọc diễn văn khai mạc phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Afghanistan tại Geneva ngày 24/08/2021 (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP/Getty Images) 

    Liên Hiệp Quốc đang bỏ qua các hành vi vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) do ảnh hưởng ngoại giao và tài chính của Bắc Kinh đối với cơ quan toàn cầu này, theo người tố cáo Emma Reilly.

    “Có một chính sách thực tế mà Cao ủy Nhân quyền, tổng thư ký và nhiều quan chức cấp cao khác, là không gặp mặt… người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Đài Loan, các học viên Pháp Luân Công, bất cứ ai có thể làm mất lòng Trung Quốc,” một luật sư nhân quyền đồng thời là cựu nhân viên Liên Hiệp Quốc, bà Emma Reilly, nói với chương trình “China Insider” của Epoch TV hôm 09/02.

    Bà Reilly là người tố cáo đã bóc trần Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) vì đã cung cấp cho ĐCSTQ tên của những người bất đồng chính kiến ​​và các nhà hoạt động nhân quyền, vi phạm các quy tắc dùng để bảo vệ những người này của Hội đồng Nhân quyền.

    “Điều đó chắc chắn đã dẫn đến việc chính quyền Trung Quốc cử cảnh sát đến nhà những người này, bắt giữ các thành viên trong gia đình họ, buộc những thân nhân này… phải nói … [về] các hoạt động quốc tế của họ,” bà Reilly cho biết. “Một số câu chuyện thực sự khủng khiếp về tra tấn [cũng xuất hiện].”

    Năm 2013, bà Reilly làm việc tại OHCHR, đã báo cáo việc làm này với cấp trên của mình và các văn phòng khác của Liên Hiệp Quốc, nhưng vô hiệu. Bà cho hay, kết quả là bà đã phải đối mặt với sự trả đũa và các nỗ lực bịt miệng trong Liên Hiệp Quốc, và cuối cùng bị sa thải vào tháng 11/2021.

    Vụ bê bối xảy ra trong bối cảnh gia tăng lo ngại về sự thống trị ngày càng tăng của Trung Cộng tại Liên Hiệp Quốc.

    Tòa đại sứ Hoa kỳ di tản

    https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEjuNt7JI482TA1MRzgEg0gp2KyTtK7IqSbIzHGaUptfnxsesmHgYti3mNyhPwZLAz0nvEBlKDWCbXnKIEg-DOiQOW4tZrFeAINydIMRT-5RrmoLGpav7L0X9L8FVbaGYjeS3eVazpaT8vdoN16ICyCiRpokWJmuszUTq8hmZYps6XG6NBDf7rgpbDdnvQ=w400-h300

    Theo các tin tức tràn ngập hôm thứ Sáu, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Kiev, Ukraine bắt đầu di tản qua Ba Lan. Một số nhân viên không quan trọng với gia đình đã về Mỹ từ mấy tuần trước. Nhiều Tòa Đại Sứ khác cũng đang lục tục di tản.

    Chính quyền Hoa Kỳ thông báo công dân Mỹ phải lập tức rời Ukraine trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Nếu đi đường bộ thì hãy qua biên giới Ba Lan. Một Lữ Đoàn của Sư Đoàn Nhảy Dù 82 Airborne Hoa Kỳ đợi sẵn sẽ giúp đỡ đưa công dân Mỹ hồi hương. Các đơn vị thiết giáp khác của Hoa Kỳ cũng đang tiến về Romania.

    Theo tin tức tình báo chưa phối kiểm thì Putin có thể đã ra lịnh tấn công. Kiev có khả năng bị oanh kích và thất thủ trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Không Quân Nga sẽ làm chủ bầu trời Ukraine nên tất cả chuyến bay từ bên ngoài vào Ukraine sẽ ngừng lại. Chỉ còn đường bộ về biên giới Ba Lan. 

    Trong tình thế căng thẳng hiện nay. Hoa Kỳ ồ ạt tiếp tế hỏa tiễn chống chiến xa FGM-148 Javelin cho Quân Lực Ukraine. Giống Afghanistan là mồ chôn của trực thăng Liên Xô. Ukraine sẽ là nghĩa địa của thiết giáp Nga. Và người dân Ukraine sẽ tiến hành chiến tranh du kích nếu Kiev thất thủ.


    Tổng chưởng lý Oklahoma: Bác sĩ có thể kê ivermectin, HCQ để điều trị COVID-19 

    https://img.etviet.com/2022/02/IvermectinJPG-1_1-700x420.jpg

     Katabella Roberts

    Tổng chưởng lý Oklahoma đã thông báo với các bác sĩ trên toàn tiểu bang rằng họ có thể kê đơn ivermectin hoặc hydroxychloroquine (viết tắt là HCQ) cho mục đích điều trị COVID-19 và sẽ không phải đối mặt với các quy trình kỷ luật vì làm như vậy.

    Trong một tuyên bố được công bố hôm thứ Ba (08/02), Tổng chưởng lý John O’Connor cho biết ông thấy “không có cơ sở pháp lý nào” để hội đồng cấp phép y tế của tiểu bang kỷ luật một bác sĩ đã được cấp phép vì “đưa ra quyết định đúng đắn” và “kê đơn thuốc an toàn”.

    Cả ivermectin và HCQ đều không được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận sử dụng trong việc điều trị COVID-19 nhưng ông O’Connor đã khẳng định rằng bác sĩ sẽ không phải đối mặt với hình phạt nếu họ kê đơn một trong hai loại thuốc được dùng với mục đích không theo hướng dẫn được chỉ định trên nhãn (off-label) để điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

    “Tôi ủng hộ các bác sĩ, những người tin rằng việc dùng ivermectin và hydroxychloroquine là vì lợi ích tốt nhất của bệnh nhân,” ông O’Connor nói. “Các chuyên gia y tế của chúng ta nên có sẵn mọi công cụ trong tay để chống lại COVID-19. An toàn cộng đồng đòi hỏi điều này. Các bác sĩ, những người kê đơn thuốc và tuân thủ luật pháp đáng lẽ không cần phải e sợ việc bị kỷ luật vì kê những loại thuốc như vậy.”

    Văn phòng tổng chưởng lý nói thêm rằng họ “luôn giữ vững quan điểm rằng các quyết định y tế đúng đắn là những quyết định được thực hiện giữa bệnh nhân và bác sĩ của họ, và chính phủ không nên can thiệp vào mối quan hệ giữa họ.”

    Cả ivermectin lẫn HCQ đều là hai loại thuốc gây tranh cãi và gây chia rẽ trong suốt thời gian diễn ra đại dịch.

    Ivermectin, một loại thuốc chống ký sinh trùng, đã được Tổ chức Y tế Thế giới sử dụng trong hơn 30 năm để điều trị một số bệnh nhiễm trùng cũng như điều trị chấy và các bệnh về da. FDA đã không chấp thuận sử dụng thuốc này trong quá trình điều trị COVID-19 đồng thời cảnh báo rằng dữ liệu hiện tại không chứng minh được mức độ hiệu quả chống lại virus của thuốc này.

    Dùng ivermectin với liều lượng lớn có thể gây nguy hiểm.

    Tuy nhiên, FDA cho biết, các thử nghiệm lâm sàng để đánh giá khả năng phòng ngừa hoặc điều trị COVID-19 trên người của thuốc này vẫn đang được tiến hành.

    Bất chấp cảnh báo từ các cơ quan y tế Hoa Kỳ, tất cả hoặc một phần của 22 quốc gia trên toàn cầu đã chấp thuận việc sử dụng ivermectin trong điều trị COVID-19, căn cứ vào rất nhiều nghiên cứu.

    Nhật Bản vẫn chưa chấp thuận thuốc này cho việc điều trị COVID-19 nhưng hồi tháng trước một tập đoàn [dược phẩm] Nhật Bản đã phát hiện ra, dựa trên nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, rằng ivermectin có hiệu quả kháng virus đối với biến thể Omicron của chủng virus này trong các nghiên cứu ống nghiệm.

    Công ty dược phẩm này hiện cũng đang thực hiện thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 3 đối với loại thuốc này để xem liệu nó có hiệu quả trong việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 hay không.

    Công ty cho biết ivermectin có “tác dụng kháng virus như nhau” trên tất cả các “biến thể”, bao gồm Alpha, Delta, và Omicron, và hoạt động bằng cách ức chế sự xâm nhập của virus cũng như ức chế sự nhân lên của virus này.

    Báo cáo [nghiên cứu của công ty này] cho biết, “[Ivermectin] dự kiến ​​sẽ được áp dụng như một loại thuốc điều trị (dạng viên nén) cho tất cả các bệnh truyền nhiễm do virus corona chủng mới.”

    Đầu tháng này (02/2022), các nhà lập pháp tại Cơ quan Lập pháp tiểu bang Iowa đã thúc đẩy một dự luật cho phép sử dụng ivermectin để điều trị cho các ca COVID-19 nặng phải thở máy.

    FDA cũng cảnh báo mọi người không nên sử dụng thuốc điều trị sốt rét hydroxychloroquine hoặc chloroquine như một liệu pháp điều trị COVID-19 bên ngoài bệnh viện do các nguy cơ về tim đập nhanh và các vấn đề an toàn khác.

    HCQ đã nhận được nhiều sự quan tâm nhưng bên cạnh đó người ta cũng xem xét kỹ loại thuốc này sau khi cựu Tổng thống Donald Trump nói rằng ông đang dùng nó như một loại thuốc phòng bệnh.

    Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Hoa Kỳ (American Journal of Medicine) hôm 01/01 cho thấy hydroxychloroquine giúp giảm tỷ lệ tử vong khi điều trị sớm COVID-19 [ở giai đoạn bệnh mới chớm].

    Tuy nhiên, cả FDA và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều khuyến cáo không nên sử dụng hydroxychloroquine để điều trị COVID-19.

    Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.

    Hồng Ân biên dịch

    Thủ tướng Đức thăm Nga và Ukraine

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bị chỉ trích vì thiếu chủ động khi Nga đổ quân về biên giới Ukraine. Giờ đây ông sẽ tiến hành một nỗ lực ngoại giao. Trước đó vào tuần trước ông đã đến thăm Joe Biden để xoa dịu lo ngại của người Mỹ. Đến thứ Hai ông sẽ gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky ở Kyiv. Và một ngày sau là chuyến thăm đầu tiên của ông trên cương vị thủ tướng tới Điện Kremlin.

    Ông Scholz đã tham khảo ý kiến rộng rãi trước cuộc gặp với Vladimir Putin, thậm chí là thảo luận với cả người tiền nhiệm Angela Merkel. Một loạt các chuyến thăm của lãnh đạo phương Tây tới Moscow đã không thể làm giảm căng thẳng, và đó là trước khi Mỹ cảnh báo Nga có thể tiến hành tấn công sớm nhất vào thứ Tư. Hiện Đức là một trong nhiều quốc gia kêu gọi công dân rời Ukraine. Với nguy cơ chiến tranh đến gần, các đồng minh sẽ kỳ vọng rất nhiều vào chuyến thăm của thủ tướng Scholz.

    Xét xử cựu nhân viên Goldman Sachs trong vụ 1MDB

    Roger Ng, cựu nhân viên Goldman Sachs bị cáo buộc giúp biển thủ hàng trăm triệu đô la từ quỹ đầu tư quốc gia 1MDB của Malaysia, sẽ ra tòa New York vào thứ Hai tới. Trước đó, nhà chức trách Mỹ đã tuyên bố có tới 4,5 tỷ USD bị bốc hơi khỏi 1MDB từ năm 2009 đến 2014. Vụ việc khiến thủ tướng Malaysia Najib Razak mất ghế thủ tướng. Sau đó ông bị kết án vào năm 2020 với các tội danh rửa tiền và lạm dụng quyền lực; hiện ông đang kháng án và được tại ngoại.

    Chính phủ Mỹ cáo buộc ông Ng và những người khác tại Goldman Sachs, bên có hợp đồng phát hành trái phiếu 1MDB trị giá 6,5 tỷ USD, tội tham gia hối lộ. Vụ việc sẽ làm sáng tỏ cách ngân hàng phản ứng trước các cảnh báo nội bộ về tham nhũng. CEO Goldman Sachs David Solomon đã tuyên bố không có quy trình tuân thủ nào bị vi phạm. Song ông cũng thừa nhận “có thất bại về mặt thể chế.” Ngân hàng thậm chí đã đồng ý trả 2,9 tỷ đô la tiền phạt vào năm 2020. Đây chính là tin tốt cho ông Ng, khi ông kiên quyết chối tội.

    Các nước họp thống nhất văn kiện khoa học về biến đổi khí hậu

    Vào thứ Hai, các nhà khoa học khí hậu và đại diện các chính phủ trên thế giới sẽ họp online cho một hội nghị kéo dài hai tuần. Nhiệm vụ của họ là phê duyệt từng dòng một “bản tóm tắt dành cho các nhà hoạch định chính sách” trong phần mới nhất của báo cáo thứ sáu từ Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), một cơ quan tập hợp ý kiến khoa học được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.

    IPCC từng đi qua quy trình tương tự vào mùa hè năm ngoái trước khi xuất bản phần đầu tiên, tức bản đánh giá toàn diện nhất của thế giới về bản chất vật lý đằng sau biến đổi khí hậu. Phần tiếp theo tập trung vào các tác động của nóng lên toàn cầu, tính dễ bị tổn thương của con người và các hệ thống sinh thái, cũng như nêu rõ tiềm năng thích ứng. Kết quả sẽ không hào hứng gì — mỗi vòng báo cáo đều đưa ra các cảnh báo rõ ràng hơn vòng trước. Song vẫn còn đó hy vọng. Báo cáo này sẽ cho thấy nhân loại ngày càng có nhiều giải pháp tiềm năng hơn, nếu có thể tập hợp đủ ý chí chính trị để hiện thực hóa chúng.

    Tranh cãi quanh luật cấm rượu của Ấn Độ

    Tháng trước, chính quyền của bang miền tây Ấn Độ Maharashtra đã thông báo các cửa hàng tạp hóa lớn sẽ được phép bán rượu vang. Các quan chức nói điều này giúp tăng thu nhập cho nông dân và nhà máy rượu. Khoản thu thuế lớn từ rượu chắc chắn góp phần đã khiến họ đổi ý. Anna Hazare, một nhà dân túy Gandhi chủ nghĩa lớn tuổi, đáng lẽ sẽ tuyệt thực vô thời hạn từ thứ Hai để phản đối cho bán rượu, trước khi tuyên bố tạm hoãn trong khi chờ quan chức bang tham vấn ý kiến người dân.

    Lập trường nghiêm khắc của Ấn Độ đối với rượu được ghi hẳn trong hiến pháp, trong đó cam kết nhà nước cấm rượu trừ khi vì “mục đích chữa bệnh”. Mặc dù một số người Ấn Độ đồng ý với ông Hazare, nhiều người lại thấy chán ngán với luật cấm. Các quán rượu luôn biết cách để giữ khách. Khi Tòa án Tối cao Ấn Độ ra lệnh cấm bán rượu trong vòng 500 mét tính từ đường cao tốc, một quán bar ở bang Kerala miền nam đã xây dựng một mê cung ngoằn ngoèo bằng bê tông để tăng khoảng cách từ cửa trước đến đường cao tốc lên trên 500 mét.


    Không có nhận xét nào