Võ Thái Hà tổng hợp
Hoa Kỳ nói các ‘lực lượng gìn giữ hòa bình’ của Nga ở Ukraine là ‘vô nghĩa’
22/02/2022
Bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, phát biểu hôm 21/2/2022.
Việc Nga triển khai cái mà gọi là “hoạt động gìn giữ hòa bình” ở miền đông Ukraine là “vô nghĩa” và việc Moscow công nhận độc lập các khu vực ly khai là một lý do để gây chiến, Hoa Kỳ nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 21/2, theo Reuters.
Bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, phát biểu trước cuộc họp khẩn cấp của hội đồng gồm 15 thành viên, hậu quả của những hành động của Nga “sẽ rất thảm khốc - trên khắp Ukraine, trên toàn châu Âu và trên toàn cầu”.
Căng thẳng giữa Moscow và các thủ đô phương Tây đã leo thang sau nhiều tuần Hoa Kỳ cáo buộc Nga đã triển khai tới 150.000 quân gần biên giới Ukraine để thực hiện một cuộc xâm lược. Nga đã phủ nhận việc họ muốn xâm lược Ukraine và cáo buộc phương Tây là kẻ cuồng loạn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/2 chính thức công nhận độc lập hai khu vực ly khai tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk, bất chấp cảnh báo của phương Tây rằng bước đi như vậy là bất hợp pháp và phá hỏng các cuộc đàm phán hòa bình.
Bà Thomas-Greenfield cho biết: “Tổng thống Putin đã xé bỏ Thỏa thuận Minsk thành từng mảnh vụn. Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi không tin rằng ông ấy sẽ dừng lại ở đó”, đề cập đến thỏa thuận 2014-2015 nhằm chấm dứt xung đột giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.
Hôm 21/2, ông Putin cũng đã ra lệnh triển khai các lực lượng Nga tới khu vực Donbass ở miền đông Ukraine để “gìn giữ hòa bình”.
HĐBA LHQ nhóm họp hôm 21/2/2022.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia với Hội đồng Bảo an: “Chúng tôi vẫn mở cửa cho một giải pháp ngoại giao”.
Hầu hết các thành viên hội đồng đều chỉ trích Nga vì hành động của họ hôm 21/2.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân (Zhang Jun) cho biết “tất cả các bên liên quan phải kiềm chế và tránh bất kỳ hành động nào có thể gây căng thẳng”, nói thêm rằng Bắc Kinh hoan nghênh và khuyến khích mọi nỗ lực cho một giải pháp ngoại giao.
Tám thành viên hội đồng, bao gồm Hoa Kỳ, Anh và Pháp, ủng hộ việc Kyiv yêu cầu Hội đồng Bảo an họp sau tuyên bố của ông Putin.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tin rằng Nga đã vi phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine với quyết định công nhận miền đông Ukraine là các thực thể độc lập, một phát ngôn viên của LHQ cho biết.
Bà Rosemary DiCarlo, người đứng đầu các vấn đề chính trị của LHQ, nói với Hội đồng Bảo an rằng LHQ lấy làm tiếc về việc Nga ra lệnh triển khai quân đội vào miền đông Ukraine để thực hiện “sứ mệnh gìn giữ hòa bình”.
Chuyên gia LHQ: Myanmar dùng vũ khí mới của Nga và Trung Quốc chống thường dân
22/02/2022
Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Myanmar Thomas Andrews
Chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc hôm 22/2 cho biết Nga và Trung Quốc đang cung cấp cho chính quyền quân quản Myanmar các máy bay chiến đấu để họ sử dụng chống lại dân thường, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngăn chặn dòng vũ khí có thể gây ra hành động tàn bạo, theo Reuters.
Ông Thomas Andrews, một cựu nghị sĩ Hoa Kỳ hiện là chuyên gia nhân quyền của LHQ về vấn đề Myanmar, công bố một báo cáo cho biết như trên, đồng thời cũng nêu tên Serbia là một trong ba quốc gia cung cấp vũ khí cho quân đội Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự vào năm ngoái, với “đầy đủ thông tin rằng chúng được sử dụng để tấn công dân thường”.
Ông Andrews cho biết trong một tuyên bố: “Không thể chối cãi rằng vũ khí này được sử dụng để giết thường dân, và không nên được chuyển giao cho Myanmar”.
Theo các nhà hoạt động được Liên Hiệp Quốc trích dẫn, ít nhất 1.500 dân thường đã thiệt mạng, đồng thời cho biết hơn 300.000 người đã phải di dời do xung đột ở khu vực nông thôn giữa quân đội và các nhóm chống đối có vũ trang.
Chính quyền nói rằng họ đang chiến đấu chống lại “những kẻ khủng bố” và những đối tượng mà họ gọi là sự can thiệp của LHQ.
Quân đội Myanmar và các bộ ngoại giao của Trung Quốc, Nga và Serbia không đưa ra bình luận ngay lập tức về báo cáo này.
Các nhóm nhân quyền và LHQ đã cáo buộc chính quyền Myanmar sử dụng lực lượng không tương xứng để chống lại dân quân và phiến quân dân tộc thiểu số, bao gồm cả các cuộc tấn công bằng pháo và không kích vào các khu vực dân sự.
Báo cáo cho biết Nga đã cung cấp máy bay không người lái, hai loại máy bay chiến đấu và hai loại xe bọc thép, một loại có hệ thống phòng không. Trung Quốc chuyển giao máy bay chiến đấu trong khi Serbia cung cấp tên lửa và đạn pháo.
Vào năm ngoái, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các thành viên ngừng chuyển giao vũ khí cho quân đội Myanmar, mà ông Andrews nói rằng hội đồng an ninh nên đưa ra các ràng buộc.
Serbia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này, nhưng Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Trong khi Trung Quốc kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch ở Myanmar, Nga là đồng minh ngoại giao thân cận nhất của các tướng lĩnh Myanmar trong bối cảnh phương Tây đang nỗ lực cô lập họ.
Nga đối mặt với các lệnh trừng phạt mới sau khi công nhận các khu vực ly khai ở Ukraine
22/02/2022
Một chiếc xe tăng ở Donetsk, Ukraine ngày 22/2/2/20022.
Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu chuẩn bị công bố các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga hôm 22/2 sau khi Tổng thống Vladimir Putin công nhận hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, làm gia tăng lo ngại của phương Tây về một cuộc chiến mới ở châu Âu, theo Reuters.
Quân đội Ukraine cho biết hai binh sĩ đã thiệt mạng và 12 người bị thương trong các cuộc pháo kích của phe ly khai thân Nga ở miền đông trong 24 giờ qua, con số thương vong nhiều nhất trong năm nay, khi các vi phạm lệnh ngừng bắn gia tăng.
Tuyên bố của ông Putin hôm 21/2 và việc ông ký sắc lệnh triển khai quân đội Nga tới hai khu vực ly khai đã thu hút sự lên án của quốc tế và các biện pháp trừng phạt ngay lập tức của Hoa Kỳ, với việc Tổng thống Joe Biden vừa ký một sắc lệnh hành pháp ngưng hoạt động kinh doanh của Hoa Kỳ tại các khu vực ly khai ở Ukraine.
Hôm 22/2, việc lo ngại chiến tranh gia tăng đã đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong 7 năm và chứng khoán toàn cầu sụt giảm.
“Hoa Kỳ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì hành vi vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, nói với các phóng viên sau cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an vào cuối ngày 21/2.
“Chúng ta có thể, sẽ và phải thống nhất trong việc kêu gọi Nga rút quân, quay trở lại bàn ngoại giao và hướng tới hòa bình”.
Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết việc triển khai quân đội Nga tới các khu vực ly khai chưa tương ứng với các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất mà Mỹ và các đồng minh đã chuẩn bị trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược toàn diện, vì Nga đã có sẵn quân đội ở đó.
Một bộ trưởng cấp cao của chính phủ Anh nói ông Putin rõ ràng là đã chọn đối đầu thay vì đối thoại và Anh sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt.
“Qúy vị có thể kết luận rằng cuộc xâm lược Ukraine đã bắt đầu”, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nói.
Ông nói rằng tình hình cũng nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 khi cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô đưa thế giới đến bờ vực của chiến tranh hạt nhân.
Từ trước đến nay Nga phủ nhận kế hoạch tấn công nước láng giềng Ukraine nhưng họ đã tập họp binh sĩ vào biên giới Ukraine và đe dọa hành động “quân sự-kỹ thuật” trừ khi họ nhận được các đảm bảo an ninh sâu rộng, bao gồm cả việc Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập khối NATO.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết việc công nhận hai khu vực ly khai ở Ukraine không ảnh hưởng đến sự sẵn sàng của Nga cho các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ, hãng thông tấn Tass đưa tin.
Anh cho biết họ đã đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào những kẻ đồng lõa trong việc vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và những biện pháp đó sẽ có hiệu lực vào ngày 22/2.
Đại sứ các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ gặp nhau để thảo luận về các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra với các biện pháp trừng phạt hạn chế là một lựa chọn khả thi, một quan chức EU cho biết.
Trung Quốc cho biết họ lo ngại về tình hình Ukraine tồi tệ hơn và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế trong khi Nhật Bản cho biết họ sẵn sàng tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Moscow trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược toàn diện.
Ông Vassily Nebenzia, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, cảnh báo rằng các cường quốc phương Tây nên “suy nghĩ kỹ” và không làm tình hình xấu đi.
TT Zelensky đưa ra tuyên bố sau khi ông Putin nói quân đội Nga có thể sẽ tiến vào Ukraine
Mimi Nguyen Ly
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tại Phủ thủ tướng ở Berlin, Đức, hôm 12/07/2021. (Ảnh: Stefanie Loos/Pool/Getty Images)
‘Chúng tôi không hề sợ hãi’
Tổng thống (TT) Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra một tuyên bố gửi tới quốc gia sau khi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào miền đông Ukraine.
Hôm thứ Hai (21/02), ông Putin tuyên bố rằng Nga công nhận nền độc lập của các khu vực Luhansk và Donetsk ở miền đông Ukraine, vốn đang do các nhóm ly khai được Nga hậu thuẫn nắm giữ. Ngay sau đó, TT Putin đã ký một sắc lệnh do Điện Kremlin ban hành, cho biết Bộ Quốc phòng Nga hiện được phép gửi quân đến khu vực này để “duy trì hòa bình.”
Đáp lại, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ ban hành lệnh trừng phạt thông qua một sắc lệnh hành pháp (E.O.) từ Tổng thống Joe Biden. Tham vụ báo chí Jen Psaki đã đưa ra một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cho biết lệnh của TT Biden sẽ “cấm đầu tư, thương mại, và tài chính mới của những công dân Hoa Kỳ có đích đến là, nhận từ, hoặc ở trong cái gọi là các khu vực DNR và LNR của Ukraine.”
“E.O. này cũng sẽ cung cấp thẩm quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ người nào được xác định hoạt động trong các khu vực đó của Ukraine.”
Vào cuối hôm thứ Hai (21/02), Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã lên lịch một cuộc họp khẩn cấp hiếm hoi theo yêu cầu của Ukraine, Hoa Kỳ, và sáu quốc gia khác. Tại cuộc họp này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield đã gọi thông báo của ông Putin là “vô nghĩa.”
“[TT Putin] đã thông báo rằng ông ấy sẽ bố trí quân đội Nga ở những khu vực này. Ông ấy gọi họ là những người gìn giữ hòa bình,” bà Thomas-Greenfield nói. “Thật là vô nghĩa. Chúng ta biết những việc này thực sự là gì.”
Ông Zelensky, trong một bài diễn văn của tổng thống gửi tới quốc gia, đã chỉ trích việc Nga công nhận các khu vực Luhansk và Donetsk.
Ông nói: “Ukraine hoàn toàn chắc chắn coi những hành động cuối cùng này của Nga là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi.”
“Tất cả trách nhiệm về tất cả các hậu quả liên quan đến quyết định nêu trên đều sẽ thuộc về giới lãnh đạo chính trị Nga. Việc công nhận nền độc lập của các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng Luhansk và Donetsk có thể đồng nghĩa với việc Nga đơn phương rút khỏi các thỏa thuận Minsk.”
Năm 2014, quân đội Nga đã chiếm và sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine. Ngay sau đó, Nga đã bắt đầu hỗ trợ các chiến binh ly khai ở vùng Donbas, miền đông Ukraine, nơi đã chiến đấu chống lại lực lượng chính phủ Ukraine kể từ thời điểm đó. Cuộc chiến đang diễn ra này đã khiến hơn 14,000 người thiệt mạng kể từ năm 2014.
Ông Zelensky tuyên bố, “Với những quyết định của ngày hôm nay và có thể của ngày mai, Nga đang hợp pháp hóa quân đội của mình, trên thực tế đã có mặt ở các khu vực Donbas bị chiếm đóng từ năm 2014. Một quốc gia đã ủng hộ chiến tranh trong suốt 8 năm qua sẽ không thể nào duy trì hòa bình được.”
“Giờ đây hoàn toàn không có lý do gì cho những hành động hỗn loạn. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để tiếp tục đi theo cách này. Chúng tôi gắn bó với đường lối hòa bình và ngoại giao. Chúng tôi sẽ chỉ đi theo con đường này. Chúng tôi đang ở trên vùng đất của chúng tôi, và chúng tôi không hề sợ hãi bất cứ điều gì và bất cứ ai. Chúng tôi không nợ bất kỳ ai cả. Chúng tôi sẽ không cho đi bất cứ thứ gì cho bất kỳ ai. Chúng tôi tự tin vào điều này.”
Trước đó, vào hôm thứ Hai, Tòa Bạch Ốc đã cho biết rằng TT Biden đã đồng ý “về nguyên tắc” để gặp TT Putin, nhưng chỉ khi Điện Kremlin kiềm chế không tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine. Tuy nhiên, ngay cả trước bất kỳ cuộc xâm lược nào, cả TT Biden và Liên minh Âu Châu đều cho biết họ sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt có mục tiêu để đáp lại các sắc lệnh của TT Putin.
Các quốc gia phương Tây đã bày tỏ lo ngại rằng Nga sẽ ra lệnh xâm lược Ukraine, và ước tính rằng hơn 150,000 quân Nga đang tập trung dọc biên giới Ukraine.
Nga đã phủ nhận việc họ có bất kỳ kế hoạch xâm lược Ukraine nào và đã cáo buộc các đồng minh phương Tây về việc mở rộng [lực lượng] của NATO đang đe dọa đến an ninh của Moscow khi Ukraine tìm cách trở thành thành viên.
Cô Mimi Nguyen Ly là một phóng viên phụ trách đưa tin về thời sự thế giới với trọng tâm là tin tức Hoa Kỳ. Sống và làm việc tại Úc, cô có kiến thức nền tảng về đo thị lực lâm sàng. Quý vị có thể liên lạc với cô Mimi tại mimi.nl@epochtimes.com.
Ứng dụng Truth Social của ông Trump ra mắt trên App Store
Katabella Roberts
Mạng xã hội mới của cựu Tổng thống Donald Trump, Truth Social, vừa ra mắt ngay trước Ngày Tổng thống trên App Store của Apple.
Ứng dụng này đã có sẵn để tải xuống vào ngày 20/02 ngay trước nửa đêm theo giờ miền Đông (ET) sau khi công ty của ông Trump cho biết hồi tháng Một rằng họ đã lên kế hoạch cho một bản phát hành đầy đủ vào quý đầu tiên của năm 2022.
Mô tả chi tiết về lịch sử phiên bản của ứng dụng này, trang App Store của Truth Social cho thấy phiên bản công khai đầu tiên của ứng dụng này — phiên bản 1.0 — đã có sẵn hôm 20/02. Phần giới thiệu ghi, “Chào mừng quý vị đến với bản phát hành công khai đầu tiên của Truth Social.”
Trump Media and Technology Group (TMTG) và Digital World Acquisition Corp., một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (công ty séc khống), đã thông báo hồi tháng 10/2021 rằng họ sẽ sáp nhật để tạo ra ứng dụng mạng xã hội này.
Được quảng cáo như một giải pháp thay thế cho Twitter, Truth Social cho phép người dùng thiết lập hồ sơ, kết nối với những người dùng khác, và truy cập vào “nguồn cấp dữ liệu sự thật,” nơi họ có thể “nhận được tin sốt dẻo về những suy nghĩ và hoạt động mới nhất từ mọi người, tổ chức, và các kênh tin tức mà [họ] quan tâm,” theo trang App Store của ứng dụng này.
Trang này cũng tuyên bố rằng ứng dụng này không phân biệt đối xử dựa trên hệ tư tưởng chính trị.
Tuy nhiên, bản phát hành này đã có một số vấn đề về kỹ thuật.
Một số người dùng cho biết họ gặp sự cố khi đăng ký tài khoản hoặc họ đã được thêm vào danh sách chờ và được thông báo, “Do nhu cầu lớn, nên chúng tôi đã đưa quý vị vào danh sách chờ của mình. Chúng tôi yêu quý vị, và quý vị không chỉ là một thành viên nào đó của chúng tôi. Nhưng số danh sách chờ của quý vị đang ở bên dưới.”
Một số người dùng cũng nhận được thông báo lỗi khi họ cố gắng nhập ngày sinh, email, hoặc số điện thoại, với nội dung, “Đã xảy ra lỗi. Vui lòng thử lại,” CNET đưa tin.
Theo trang App Store của Truth Social, phiên bản 1.0.1 hiện tại đã bao gồm “các bản vá lỗi.”
Đối với một số người dùng ở Âu Châu, ứng dụng này vẫn không có sẵn để tải xuống.
“Mỗi ngày, chúng tôi ngày càng thu hút nhiều người Mỹ và chúng tôi sẽ tiếp cận quý vị nhanh nhất có thể,” Giám đốc Điều hành TMTG Devin Nunes nói với Fox News về ứng dụng này.
“Chúng tôi đang làm điều gì đó thực sự là … một cơ hội tuyệt vời cho Tổng thống Trump, cho tôi, cho toàn bộ nhóm của chúng tôi đang làm việc tại TMTG suốt ngày đêm, đặc biệt khi quý vị nhìn thấy sự phấn khích của những người đã bị cấm khỏi các trang mạng xã hội trong suốt hai hoặc ba năm qua. Ý tôi là, có sự phấn khích trên nền tảng của chúng tôi vào ngay lúc này và mọi người, điều đó thật truyền cảm hứng.”
“Thành thật mà nói, tôi thực sự rất cảm động khi thấy những người từng bị tước đi tiếng nói của họ trên nền tảng này — và đó là mục tiêu chính của chúng tôi ở đây, là mang lại cho mọi người tiếng nói của mình.”
Ứng dụng của ông Trump xuất hiện sau khi ông bị cấm khỏi nhiều nền tảng truyền thông xã hội — bao gồm Twitter và Facebook — trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 01/2021, vì bị cáo buộc vi phạm điều khoản dịch vụ của các công ty này với một số bài đăng của mình.
Giám đốc điều hành của các đại công ty công nghệ (Big Tech) và các nhà lập pháp đã cáo buộc ông khuyến khích bạo động trong vụ xâm phạm Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021.
Ông Trump đã kịch liệt phủ nhận những tuyên bố đó.
Trong bài đăng Facebook cuối cùng của mình, ông Trump đã kêu gọi những người biểu tình tại Điện Capitol “hãy về nhà trong hòa bình.”
Ông Trump viết, “Chúng ta phải có hòa bình. Chúng ta phải có luật pháp và trật tự. Chúng ta phải tôn trọng những người chấp pháp tuyệt vời của chúng ta. Chúng ta không muốn ai bị thương hết.”
Ông cũng cho biết cuộc bầu cử ngày 03/11 đầy rẫy gian lận cử tri và khẳng định rằng ông là người chiến thắng thực sự trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Thanh Tâm biên dịch
Putin ra lệnh cho quân đội Nga « duy trì hòa bình » tại vùng ly khai Ukraina
Tối 21/02/2022 Vladimir Putin đã phát biểu công nhận độc lập của các lãnh thổ ly khai thân Nga ở Ukraina ; và lúc 22 giờ 30 (giờ Paris) Putin ra lệnh cho quân đội Nga « duy trì hòa bình » tại vùng này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên án quyết định trên, đòi hỏi « trừng phạt cụ thể », sau khi triệu tập Hội đồng Quốc phòng trong đêm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ « công bố một sắc lệnh cấm tất cả đầu tư, trao đổi, tài trợ của người Mỹ tại các vùng thân Nga Donetsk và Lougansk ».
Ukraina đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn. Liên Hiệp Quốc kêu gọi tránh « tất cả những quyết định đơn phương » làm phương hại đến toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.
Liên hiệp châu Âu (EU) tố cáo việc Matxcơva công nhận độc lập của các vùng ly khai là « vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế », và tuyên bố sẽ hành động « cứng rắn ».
Joe Biden tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ với tổng thống Ukraina Zelensky.
Macron, Scholz, Biden : Sẽ đáp trả quyết định của Nga.
Diễn biến khủng hoảng Ukraine
Hôm thứ Hai, Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình là ông sẽ công nhận Donetsk và Luhansk, hai nước cộng hòa ly khai ở đông nam Ukraine, là các quốc gia độc lập. Nhiều người lo ngại một động thái như vậy sẽ tạo cho Putin cái cớ để can thiệp sâu hơn vào Ukraine hoặc xâm lược nước này.
Nhưng theo nhiều cách khác nhau thì cuộc chiến đã bắt đầu rồi. Pháo kích đang gia tăng dọc theo “ranh giới kiểm soát” giữa các lực lượng Ukraine và phe ly khai ở khu vực Donbas. Trong tình hình đó, phe ly khai đã kêu gọi Nga giúp đỡ.
Song vẫn còn hy vọng cho một nỗ lực ngoại giao. Sau một cuối tuần với hàng loạt cuộc gọi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hai tổng thống Mỹ và Nga đã đồng ý gặp nhau “về nguyên tắc.” Tổng thống Joe Biden xác nhận; song Putin thì không. Thay vào đó, người Nga sẽ chỉ đàm phán ở cấp thấp hơn, tại một cuộc họp dự kiến giữa bộ trưởng ngoại giao hai nước, Antony Blinken và Sergei Lavrov. Dù có thượng đỉnh hay không, giao tranh vẫn sẽ ác liệt hơn.
Ấn Độ viện trợ cho Afghanistan
Hồi tháng 10, chưa đầy hai tháng sau khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan và nền kinh tế đất nước rơi vào đình trệ, Ấn Độ đã đề nghị gửi thuốc và 50.000 tấn lúa mì viện trợ. Vào thứ Ba, những chuyến xe đầu tiên sẽ đến nước này từ biên giới Pakistan. Trong nhiều tháng Ấn Độ đã tranh cãi với Pakistan về cách thức chuyển hàng. Họ muốn dùng xe tải của riêng mình; trong khi Pakistan quả quyết xe của họ sẽ chở và giao hàng. Kết quả: xe của Afghanistan phải chạy đến biên giới Ấn Độ-Pakistan rồi chở hàng về.
Viện trợ của Ấn Độ là rất cần thiết vào lúc này. Hơn một nửa số người dân Afghanistan đang đối mặt nạn đói khẩn cấp. Ngoài ra còn có một lý do khác. Thương mại giữa Ấn Độ và Pakistan (cả hai đều trang bị vũ khí hạt nhân) đã giảm xuống gần như bằng 0 khi căng thẳng gia tăng, đặc biệt là sau cuộc không kích của Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan hồi năm 2019. Mặc dù thương mại khó có thể khởi sắc nhưng ít nhất hai bên đã cho thấy họ có thể hợp tác với nhau.
Tỷ lệ phóng viên thiệt mạng giảm trên toàn cầu, nhưng số người đi tù tăng
Mười năm trước vào thứ Ba tuần này, nhà báo người Mỹ Marie Colvin và phóng viên người Pháp Rémi Ochlik đã thiệt mạng do trúng pháo kích ở Syria. Đến năm 2019, một tòa án Mỹ đã phán quyết chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Colvin. Tính tổng thể, từ năm 2011 đến 2021, có ít nhất 300 nhà báo chuyên nghiệp và phóng viên dân sự đã thiệt mạng ở Syria. Năm Colvin và Ochlik chết là một trong những năm nhiều thiệt hại nhân mạng nhất: 147 phóng viên bị giết trên toàn cầu.
Song kể từ đó, số lượng nhà báo thiệt mạng đã giảm nhanh chóng. Năm ngoái có 46 người qua đời. Nhưng số người bị giam lại tăng mạnh. Ngày càng có nhiều nhà báo bị bắt vì hoạt động chống chính phủ, đặc biệt ở Belarus, Trung Quốc và Myanmar. Nguy cơ thiệt mạng cũng không biến mất — ở một số nước nó thậm chí còn tăng lên. Vào năm 2019, Mexico thay thế Afghanistan trở thành quốc gia có nhiều nhà báo thiệt mạng nhất. Tính riêng năm nay 2022, chưa đầy hai tháng ở Mexico đã có năm nhà báo mất mạng.
Bản đồ vị trí Hải quân Hoa Kỳ trên toàn cầu cập nhật ngày 17/2/2022
Bản đồ hải quân hiển thị vị trí gần đúng hiện tại của các Nhóm tàu sân bay tấn công Hoa Kỳ (CSG) và Nhóm sẵn sàng đổ bộ (ARG), dựa trên thông tin nguồn mở có sẵn. Không có thông tin mật hoặc hoạt động nhạy cảm nào được đưa vào bản cập nhật hàng tuần này. CSG và ARG là chìa khóa để Hoa Kỳ thống trị các đại dương trên thế giới. CSG tập trung vào một tàu sân bay và bao gồm khả năng tấn công tấn công đáng kể. Một ARG tập trung vào ba tàu chiến đổ bộ, với một Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến.
Không có nhận xét nào