Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 15 tháng 02 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Cam Bốt : Covid-19 được sử dụng để biện minh cho việc đàn áp các nhà hoạt động công đoàn

    Y tá chích ngừa vac-xin Covid-19 tại trung tâm y tế ở Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 14/01/2022. AP - Heng Sinith 

    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm nay 15/02/2022 kêu gọi các nhà chức trách Cam Bốt phải ngừng ngay việc lạm dụng các biện pháp y tế chống dịch Covid-19 để đàn áp quyền đình công và các quyền cơ bản khác của công nhân.  

    Kể từ khi Liên đoàn Hỗ trợ Quyền Lao động của người Khmer của NagaWorld (LRSU) đình công vào tháng 12 năm 2021 nhằm ủng hộ các công nhân bị sa thải hồi đầu năm được phục chức, chính quyền Cam Bốt đã tùy tiện bắt giữ và truy tố các nhà hoạt động công đoàn. Gần đây, các nhà chức trách đã tìm cách biện minh cho những cáo buộc hình sự rằng những nhà hoạt động công đoàn nói trên bị bắt do đã vi phạm những luật lệ liên quan đến việc phòng chống dịch Covid-19.

    NagaWord là một tổ hợp khách sạn-sòng bạc lớn tại thủ đô Pnom Penh. 

    Ngày 5 tháng 2 năm 2022, cảnh sát đã bắt giữ sáu thành viên công đoàn của NagaWorld, khi họ rời một trung tâm xét nghiệm Covid-19 và buộc tội ba người trong số họ cản trở những nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 của chính phủ. 

    Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW cho biết : “Chính quyền Cam Bốt đang thực sự thụt lùi khi đưa ra các cáo buộc hình sự dưới danh nghĩa các biện pháp y tế phòng chống dịch để chấm dứt đình công”. “Cuộc đàn áp của chính phủ đối với các nhà hoạt động công đoàn dường như nhằm mục đích làm giảm sự đoàn kết và sức mạnh ngày càng tăng của phong trào công đoàn Cam Bốt và sự ủng hộ của họ đối với những người lao động đình công ở NagaWorld”. 

    Mỹ và Anh hy vọng đạt thỏa thuận ngoại giao về Ukraine trước khi có tin Nga 'rút quân'

    15 tháng 02 2022

    Nga nói một số cuộc diễn tập quân sự tại biên giới với Ukraine sắp kết thúc

    Nguồn hình ảnh, TASS/Getty Images/Chụp lại hình ảnh, 

    Nga nói một số cuộc diễn tập quân sự tại biên giới với Ukraine sắp kết thúc

    Tin mới nhất ngày 15/02 cho hay Moscow thông báo 'rút quân khỏi biên giới với Ukraine' nhưng các nước Phương Tây yêu cầu Nga đưa ra bằng chứng 'rút toàn bộ quân'.

    Bộ trưởng Ngoại giao Anh, bà Liz Truss nói trên kênh LBC sáng thứ Ba ở London: "Chúng tôi muốn nhìn thấy việc rút quân tổng thể, toàn bộ của Nga (full scale removal of troops) để ghi nhận đó là sự thực". 

    Cùng ngày, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết trên Telegram: "Ngày 15 tháng Hai sẽ đi vào lịch sử như một ngày thất bại của tuyên truyền Phương Tây, thật xấu hổ cho họ." 

    Trước đó, các lãnh đạo Mỹ và Anh cho rằng vẫn còn hy vọng về đạt được một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng cảnh báo vẫn còn chưa có gì là chắc chắn.

    Trong cuộc điện đàm kéo dài 40 phút, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đều đồng thuận rằng một thỏa thuận về Ukraine vẫn còn khả thi mặc dù có nhiều cảnh báo về các hành động quân sự tiềm tàng từ phía Nga.

    Nga luôn bác bỏ các kế hoạch xâm lược Ukraine mặc dù đã huy động hơn 100.000 binh sĩ ở khu vực biên giới.

    Vào ngày 14/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói khả năng để đạt được một giải pháp ngoại giao "không phải hoàn toàn cạn kiệt".

    Cho đến nay đã có hơn 10 nước kêu gọi các công dân rời khỏi Ukraine và Mỹ cho biết các cuộc ném bom từ trên không có thể bắt đầu "bất kỳ lúc nào".

    Thế nhưng trong cuộc trao đổi thì Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng vẫn còn "một cánh cửa ngoại giao quan trọng", theo tuyên bố từ số 10 Downing Street.

    Liz Truss

    Chụp lại hình ảnh, 

    Bộ trưởng Ngoại giao Anh, bà Liz Truss trong một lần trả lời phỏng vấn truyền hình của BBC

    "Thủ tướng Anh và Tổng thống Biden đã cập nhật thông tin cho nhau về các cuộc trao đổi gần đây với những lãnh đạo thế giới," tuyên bố cho biết.

    "Họ cũng đồng ý là vẫn còn một cánh cửa ngoại giao quan trọng và cho phía Nga rút lại những đe dọa về phía Ukraine.

    "Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ một cuộc xâm lược nào nhằm vào Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kéo dài cho Nga, với tổn thất gây ảnh hưởng đáng kể đối với Nga và thế giới," theo như tuyên bố.

    Ông Johnson đã nói rằng nước Anh sẵn sàng làm mọi điều cần thiết để hậu thuẫn và ông Biden đã phản hồi rằng: "Chúng ta sẽ luôn sát cánh cùng nhau."

    Ông Johnson có kế hoạch sẽ tổ chức một cuộc họp nội các vào ngày hôm nay 15/2 để thảo luận về các phản ứng của Anh trước sức ép.

    Tổng thống Ukraine cho hay nghe tin Nga có thể tấn công ngày 16/2 

    15/02/2022 

    Reuters 

    Người dân Ukraine đi ngang qua Tòa đại sứ Mỹ đã đóng cửa tại Kyiv sau khi các hoạt động được chuyển tới Lviv, ngày 14/2/2022.

    Người dân Ukraine đi ngang qua Tòa đại sứ Mỹ đã đóng cửa tại Kyiv sau khi các hoạt động được chuyển tới Lviv, ngày 14/2/2022. 

    Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, ngày 14/2 cho hay ông nghe nói ngày 16/2 Nga có thể xâm chiếm Ukraine và sẽ tuyên bố đây là ngày đoàn kết quốc gia Ukraine.

    Ông Zelenskiy trước nay từng có khuynh hướng giảm nhẹ những khuyến cáo cho rằng nguy cơ của một cuộc tấn công là rõ ràng. Ông không tiết lộ nguồn tin báo về khả năng Nga tấn công ngày 16/2. Tuy nhiên, một vài hãng tin Mỹ trong tuần qua tường thuật rằng Washington tin 16/2 là ngày các lực lượng Nga sẵn sàng nếu ông Putin ra lệnh xâm chiếm.

    “Họ nói với chúng tôi ngày 16/2 sẽ là ngày tấn công. Chúng tôi sẽ gọi đây là một ngày đoàn kết,” Tổng thống Ukraine nói trong một video gởi dân chúng. “Họ cố làm chúng ta sợ hãi bằng cách nêu lên một ngày khởi sự hành động quân sự.”

    Một lệnh đã được ký để treo quốc kỳ và băng rôn vàng-xanh trong ngày 16/2, ông nói thêm.

    Nga ngày 14/2 cho biết sẵn sàng tiếp tục thảo luận với phương Tây để nỗ lực tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng an ninh, trong khi Mỹ nói Moscow đã tăng thêm khả năng quân sự cho khả năng tấn công vào Ukraine.

    Nga có hơn 100.000 quân tập trung gần biên giới Ukraine. Nga bác những cáo buộc của phương Tây là có kế họach xâm chiếm, nhưng nói có thể có hành động “quân sự chiến thuật” trừ phi một loạt các đòi hỏi của họ được đáp ứng, trong đó có việc yêu cầu Kyiv không bao giờ được gia nhập liên minh NATO.

    Washington nói Nga có thể xâm chiếm Ukraine “bất cứ ngày nào.” Ông Putin đang tăng thêm lực lượng quân sự và tăng cường khả năng gần biên giới Ukraine trong mỗi ngày qua, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby nói với MSNBC trong một cuộc phỏng vấn ngày 14/2.

    “Đây là một quân đội tiếp tục lớn mạnh, tiếp tục sẵn sàng hơn. Họ đang tập trận nên chúng tôi tin là ông ấy có nhiều khả năng và giải pháp nếu ông ấy muốn sử dụng lực lượng quân sự,” ông Kirby nói.

    Các nước phương Tây hứa sẵn sàng chế tài trên một mức độ chưa từng thấy nếu Nga xâm chiếm. Nhóm 7 nền Kinh tế lớn (G7) cảnh báo “những chế tài kinh tế và tài chánh sẽ có hậu quả mạnh mẽ và tức thì lên kinh tế Nga.”

    Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres ngày 14/2 thảo luận riêng với Ngoại trưởng Nga và riêng với Ngoại trưởng Ukraine. Một phát ngôn viên Liên hiệp quốc nói ông Guterres tin là sẽ không có xung đột.

    Moscow nói mong muốn của Ukraine gia nhập liên minh quân sự phương Tây là một đe dọa với Nga. Trong khi NATO không có kế hoạch tức thì kết nạp Ukraine, các nước phương Tây nói họ không thể thương thuyết về quyền thành lập liên minh của một nước có chủ quyền.

    Mỹ đang di dời các hoạt động của tòa đại sứ Mỹ ở Ukraine từ thủ đô Kyiv sang thành phố Lviv ở phía tây, Ngoại trưởng Antony Blinken loan báo ngày 14/2, viện dẫn sự gia tăng đáng kể của các lực lượng Nga.

    Ông Blinken nói quyết định này căn cứ trên những quan ngại về an toàn của nhân viên tòa đại sứ. Hầu hết nhân viên tòa đại sứ đã sẵn sàng được lệnh rời khỏi Ukraine và các công dân Mỹ được khuyến cáo rời khỏi nước này.

    Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm Washington sẽ tiếp tục làm việc về một giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng.

    Ngoại trưởng Nga đã thúc giục  tổng thống Vladimir Putin tiếp tục đàm phán với phương Tây về vấn đề Ukraine. 

    Trong một cuộc họp trên truyền hình, Sergei Lavrov nói “luôn có cơ hội” về một giải pháp ngoại giao. Trước đó Ukraine đã yêu cầu một cuộc họp với Nga xoay quanh việc hơn 100.000 quân Nga tập hợp ở biên giới hai nước. Cả Mỹ và Anh đều cảnh báo sắp có xâm lược, với thủ tướng Anh Boris Johnson vào hôm thứ Hai cho biết nó có thể xảy ra chỉ trong “48 giờ tới.” Trong khi đó, phải đến thứ Ba thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đến Nga.

    https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/02/15-2-2022.jpg

    Tình hình kinh tế vĩ mô của Châu Âu

    Vào thứ Ba, Liên minh Châu Âu sẽ công bố ước tính sơ bộ về việc làm và GDP quý tư của khu vực đồng euro cũng như của toàn EU. Qua số liệu sẽ có cái nhìn rõ hơn về quá trình phục hồi của khối. Trước đó nền kinh tế khối đã suy thoái 5,9% trong năm 2020, thời điểm đại dịch covid-19 xuất hiện.

    Trong một dự báo được công bố vào thứ Năm tuần trước, EU cho rằng nền kinh tế của họ và của khu vực đồng euro sẽ tăng trưởng 4,0% trong năm nay và lần lượt 2,8% và 2,7% vào năm 2023. Dù vậy vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn. Làn sóng Omicron, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động đều có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng. Giá năng lượng cao đẩy lạm phát lên mức kỷ lục 5,1% trong khu vực đồng euro vào tháng 1. Và đó là chưa kể rủi ro địa chính trị khổng lồ ngay trước mắt: một cuộc chiến ở Ukraine.

    ASEAN tiếp tục không mời Myanmar dự họp

    Thông thường ASEAN chẳng cần mất nhiều công lập danh sách khách mời dự họp. Nhưng kể từ cuộc đảo chính Myanmar hồi năm ngoái, ASEAN đã hạn chế cho chính quyền quân sự dự họp. Vào tháng 10, chủ tịch ASEAN khi ấy là Brunei đã quyết định không mời các tướng Myanmar đến dự hội nghị thượng đỉnh. Song thủ tướng Campuchia Hun Sen, người nắm giữ ghế chủ tịch năm nay, dường như có ý kiến khác. Trong tháng 1, ông đã đến thăm lãnh đạo quân sự của Myanmar, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên làm như vậy và cho biết chế độ quân sự được hoan nghênh tại các cuộc họp ASEAN. Dù thế, các quan chức Myanmar đã không được mời tham dự cuộc họp ngoại trưởng ASEAN vào thứ Ba này.

    Ông Hun Sen muốn theo đuổi hình tượng nhân vật kiến tạo hòa bình và cho rằng ông có thể giành được nhượng bộ lớn từ chính phủ quân sự của Myanmar. Nhưng khi thấy không thể làm được, ông dường như sẽ quay lại lập trường trước đây của ASEAN. Một trong những người vui nhất chính là các nhà ngoại giao của ông, vì họ không muốn Campuchia đi ngược quan điểm chung.

    Ukraine được tăng cường tên lửa Stinger

    Được Mỹ bảo trợ, các lực lượng Ukraine đang trang bị tên lửa phòng không Stinger từ Lithuania. Chuyến hàng đầu tiên đến từ Chủ nhật trước. Loại vũ khí này từng gây nhiều ký ức khó chịu ở Nga, nước đang đổ quân ồ ạt đến biên giới Ukraine. Cụ thể hồi năm 1986, vì muốn đánh bật Liên Xô khỏi Afghanistan, Mỹ đã cung cấp cho lực lượng kháng chiến mujahideen loại tên lửa tầm nhiệt “bắn và quên” này. Chỉ hai năm sau, với thiệt hại tổng cộng 269 máy bay, Liên Xô bắt đầu rút quân.

    Nếu Nga tấn công vào hôm nay, tên lửa Stinger của Ukraine sẽ không là lá bài quyết định. Vũ khí Nga đã cải thiện nhiều và các máy bay ném bom Nga sẽ bay trên độ cao tấn công tối đa của Stinger, tức 3.500 mét. Tuy nhiên, tên lửa này khiến Nga khó điều quân bằng trực thăng hay dùng không quân bảo vệ lực lượng mặt đất. Điều này giúp Ukraine tận dụng tối đa số lượng tên lửa chống tăng dẫn đường do các đồng minh cung cấp.

    Triển vọng dài hạn ảm đạm của kinh tế Nhật

    Khi dữ liệu kinh tế quý tư được công bố vào thứ Ba, Nhật Bản khả năng cao sẽ ghi nhận mức tăng trưởng GDP đáng kể. Tuy vậy quá trình phục hồi hậu đại dịch của Nhật có thể chỉ là tạm thời. Làn sóng omicron mới đang làm cho nền kinh tế lung lay. Nhưng đó không phải thách thức kinh tế duy nhất của Thủ tướng Kishida Fumio. Để bù đắp cho tình trạng già hoá dân số, đang thu hẹp của Nhật Bản, ông sẽ phải tìm cách tăng cung lao động cũng như năng suất.

    Ông Kishida nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái với một chương trình nghị sự táo bạo mang tên “Chủ nghĩa Tư bản Mới”. Nhưng mặc dù kế hoạch của ông khá dài – bao gồm tăng lương và giảm khí thải carbon – cả mục tiêu lẫn cách làm đều không đặc biệt mới. Những thay đổi lớn nhất là về cách dùng từ. Ông Kishida thường phản đối “chủ nghĩa tân tự do” và hiếm khi nói đến cải cách cơ cấu. Đó là một chiêu bài chính trị hiệu quả, nhưng khó giúp ích nhiều cho nền kinh tế.


    Không có nhận xét nào