Võ Thái Hà tổng hợp
Pháp bảo Nga: Chớ gây chiến, hãy xây dựng lòng tin
Ảnh phối hợp ngày 4/2/2022: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải).
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, lãnh đạo cao cấp của phương Tây đến thăm Moscow kể từ khi Nga bắt đầu tập trung quân trên biên giới với Ukraine, nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin lúc bắt đầu các cuộc thảo luận tại Điện Kremlin hôm 7/2 rằng ông tìm cách tránh chiến tranh và xây dựng lòng tin.
Ông Macron nói với Tổng thống Nga rằng ông đang tìm kiếm một phản hồi “hữu ích” “dĩ nhiên có thể cho phép chúng ta tránh chiến tranh và xây dựng lòng tin, ổn định, tầm nhìn.”
Ông Putin, về phần mình, nói Nga và Pháp chia sẻ “quan tâm chung về những gì đang xảy ra trong phạm vi an ninh tại châu Âu.”
Khi đến Nga, ông Macron nói với phóng viên: “Tôi lạc quan đúng mực nhưng tôi không tin có phép lạ ngay lập tức.”
Phát ngôn viên Điện Kremlin tuyên bố trước các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo Nga-Pháp: “Tình hình quá phức tạp để có thể kỳ vọng những đột phá quyết định trong phạm vi chỉ một cuộc họp.”
Tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong lúc tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng đôi bên “đang làm việc chặt chẽ” để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Nga điều động hơn 100 ngàn binh sĩ gần biên giới Ukraine nhưng phủ nhận có kế hoạch xâm chiếm. Nga nói sẵn sàng có biện pháp “kỹ thuật quân sự” nếu đòi hỏi an ninh không được đáp ứng, trong số đó có yêu cầu NATO không thu nạp Ukraine và cho rút bớt một số quân ra khỏi Đông Âu.
Mỹ bác các yêu sách đó nhưng nói sẵn sàng thảo luận về kiểm soát võ khí và các biện pháp xây dựng lòng tin.
Mỹ và đồng minh loại khả năng bảo vệ Ukraine bằng lực lượng quân sự nhưng cho hay sẽ đáp trả Nga bằng chế tài và tăng viện cho các nước NATO lân cận nếu Nga xâm chiếm Ukraine.
Tuần trước, ông Biden ra lệnh triển khai 3.000 quân Mỹ tại Ba Lan và Romani để bảo vệ tốt hơn sườn phía đông của NATO.
Đức ngày 7/2 loan báo sẽ triển khai 350 binh sĩ đến Lithuania để củng cố lực lượng chiến đấu của NATO tại đây.
Lãnh đạo các phần tử đòi ly khai tại đông Ukraine cảnh báo một cuộc chiến tranh toàn diện có thể bùng nổ tại đây và thúc đẩy Moscow gởi 30.000 quân để tăng cường cho lực lượng phiến quân.
Tập đoàn quân sự Miến Điện cho phép đặc sứ ASEAN gặp thành viên đảng của bà Aung San Suu Kyi
Ảnh tư liệu: Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (P) trên cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN gặp lãnh đạo chính quyền quân sự Miến Điện Min Aung Hlaing, 07/01/2022, Naypyitaw, Miến Điện. AP
Lãnh đạo tập đoàn quân sự tại Miến Điện Min Aung Hlaing đã đồng ý bố trí cho một đặc phái viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp xúc với một số thành viên đảng cầm quyền đã bị lật đổ của bà Aung San Suu Kyi trong một chuyến thăm trong tương lai. Theo một quan chức cấp cao Cam Bốt vào hôm qua, 07/02/2022, cam kết được đưa ra trong cuộc gọi video ngày 26/01 với thủ tướng Cam Bốt Hun Sen.
Theo hãng tin Anh Reuters, ông Kao Kim Hourn, bộ trưởng trong nội các của thủ tướng Hun Sen, một nhân vật có tham gia cuộc họp trực tuyến, đã cho biết như trên nhưng nói thêm là phía Miến Điện không xác định là thành viên nào của đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ có thể có mặt.
Quyết định nói trên thể hiện một nhượng bộ nhỏ của chính quyền quân sự Miến Điện đối với ASEAN kể từ khi quân đội Miến Điện làm đảo chánh lật đổ chính phủ được bầu của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi.
Miến Điện đã rơi vào khủng hoảng kể từ cuộc đảo chánh vào tháng 2 năm ngoái 2021, với khoảng 1.500 thường dân bị thiệt mạng trong các vụ đàn áp của quân đội nhắm vào những người chống lại chính quyền quân sự.
Việc mở đối thoại giữa tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng Miến Điện là cốt lõi của kế hoạch hòa bình ASEAN được toàn khối thông qua vào năm ngoái, bên cạnh một số yêu cầu khác như chấm dứt bạo lực và chấp nhận một đặc phái viên ASEAN.
Kao Kim Hourn thừa nhận rằng trong chuyến đi đầu tiên của mình, tân đặc phái viên ASEAN, ngoại trưởng Cam Bốt Prak Sokhonn, khó có thể gặp bà Aung San Suu Kyi, người đã bị chính quyền quân sự Miến Điện giam giữ kể từ cuộc đảo chính và đang đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự với mức án tù lên tới gần 150 năm.
Ngoài bà Aung San Suu Kyi, hàng chục thành viên đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ cũng đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 năm 2021.
Ông Nay Phone Latt, phát ngôn viên của ban lãnh đạo còn của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ, hiện đang lưu vong, đã cho rằng bất kỳ cuộc gặp nào với đặc phái viên ASEAN phải được họ đồng ý.
Đối với Reuters lời cam kết của ông Min Aung Hlaing không đủ để cho phép Cam Bốt mời đại diện chính quyền quân sự Miến Điện tham dự cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN vào tuần tới.
Cam Bốt, chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay, vào tuần trước đã yêu cầu Miến Điện chỉ định một đại diện phi chính trị, tiếp tục duy trì chủ trương loại các quan chức quân đội Miến Điện ra khỏi các hội nghị cấp cao thường niên, điều đã được áp dụng từ thượng đỉnh ASEAN năm ngoái.
Trung Quốc kiểm soát các ký giả ngoại quốc đưa tin về Thế vận hội Mùa Đông
Alex Wu
Một quan chức an ninh đeo khẩu trang và kính che mặt bằng nhựa đi ngang qua Vòng tròn Olympic tại Trung tâm thể thao dưới nước Quốc gia ở Bắc Kinh hôm 30/01/2022. (Ảnh: Carl Court/Getty Images)
Liên đoàn Ký giả Quốc tế (IFJ), liên đoàn ký giả lớn nhất thế giới, cho biết trong một bản tin mới đây rằng Trung Quốc đang sử dụng nhiều biện pháp cưỡng chế để kiểm soát việc đưa tin về các vấn đề Trung Quốc của các ký giả ngoại quốc ở Trung Quốc, và điều này có thể làm tổn hại đến chính hình ảnh quốc tế của Trung Quốc.
Báo cáo này, được công bố khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa Đông 2022, cho thấy rằng những hạn chế mà nhà cầm quyền áp đặt đối với các ký giả ngoại quốc đưa tin về Thế vận hội càng làm nổi bật sự suy giảm mạnh mẽ về quyền tự do truyền thông ở Trung Quốc trong hơn một thập niên qua.
Bản báo cáo được xuất bản hôm 02/02 của IFJ có nhan đề “Trò chơi Công bằng: Không gian truyền thông dành cho phóng viên ngoại quốc nội trong Trung Quốc năm 2022 bị đe dọa”. Báo cáo này xoay quanh vấn đề Bắc Kinh đang kiểm soát các ký giả ngoại quốc ở Trung Quốc đưa tin về nội tình của nước này.
Báo cáo căn cứ vào các cuộc phỏng vấn mà IFJ từng thực hiện vào tháng 12/2021 với 19 ký giả đến từ chín quốc gia đang làm việc hoặc mới đến Trung Quốc làm việc. Những người được phỏng vấn bao gồm các ký giả từ các phương tiện truyền thông như báo in và truyền hình, có kinh nghiệm làm việc tại Trung Quốc từ vài năm đến hàng chục năm. Báo cáo này cũng dựa trên Báo cáo về Quyền Tự do Truyền thông năm 2021 của Hiệp hội Thông tín viên Ngoại quốc tại Trung Quốc (FCCC) và báo cáo thường niên trước đó của họ dựa trên một cuộc khảo sát với khoảng 190 thành viên.
Phần tóm tắt của báo cáo này cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy Trung Quốc đang sử dụng nhiều biện pháp cưỡng chế để kiểm soát việc đưa tin của các ký giả ngoại quốc.”
Báo cáo này trích dẫn những trở ngại và hạn chế mà các ký giả ngoại quốc thường trú tại Trung Quốc phải đối mặt, bao gồm:
Trục xuất hoàn toàn, cộng với những lời đe dọa khiến các ký giả cảm thấy buộc phải phải rời đi;
Từ chối và chậm trễ trong việc cấp thị thực;
Các vụ kiện cáo buộc vi phạm quy trình đưa tin, chẳng hạn như tự nhận mình là ký giả, dẫn đến nguy cơ bị từ chối cấp thị thực xuất cảnh cho đến khi vụ việc này được giải quyết;
Sự uy hiếp của các nguồn;
Giám sát kiểu cũ như theo dõi, can thiệp vào việc ghi hình, và các chuyến thăm không mời mà đến của lực lượng an ninh;
Giám sát kỹ thuật số sử dụng camera nhận dạng khuôn mặt, máy định vị GPS, và thu thập dữ liệu từ các tài khoản mạng xã hội;
Đưa tin trên các phương tiện truyền thông nhà nước và chế nhạo trên các phương tiện truyền thông xã hội có thể kích động quấy rối cơ thể các phóng viên ngoại quốc, bao gồm cả những lời đe dọa đến tính mạng;
Sự khiêu khích của các nhà ngoại giao “chiến lang” ở ngoại quốc, những người đã kích động trả đũa các ký giả ngoại quốc thường trú; và nhắm vào các ký giả ngoại quốc [đưa tin] về di sản Trung Quốc, cáo buộc họ là “những kẻ phản bội chủng tộc.”
Trích dẫn một nguồn tin địa phương, báo cáo này nói rằng người Trung Quốc địa phương sẽ bị bỏ tù nếu các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin về bất cứ điều gì họ nói.
Ngoài hạn chế đưa tin và hạn chế thị thực, báo cáo của IFJ cho biết các ký giả ngoại quốc thường phải đối mặt với các mối đe dọa đối với sự an toàn cá nhân của họ. Báo cáo này trích dẫn trường hợp hai ký giả Úc ở Trung Quốc đã phải bỏ trốn vì sợ bị giam giữ.
Báo cáo này cho biết khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa Đông, các ký giả đều bị giới hạn trong một “hệ thống quản lý vòng khép kín,” ngăn cấm mọi liên hệ với “Trung Quốc thực sự” kể từ khi họ đến đất nước này cho đến khi họ rời đi. Báo cáo này đã cho thấy rằng mặc dù những nỗi lo về đại dịch COVID-19 là điều có thể hiểu được, nhưng các hạn chế này đang cho thấy sự suy giảm mạnh về tự do truyền thông ở Trung Quốc trong hơn một thập niên qua.
Hôm 05/02, một ký giả Hà Lan đã bị cảnh vệ Trung Quốc kéo đi trong khi tường thuật trực tiếp về Thế vận hội là ví dụ gần đây nhất về những gì mà báo cáo của IFJ đã nói về quyền tự do báo chí ở đất nước Trung Quốc cộng sản. “Điều này dần trở thành chuyện thường nhật đối với các ký giả ở Trung Quốc,” phương tiện truyền thông Hà Lan đăng trên tài khoản twitter của mình.
Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.
Thanh Tâm biên dịch
Chính quyền Biden chế tài thêm nhiều công ty Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh: Youtube/CNBC Television).
Hoa Kỳ hôm thứ Hai (7/2) đã liệt 33 công ty Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu và yêu cầu các công ty Mỹ muốn làm ăn với họ phải cẩn trọng hơn, theo AP.
Bộ thương mại Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng 33 thực thể được thêm vào danh sách là vì Văn phòng Công nghiệp và An ninh Mỹ không thể xác nhận sự trung thực của họ.
Matthew Axelrod, quan chức phụ trách vấn đề xuất khẩu của bộ Thương mại Hoa Kỳ, cho biết, quyết định đối với 33 công ty Trung Quốc sẽ hỗ trợ các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ thẩm định và đánh giá rủi ro giao dịch, đồng thời cảnh báo chính phủ Trung Quốc về tầm quan trọng của sự hợp tác.
Động thái trên của Hoa Kỳ được đưa sau khi Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Christopher Wray hồi tuần trước cảnh báo rằng không có quốc gia nào đặt ra mối đe dọa an ninh lớn hơn Trung Quốc.
Mỹ nói nỗ lực chọn VĐV rước đuốc của Bắc Kinh không thể đánh lạc hướng dư luận
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki hôm thứ Hai (7/2) cho biết, việc Trung Quốc chọn một vận động viên người Duy Ngô Nhĩ để mang ngọn đuốc Olympic không thể đánh lạc hướng dư luận khỏi tội ác diệt chủng đang diễn ra ở Tân Cương của Bắc Kinh
Hai vận động viên Trung Quốc đã được chọn thắp sáng ngọn đuốc Olympic mùa đông. Một trong hai vận động viên này là người Duy Ngô Nhĩ, có tên Dinigeer Yilamujiang, 20 tuổi và sinh ra ở Tân Cương.
Bà Psaki nói: “Chúng tôi không thể cho phép điều này diễn ra như một sự đánh lạc hướng. Chúng ta đang nhìn thấy ở một phần của Trung Quốc những hành vi lạm dụng nhân quyền, nạn diệt chủng. Đó là lý do tại sao chúng tôi không gửi một phái đoàn ngoại giao ngay cả khi chúng tôi đang cổ vũ cho các vận động viên Hoa Kỳ”.
Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác đã tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội vì Bắc Kinh đã vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương.
Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh đã diễn ra vào ngày 4/2 khi trên khán đài thiếu vằng hầu hết các nguyên thủ của các quốc gia phương Tây.
Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại ở Mỹ
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) hôm thứ Hai (7/2) đã đưa ra cáo buộc liên bang đối với một công ty công nghệ Trung Quốc vì âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ.
Trong một bản cáo trạng chưa niêm phong gồm 21 tội danh từ Tòa án Quận phía Bắc của Illinois, DOJ cáo buộc Hytera, một nhà sản xuất công nghệ vô tuyến của Trung Quốc, âm mưu tiếp cận các cựu nhân viên của Motorola để đánh cắp công nghệ “radio di động kỹ thuật số” (DMR) từ công ty có trụ sở tại Chicago. Âm mưu này bị cáo buộc kéo dài từ năm 2007 đến năm 2020.
DOJ tuyên bố, theo các tài liệu của tòa án, “Motorola Solutions đã phát triển công nghệ DMR thông qua nhiều năm nghiên cứu và thiết kế. Motorola Solutions đã tiếp thị và bán bộ đàm, đôi khi được gọi là ‘máy bộ đàm’ tại Hoa Kỳ và những nơi khác. Bản cáo trạng cáo buộc rằng [Hytera] đã tuyển dụng và thuê nhân viên của Motorola Solutions và chỉ đạo họ lấy thông tin độc quyền và bí mật thương mại từ Motorola mà không được cho phép.”
Tuyên bố giải thích thêm, những nhân viên này đã tham gia Hytera khi vẫn còn làm việc cho Motorola. Họ được cho là đã truy cập thông tin bí mật từ cơ sở dữ liệu nội bộ của công ty và gửi email cho Hytera, đi kèm đó là giải thích về cách triển khai công nghệ cho Hytera. Những bí mật thương mại bị đánh cắp này được sử dụng “để đẩy nhanh sự phát triển của các sản phẩm DMR của Hytera, đào tạo nhân viên của Hytera và tiếp thị và bán các sản phẩm DMR của Hytera trên khắp thế giới.”
Bản cáo trạng buộc tội Hytera với tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại, còn có tội tàng trữ hoặc cố gắng sở hữu bí mật thương mại bị đánh cắp. Nếu bị kết tội, hình phạt dành cho Hytera có thể bao gồm mức tiền phạt hình sự lên đến gấp ba lần giá trị của bí mật thương mại bị đánh cắp.
Các công tố viên liên bang Melody Wells, Steven Dollear và Vikas Didwania tại Tòa án Quận phía Bắc của Illinois hiện đang dẫn đầu vụ truy tố đối với Hytera và các cựu nhân viên Motorola. Luật sư biện hộ Nic Hunter của Bộ phận Kiểm soát Xuất khẩu và Phản gián của Cơ quan An ninh Quốc gia cũng tham gia hỗ trợ vụ việc.
Có trụ sở tại Thâm Quyến và được thành lập vào năm 1993, Hytera là một công ty lớn trong ngành công nghệ vô tuyến. Công ty này cũng đứng thứ hai trên toàn thế giới với tư cách là nhà sản xuất các sản phẩm thiết bị đầu cuối vô tuyến, theo Hiệp hội Vô tuyến Di động Kỹ thuật số và cũng là nhà cung cấp chính cho Bộ Công an Trung Quốc.
Năm 2017, Hytera đã kiện Motorola vì lý do chống độc quyền, cáo buộc công ty này độc quyền thị trường radio hai chiều. Đến năm 2019, Motorola đã yêu cầu bãi bỏ vụ kiện này vì thiếu bằng chứng.
Minh Ngọc (Theo Newsweek)
Không có nhận xét nào