Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Việt Nam năm thứ 15 liên tiếp bị đề nghị đưa vào "quốc gia cần quan tâm đặc biệt"

    Việt Nam năm thứ 15 liên tiếp bị đề nghị đưa vào "quốc gia cần quan tâm đặc biệt"

    Những người mặc đồ bảo hộ y tế khống chế người dân trong đám tang của người sáng lập đạo Dương Văn Mình tháng 12/2021 /Người dân cung cấp cho RFA 

    Chính quyền Việt Nam năm thứ mười lăm liên tiếp bị Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đề nghị chính phủ Mỹ đưa nước này vào danh sách "các quốc gia cần quan tâm đặc biệt" (CPC) về tự do tôn giáo. 

    Quốc gia độc đảng này cho đến nay vẫn duy trì các rào cản pháp lý nhằm cản trở việc hình thành các tổ chức tôn giáo, và thực hiện các hành vi đàn áp người theo niềm tin tôn giáo mà chính quyền không cho phép.

    Báo cáo mới nhất được công bố hôm 7 tháng 2 về tình hình ở Việt Nam của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, một đơn vị tham vấn độc lập của lưỡng đảng chuyên giám sát tự do tôn giáo trên toàn thể giới. 

    Theo bản báo cáo này, trong năm 2021, mặc dù đã có những tiến bộ đáng chú ý so với pháp lệnh tôn giáo trước đây, nhưng Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực đầu năm 2018 vẫn còn hạn chế về bản chất và còn vướng mắc bởi việc áp dụng không đồng đều và thiếu nhất quán trong cả nước. 

    Sự đàn áp của chính phủ tiếp tục là một thực tế khắc nghiệt đối mặt với các nhóm tôn giáo độc lập chưa đăng ký, với nhiều người trong số họ bị coi là tôn giáo “kỳ lạ, sai lầm hoặc dị giáo”.

    Ba vấn đề nổi cộm liên quan đến tự do tôn giáo ở Việt Nam được nêu ra trong báo cáo này gồm:

    Việc nhà nước đặt ra các điều kiện ngặt nghèo về mặt pháp lý để cản trở các hội nhóm tôn giáo được hình thành, mà điển hình là Luật Tôn giáo Tín ngưỡng năm 2018, thứ hai là các chiến dịch đàn áp nhắm đến các hội nhóm tôn giáo độc lập, và thứ ba là bỏ tù các tín đồ, chức sắc tôn giáo hoặc những người hoạt động về quyền tự do tôn giáo. 

    Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Nguyễn Kim Lân, Chánh trị sự của cộng đồng theo đạo Cao Đài năm 1926 tại tỉnh Vĩnh Long cho biết nhận định về bản báo cáo trên:

    “Đúng là như vậy, tôi rất là đồng tình (với bản báo cáo), nói tóm lại là những sinh hoạt của chúng tôi bây giờ không được nhìn nhận, nhà nước vui thì làm thinh còn không vui thì hạn chế, đàn áp. Chứ còn không có một cái căn bản gì hết, mà chỉ giống như sống ngoài vòng pháp luật vậy thôi.” 

    chua-lien-tri.jpeg

    Hòa Thượng Thích Không Tánh bên tàn tích của chùa Liên Trì bị chính quyền cưỡng chế năm 2016 

    Không được công nhận bởi pháp luật vẫn là cái cớ thường được sử dụng bởi chính quyền mỗi khi nhắm đến một cộng đồng tôn giáo nào đó. Tuy nhiên, được công nhận bởi pháp luật cũng không đồng nghĩa với việc được tự do hoạt động. Ông Nguyễn Kim Lân nói thêm:

    “Khi mà mình không đăng ký thì mình có thể làm theo ý của mình, nhà nước mà không đồng ý thì đàn áp, còn nếu mình đăng ký thì có những cái nhà nước cho hay không thì nhà nước (kiểm-PV) duyệt. Nếu mình chịu đăng ký mà (có những chuyện-PV) nhà nước không đồng ý nhưng mình vẫn làm thì nhà nước họ đánh mình đó.”  

    Về vấn đề các tổ chức tôn giáo độc lập bị gây khó dễ khi hoạt động, ông Lê Quang Hiển, Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý xác nhận là có thật, ông cho hay:

    “Nhà nước này, đối với những tôn giáo độc lập không theo nhà cầm quyền, tức là không theo Mặt trận Tổ quốc, thì sẽ bị hạn chế về quyền tự do tôn giáo, ví dụ như làm lễ, đi đứng, thậm chí có khi bị phong toả không cho ra khỏi nhà để đi đến những điểm lễ của đạo mình.” 

    Cũng theo vị chức sắc của Phật giáo Hoà Hảo này thì các hoạt động tôn giáo của đạo thường bị chính quyền ngăn cản theo hai cách, một là phong toả nơi diễn ra hoạt động tôn giáo và hai là canh me, ngăn chặn không cho tín đồ của đạo rời khỏi nhà mỗi khi có dịp lễ của tôn giáo. 

    Hình thức đàn áp nghiêm trọng nhất mà nhà nước thực hiện đối với các tín đồ của những niềm tin, tôn giáo không được công nhận, theo báo báo của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ là việc bỏ tù những người chống lại ý chí của nhà nước. 

    Một trong những cộng đồng tôn giáo chịu hình thức đàn áp này một cách nặng nề nhất, là những người theo đạo Tin Lành ở khu vực Tây Nguyên. 

    Cô H Biap Krong, người có hơn mười năm kinh nghiệm theo dõi tình hình tự do tôn giáo của các cộng đồng ở Tây Nguyên cho RFA biết thêm về vấn đề này:

    “Số người Tây Nguyên bị bắt từ năm 2000 cho tới bây giờ thì cũng hơn cả 500 người bị bắt đi tù vì cái tội đấu tranh tự do tôn giáo. Đa số họ, là những cái người lãnh đạo trong hội thánh, hoặc là những tín đồ phụ tá của các lãnh đạo hội thánh, hoặc là tín đồ sốt sắng trong các việc phục vụ Chúa trong các nhà thờ."

    Cô cũng cho biết người Êđê và người Gia Rai là hai sắc dân chịu đàn áp nặng nề nhất trong số các sắc dân sinh sống ở khu vực Tây Nguyên. Những tội danh mà chính quyền thường sử dụng để truy tố những người này là hai tội “phá hoại đại đoàn kết dân tộc”, và “âm mưu lật đổ chính quyền”, mà theo cô H Biap là có tính chất “mơ hồ”. 

    Trong thời gian gần đây Báo Công an Nhân dân cũng cho đăng tải nhiều bài viết công kích nhắm đến Hội thánh Tin lành Đấng Christ, một chi phái của đạo Tin Lành hoạt động ở khu vực Tây Nguyên nhưng không được nhà nước công nhận. 

    Những người thuộc nhóm tôn giáo này bị đàn áp phải kể đến mục sư A Đảo, người bị kết án 5 năm tù hồi năm 2017, hay mục sư A Ga người đã phải chạy sang Thái Lan xin tị nạn. 

    Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) là một tổ chức độc lập thuộc chính phủ liên bang, được thành lập năm 1998 với mục đích theo dõi tình hình tự do tôn giáo trên thế giới.

    Một trong các khuyến nghị của tổ chức này với Chính phủ Mỹ là cử các phái đoàn tập trung vào tự do tôn giáo và các quyền con người liên quan đến Việt Nam, và đặc biệt yêu cầu thăm các khu vực bị ảnh hưởng bởi các hạn chế tự do tôn giáo và các tù nhân lương tâm chẳng hạn như ông Nguyễn Bắc Truyển. 

    Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo hồi năm 2006, tuy nhiên kể từ đó chính phủ độc đảng liên tục bị cơ quan của Mỹ khuyến nghị đưa trở lại vào danh sách này vì các vi phạm không ngừng. 

    'Nỗi niềm bánh chưng': Vì sao bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài gây xôn xao?

    Hình minh họa

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Với hơn hai ngàn bình luận và hơn một ngàn lượt chia sẻ, bài viết trên Facebook nhà văn Phạm Thị Hoài ngày 3/2/2022 về "trong các món Tết, tôi ngại nhất bánh chưng" có thể xem là một "sự kiện" trong dịp Tết Nhâm Dần.

    Nhà văn đang sống ở Đức viết trong bài, có đoạn: "Bánh chưng là kỳ vọng của thời lo thiếu ăn đang nhường chỗ cho thời sợ thừa cân. Là hiện thân của một nền ẩm thực với kỹ thuật nấu nướng đơn giản, quy trình chế biến thuần tuyến tính, nguyên vật liệu thông dụng, khẩu vị bỗ bã đại trà và tập quán sinh hoạt đơn sơ, chưa bao giờ phát triển đến đỉnh cao để có thể decadent, sành điệu và đồi trụy, như nghệ thuật nấu ăn của Pháp và Trung Hoa, hai cường quốc ẩm thực đã đô hộ bếp Việt để cho nó những tiềm năng lý tưởng nếu nó biết tự giải phóng."

    Bài viết đang gây nhiều bình luận khen, chê khác nhau.

    Bình luận bên dưới bài viết, một danh khoản Tuan Anh Vũ khen "Quá hay", nhưng danh khoản Văn Sơn Lê bức xúc "Văn vớ vẩn hình như nó không bình thường".

    Tranh cãi

    Nhiều cây bút khác, sau bài viết của bà Phạm Thị Hoài, cũng bày tỏ ý kiến của họ.

    Cây bút Song Chi bày tỏ thiện cảm: "Nhiều cái thuộc về huyền sử, dã sử, thậm chí lịch sử được ghi chép hẳn hoi, cho tới nhiều thứ được coi là truyền thống, chắc gì đã đúng. Trân trọng lịch sử, giữ gìn "bản sắc văn hóa dân tộc" là tốt thôi, nhưng đặt câu hỏi về mọi thứ, hoài nghi, xới lại mọi thứ để hiểu biết sâu hơn, để lọc bỏ bớt đi những gì sai lệch, lầm lạc, thiết nghĩ, là thái độ cần thiết và đúng đắn hơn nữa."

    Nhưng cây bút Saomai Pham bày tỏ bức xúc: "Phần thiêng liêng là khoảnh khắc đặt cặp bánh chưng đã ép đủ độ lên ban thờ thắp hương mời ông bà tổ tiên cùng những người thân yêu đã khuất nhà mình về với con cháu cho thêm phần ấm áp, gần gũi. Đây chính là tinh thần Việt mà bánh chưng là một trong những thành tố quan trọng để tạo nên nó. Vì lý do đó, làm ơn đừng bôi bác bánh chưng. Như thế là phải tội với giời. Đã là người Việt tử tế thì không ai làm như vậy cả!"

    Danh ca Mỹ Linh, từ Hà Nội, cũng cho biết đã đọc bài của bà Phạm Thị Hoài: "Thế nào là vớ được bài viết đang gây bão dư luận của nhà văn Phạm Thị Hoài đại để dùng bánh chưng để phân tích cái kém cỏi của người Việt. Mình chả bình luận về bài viết vì bản thân mình cũng thấy mình kém cỏi thiếu sót đủ đường."

    Ca sĩ Mỹ Linh không bình luận trực tiếp nhưng nói "tự dưng bài viết lại mang mình về những ngày Tết hồi bé". 

    Cô kể: "Tết xưa sao mà nó to chuyện thế không biết? Đến mức mình và em gái mỗi lần xán lại ôm gọi mẹ ơi mẹ kể chuyện đi là mẹ lại bảo mẹ kể chuyện " Tết năm nay nhé!""

    Cây bút Bùi Hoàng Tám lại suy tư: "Gã thì thấy chả sao vì đó là quan điểm riêng của PTH và gã tôn trọng điều đó. Không biết đây có phải là dân chủ hay gã đã trở nên vô cảm?"

    Trong bài về bánh chưng, nhà văn Phạm Thị Hoài kết bằng đoạn: "Trong các món Tết, bánh chưng ít cơ hội tự giải phóng nhất. Người anh em song sinh của nó, bánh giầy, đã từ lâu được giải linh, bỏ gánh nặng biểu tượng trời tròn sau lưng mà vui sống kiếp nhẹ tênh món ăn vặt hàng ngày đầu ngõ. Tôi đã thử giải phóng bánh chưng bằng cách giải cấu trúc, giải huyền thoại, xếp đặt lại, gửi một lời ngưỡng mộ đến tâm hồn ẩm thực Ý-Nhật và cảm ơn công nghệ nấu sous vide. Không có gì kỳ bí. Văn chương và ẩm thực đều chỉ là thấu hiểu bản chất từng vật liệu và sử dụng chính xác. Tôi không cần một lần nữa phát minh ra phương Đông và không cần thỉnh ý các vua Hùng."

    Tuyến cáp quang biển APG sẽ sửa xong trong cuối tháng 2

    Tuyến cáp quang biển APG sẽ sửa xong trong cuối tháng 2

    Các tuyến cáp quang biển bị sự cố đang được sửa chữa (Hình minh hoạ) /vov, congluan-RFA edited 

    Tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway (APG) hướng kết nối đi Hong Kong sẽ được sửa xong vào ngày 22/2 thay vì 6/2 như thông báo trước đó.

    Đại diện một ISP tại Việt Nam cho truyền thông Nhà nước hay thông tin trên trong ngày 8/2.

    Cáp quang biển APG gặp sự cố lần gần nhất vào giữa tháng 12/2021 trên tuyến hướng kết nối đi Hong Kong.

    Sự cố này được cho là có ảnh hưởng tương đối lớn đến kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến, với lưu lượng các nhà mạng bị mất do ảnh hưởng sự cố này ước tính khoảng 1TB.

    Trong năm 2021, tuyến cáp biển APG đã 4 lần gặp sự cố.

    Tuyến cáp quang biển quốc tế APG được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016. Có chiều dài khoảng 10.400km, APG được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

    Cáp biển APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom.

    Bên cạnh tuyến cáp biển APG, hiện tại còn có 1 tuyến cáp quang biển khác là Asia America Gateway (AAG) cũng đang gặp sự cố trên nhánh cáp S1I hướng kết nối đi Hong Kong với ba điểm lỗi hiện vẫn chưa được sửa. Dự kiến, thời gian sửa chữa lỗi này là từ 5/2 đến 12/2/2022.

    Nghệ An: 5.000 công nhân giày da đình công

    Nghệ An: 5.000 công nhân giày da đình công

    Công nhân Viet Glory đình công ngày 7/2 /Công nhân Viet Glory. RFA edited 

    Hơn 5.000 công nhân làm việc tại công ty giày da Viet Glory, ở huyện Diễn Châu, Nghệ An, vào ngày 8/2 đình công sang ngày thứ hai, yêu cầu công ty tăng lương và cấp tiền thâm niên cho người lao động.

    Sáng 7/2, công ty này hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, tuy nhiên đến trưa thì công nhân đồng loạt bỏ việc.

    Một công nhân làm việc ở đây, yêu cầu được giấu danh tính nói với RFA rằng công ty này đã hai năm nay không tăng lương, nhân viên lâu năm không được hưởng tiền thâm niên, lương không đủ trang trải cuộc sống tối thiểu:

    “Cái này là do công ty không tăng lương cho công nhân. Thứ hai nữa là công nhân làm lâu năm mà không có tiền thâm niên. Thứ ba là do đi làm áp lực nhiều, bị ép sản lượng. Nói chung là làm sấp mặt, không có giờ nghỉ, làm tám tiếng đồng hồ mà không có giờ giải lao gì hết.

    Tăng ca đến bảy tối, làm hai chủ nhật là chỉ được hơn sáu triệu/tháng, mà đó là có cả tiền ăn buổi trưa. Vì công ty không có căn tin cho nên công nhân được phụ cấp thêm tiền ăn, mà cả tiền ăn rồi là được hơn sáu triệu.”

    Người này cho biết tới trưa ngày 8/2 công nhân vẫn còn đình công, chưa nghe thông tin gì từ phía lãnh đạo công ty, cùng như bên Công đoàn.

    Liên hệ với Công đoàn tỉnh Nghệ An, nhân viên ở đây cho biết bên Công đoàn đã nắm được thông tin về vụ việc này và đã cho người xuống thương lượng với lãnh đạo công ty, nhưng vẫn chưa giải quyết được:

    “Sáng nay là làm việc với lãnh đạo công ty rồi. Sáng nay là chưa, còn đang bàn bạc, chưa giải quyết được." 

    Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phạm Đức Cường, chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu, cho biết từ đầu năm 2021, tập thể công nhân công ty Viet Glory đã kiến nghị được tăng lương và phụ cấp. Sau đó, công ty này đã có một số các phụ cấp như chuyên cần, phụ cấp con nhỏ, phụ tiền xăng xe…

    Tuy nhiên, cũng theo người công nhân dấu tên cho hay, các khoản tiền phụ cấp vừa nêu không đáng bao nhiêu, ví dụ như phụ cấp cho con nhỏ thì mỗi cháu chỉ được 50 ngàn đồng/tháng, mà công ty lại còn hay tìm lý do vô lý để trừ hết các khoản tiền đó:

    “Phụ cấp chuyên cần thì hồi giờ vẫn có. Từ năm ngoái công nhân đình công thì bắt đầu có phụ cấp chuyên cần, còn phụ cấp con nhỏ thì mỗi cháu dưới năm tuổi được 50 ngàn đồng/tháng.

    Nhưng mà nếu như ngày nào em mà nghỉ là họ cũng trừ tất, nghỉ một ngày tự do là trừ hết điểm chuyên cần, rồi trừ luôn xăng xe, con nhỏ… họ trừ hết. Nói chung trừ những cái khoản vô lý lắm, mà bảng lương thì lại không rõ ràng.”

    Hồi tháng 2/2021, khoảng 1.000 công nhân công ty này cũng đã đình công trong hai ngày, ngay sau Tết Nguyên đán 2021, yêu cầu được tăng lương, được phụ cấp tiền cơm, xăng xe… và phía công ty không được ép người lao động tăng ca nếu họ không đồng ý.

    Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa với lý do hết xăng, lỗ vốn

    Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa với lý do hết xăng, lỗ vốn

    Nhiều chủ doanh nghiệp xăng dầu yêu cầu chính phủ xuất quỹ bình ổn hỗ trợ để có xăng phục vụ người tiêu dùng (Hình minh hoạ) /State media-RFA edited 

    Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các tỉnh miền Tây như An Giang, Sóc Trăng treo bảng “hết xăng”, tạm thời đóng cửa trong hai ngày qua.

    Ông Phạm Văn Rư, Giám đốc Công ty Dư Hoài ở Sóc Trăng trả lời truyền thông Nhà nước trong ngày 8/2 rằng từ 26 Tết các đầu mối xăng dầu ở Cần Thơ đã tạm ngưng cung cấp xăng, khiến xăng dầu khan hiếm sau Tết.

    Ngoài ra, ông nói thêm, do xăng dầu thế giới tăng giá liên tục, nên đầu mối báo lỗ vì hoa hồng không có và đó cũng là nguyên nhân khiến các cửa hàng không có xăng để bán.

    Cũng trong ngày 8/2, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng Võ Văn Chiêu cho biết đoàn kiểm tra xác nhận một số trạm xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã đóng cửa do không có người trông coi, nhân viên xin nghỉ Tết hoặc lỗ vốn do hoa hồng 0 đồng.

    Tại An Giang, lực lượng quản lý thị trường cho biết nhiều cửa hàng thuộc hệ thống PVoil, Petrolimex cũng không còn xăng để bán cho người tiêu dùng nên đã đóng cửa.

    Trước đó, một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại An Giang cho biết, PVoil đã gửi thông báo cho đại lý với nội dung do tàu xăng dầu không về kịp, Kho An Giang dừng cung cấp xăng 95 cho đến khi có thông báo mới.

    Ông Nguyễn Ngọc Thới - giám đốc doanh nghiệp An Kiên ở TP Châu Đốc, An Giang trả lời trên tờ Tuổi Trẻ đề nghị Chính phủ xuất quỹ bình ổn xăng dầu để hỗ trợ các đầu mối có hoa hồng để họ tiếp tục phục vụ xăng cho người dân. Ông Kiên chia sẻ: "Đúng là bây giờ không đóng cửa không được, vì không đóng cửa sẽ thua lỗ nên các cửa hàng xăng dầu hiện nay bán xăng là lỗ rồi".

    Trong khi đó, ở thành phố Hồ Chí Minh, Cục quản lý thị trường trong cùng ngày cho biết 548 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vẫn đang kinh doanh bình thường. Chỉ có một số cây xăng tạm ngừng hoạt động do thiếu xăng RON 95.

    Đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM xác nhận do nguồn cung ứng xăng bị hạn chế, chiết khấu bán hàng gần như không còn dẫn đến bán lẻ xăng dầu bị lỗ.

    Trả lời trên tờ Pháp Luật về tình hình trên, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (thuộc Bộ Công Thương) cho biết cụ thể nguyên nhân nhiều cửa hàng bán xăng dầu treo biển hết hàng từ trước Tết Nguyên đán là do nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất.

    Qua đó, ông Đông nói, Bộ đã có báo cáo đánh giá gửi Chính phủ để có phương án xử lý sớm nhất.

    Được biết ngay trong chiều ngày 8/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã chủ trì cuộc họp về tình hình cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.


    Không có nhận xét nào