RFA
Các tuyến cáp quang biển bị sự cố đang được sửa chữa (Hình minh hoạ)
vov,congluan-RFA edited
Thêm một tuyến cáp quang biển từ Việt Nam Liên Á (Intra Asia-IA) hướng kết nối đi Hong Kong bị trục trặc từ hôm 18/2 và hiện vẫn chưa sửa xong.
Đây là tuyến cáp quang biển quốc tế thứ ba từ Việt Nam bị sự cố trong năm 2022 bên cạnh hai tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway (AAG) và Asia Pacific Gateway (APG) đã bị gián đoạn từ cuối năm 2021 và vẫn đang trong quá trình khắc phục sự cố.
Đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đã cho truyền thông hay thông tin trên trong ngày 23/2.
Theo ISP, tuyến IA dự kiến được hoàn thành sửa chữa vào cuối tháng 2. Trước đó, ISP cũng thông tin tuyến cáp quang biển quốc tế APG hướng kết nối đi Hong Kong sẽ được sửa xong vào ngày 22/2 thay vì 6/2 còn tuyến AAG sẽ được sửa chữa xong từ 5/2 đến 12/2/2022, tuy nhiên đến nay việc hoàn thành sửa lỗi hai tuyến trên vẫn chưa được thông báo lại.
Việc 3 tuyến cáp quang gặp sự cố đã khiến kết nối Internet tại Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng.
APG là một trong năm tuyến cáp chính kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế nên sự cố trên đã gây ảnh hưởng tương đối lớn đến kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến, khiến các nhà mạng bị mất khoảng 1TB lưu lượng.
Đại diện của Viettel Networks từng cho biết tại sự kiện ngày Internet Việt Nam trong năm 2021 rằng, trong năm năm gần đây, các tuyến cáp quang biển Việt Nam ra khu vực bị đứt trung bình 10 lần mỗi năm, mỗi lần trục trặc kéo dài một tháng. Do đó, trên thực tế các doanh nghiệp chỉ sử dụng được khoảng 3/4 các tuyến cáp.
Tuyến cáp biển IA có chiều dài 6.800 km, dung lượng 3,84 Tb/s và được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009. Tuyến cáp này kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong và Nhật Bản. Đây là tuyến cáp quang quan trọng trong việc trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực.
Đặc phái viên Tổng thống Mỹ thúc giục Việt Nam bỏ điện than
23/02/2022
Ông John Kerry (đứng giữa) trong chuyến thăm Việt Nam từ 22 đến 25/2/2022
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, ông John Kerry, thúc giục Việt Nam bỏ điện than, đồng thời khẳng định cam kết của Mỹ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu này.
Theo báo chí Nhà nước Việt Nam, ông John Kerry nói những điều này nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 22 đến 25/2 trong bài phát biểu sự kiện và cả trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào chiều ngày 23/2.
Theo báo Zing, phát biểu trong lúc tham dự sự kiện công bố Quỹ Thách thức Đổi mới sáng tạo (IFC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, ông Kerry nói rằng: “Việt Nam đã có những cam kết quan trọng (tại COP26). Mỹ rất mong chờ được chung tay với các bạn để tạo điều kiện thuận lợi và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.”
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào tháng 11 năm ngoái tại Anh, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính xuống còn 0 vào năm 2050.
Theo truyền thông Nhà nước, trong cuộc gặp với Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, ông John Kerry cũng đánh giá cao cam kết của Việt Nam tại COP26 và khẳng định Mỹ sẽ giúp Việt Nam rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050, trong đó có Quy hoạch điện VIII, thúc đẩy phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, đồng thời xem xét đề ra chính sách để loại bỏ điện than.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông John Kerry trong chuyến thăm này, ngoài gặp gỡ các quan chức Chính phủ Việt Nam, còn gặp các đại diện xã hội dân sự và lãnh đạo các doanh nghiệp để xây dựng sự thống nhất trong các hành động quan trọng liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch.
Chuyến thăm của ông Kerry diễn ra vào thời điểm Việt Nam vừa bắt giữ và xử tù một loạt các nhà hoạt động xã hội dân sự trong đó có bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID), với cáo buộc trốn thuế.
Bà Khanh và tổ chức GreenID đã nhiều lần công khai lên tiếng phản đối việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam.
Giá xăng Việt Nam quá đắt nếu tính theo GDP
RFA
22/02/2022
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây.
AFP PHOTO
Vào ngày 21/2/2022, Liên Bộ Tài chính-Công thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu lên trên 26.000 đồng/lít. Đây là lần xăng tăng giá thứ tư trong gần hai tháng, vượt ngưỡng lịch sử năm 2014. Cụ thể, xăng E5 RON 92 có giá bán là 25.531 đồng/lít; giá xăng RON 95 giá bán là 26.285 đồng/lít.
Giá xăng tăng ảnh hưởng như thế nào đến đời sống người dân? Một người dân ở Củ Chi không muốn nêu tên cho biết khi xăng tăng giá thì đời sống rất khó khăn:
“Xăng dầu lên thì tất cả những vật giá sẽ lên, từ thức ăn thức uống đến những hàng hoá có lên theo ngay. Hàng hoá vận chuyển, xăng dầu nó quyết định tất cả. Mà xăng dầu nó lên thì tất cả hàng hoá sẽ lên, thành ra dân sống sẽ gặp khó khăn hơn nữa.”
Trả lời RFA TV mới đây, một tài xế xe taxi tại TPHCM cho biết đã khó khăn vì dịch bệnh nay lại càng khó khăn hơn vì xăng tăng giá:
“Khách vùng ven giờ ít lắm, chủ yếu là khách trung tâm... trong khí giờ xăng mắc... Hồi trước ví dụ xăng chiếm mười mấy hai mươi phần trăm... Bây giờ xăng phải 33%... có nghĩa chạy một triệu phải đổ xăng ba trăm mấy... có khi khoảng 400 luôn.”
Trong việc chấp nhận đầu tư nước ngoài trước đây, phía PVN đã có những cam kết không thuận lợi cho PVN nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung... đẩy Việt Nam vào thế bị động.
-Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính, khi trả lời RFA liên quan vấn đề giá xăng cho rằng, hiện nay thị trường xăng dầu của Việt Nam chưa có cạnh tranh thực sự, vì còn có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Theo ông Long, trong luật cạnh tranh mà có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì buộc mặt hàng xăng dầu Nhà nước phải định giá. Ông nói tiếp:
“Nhà nước định giá ở đây không phải là chạy theo cơ chế cũ, cơ chế bao cấp mà Nhà nước vẫn phải định theo quy luật của thị trường. Có nghĩa là làm sao phản ảnh đúng giá của thị trường, bù đắp đủ chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp đó một mức lãi hợp lý thì doanh nghiệp mới tồn tại. Vì Nhà nước là người đại diện cho quyền lợi của mọi đối tượng, mọi thành phần, có thể đảm bảo chia sẻ lợi ích hài hòa tốt nhất, công bằng nhất với các đối tượng giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.”
Khi trả lời cử tri Hà Nội mới đây về đề nghị điều chỉnh thuế phí để giảm giá xăng dầu, giúp dân bớt khó khăn... Bộ Tài chính đã cho rằng giá xăng dầu của Việt Nam hiện đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực.
Bộ này dẫn số liệu của Global Petrol Prices ngày 31/1/2022 cho biết, giá xăng của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc là 26.611 đồng/lít, Lào là 30.665 đồng/lít và Campuchia là 26.184 đồng/lít. Trong khi tại Việt Nam hôm 7/2, giá xăng E5 RON92 là 23.590 đồng/lít và xăng RON95 là 24.360 đồng/lít, thấp hơn đáng kể so với mặt bằng giá xăng chung của các nước trong khu vực cũng như mức bình quân trên thế giới là 28.062 đồng/lít.
Đồng quan điểm với Bộ Tài chính, Chuyên gia kinh tế - Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 22/2 cho rằng giá xăng hiện nay tại Việt Nam có giá thấp so với các nước:
“Cách tính giá xăng của Việt Nam tương đồng cách tính của các nước trong khu vực và trên thế giới. Và giá xăng của Việt Nam hiện nay thấp hơn giá trung bình của 160 quốc gia trên thế giới, thấp hơn Lào, Campuchia, Philippines, Trung Quốc và đương nhiên thấp hơn Singapore, Đài Loan hay Hong Kong...”
Theo Global Petro Prices ngày 25/10/2021, giá xăng Việt Nam thấp hơn 12% so với giá trung bình thế giới, xếp thứ 64. Trong khi hồi tháng 4/2020, Global Petro Prices từng cung cấp dữ liệu cho thấy giá xăng của Việt Nam thấp thứ 20 trên thế giới. Như vậy sau một năm rưỡi, giá xăng của Việt Nam đã tăng cao, đẩy xếp hạng xuống 40 bậc.
Còn nếu tính theo cách tính GDP/người/ngày của Bloomberg thì giá xăng của Việt Nam lại nằm trong nhóm đắt nhất thế giới.
Số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê nói dân số Việt Nam vào năm 2021 có khoảng 98,51 triệu người, và thu nhập bình quân một người đạt khoảng 4,2 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy, thu nhập bình quân mỗi ngày của người dân là khoảng 140.000 đồng, và giá một lít xăng 95 hiện nay tương ứng với khoảng 18,80% mức thu nhập này. Trong khi đó theo Bloomberg, con số này ở Thái Lan là 15,83%; Malaysia 5,02%; Trung Quốc 12,24%; Nga 8,62%; Mỹ 1,40%...
Không chỉ giá xăng tăng cao tại Việt Nam hiện nay, nguồn cung xăng dầu tại Việt Nam những ngày qua cũng bị thiếu hụt nghiêm trọng khi hàng loạt các cửa hàng xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành đóng cửa, treo biển hết xăng, tạm ngừng bán với lý do khó nhập hàng và mức chiết khấu giảm...
Những người đàm phán và chấp thuận đầu tư dự án Nghi Sơn đã có sai sót quá mức, từ đó gây thiệt hại không chỉ cho PVN mà còn cho cả kinh tế Việt Nam.
-Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh
Liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, nhận định:
“Việc phân bổ xăng dầu trong nước trước đây cũng tương đối ổn định, tuy nhiên do COVID-19 bùng phát và có một khoảng thời gian dài không có hoạt động kinh tế một cách đầy đủ, nên tiêu thụ xăng dầu giảm. Mặc dù VN đã tự túc hơn 70% tiêu dùng xăng dầu trong nước, nhưng do vừa qua Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính, nên đã thông báo dừng hoặc giảm sản lượng. Dù PVN đã đạt thỏa thuận với nhà máy để từng bước tái cấu trúc, nhưng sản lượng chưa khôi phục được ngay.”
Theo báo chí Nhà nước Việt Nam, một trong những nguyên nhân thiếu xăng được nhắc đến trong thời gian qua là việc nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam là Nghi Sơn phải tạm ngừng hoạt động vì thiếu tiền. Với vai trò đảm bảo nguồn cung dầu thô cho quốc gia, song thực tế gần 75% vốn góp thuộc về các tập đoàn nước ngoài. Chỉ trong vài năm vận hành, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn lỗ đến hàng tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương - Đỗ Thắng Hải, nhà máy Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 30 - 35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam, vậy nên chỉ cần có sự thay đổi trong hoạt động của nhà máy này thì chắc chắn có tác động đến thị trường xăng dầu.
Còn theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam đã có nhiều sai sót khi đàm pháp đầu tư Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn:
“Trong việc chấp nhận đầu tư nước ngoài trước đây, phía PVN đã có những cam kết không thuận lợi cho PVN nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung... đẩy Việt Nam vào thế bị động. Tất nhiên những người đàm phán và chấp thuận đầu tư dự án Nghi Sơn đã có sai sót quá mức, từ đó gây thiệt hại không chỉ cho PVN mà còn cho cả kinh tế Việt Nam. Phía Việt Nam cũng đang xem xét đàm phán lại.”
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, PVN chỉ có 25% vốn góp tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, mà phải chịu một trách nhiệm quá nặng nề và quá lớn về nguồn cung xăng dầu quốc gia... thì rõ ràng là không tương xứng.
Trung Quốc lắp chông đinh trên biên giới với Việt Nam
Bẫy chông đinh trên biên giới Trung Quốc Việt Nam do Trung Quốc lắp
Ảnh chụp màn hình Facebook
Những hình ảnh video được lan truyền trên mạng xã hội của Trung Quốc hôm 18/2 cho thấy Trung Quốc đang cho gắn bẫy chông đinh trên biên giới với Việt Nam ở tỉnh Vân Nam.
Theo trang web của tỉnh Vân Nam, giới chức huyện Mã Quan đang gia tăng các biện pháp kiểm soát biên giới để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Đây là huyện có cửa khẩu biên giới với các tỉnh Lào Cai và Hà Giang của Việt Nam.
Theo trang tin, giới chức tỉnh này đã huy đội quân đội, đảng viên và người dân gia tăng tuần tra 24 giờ trong ngày, củng cố tuyến biên giới để ngăn ngừa nhập cư lậu trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19.
Với chính sách “Không COVID”, Trung Quốc thời gian qua đã gia tăng việc kiểm soát biên giới với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, nước này thời gian qua đã cho xây dựng các hàng rào thép gai và lắp camera cảm biến để xua đuổi người dân Việt Nam tiến lại gần biên giới hai nước.
Hôm 6 tháng 11 năm 2021, YouTuber Nguyễn Hoàng Nam chuyên về du lịch và khám phá đăng tải trên kênh Challenge Me - Hãy Thách Thức Tôi đoạn video về hệ thống hàng rào biên giới do Trung Quốc xây dựng dọc biên giới ở khu vực Mốc 439 xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Hồi giữa tháng 9 năm 2021, một đoạn video xuất hiện trên mạng internet quay lại cảnh phía người dân Việt Nam và biên phòng Trung Quốc đối đầu ở đoạn hàng rào tại mốc biên giới số 57 ở tỉnh Lai Châu. Phía Việt Nam cáo buộc đối phương nối điện cao thế vào hàng rào gây nguy hiểm đến tính mạng người dân sinh sống gần đó.
Trước đó khoảng một tháng cũng xuất hiện một video quay lại cảnh một toán lính biên phòng Việt Nam ngăn chặn quá trình xây dựng hàng rào của phía Trung Quốc với lý do xâm phạm lãnh thổ Việt Nam
Không có nhận xét nào