Xăng tăng bốn lần trong gần hai tháng, vượt ngưỡng lịch sử năm 2014
RFA
22/02/2022
Người dân chờ đổ xăng tại một trạm xăng ở Hà Nội /AFP
Liên Bộ Tài chính-Công thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào ngày 21/2, khiến giá xăng tại Việt Nam hiện vượt đỉnh lịch sử, xác lập kỷ lục mới trên 26.000 đồng/lít.
Theo truyền thông Nhà nước, đây là lần tăng giá thứ năm liên tiếp và là đợt tăng thư tư trong năm 2022.
Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 961 đồng/lít, có giá bán là 25.531 đồng/lít; giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 965 đồng/lít, giá bán là 26.285 đồng/lít.
Mức tăng này được cho là vượt ngưỡng cao nhất được xác lập vào năm 2014 khi đó giá xăng RON 95 là 26.140 đồng/lít.
Điều đáng nói là giá xăng tăng cao trong bối cảnh thị trường nguồn cung tại Việt Nam những ngày qua đang bị thiếu hụt nghiêm trọng khi hàng loạt các cửa hàng xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành đóng cửa, treo biển hết xăng, tạm ngừng bán với lý do khó nhập hàng và mức chiết khấu giảm.
Với việc tăng giá lần này nhiều người không khỏi đặt nghi vấn liệu việc ngừng bán tại các cửa hàng xăng dầu có phải là kế hoạch găm hàng chờ tăng giá?
Trước đó, ngày 18/2, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, theo thẩm quyền chủ động điều hành giá xăng dầu bảo đảm theo đúng quy định, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đánh giá kỹ tác động đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân.
Cùng với việc giá xăng, dầu tăng cao, trong ngày 21/2 nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hoá đã lên kế hoạch tăng giá cước mới.
Tờ vov.vn dẫn lời ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội rằng, xăng dầu chiếm 35-40% giá thành vận tải do đó khi xăng dầu tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải. Ông Hùng dự báo, chắc chắn các hãng taxi sẽ phải tăng giá cước vì hiện các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thể khôi phục hoạt động, riêng vận tải hành khách đường bộ chỉ hoạt động 30% công suất.
Nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn chuẩn bị ra toà phúc thẩm
Ba nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam tại phiên toà ở TPHCM hôm 5/1/2021 /AFP
Thành viên trẻ nhất trong nhóm ba lãnh đạo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam sẽ bị đưa ra xét xử phúc thẩm vào cuối tháng 2 này, do có đơn kháng cáo.
Ông Lê Hữu Minh Tuấn sinh năm 1989 bị Tòa án TPHCM tuyên án 11 năm tù giam cùng với ông Phạm Chí Dũng 15 năm tù và ông Nguyễn Tường Thụy - blogger của Đài Á Châu Tự Do 11 năm tù trong phiên tòa chóng vánh hồi tháng 1 năm 2021. Cả ba người bị cáo buộc tội danh "phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước", nay ông Lê Hữu Minh Tuấn mới được xét xử phúc thẩm.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho biên tập viên của trang Việt Nam Thời báo cho biết:
“Lê Hữu Minh Tuấn có lịch xét xử vào ngày 28 tây tháng 2. Ông Lê Hữu Minh Tuấn trước sau cho đến giờ phút này thì vẫn xác định là mình không có tội.”
Trả lời về việc các luật sư sẽ bào chữa cho ông Tuấn trong phiên toà phúc thẩm theo hướng nào, vị luật sư của Đoàn Luật sư TP. HCM nói:
“Hướng bào chữa của chúng tôi thì vẫn cho rằng là các ông ấy chỉ thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà thôi chứ không phải là những hành vi vi phạm pháp luật.
Quan điểm này đã được xác định từ phiên toà sơ thẩm rồi, chúng tôi chỉ yêu cầu phiên toà phúc thẩm đánh giá lại về vụ án.
Nhưng mà cũng phải nói thẳng thắn với nhau thật ra thì đối với những phiên toà có yếu tố liên quan đến chính trị như thế này thì chúng tôi cũng không đặt quá nhiều hy vọng vào việc thay đổi bản án. Vì thông lệ nó là như vậy.”
Do hai ông Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thuỵ không kháng án và đã bị đưa đi trại giam để thi hành bản án, nên phiên toà phúc thẩm này chỉ có một mình ông Lê Hữu Minh Tuấn tham gia.
Hồi tháng 5 năm 2021, Nhóm Làm việc về Bắt giữ Tuỳ tiện của Liên Hiệp Quốc đã kết luận việc chính quyền Việt Nam bắt giữ và xử tù đối với nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn là có tính chất tuỳ tiện, và đề nghị chính quyền trả tự do cho nhà báo này.
Trước đó, tổ chức Ủy ban Bảo vệ Ký giả cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và hủy bỏ cáo trạng đối với ông Lê Hữu Minh Tuấn.
Việt Nam: 'Bác sĩ giả danh điều trị F0' cắn rứt, dư luận xôn xao
Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh,
Một điểm xét nghiệm Covid
Đang có nhiều giả thiết về vụ ông Nguyễn Quốc Khiêm, sinh năm 1996, được nói là "giả danh bác sỹ", điều trị Covid trong khu cách ly F0 ở Trường Cao Đẳng Điện lực TP.HCM.
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: "Một bác sĩ dỏm đã tham gia phục vụ điều trị, cấp phát thuốc, ký các loại giấy tờ chuyển viện, báo tử vong của các ca F0… tại khu cách ly tập trung và điều trị người bệnh COVID-19 ở Trường CĐ Điện lực TP.HCM."
Chưa thấy thông tin về hậu quả của việc "giả mạo" này cũng như thời gian vị "bác sỹ" này hành nghề ở đây bao lâu, Pháp Luật TP HCM chỉ nói là từ Tháng Bảy 2021.
Trước đây, vào tháng 9/2021, trên một tờ báo chuyên về sức khỏe có bài viết: "Vào một ngày cuối tháng 7-2021, khi còn là tình nguyện viên hỗ trợ trong khu cách ly, anh Nguyễn Quốc Khiêm - bác sĩ nội trú Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã hỗ trợ cứu sống một ca trở nặng bằng cơ số thuốc có trong khu cách ly, trước khi bệnh nhân được đưa đi cấp cứu tại BV quận 12".
Bài báo này nói: "Từ ngày khu cách ly chuyển đổi thành khu điều trị, BS Nguyễn Quốc Khiêm được giao phụ trách chính tại đây".
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Khiêm thừa nhận: "Ban đầu tôi chỉ muốn tham gia chống dịch thôi. Lỗi của tôi rất lớn đã giả mạo như thế, nhưng tôi không hề trục lợi gì cho bản thân và gia đình. Mỗi khi nhà hảo tâm tài trợ rau, gạo, tôi và một chị (lúc ấy là trưởng khu cách ly) phát cho người dân, người bệnh."
"Ngoài ra tất cả các số tiền mọi người có ủng hộ cho khu cách ly đều do thủ quỹ giữ, tôi không hề đụng vào các khoản tiền đó."
"Bây giờ tôi rất cắn rứt, muốn nói lời xin lỗi tới cộng đồng, người bệnh và các đơn vị liên quan vì đã làm một việc không đúng với nghĩa vụ mình."
TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - khẳng định với báo giới rằng tờ giấy khen ghi do một phó giám đốc ký cho "thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Quốc Khiêm, khoa tim mạch" của bệnh viện là hoàn toàn giả mạo.
Có tên trong danh sách tình nguyện?
Theo thông tin chúng tôi được biết, để được trở thành một tình nguyện viên trong thời gian dịch Covid vừa qua, tất cả ứng viên đều phải nộp hồ sơ và phải được chứng thực từ ít nhất một cơ quan chức năng địa phương.
Báo Pháp Luật TP HCM viết: "Một nguồn tin cho hay: Việc các sinh viên đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch là thông tin khá kín, chỉ có các sinh viên mới biết nhưng người này đã bằng cách nào đó biết được thông tin này để xin đi tham gia chống dịch."
"Ngày 21-2, trao đổi với PV, ông Trương Văn Đạt, Trưởng Phòng công tác sinh viên Trường Đại Học Y Dược TP.HCM, cho biết: "Qua kiểm tra thì không có người nào tên Nguyễn Quốc Khiêm từng công tác, làm việc tại trường hay là sinh viên theo học tại trường tính đến thời điểm hiện tại".
Trên trang Facebook cá nhân, TS Nguyễn Hoàng Ánh viết: "Bỏ qua chuyện giả mạo, tấm lòng cậu này với việc chống dịch là có thật. Trong hoàn cảnh nguy hiểm, đăng ký Tình nguyện viên không có lợi gì mà nguy hiểm quá lớn. Nếu không có bằng chứng cậu ấy gây hại gì thì không nên phủ nhận tấm lòng người ta."
Bà còn cho rằng: "Có vẻ cậu ấy thật sự nhiệt tình và giúp đỡ được nhiều bệnh nhân. Không được đào tạo mà làm được như vậy, thật đáng khâm phục."
Đối đáp với nhận định của bà Ánh, danh khoản Nguyễn Đức Hiển nói: "Không. Y học là khoa học liên quan đến sức khoẻ và tính mạng bệnh nhân, covid là bệnh mới mà y khoa thế giới chưa có kinh nghiệm. Dứt khoát phải tuân thủ nghiêm cẩn."
Chiều 22/2, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - nói Thanh tra Sở Y tế TP đã phối hợp Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an TP.HCM khẩn trương điều tra làm rõ những nội dung báo đã nêu và xử lý nghiêm nếu xác định rõ hành vi vi phạm pháp luật.
Tuổi Trẻ Online tường thuật Công an TP.HCM phối hợp cùng Công an quận 12 đã mời ông Nguyễn Quốc Khiêm lên làm việc để xác minh.
Không có nhận xét nào