Tù nhân lương tâm Huỳnh Thục Vy bị chuyển trại giam xa nhà ngay sau Tết
18/02/2022
Bà Huỳnh Thục Vy trong phiên tòa sơ thẩm /Báo Người lao động/RFA edited
Thân nhân cho biết nhà hoạt động nhân quyền Huỳnh Thục Vy bị chuyển tới trại giam Gia Trung cách nhà bà khoảng 200 km để thi hành án.
Bà Vy được tại ngoại để nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi, tuy nhiên hồi cuối tháng 11 năm 2021 Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ hủy quyết định hoãn thi hành án, mặc dù con bà chưa đủ ba tuổi.
Công an tỉnh Đắk Lắk sau đó bắt bà Vy đi thi thi hành bản án hai năm chín tháng tù giam tuyên hồi năm 2018, với cáo buộc tội danh “Xúc phạm quốc kỳ” vì xịt sơn trắng lên lá cờ đỏ sao vàng như một hình thức phản đối sự cai trị độc đoán của chính quyền cộng sản.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Huỳnh Ngọc Tuấn, bố của bà Vy, cho biết thông tin mới nhất về tình hình của bà:
“Huỳnh Thục Vy bị bắt ngày 1 tháng 12, sau đó được chuyển đến trại tạm giam công an tỉnh Đắk Lắk ở thành phố Ban Mê Thuột. Tôi đã đến đó nhiều lần để gửi tiền cho Thục Vy, và cái ngày gần nhất, tức là ngày 12 tháng 2 vừa rồi thì tôi đến để tiếp tục gửi tiền và thuốc, và một ít sách vở cho Thục Vy đọc cho đỡ buồn, thì được cán bộ phụ trách trại giam trả lời rằng Huỳnh Thục Vy đã bị chuyển đến trại Gia Trung.
Thì tôi có hỏi họ, theo luật thì người tù khi bị chuyển trại thì trại có trách nhiệm thông báo với gia đình, để gia đình biết. Nhưng tại sao trại không thông báo cho chúng tôi biết?
Gia đình cho biết trại giam Gia Trung cách nhà khoảng 200km, do vậy sẽ khiến cho việc thăm nuôi hàng tháng trở nên khó khăn.
Việc chính quyền chuyển tù chính trị tới các trại giam cách xa nơi gia đình họ sinh sống đã không còn là chuyện mới, các tổ chức nhân quyền quốc tế đã nhiều lần tố cáo đây là việc làm có tính chất trả thù.
Ông Huỳnh Ngọc Tuấn cũng cho biết từ khi bị đưa đi thi hành án đến nay, nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy chưa từng được gọi điện thoại về nhà, ông nói thêm:
“Đúng ra thì Thục Vy được gọi về từ hai tháng rồi, vì Thục Vy đã có án hai năm chín tháng, tức là đã thành án, không ở trong giai đoạn điều tra cho nên được gặp gia đình và được gọi về. Nhưng không biết lý do tại sao mà trại giam của công an tỉnh Đắk Lắk cũng không cho gọi điện về.
Bây giờ đến Gia Trung, ở phân trại nào, ở đâu thì chúng tôi cũng không biết, và có được thăm nuôi Thục Vy hay không.”
Theo Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 thì phạm nhân có quyền được gặp và liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tuy nhiên những người tù chính trị, điển hình là bà Huỳnh Thục Vy luôn bị gây khó khăn.
Việt Nam nói ‘sẵn sàng hợp tác với Mỹ’ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
17/02/2022
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
Việt Nam vừa lên tiếng bày tỏ mối quan tâm và mong muốn hợp tác với Mỹ, vài ngày sau khi Washington công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà trong đó Việt Nam được nhắc tới như là một trong các đối tác hàng đầu mà Mỹ sẽ tăng cường mối quan hệ.
“Việt Nam mong muốn các sáng kiến hợp tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các nước; bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình”, báo Thanh Niên dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 17/2.
Trước đó, vào ngày 11/2, Nhà Trắng công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới với 5 trọng tâm mà Hoa Kỳ theo đuổi là một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, mở rộng hợp tác, thúc đẩy thịnh vượng, tăng cường an ninh và khả năng chống chịu của khu vực.
Chiến lược nhằm củng cố vững chắc hơn vị trí của Mỹ trong khu vực, đồng thời tăng cường sức mạnh cho cả khu vực trong quá trình này. Chiến lược cũng đề ra việc hợp tác bền vững và sáng tạo cùng với các nước đồng minh, đối tác và các thể chế trong và ngoài khu vực.
Bản chiến lược dài 12 trang nhắc tới Việt Nam như một trong những đối tác hàng đầu tại điều khoản kết nối của chiến lược. Theo đó, Mỹ sẽ xây dựng năng lực tập thể cả trong và ngoài khu vực thông qua việc “tăng cường quan hệ với các đối tác hàng đầu trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Singapore, Đài Loan, Việt Nam và các quốc đảo ở Thái Bình Dương”.
Tại cuộc họp báo ngày 17/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng bày tỏ mối quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Mỹ và các đối tác nhằm thúc đẩy nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu và các lĩnh vực khác nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Mấy cảm nhận từ những cuộc đình công đầu năm 2022
Mạc Van Trang
“Ngày 15.2, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, giảm 7 cuộc so với cùng kỳ năm 2021” (1)
Tuy “giảm 7 cuộc so với cùng kỳ năm 2021” nhưng tính chất các cuộc đình công dường như có khác. Từ các thông tin trên báo chí chính thống cho thấy đôi điều.
1. Các cuộc đình công có tính “TỰ PHÁT" (chưa có Nghiệp đoàn độc lập), còn Liên đoàn Lao động (công đoàn) thì bị động, sau khi sự việc diễn ra mới đến “tuyên truyền vận động" và cùng các bên hữu quan họp bàn giải quyết… Tuy “tự phát" nhưng các công nhân đã biết TỰ TỔ CHỨC cuộc đình công khá tốt: Đoàn kết, nhất loạt ngừng việc; không gây ra bạo lực; các yêu sách đưa ra hợp lý, hợp tình; thương lượng ôn hòa nhưng kiên quyết đạt mục tiêu…, ví dụ:
- Công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã đình công từ ngày 7/1 đến hết ngày 12/1/2022, sau khi đạt được yêu cầu “Thưởng Tết" hợp lý mới trở lại làm việc. Thống nhất hành động của khoảng 16.500 công nhân của Công ty TNHH Pouchen đâu có dễ? (2)
- Cuộc đình công của hơn 5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory đóng tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An diễn ra từ ngày 7/2 đến 12/2, trải qua 6 ngày thương lượng khá căng thẳng, phức tạp với đại diện các bên liên quan, nhưng luôn có ĐẠI DIỆN CÔNG NHÂN- LAO ĐỘNG của công ty, và kết quả cuối cùng là 11 yêu cầu đều được giải quyết thỏa đáng, nhất là vấn đề tăng lương cơ bản đã vượt khung quy định của Chính phủ… (3) và (4)
- Ngày 11/2 hơn 5.000 công nhân tại Công ty TNHH Vietnergy Việt Nam đóng tại Khu công nghiệp Phúc Sơn, Xã Ninh Phúc, Thành phố Ninh Bình, đã đồng loạt ngừng việc tập thể và đưa ra 21 kiến nghị (không biết có do ảnh hưởng cuộc đình công của công nhân Công ty Viet Glory không?).
Đến chiều tối ngày 12.2, Công ty TNHH Vietnergy Việt Nam đã ra thông báo về việc giải quyết các kiến nghị của người lao động, hầu hết các kiến nghị của người lao động đều được chấp thuận, nhất là đồng ý tăng 6% lương cho người lao động đang làm việc tại công ty. (5)
2. Thành công nhờ hài hoà “ba lợi ích”
Công nhân đấu tranh chỉ mong giới chủ bớt lợi nhuận, đối xử tử tế, chia sẻ, cải thiện đời sống người lao động để công ty cùng phát triển. Không còn chuyện “đấu tranh giai cấp một mất một còn", “giành nhà máy xí nghiệp về tay công nhân làm chủ"...Nghĩa là chả có “bỏ qua chủ nghĩa tư bản tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội" gì cả!
Công nhân đã biết đấu tranh tốt nhất là đấu tranh ôn hoà, phi bạo lực, có lý, có tình, kiên trì, kiên quyết mới thành công. Các ban ngành đoàn thể cũng “ăn theo" nguyên lý này để chứng tỏ “lý do tồn tại"!
Công an thì không phải dùng dùi cui, hơi cay, áo giáp, khiên đỡ… Công ty vẫn hoạt động, Chính quyền vẫn thu được thuế…Vậy là “hài hoà ba lợi ích".
May mà công nhân “tụ tập đông người" đã không hát Quốc tế ca. Nếu mà hàng ngàn công nhân gào lên … “Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn… Sục sôi nhiệt huyết trong tim đầy chứa rồi… Quyết phen này sống chết mà thôi”… thì đảng cộng sản cũng hết hồn!
Thôi đi, đừng tuyên truyền “Hồn Trương Ba, da Hàng thịt nữa"!
3. Pháp luật vẫn gây khó cho công nhân, lợi cho giới chủ
Hiện mức lương cơ bản mà doanh nghiệp trả cho người lao động 3.670.000 đồng/tháng là khó sống, vì giá cả mọi thứ đều tăng. Nhưng chủ doanh nghiệp có lý, khi chứng minh rằng, “mức lương đó cao hơn mức lương tối thiểu vùng 3.070.000 đồng/tháng đối với vùng IV được quy định tại Nghị định 90/2019”.
(Nghị định 90/2019/NĐ-CP Qui định Mức lương tối thiểu Vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động) (6)
Không chỉ CÔNG NHÂN gặp khó, chịu thiệt trước giới chủ, mà NÔNG DÂN cũng khốn khổ, khi mất đất được đền bù với giá bèo bọt để quan chức ăn chặn và giới chủ tư bản thuê đất rẻ mạt…
Không biết giai cấp Công - Nông đã thấm đòn và NGỘ ra chưa?
4. Báo chí Cách mạng còn “lập trường Công - Nông" không?
Mấy sự kiện công nhân đình công lớn như vậy nhưng VTV không thấy đưa tin (hay có đưa tin mà tôi không biết?); các báo chí đều đưa tin hời hợt, giống nhau; không thấy bài phóng sự điều tra hay tường thuật trực tiếp nào tại cơ sở một cách chi tiết, cụ thể. Hầu hết nội dung tin, bài giống nhau, do phía Công ty hay Chính quyền hoặc Công đoàn cung cấp. Ngay 11 yêu cầu của công nhân Công ty Viet Glory là gì? 21 yêu cầu của công nhân Công ty Vietnergy là gì? cũng phải tìm mãi mới ra…
Ngay cái từ “Đình Công"- báo chí Cách mạng cũng không dám gọi đích danh mà nói chệch đi là “ngừng việc tập thể"! Các nhà báo có còn “lập trường Công - Nông" không? Các anh đứng về phía nào?
TÓM LẠI:
- Những cuộc “ngừng việc tự phát" của công nhân diễn ra như nói trên may mà êm thấm, càng cho thấy công nhân mỗi cơ sở cần có Nghiệp đoàn Độc lập để những cuộc đình công “tự phát" thành “tự giác" có tổ chức, diễn ra đúng trình tự pháp lý, hài hoà lợi ích…;
- Chính quyền cần rà soát lại hệ thống Luật pháp để tạo điều kiện cho công nhân có lợi thế khi thương nghị với giới chủ để đòi quyền lợi chính đáng của mình;
- Báo chí Cách mạng hãy xem lại mình, xem có còn chút “cách mạng” nào không?
Chú thích nguồn tài liệu
1. https://thanhnien.vn/28-cuoc-ngung-viec-tap-the-xay-ra...
2. https://vov.vn/.../cong-nhan-cong-ty-tnhh-pouchen-viet...
3. https://tuoitre.vn/nghe-an-hon-5-000-cong-nhan-giay-da...)
4. https://suckhoedoisong.vn/cong-ty-tang-luong-gan-5000...
5. https://laodong.vn/.../cong-ty-tang-6-luong-hon-5000-cong...
M.V.T.
Bạc Liêu: Bệnh viện 200 tỷ đồng hoạt động gần 1 năm nhưng ‘không có bệnh nhân nào’
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu được xây dựng khá hoành tráng, đưa vào sử dụng gần một năm nay nhưng không có bất cứ bệnh nhân nào. (Ảnh: thanhtra.com.vn)
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu có 143 cán bộ nhân viên, y, bác sĩ, điều dưỡng, được xây dựng với kinh phí hơn 200 tỷ đồng, nhưng sau gần một năm hoàn thành đi vào sử dụng vẫn chưa tiếp nhận một bệnh nhân nào; hiện có khoảng 50% nhân lực ngồi chơi lĩnh lương.
Công trình Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu được khởi công xây dựng vào ngày 23/10/2011 tại ấp Vĩnh An (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu), do Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn và quản lý dự án là Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng Nam Việt. Hai đơn vị trúng thầu thi công là HTX Xây dựng Minh Phú và Công ty TNHH Gia Bảo thuộc tỉnh Bạc Liêu.
Dự án xây dựng trên khu đất rộng 13.000 m2, vốn ban đầu là hơn 83,3 tỷ đồng.
Mục tiêu đầu tư xây dựng bệnh viện nhằm góp phần giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu nhiều năm luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng. Tuy nhiên, một số hạng mục công trình của bệnh viện được xây dựng rồi dừng ba, bốn năm liền, xuống cấp trầm trọng.
Theo đánh giá của lãnh đạo một số sở, ngành và các bác sĩ có kinh nghiệm trong ngành y tế ở địa phương, ngay từ đầu khâu tư vấn và thiết kế, việc thẩm định cũng như quyết định xây dựng bệnh viện đã bộc lộ những bất hợp lý, lạc hậu, thậm chí thiếu trách nhiệm vì nhiều phòng khám, phòng điều trị bệnh giống như nhà kho, không đáp ứng yêu cầu là công trình của bệnh viện.
Do bị phản ứng từ dư luận, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng như Sở Y tế, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan tiến hành chỉnh sửa thiết kế một số hạng mục của dự án. Do phải thay đổi một phần thiết kế, buộc phải đập phá, dỡ bỏ một số hạng mục công trình đã xây lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp, tốn kém làm tăng tổng mức đầu tư.
Theo Quyết định số 1911/QĐ ngày 14/11/2016, UBND tỉnh Bạc Liêu đã điều chỉnh chủ đầu tư, giao dự án từ “Sở Y tế Bạc Liêu” về “Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bạc Liêu” quản lý. Đồng thời, UBND tỉnh đã chấp thuận điều chỉnh, bổ sung vốn cho Bệnh viện Lao và Bệnh phổi từ 83,3 tỷ đồng lên 119 tỷ đồng. Khi hoàn thành, tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng.
Bệnh viện gồm 3 khu, quy mô 1 trệt, 2 lầu với 100 giường bệnh. Đây được xem là bệnh viện có quy mô lớn, được đầu tư đồng bộ và hiện đại nhất tỉnh Bạc Liêu. Thế nhưng, sau gần một năm hoàn thành, “bệnh viện vẫn chưa tiếp nhận một bệnh nhân nào”.
Bệnh viện có tổng cộng 143 cán bộ nhân viên, y, bác sĩ, điều dưỡng, nhưng một năm qua chỉ đi tập huấn, đi học, thực tập, thao tác bảo trì thiết bị y tế; có khoảng 50% nhân lực ngồi chơi lĩnh lương.
Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại tỉnh Bạc Liêu, ngày 6/8/2021, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Văn Thiều đã ký, ban hành quyết định số 1271 về việc “chuyển đổi công năng” của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi để “tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID -19” có triệu chứng mức độ nhẹ và không triệu chứng, với quy mô 100 giường.
Theo quyết định, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu sẽ thực hiện tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 từ ngày 16/8/2021.
“Mặc dù y, bác sĩ của bệnh viện đã được tập huấn, sẵn sàng, nhưng đến nay vẫn không thể tiếp nhận, cứu chữa cho một bệnh nhân COVID-19 nào”, theo báo cáo của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi về tổng thể thực trạng của bệnh viện.
Điều đáng nói, phía bệnh viện cho hay chủ đầu tư đã lắp đặt và bàn giao cho bệnh viện hệ thống thiết bị y tế theo hợp đồng số 01/2020/MINEXPORT-SYTBL gói thầu số 11, gồm 77 danh mục, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều danh mục đã lắp đặt xong, nhưng không thể nghiệm thu để bàn giao, đưa bệnh viện vào hoạt động tiếp nhận bệnh nhân. Phần lớn các danh mục không có hồ sơ gốc, chỉ có bản photocopy, không thể bàn giao giá trị tài sản.
Dù chưa đưa vào hoạt động, nhưng qua kiểm tra có 3/8 máy giúp thở đã lắp đặt gặp sự cố, hư hỏng; 1 trong 2 tủ ướp xác vận hành thử thì nước chảy ra ào ào; hệ thống máy xét nghiệm trị giá hàng tỷ đồng lại không có hóa chất kín để đưa vào hoạt động; 3 xe cứu thương trị giá hơn 5 tỷ đồng, nhưng trang thiết bị theo xe lại không đúng theo hồ sơ ban đầu; hệ thống xử lý nước thải chưa được nghiệm thu, cấp phép hoạt động…
Hiện Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu đã yêu cầu Chủ tịch tỉnh phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các đơn vị có liên quan trực tiếp làm việc với Ban Giám đốc Bệnh viện này để giải quyết các kiến nghị theo thẩm quyền.
Hoàng Minh
Hoa Kỳ tặng thiết bị điều trị bệnh lao trị giá 3 triệu đôla cho Việt Nam
18/02/2022
Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock phát biểu lại lễ trao tặng thiết bị cho phía Việt Nam ngày 16/2/2022. Photo Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam via USAID.
Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa trao tặng thiết bị phát hiện và chẩn đoán nhanh bệnh lao và thuốc điều trị lao với tổng trị giá khoảng 3 triệu đôla cho Việt Nam.
Tại Bệnh viện Phổi Trung ương hôm 16/2, USAID đã trao tặng các thiết bị phát hiện và chẩn đoán nhanh bệnh lao và thuốc điều trị lao cho phía Việt Nam.
Đợt trao tặng này bao gồm 38 máy chẩn đoán lao nhanh cùng 90.000 bộ xét nghiệm kèm theo và 10 máy X-quang kỹ thuật số sẽ được phân bổ cho các cơ sở y tế tuyến huyện trên cả nước, trong đó có các tỉnh vùng sâu, vùng xa như Nghệ An, Lai Châu, An Giang và Đồng Tháp, những nơi có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao, thông cáo của Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết hôm 18/2.
Đợt trao tặng này cũng bao gồm thuốc đủ để điều trị cho 15.000 bệnh nhân lao tiềm ẩn với liệu trình điều trị 3 tháng và sẽ được cấp phát trên toàn quốc, thông cáo cho biết thêm.
Trang Tuổi Trẻ Online dẫn lời ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết những máy chẩn đoán lao nhanh và máy X-quang kỹ thuật số do phía Mỹ trao tặng được thiết kế để có thể hoạt động tại các vùng xa xôi, hẻo lánh do các thiết bị cầm tay này siêu nhẹ được trang bị phần mềm hỗ trợ phát hiện dấu hiệu nghi ngờ bệnh lao, giúp phát hiện ca bệnh cả ở những nơi không có kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh.
“Máy chẩn đoán lao nhanh có thể phát hiện tại chỗ bệnh lao và lao kháng thuốc trong thời gian dưới 2 giờ và được vận hành bằng pin”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung cho biết.
Ngoài ra, USAID cũng cung cấp các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho Chương trình Chống lao Quốc gia, cho nhân viên các cơ sở y tế và các đối tác địa phương, thông cáo của USAID cho biết.
Việc hỗ trợ này sẽ giúp nâng cao tính bền vững cho các nỗ lực tăng cường công tác phát hiện ca bệnh của Việt Nam, đảm bảo chẩn đoán chính xác và kịp thời, cũng như hỗ trợ kết nối người bệnh tới dịch vụ điều trị bệnh lao và lao tiềm ẩn.
“Việc trao tặng thiết bị và thuốc hôm nay thể hiện sự hỗ trợ kiên định của USAID nhằm giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030,” Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết.
Kể từ năm 2018, USAID đã hỗ trợ Việt Nam hơn 16 triệu USD cho công tác phòng chống bệnh lao. USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ đưa các công nghệ và thuốc điều trị lao mới hiệu quả cao vào Việt Nam, như một phần trong quan hệ đối tác và sự đoàn kết liên tục phát triển giữa hai nước.
USAID cho biết rằng những tác động của COVID-19 đã khiến các dịch vụ phát hiện bệnh lao và chăm sóc bệnh lao ở Việt Nam giảm nghiêm trọng, với tỷ lệ phát hiện ca bệnh lao giảm 23,5% trong 10 tháng đầu năm 2021. Để giải quyết vấn đề này, USAID cũng đang hỗ trợ lồng ghép sàng lọc bệnh lao vào các chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của Chính phủ Việt Nam.
Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới với 172.000 người mắc lao và hơn 10.000 người chết vì căn bệnh này mỗi năm.
Việt Nam cấp phép cho ba dược phẩm điều trị Covid-19
Dược phẩm Molnupiravir do hãng Merck & Co Inc và Ridgeback Biotherapeutics LP phát triển. © Merck & Co Inc/Handout via REUTERS/File Photo
Ngày 17/002/2022, Cục Quản lý Dược, bộ Y Tế Việt Nam, đã cấp phép khẩn cấp ba dược phẩm chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid-19, do ba doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, gồm công ty TNHH Liên doanh Stellapharm, công ty CP Dược phẩm Boston Vietnam và công ty CP dược phẩm Mekorpha. Giấy phép có hiệu lực ba năm kể từ ngày ký quyết định.
Theo truyền thông Việt Nam, ba loại thuốc này được cấp giấy phép lưu hành với ba điều kiện đi kèm : cơ sở sản xuất phải kiểm tra chất lượng nguyên liệu đạt yêu cầu trước khi sản xuất ; theo dõi, kiểm tra chất lượng thuốc hàng tháng ; tiếp tục nghiên cứu độ ổn định của thuốc.
Theo dự kiến, thuốc Molnupiravir sẽ được bán với giá 300.000 đồng/hộp và được phân phối rộng rãi từ tuần sau tại các hiệu thuốc trên cả nước. Trước đó, bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và giá bán để tránh đầu cơ, lợi ích nhóm trong việc cung ứng thuốc. Còn theo ông Lương Đăng Khoa, tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam, khi trả lời VnExpress ngày 18/02, giá bán 300.000 đồng thấp hơn mức khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho các nước kém phát triển là 19,9 đô la (khoảng 440.000 đồng).
Số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tại Việt Nam vẫn ở mức cao, thêm hơn 36.200 ca theo số liệu tối 17/02. Tính trung bình trong vòng 7 ngày qua, mỗi ngày có 84 ca tử vong. Ba loại thuốc Molnupiravir được cho là liệu pháp hiệu quả cho việc điều trị tại nhà đối với các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, để giúp giảm tải cho các bệnh viện và cơ sở y tế điều trị tập trung.
Không có nhận xét nào