Gần 30 vụ đình công nổ ra trước và sau Tết Nhâm Dần
Công nhân Công ty Viet Glory đình công ở Nghệ An hồi đầu tháng 2 năm 2022
Công An Nhân Dân
Trước và sau Tết Nhâm Dần, có gần 30 cuộc đình công của công nhân nổ ra tại hơn chục tỉnh, thành trên cả nước Việt Nam. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào ngày 16/2 xác nhận như vừa nêu.
Cụ thể, những cuộc đình công của người lao động diễn ra tại 12 địa phương, trong đó có những tỉnh gồm Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Nghệ An…
Nguyên nhân đình công được cho biết do người lao động không đồng ý với việc thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp; lương kỳ này thấp hơn so với năm ngoái… Bên cạnh đó là những yêu cầu cải thiện tiền ăn, tăng phụ cấp xăng xe, bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên, chế độ hỗ trợ cho người lao động mắc COVID-19…
Sau khi nổ ra đình công của công nhân, một số yêu sách của công nhân được đáp ứng nên họ trở lại làm việc như tại Công ty Viet Glory ở Nghệ An.
Một số nơi mới đáp ứng một số yêu sách như hỗ trợ tiền xét nghiệm COVID-19, còn những yêu sách về lương, chế độ… vẫn phải chờ.
Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các công ty tăng cường tuyên truyền, tư vấn cho người lao động, người sử dụng lao động về hoạt động được gọi ‘đồng hành, chia sẽ khó khăn’.
Nhiều công nhân cho rằng họ phải lao động quá sức trong khi chế độ, chính sách chăm lo cho người lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu để tái tạo sức lao động.
HRW cáo buộc Việt Nam vi phạm quyền đi lại của giới hoạt động
Hình minh hoạ: Công an đứng chặn những người biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội năm 2012 /AFP
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) tố cáo chính quyền Việt Nam sử dụng các biện pháp trái luật nhằm giam hãm tại gia giới hoạt động xã hội và những người bất đồng chính kiến.
Hôm 17 tháng 2, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế có trụ ở tại Hoa Kỳ tổ chức buổi công bố bản báo cáo tại Thái Lan với tiêu đề “Bị giam tại gia: Sự tước đoạt quyền đi tự đi lại của giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam”.
Báo cáo dài 82 trang trình bày chi tiết điều mà tổ chức này gọi là sự vi phạm “có hệ thống và trên quy mô rộng” đối với quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động.
Cụ thể là các cách thức mà chính quyền Việt Nam áp dụng nhằm giam lỏng, hoặc cản trở việc đi lại của những nhà hoạt động nhân quyền, hay những người bất đồng chính kiến, cũng như chu kỳ diễn ra của những sự vi phạm quyền tự do đi lại này.
Chuyện những nhà hoạt động xã hội hay giới bất đồng chính kiến bị canh me, hay cản trở khi muốn rời khỏi nhà trước các sự kiện bị cho là nhạy cảm không còn là chuyện hiếm. Những người thường xuyên phải chịu cảnh này vẫn thường đăng tải lên mạng xã hội về tình trạng của họ, thậm chí những người này còn tạo ra thuật ngữ “bánh canh” để chỉ tình trạng mà họ phải chịu.
Tuy nhiên, theo ông Phil Robertson, Phó giám đốc phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, thì đây là lần đầu tiên tình trạng vi phạm quyền tự do đi lại của công dân ở Việt Nam được ghi chép một cách chi tiết và đầy đủ.
Phát biểu trong buổi họp báo công bố báo cáo vào sáng ngày 17 tháng 2 tại Câu lạc bộ Báo chí Thái Lan, ông Phil Robertson nói:
“Đây là những ví dụ minh hoạ rõ nét của hệ thống mang tính đàn áp và đe doạ, khiến Việt Nam trở thành một trong những nước có chính phủ lạm dụng nhân quyền một cách tồi tệ nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Đây là cách mà chính quyền đe doạ những nhà hoạt động cũng như gia đình của họ, và hòng tìm cách kiểm soát những người này.
Chỉ khi các chiến thuật đe doạ không tỏ ra hiệu quả, thì nhà nước Việt Nam mới dùng đến phương án bắt bớ, khởi tố, và bỏ tù người bất đồng chính kiến.”
Cũng trong buổi họp báo, người đại diện của tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng cho biết hiện có hơn 150 tù nhân chính trị tại Việt Nam. Trong đó có những người đã nhiều lần phải chịu đựng sự giam lỏng, và cản trở đi lại trước khi bị bắt.
Những cách thức phổ biến được chính quyền áp dụng nhằm giam lỏng và cản trở người dân rời khỏi nhà bao gồm cho cảnh sát mặc thường phục canh cửa, đổ keo vào khoá, chặn đường, cấm đường, và thậm chí sử dụng hàng xóm để đe doạ và giám sát người bị nhắm đến.
Ngoài việc ngăn cản người dân rời khỏi nhà, hay còn gọi là giam lỏng, tổ chức Theo dõi Nhân quyền còn cho biết chính quyền Việt Nam áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với hơn 170 nhà hoạt động, bloggers, người bất đồng chính kiến, và thân nhân của họ.
Bình luận về tình hình nhân quyền ở Việt Nam nói chung trong thời gian qua, ông Phil Robertson phát biểu:
“Tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều trong những năm qua, khi chính quyền Việt Nam lợi dụng việc cộng đồng quốc tế bị đánh lạc hướng bởi đại dịch, rồi ra tay trấn áp những gì còn lại của phong trào đối lập.
Chúng tôi ghi nhận nhiều hơn các trường hợp cấm cản đối với việc đi lại của công dân, nhiều vụ bắt bớ hơn, nhiều phiên toà bỏ túi hơn, và các án tù trở nên nặng nề hơn.
Với việc có hơn 150 tù nhân chính trị đang bị giam giữ trong các nhà tù, nhiều trong số đó đang phải thi hành mức án từ chín cho đến 15 năm tù, Việt Nam có nhiều tù nhân chính trị hơn bất cứ quốc gia nào ở khu vực Đông Nam Á ngoại trừ Myanmar.”
Tuy đối mặt với nhiều hình thức cản trở, đe doạ và trả thù, nhưng theo ông Phil Robertson, những nhà hoạt động nhân quyền và giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam vẫn tỏ ra không sợ hãi.
Bộ Ngoại giao VN phản ứng việc Hoa Kỳ dự thu thuế 400% với mật ong Việt Nam
Bộ Ngoại giao VN yêu cầu Hoa Kỳ không gây thiệt hại vô lý cho người nuôi ong VN khi dự áp thuế 400% lên sản phẩm mật ong /VNeconomy-RFA edited
Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ với sản phẩm mật ong của Việt Nam dự kiến là 400%.
Trước thông tin trên, trả lời truyền thông Nhà nước trong ngày 17/2 về phản ứng của VN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao -Lê Thị Thu Hằng nói rằng ngày 7/12/2021, đại diện Bộ Công thương VN đã có ý kiến về việc này.
Bà Hằng cho biết thêm hiện, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp, Phát triển và Nông thôn Việt Nam đang tiến hành trao đổi với phía Hoa Kỳ ở các cấp khác nhau để giải quyết vụ việc, đề nghị các biện pháp của phía Hoa Kỳ trong vấn đề này phải trên cơ sở khách quan, công bằng, theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), không gây thiệt hại vô lý cho người nuôi ong và doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng theo bà Hằng, việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế chống bán phá giá dự kiến như trên đối với mật ong của Việt Nam sẽ tác động hết sức tiêu cực đối với ngành nuôi ong của Việt Nam mà Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chính.
Đồng thời việc này cũng gây tác động bất lợi đến ngành trồng trọt của Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm, sinh kế của nhiều gia đình nuôi ong và nông dân, chủ yếu ở khu vực phía Nam và Tây Nguyên của Việt Nam.
Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN khẳng định thêm rằng Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển tích cực, bền vững. Việt Nam sẵn sàng và thường xuyên trao đổi với Hoa Kỳ thông qua các cơ chế hiện có như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Không có nhận xét nào