Samsung Electronics chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại từ Việt Nam về Hàn Quốc
Ảnh minh họa: Một cửa hàng bán điện thoại Samsung tại Châu Á. /AFP
Hãng điện tử Samsung Electronics vừa tiến hành chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Việt Nam về lại nhà máy ở Gumi, Hàn Quốc. Quyết định được đưa ra sau khi nhiều nhà máy của hãng, trong đó có nhà máy tại Việt Nam, bị gián đoạn sản xuất do dịch COVID-19.
Truyền thông Hàn Quốc loan tin vừa nêu ngày 15/2 nêu rõ vào cuối năm 2021, Samsung Electronics đã chuyển hai dây chuyền sản xuất từ nhà máy tại Việt Nam về nhà máy Gumi ở tỉnh Bắc Gyeongsang. Đây là lần đầu tiên nhà máy Gumi mở rộng sản xuất kể từ khi Samsung Electronics chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài.
Hai nhà máy của Samsung Electronics đặt tại hai tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên trong thời gian qua chiếm đến 60% số điện thoại thông minh sản xuất ra hằng năm của hãng này với mức 300 triệu chiếc.
Nhà máy Gumi là cơ sở sản xuất điện thoại di động duy nhất của Samsung ở Hàn Quốc. Đây là trụ sở kiểm soát và chuyển giao qui trình công nghệ cho các nhà máy đặt tại nước ngoài.
Tuy nhiên kể từ năm ngoái vì đại dịch COVID-19, Samsung Electronics chuyển đổi chiến lược.
Giới phân tích cho rằng quyết định đưa dây chuyền sản xuất về lại Hàn Quốc của Samsung Electronics là nhằm để quản lý những sản phẩm chủ lực của thương hiệu; dù rằng chi phí nhân công gia tăng.
Hầu hết dòng sản phẩm điện thoại thông minh Galaxy S22 được sản xuất tại Nhà máy Gumi và sẽ chính thức được ra mắt vào ngày 25 tháng hai tới đây.
Chuyên gia: Chiến tranh Nga-Ukraine có thể khiến Việt Nam nhượng bộ Trung Quốc ở Biển Đông
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Putin /Reuters/RFA edited
Giáo sư Carlyle Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm phân tích ảnh hưởng của một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng giữa Nga và Ukraine đến quốc gia Đông Nam Á.
Mặc dù nằm cách xa lục địa Châu Âu, tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia người Úc thì Việt Nam sẽ gánh chịu hậu quả tai hại một khi chiến tranh giữa hai nước thuộc Liên Xô cũ xảy ra.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, Giáo sư Carlyle Thayer bình luận rằng cuộc xâm lược của Nga nhắm vào Ukraine sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam theo hai khía cạnh, kinh tế và an ninh.
Về khía cạnh kinh tế, vị giáo sư từ trường đại học New South Wale cho rằng chương trình phát triển kinh tế của chính phủ ông Phạm Minh Chính sẽ rất có thể bị “trật bánh”, một khi chiến tranh nổ ra, ông nói thêm:
“Chúng ta đang nói đến khả năng về một cuộc xung đột giữa những nền kinh tế lớn nhất thế giới, với Hoa Kỳ và Châu Âu liên minh chống lại Nga, và nếu Trung Quốc quyết định ủng hộ Nga thì chắc sẽ dẫn đến thảm hoạ. Và với Việt Nam thì đó là viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Việt Nam phụ thuộc vào nền kinh tế, an ninh, và sự ổn định toàn cầu. Nếu những điều đó bị gián đoạn thì sẽ làm trật bánh chiến lược kinh tế của Việt Nam, cụ thể là tham vọng đưa nước này trở thành quốc gia có thu nhập cao hơn.”
Nguyên nhân của việc này theo giáo sư Thayer là vì nếu Nga xâm lược Ukraine thì sẽ bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề, bất cứ nước nào làm ăn với Nga sẽ đều bị cấm vận lây, do vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và xứ sở bạch dương.
Và nếu ông Tập Cận Bình quyết định sát cánh với Putin trong cuộc đối đầu với phương Tây thì thiệt hại mà Việt Nam phải hứng chịu sẽ còn nặng nề hơn nữa, vì nền kinh tế toàn cầu sẽ bị đảo lộn, mà nước này lại phụ thuộc vào việc xuất và nhập khẩu, cũng như sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài khía cạnh kinh tế, Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với thách thức về mặt an ninh một khi chiến tranh nổ ra ở Châu Âu, theo giáo sư Carlyle Thayer.
“Nếu một cuộc khủng hoảng xảy ra ở Ukraine, Trung Quốc sẽ có khả năng triển khai và đạt được nhiều hơn những điều mà họ muốn.
Tuy nhiên liệu Trung Quốc có muốn mở một cuộc tấn công trên Biển Đông hay không, hay là họ sẽ cho Việt Nam thấy sự thay đổi về mặt tình hình thực tế, khi mà Hoa Kỳ sẽ không thể đóng vai trò quyết định ở khu vực nữa vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, hay nói cách khác là Việt Nam sẽ không thể dựa vào Mỹ để đối phó với Trung Quốc.
Nếu vậy thì Việt Nam sẽ phải nhượng bộ thêm và để Trung Quốc làm chủ tình hình, cũng như tránh đối đầu.”
Mặc dù chính quyền của Tổng thống Biden vừa mới công bố Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mới, trong đó nhắm đến việc củng cố an ninh ở khu vực, và vận dụng mọi nguồn lực để răn đe các động thái hung hăng cũng như chống lại các nỗ lực đe doạ đến hoà bình và sự ổn định ở khu vực.
Trong chiến lược này thì Trung Quốc được cho là đối tượng chính mà Hoa Kỳ nhắm đến.
Tuy nhiên, Giáo sư Thayer cho rằng một cuộc chiến tranh ở Châu Âu sẽ trì hoãn việc triển khai chiến lược này, và sẽ khiến các nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương bị ảnh hưởng.
Về phần chính phủ Việt Nam, chuyên gia người Úc cho rằng lựa chọn là rất hạn chế trong việc tiếp cận cuộc khủng hoảng ở Đông Âu, ông nói:
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ chọn cách kêu gọi đối thoại và thiết lập hoà bình, và vì lợi ích của mình nên Việt Nam sẽ không chỉ trích Nga.
Rõ ràng là Việt Nam sẽ ở vào trong thế khó. Ngoài ra thì Trung Quốc cũng sẽ tỏ ra ủng hộ những việc làm của nước Nga, nên Việt Nam cũng sẽ không muốn khiêu khích Trung Quốc.”
Đứng trước những thách thức có thể sẽ xảy đến, theo giáo sư Carlyle Thayer, thì Việt Nam không hề mong muốn một cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ xảy ra.
Xăng dầu tăng giá ghê hơn Covid
Hàn Lam
“Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ, đề nghị cho phép liên Bộ Công Thương – Tài chính linh hoạt hơn trong điều hành, để giá mặt hàng này tiệm cận thế giới”
Từ ngày 11-2-2022, giá xăng vượt mốc 25.000 đồng/lít, mức cao nhất trong 8 năm qua đã gây áp lực lớn đối với nhiều ngành nghề, tác động mạnh tới mặt bằng giá cả, khiến người dân, doanh nghiệp phải đối mặt với bộn bề khó khăn.
So với đầu năm 2021, mặt hàng nhiên liệu này tăng gần 8.700 đồng/năm. Sau 3 lần tăng liên tiếp đầu năm, giá xăng hiện ở mức cao nhất trong vòng 8 năm và chỉ còn kém đỉnh lịch sử 1.069 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và 818 đồng đối với xăng RON 95.
Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên 19.865 đồng/lít; dầu hỏa là 18.751 đồng/lít và dầu mazut là 17.659 đồng/kg.
Mặc dù liên Bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định duy trì mức chi Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức từ 100-400 đồng/lít, giá các mặt hàng này vẫn tăng cao.
Một chủ doanh nghiệp ngành vận tải cho biết trước Tết Nguyên đán, khi giá xăng tăng mạnh, công ty của ông đã điều chỉnh tăng giá cước. Nay xăng vượt mốc 25.000 đồng/lít, các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, nhất là vận tải cũng thêm lao đao khi chưa kịp khôi phục lại 100% công suất hoạt động do dịch Covid-19. Hiện chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35% tổng chi phí của doanh nghiệp, do đó khi giá mặt hàng này tăng, cước vận chuyển cũng phải điều chỉnh tương ứng.
“Hiện tại phần cầu đường và xăng dầu doanh nghiệp không chủ động. BOT cầu đường tăng, dầu tăng mà trong tháng này không giảm xuống thì đến đầu tháng 3/2022 doanh nghiệp cũng tăng giá và cuối cùng khách hàng phải chịu chứ nhà xe không thể chịu tiếp” – Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Trí nói.
So với thời điểm đầu năm 2021, giá thực phẩm tươi sống, sữa, gạo, dầu ăn và các loại thực phẩm chế biến sẵn… đã tăng 10-30% vì đà tăng liên tục của giá xăng dầu. Nhiều quán ăn cũng tăng giá bán vì sức ép giá nguyên liệu tăng.
Trong báo cáo gần đây, Cục Quản lý giá cũng nhận định trong năm 2022, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết, trong đó có giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới.
Từ khi Liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào chiều 11-2, ngư dân và cả tiểu thương ở Quảng Nam bày tỏ sự lo lắng. Ông Trương Công Bình – tàu Qna 94079 trú ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam cho hay, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hôm 16-2, tàu ông mới bắt đầu vươn khơi đánh bắt hải sản trở lại.
Tuy nhiên, giá xăng dầu bất ngờ tăng gần 1.000 đồng/lít khiến ông và các bạn thuyền rất lo lắng. Trong chuyến đánh bắt lần này, ông Bình phải bỏ ra hơn 600 triệu đồng mua hàng hóa đi theo, trong đó tiền dầu là 400 triệu đồng.
“Mỗi chuyến đi, tàu của tôi phải đổ 20.000 lít dầu như vậy chuyến đi này chưa xuất phát đã thấy lỗ gần 20 triệu đồng do giá dầu tăng. Những chuyến đi trước lời cũng không bao nhiêu chỉ đủ tôi chia cho bạn thuyền và trả nợ tiền đóng tàu. Lần này giá dầu tăng cao khiến tôi và bạn tàu rất lo lắng bởi sợ đi đánh bắt về chẳng có bao nhiêu, thậm là sẽ lỗ vốn” – ông Bình nói.
Mặc dù giá xăng dầu tăng mạnh nhưng giá hải sản lại có xu hướng giảm khiến các ngư dân rất lo lắng trong chuyến vươn khơi đầu năm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, một số thay đổi về đảm bảo dự trữ lưu thông xăng dầu trong thời gian vừa qua là nguyên nhân dẫn tới việc điều hành không thông suốt, không linh hoạt, dẫn tới những bất cập, hệ luỵ.
“Nếu kỳ điều hành đầu tháng 2 vẫn diễn ra bình thường hoặc Bộ Công Thương linh hoạt khi thị trường bất thường, thì biên độ tăng giá xăng sẽ không ‘sốc’ như vậy và cũng không có tình trạng găm hàng, chờ tăng giá”, ông Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, và nói rằng, “nếu chúng ta điều hành linh hoạt hơn, điều chỉnh xăng dầu vào ngày mùng 2 hoặc mùng 3 thì sẽ không có hiện tượng này”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận tại cuộc họp ngày 9-2 rằng “cần có sự linh hoạt hơn trong điều hành giá xăng dầu”, như không nhất thiết phải chờ đúng 10 ngày như quy định, mà có thể 3 hoặc 5 ngày điều chỉnh.
“Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ, đề nghị cho phép liên Bộ Công Thương – Tài chính linh hoạt hơn trong điều hành, để giá mặt hàng này tiệm cận thế giới”, ông Diên nói.
Việt Nam Thời Báo
Đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng phá rừng mở đường, Lâm Đồng yêu cầu dừng
RFA
Ảnh minh họa: Rừng ở Tây Nguyên bị phá /AFP
Ban Quản lý Dự án 46-Bộ Tổng Tham mưu thuộc Bộ Quốc Phòng bị Tỉnh Lâm Đồng cho là tự ý phá núi mở đường đi qua Vườn Quốc gia Bidoup- Núi Bà. Hoạt động này diễn ra khi chưa có quyết định của cấp thẩm quyền về việc chuyển mục đích sử dụng, chưa được cấp phép khai thác tận dụng lâm sản.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 14/2 cho biết hoạt động vừa nêu gây mức độ thiệt hại về rừng đến 100%. Trên dọc tuyến đường chỉ còn rải rác một số cây rừng bị san ủi, bị cày bật gốc, bị đất đá san lấp bên vệ đường…
Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng cho biết thời gian mà đơn vị tiến hành hoạt động phá rừng như vừa nêu diễn ra vào khoảng từ tháng tư đến tháng sáu năm ngoái.
Vào ngày 15/2, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S, cho biết đã có văn bản yêu cầu dừng toàn bộ việc thi công đoạn đường trên diện tích rừng chưa được chuyển mục đích sử dụng.
Song song đó cơ quan chức năng tiến hành kiểm đếm, đánh giá thiệt hại tài nguyên rừng và báo cáo cho cơ quan chức năng có thẩm 1uye62n xử lý trước ngày 22/2/2022.
Đoạn đường được thi công được nói thuộc tuyến Trường Sơn Đông. Dự án này được Bộ Quốc phòng Việt Nam phê duyệt năm 2006 và điều chỉnh năm 2011. Mức đầu tư trên 10 ngàn tỷ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến là 671 km, đi qua bảy tỉnh miền Trung, bắt đầu từ tỉnh Quảng Nam tới Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Dak Lak và đoạn cuối ở tỉnh Lâm Đồng.
Không có nhận xét nào