Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Việt Nam thuộc nhóm nước phi dân chủ trong báo cáo Chỉ số dân chủ 2021

    RFA
    11/02/2022

    Việt Nam thuộc nhóm nước phi dân chủ trong báo cáo Chỉ số dân chủ 2021

    Danh sách các nước độc tài ở Châu Á theo Chỉ số dân chủ 2021 /đồ họa RFA 

    Hãng nghiên cứu và phân tích Economist Intelligence Unit hôm 10 tháng 2 công bố báo cáo Chỉ số Dân chủ năm 2021, trong đó Việt Nam được xếp vào nhóm nước có thể chế toàn trị. 

    Hãng này đánh giá mức độ dân chủ của một quốc gia dựa trên năm yếu tố, bao gồm bầu cử, sự hiệu quả của chính quyền, tỉ lệ tham gia chính trị, văn hoá chính trị, và quyền tự do cá nhân. 

    Các quốc gia trên thế giới được chia ra làm bốn nhóm ứng với mức độ dân chủ. Xếp trên nhất là nhóm nước dân chủ hoàn thiện, thứ hai là nhóm nước dân chủ khiếm khuyết, thứ ba là dân chủ lai tạp, và cuối cùng là nhóm các nước toàn trị. 

    Kể từ khi báo cáo Chỉ số Dân chủ được thực hiện từ năm 2006 tới nay thì Việt Nam luôn luôn được xếp vào nhóm nước không có dân chủ, tuy nhiên, về mặt thứ hạng thì lại có chuyển biến. 

    Nếu như trong năm 2006, Việt Nam đứng thứ 145 trên tổng số 167 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức độ dân chủ, thì trong năm 2021 thứ hạng của Việt Nam đã có chút cải thiện khi leo lên vị trí 131. 

    Thế nhưng, điều này có thể được lý giải rằng do tình hình dân chủ ở nhiều quốc gia khác đã thụt lùi nghiêm trọng, đơn cử như Venezuela và Cambodia- hai nước đứng trên Việt Nam hồi năm 2006 nhưng do xảy ra khủng hoảng chính trị trong những năm gần đây nên đã bị tụt hạng.  

    Bình luận về thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo này, ông Nguyễn Tiến Trung, nhà theo dõi và bình luận chính trị, gửi cho RFA quan điểm qua ông qua ứng dụng nhắn tin:

    “Sau khi đọc báo cáo của EIU, tôi thấy đây là một nghiên cứu rất công phu và có tính tổng quát cao. Các tiêu chuẩn để đánh giá một nền dân chủ rất đầy đủ và rõ ràng. Việc Việt Nam tiếp tục được xếp vào nhóm các nước toàn trị không có gì ngạc nhiên vì bao nhiêu năm nay vẫn thế. Nhìn vào tiêu chuẩn xếp hạng thì thấy không thấy có điểm sáng nào ở Việt Nam.”

    Ông cũng chỉ ra vấn đề ở cả năm lĩnh vực được cơ quan nghiên cứu dựa vào nhằm đưa ra chỉ số dân chủ ở Việt Nam. Như không có bầu cử tự do, chính phủ tham nhũng, người dân không có quyền tham gia chính trị, các chiến dịch đàn áp của chính quyền dẫn tới văn hoá chính trị không phát triển, và quyền công dân bị xâm phạm nghiêm trọng. 

    Trong năm 2021, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc bắt vớ và xét xử những người bất đồng chính kiến. Theo thống kê của Đài Á châu Tự do thì trong năm 2021 đã có khoảng 40 người bị bắt trong các vụ án có yếu tố chính trị. 

    Từ Cộng hoà Liên bang Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài, người sáng lập Hội Anh em Dân chủ thì cho rằng việc Việt Nam được xếp thứ 131 trên tổng số 167 quốc gia và khu vực về mức độ dân chủ vẫn còn là cao, ông nói:

    “Theo quan điểm của tôi thì Việt Nam sẽ phải đứng một trong mười nước đội sổ về các nền dân chủ ở trên thế giới.”

    Lý do mà ông đưa ra là: 

    “Chúng ta đều biết rồi, dân chủ tức là người dân có quyền làm chủ đất nước thông qua cái lá phiếu của mình, bằng cách là lựa chọn cái đảng cầm quyền và người lãnh đạo đất nước thông qua các cuộc bầu cử tự do, công bằng, có sự tham gia của nhiều đảng phái chính trị. Đấy gọi là cái cơ bản nhất của nền dân chủ. 

    Thế thì Việt Nam chưa bao giờ có đa đảng, mà chưa có đa đảng thì chắc chắn là chưa có dân chủ rồi."

    Trên bình diện thế giới, các quốc gia Châu Âu chiếm đa số trong nhóm các nước dân chủ hoàn hiện, với 12 nước lọt vào thứ hạng này. Trong đó có Na Uy là nước được đánh giá là dân chủ nhất thế giới. 

    Trong khi đó, Hoa Kỳ được cho là nước có nền dân chủ khiếm khuyết, khi chỉ xếp hạng 26 trên tổng số 167. 

    Ở khu vực Châu Á thì bất ngờ nằm ở việc Đài Loan ngoi lên trở thành nền dân chủ hoàn thiện nhất, xếp trên cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc. Hòn đảo này cũng đứng thứ 8 thế giới về mức độ dân chủ. 

    Việt Nam bị xếp trong nhóm các nước toàn trị bao gồm: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Bắc Triều Tiên, Cuba, Venezuela...

    Ca sĩ Mai Khôi được trao Giải thưởng Tứ tự do về Tự do ngôn luận năm 2022

    Ca sĩ Mai Khôi được trao Giải thưởng Tứ tự do về Tự do ngôn luận năm 2022

    Ca sĩ Mai Khôi trình diễn với nhạc cụ được chế tác từ tre /Roosevelt Foundation 

    Ca sĩ Đỗ Nguyễn Mai Khôi, một nhà hoạt động người Việt Nam hôm 9/2 được xướng tên là người nhận Giải thưởng Tứ tự do về Tự do ngôn luận của Viện Roosevelt, có trụ sở chính ở New York, Hoa Kỳ. 

    Giải thưởng Tứ Tự do được trao mỗi năm cho những ai có các thành tựu thể hiện cam kết tuân theo những nguyên tắc mà Tổng thống Roosevelt tuyên bố trong bài phát biểu lịch sử của mình trước Quốc hội vào ngày 6 tháng 1 năm 1941, là điều cần thiết cho nền dân chủ bao gồm: tự do ngôn luận và biểu đạt, tự do tín ngưỡng, tự do thoát khỏi đói nghèo và tự do khỏi sợ hãi.

    Năm 2020, nhà báo Maria Ressa - Giám đốc điều hành tờ báo Rappler của Philippines được trao giải này, và năm 2021 là bà Hannah-Jones của tờ New York Times.

    Bày tỏ cảm xúc với phóng viên Đài Á Châu Tự Do sau khi có tin mình được trao giải, ca sĩ Mai Khôi nói bà thấy bất ngờ nhưng cũng rất hãnh diện. Bà nói: 

    "Tôi cảm thấy rất là bất ngờ khi được thông báo nhận được giải thưởng lớn như vậy, bởi vì nhìn thấy những cái tên tuổi được ghi trên trang của họ, những người được giải thưởng trước đây toàn là những người hoạt động nổi tiếng lừng danh.

    Mà tự nhiên năm nay họ lại quyết định trao giải thưởng đó cho mình, cho nên tôi rất là bất ngờ mặc dù rất là hãnh diện. Có nhiều cảm xúc lẫn lộn lắm, mình vừa nghĩ nhiều đến những người ở Việt Nam, những người hoạt động hơn mình, những người đã xông pha vào 'chiến trường' tự do ngôn luận này lâu năm hơn mình, họ xứng đáng được giải thưởng này hơn tôi nhiều. 

    Một phần tôi cũng hãnh diện vì mỗi lần có một giải thưởng nào cho người Việt Nam, không phải chỉ riêng tôi mà bất kỳ người Việt Nam nào được giải thưởng nhân quyền quốc tế thì nó mang lại cái sự chú ý đối với cộng đồng quốc tế, thì đó là điều tốt cho Việt Nam."

    Trong phần vinh danh bà Mai Khôi trên trang chủ của giải thưởng này, có viết: "Thông qua âm nhạc và các loại hình nghệ thuật khác, Mai Khôi thể hiện tầm quan trọng của quyền tự do ngôn luận, công bằng xã hội và cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam."

    Screen Shot 2022-02-10 at 22.03.36.png

    Ca sĩ Mai Khôi được vinh danh cùng với bốn người khác trên trang chủ của giải thưởng. Ảnh chụp màn hình 

    Các chủ đề mà nữ ca sĩ này gây chú ý được cho biết, bao gồm cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và cộng đồng LGBTI + (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và liên giới tính), bạo lực trên cơ sở giới, quyền tự do ngôn luận và môi trường.

    Hiện nay đang sống ở một bang miền Đông Bắc, Hoa Kỳ bà Mai Khôi cho biết đang làm một dự án trình diễn âm nhạc mang tên “Bad activist”, kể lại câu chuyện cuộc đời mình, sự biến đổi qua từng giai đoạn bằng âm nhạc, diễn xuất, hình ảnh và video. 

    Sở dĩ chọn cái tên "Nhà hoạt động dở tệ" theo bà để khuyến khích nhiều người hơn nữa tham gia để trở thành các nhà hoạt động. 

    Nhận xét về tình trạng tự do ngôn luận ở quê hương, bà cho biết quốc gia độc đảng này hiện nay hoàn toàn không có quyền tự do này:

    "Tình hình tự do ngôn luận ở Việt Nam hiện nay đang rất, rất tệ. Bởi vì trước đây thì mọi người còn có Facebook để đàm luận về chính trị hay có những ý kiến tự do về chính trị, nhưng hiện nay mọi người không còn cái tự do đó nữa."

    Ca sĩ Mai Khôi giải thích thêm rằng, hiện nay nhiều người dùng mạng xã hội Việt có thể tự do chỉ trích nhau nhưng khi động đến chính quyền thì tài khoản mạng xã hội có thể bị đóng, hoặc bị phạt tiền hay nặng hơn là bị bỏ tù. 

    Bà cho rằng, tự do ngôn luận là cần thiết để cho một đất nước phát triển tuy nhiên quốc gia Đông Nam Á này thường xuyên đội sổ trong các bảng xếp hạng về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của các tổ chức nhân quyền quốc tế. 

    Trang chủ của Giải thưởng Tứ tự do còn nhắc đến bà Mai Khôi với các hoạt động kêu gọi sự chú ý đến thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra vào năm 2016 gây thiệt hại về môi trường và có tác động kinh tế lớn đối với ngư dân địa phương.

    Bà cũng có đóng góp cho vở diễn "Lời của tre" được công diễn ở trong nước hồi năm 2018 nói về sự quan tâm (đối với nhau và thiên nhiên) và chia sẻ nước, thức ăn và tình bạn. Những điều này, theo Mai Khôi, là điều cần thiết cho một xã hội phát triển bền vững.

    VN có thể lệ thuộc nhiều hơn vào sản phẩm xăng dầu của Hàn Quốc

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vn-rely-sk-oil-gas-02112022073609.html/@@images/image

    Ảnh minh hoa: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn /Courtesy NSRP 

    VN có thể lệ thuộc nhiều hơn vào sản phẩm xăng dầu của Hàn Quốc khi mà khi năng lực lọc dầu trong nước bị cho là ‘mong manh’.

    Mạng báo S&P Global vào ngày 11/2 loan tin với nhận định vừa nêu. Theo đó tình hình tài chính và thực tế thiếu ổn định kéo dài tại Nhà máy Lọc  hóa dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa có thể cản trở đáng kể tham vọng tự cung ứng sản phẩm xăng dầu của Việt Nam.

    Tin nói các nhà máy lọc dầu Hàn Quốc muốn lợi dụng tình thế này để tăng xuất khẩu xăng dầu sang Việt Nam. Mức tăng được nói lên 50% trong năm nay.

    Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn  đã phải vật lộn với những khó khăn về tài chính kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020.

    Đây là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008 do bốn thành viên góp vốn, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PETROVIETNAM), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó PETROVIETNAM (PVN) góp vốn 25,1%.

    Việc cắt giảm sản xuất của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vốn chiếm tới 35% nguồn cung xăng dầu ra thị trường hiện nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu mua xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu.

    Trong diễn biến liên quan, vào chiều ngày 11/2, giá xăng tại Việt Nam được cho biết tăng lên gần 1.000 đồng/lít. Mức này được cho là cao nhất trong gần tám năm qua.

    Cụ thể sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 24.571 đồng/lít và xăng RON 95 là 25.322 đồng/lít. Đây là lần thứ ba giá xăng tại Việt Nam tăng liên tiếp kể từ đầu năm đến nay. Mức tăng được ghi nhận là cao nhất kể từ tháng 7/2014.

    Việt Nam thiếu hụt xăng dầu, ai găm hàng bị phạt nặng 

    11/02/2022 

    Xăng dầu ở Việt Nam là mặt hàng được Nhà nước kiểm soát giá cả

    Xăng dầu ở Việt Nam là mặt hàng được Nhà nước kiểm soát giá cả 

    Việt Nam đang thiếu hụt xăng dầu trên diện rộng với nhiều cây xăng trên khắp cả nước treo bảng hết xăng, nghỉ bán trong lúc chính quyền đang cho thanh tra và trừng phạt nặng tay những cây xăng nào găm giữ hàng chờ giá lên, truyền thông trong nước đưa tin.

    Theo báo cáo của Bộ Công thương được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lại thì từ trước Tết cho đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện một số cây xăng đóng cửa, ngưng bơm xăng cho người dân ở các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang…

    Tuy nhiên, nguyên nhân do Bộ Công thương chỉ ra không phải là do các cửa hàng nay găm giữ hàng không chịu bán mà là do ‘hết nguồn cung’ trong khi nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết tăng cao, thiếu hụt nhân sự do nhân viên nghỉ Tết hay mắc COVID-19.

    Theo khảo sát của tờ Tuổi Trẻ tại các tỉnh như An Giang và Sóc Trăng, nhiều cây xăng treo bảng ‘hết xăng’ hoặc chỉ bơm xăng nhỏ giọt cho khách hàng. Các chủ cây xăng cho biết họ cạn kiệt nguồn cung hay kinh doanh thua lỗ do được hưởng chiết khấu quá thấp nên đành phải đóng cửa.

    Tại tỉnh Đắc Lắc, theo ông Nguyễn Tuấn Hà, phó chủ tịch tỉnh, được Tuổi Trẻ dẫn lời lại thì có 19 cây xăng đóng cửa cũng với lý do là ‘hết hàng để bán’.

    Ông Hải cũng chỉ ra hiện tượng do đang phải chịu lỗ nên nhiều cây xăng ‘viện đến các cớ như ăn giỗ, đám cưới, ốm đau... ‘ để không bán hàng.

    Những trục trặc tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn khiến nhà máy này không cung cấp đủ hàng cho các doanh nghiệp trong khi giá xăng dầu trong nước không điều chỉnh kịp với giá thế giới khiến nhiều doanh nghiệp càng bán ra càng lỗ, tờ Tuổi Trẻ chỉ ra.

    Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, trong buổi họp báo chiều ngày 10/2, ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công thương, cho biết tình hình cung ứng xăng dầu ở thành phố đang gặp khó khăn nhưng ‘không có tình trạng găm giữ hàng’.

    Ông Phương được tờ Người Lao Động dẫn lời cho biết do giá xăng sắp được điều chỉnh tăng nên người bán ‘có tâm lý hạn chế bán chờ giá lên’ còn người mua ‘thì mua tích trữ’ nên gây khó khăn cho việc cung ứng xăng dầu.

    Việt Nam đang sắp sửa có thêm các đợt tăng giá xăng dầu vào các ngày 11 và 21/2 tới, theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ.

    Cũng theo phó giám đốc Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh thì thành phố này hôm 10/2 ‘ghi nhận 7 cửa hàng thiếu xăng RON 95’.

    Trước đó, tại một phiên họp của chính phủ hôm 8/2, phó Thủ tướng Lê Văn Thành được dẫn lời trấn an rằng Việt Nam ‘có đủ nguồn dự trữ xăng dầu’. Người dân cũng được chính quyền khuyến cáo không nên tích trữ xăng dầu trong nhà.

    Bộ Công thương đang cho tiến hành kiểm tra các cây xăng trên toàn quốc và nếu phát hiện cây xăng nào găm giữ hàng thì sẽ phạt nặng bằng hình thức thu hồi giấy phép kinh doanh, Thông tấn xã Việt Nam cho hay.

    Theo Bộ Công Thương hiện nguồn cung xăng dầu trong nước đang đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, 25% còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài.

    Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước thuộc Bộ Công thương, ông Trần Duy Đông, được Tuổi Trẻ dẫn lời cho biết kể từ ngày 13/3, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, vốn có công suất gấp đôi nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi, sẽ phục hồi 100% công suất trong khi các nhà cung cấp xăng dầu cũng đang có kế hoạch nhập khẩu thêm để bù đắp nguồn thiếu hụt do sản xuất trong nước đình trệ.

    Bà Phạm Đoan Trang được Chính phủ Anh và Canada trao giải Tự do Truyền thông 2022

    Bà Phạm Đoan Trang được Chính phủ Anh và Canada trao giải Tự do Truyền thông 2022

    Nhà báo Phạm Đoan Trang bị tòa án Việt Nam tuyên án tù nhưng được cộng đồng quốc tế vinh danh /TTXVN/RFA edited 

    Nhà báo Phạm Đoan Trang, người bị tòa án Hà Nội tuyên 9 năm tù giam vừa trở thành chủ nhân của giải Tự do Truyền thông năm 2022 do chính phủ hai nước Anh và Canada tài trợ. 

    Hôm 10 tháng 2, trong hội thảo Tự do Truyền thông Toàn cầu tại thủ đô Tallinn, Estonia, ban tổ chức đã thông báo Giải thưởng Anh-Canada về Tự do Truyền thông năm 2022 được trao cho Phạm Đoan Trang, nhà báo người Việt Nam. 

    Theo mô tả trên trang web của chính phủ Anh, giải thưởng này nhằm ghi nhận nỗ lực của những người đấu tranh cho tự do báo chí, truyền thông, và bảo vệ nhà báo, cũng như nhằm tôn vinh những tổ chức và cá nhân ít được biết tới. 

    Nhà báo Phạm Đoan Trang được ban tổ chức mô tả là người viết ra những cuốn sách về dân chủ, và những bài viết về xã hội dân sự, và sự bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Bà cũng được giới thiệu là người vận động cho nhân quyền, thượng tôn pháp luật, và môi sinh.

    Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luật Khoa Tạp Chí và là đại diện của nhà báo Phạm Đoan Trang, nói về ý nghĩa của giải thường này:

    “Tôi tin rằng cái giải thưởng này sẽ có tác động rất là có ý nghĩa, là tại vì đây là giải thưởng của hai chính phủ, hai nước lớn trao cho một nhà báo Việt Nam đang bị cầm tù. 

    Nó rất là khác so với những giải thưởng của các tổ chức xã hội dân sự, của các tổ chức quốc tế. Các tổ chức quốc tế thì vẫn bị chính phủ Việt Nam liệt vào cái hàng là những tổ chức phản động quốc tế, những tổ chức kém thân thiện với Việt Nam. 

    Thế nhưng mà đây là hai chính phủ đã làm việc với Việt Nam, đã có quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam, tài trợ cho Việt Nam rất là nhiều. Báo Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân không mấy khi có những bải chỉ trích những nước này. Thì tôi cho rằng cái sự thừa nhận của một chính phủ có giá trị rất mạnh đối với chính phủ Việt Nam.”

    Screen Shot 2022-02-11 at 04.41.51.png

    Ông Tariq Mahmood Ahmad - Bộ trưởng Ngoại giao các vấn đề về thịnh vượng chung & phát triển của Vương Quốc Anh công bố giải thưởng trong buổi lễ và sau đó viết trên Twitter. Ảnh: Chụp màn hình

    Không chỉ có ảnh hưởng đến chính phủ Việt Nam, ông Long còn cho rằng việc hai nước lớn trao giải cho nhà báo Phạm Đoan Trang còn có tác động đến người dân, ông nói thêm:

    “Tôi tin rằng là nó còn có sức nặng với người dân Việt Nam nhiều hơn nữa, đó là tại vì rất nhiều người dân Việt Nam vẫn bán tín bán nghi, vẫn có một cái sự ngờ vực nhất định rằng những việc làm của nhà báo Phạm Đoan Trang là có đúng đắn hay không.

    Thế thì thông qua cái giải thưởng, cái sự thừa nhận của hai nước, hai nền dân chủ rất là tiến bộ. Hai nước có nền kinh tế rất là mạnh mẽ trên thế giới là Anh và Canada. 

    Cái sự thừa nhận đó, tôi tin rằng nó giúp cho rất nhiều người Việt Nam hiện nay còn đang lưỡng lự, xác quyết về cái góc nhìn của mình đối với những việc làm của nhà báo Phạm Đoan Trang hơn.”

    Với việc được trao giải Tự do Truyền thông của chính phủ Anh và Canada, nhà báo Phạm Đoan Trang trở thành người Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực cổ vũ dân chủ và nhân quyền. 

    Trước đó, bà được nhận Giải Nhân quyền Homo Homini từ tổ chức People In Need hồi năm 2018. Sau đó, được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF ở Pháp trao tặng giải Tự Do Báo Chí năm 2019. 

    Hiệp hội Xuất bản Quốc tế trao giải IPA Prix Voltaire 2020 cho Nhà Xuất bản Tự do mà bà là một trong những người sáng lập, điều hành và là tác giả chính. 

    Mới đây nhất nhà báo đang bị cầm tù này được trao giải Martin Ennals năm 2022, đây được ví như giải Nobel trong lĩnh vực nhân quyền. 

    Nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt vào tháng 10 năm 2020, bà bị giam giữ đến tháng 12 năm 2021 mới được đưa ra xét xử. 

    Trong phiên toà sơ thẩm diễn ra vào ngày 14 tháng 12, bà bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999, rồi bị kết án chín năm tù. Bà hiện đang trong quá trình kháng án. 


    Không có nhận xét nào