Lê Chí Thành bị khởi tố thêm tội ‘Lợi dụng quyền tự do dân chủ’
Lê Chí Thành tại tòa sáng ngày 14/1/2022. Photo CAND.
Cựu đại úy công an Lê Chí Thành, người vừa bị tuyên án 2 năm tù vì “Chống người thi hành công vụ”, nay lại bị khởi tố thêm tội danh mới là “Lợi dụng quyền tự do dân chủ,” theo tin từ gia đình.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, bà Lê Thị Phú, mẹ của ông Thành, nói với VOA:
“Đây là việc họ cố tình quy chụp. Luật sư Đặng Đình Mạnh cho tôi biết là Thành bị tỉnh Bình Thuận truy tố về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và sắp tới đây tỉnh Bình Thuận sẽ đưa Thành về đó.
“Tôi không đồng ý vì con tôi không phải là “phản động”.
“Con của tôi tố cáo tham nhũng mà họ không làm ra lẽ.
“Bây giờ quy chụp con tôi hết tội nọ đến tội kia thì quá bất công”.
Trước đó, luật sư Đặng Đình Mạnh thông báo trên Facebook: “Một cơ quan cảnh sát điều tra ở tỉnh Bình Thuận đã tống đạt Quyết định khởi tố vụ án về tội danh “Lợi dụng những quyền tự do dân chủ...” theo điều 331 BLHS đối với ông Lê Chí Thành. Án chồng án là điều mà ông Lê Chí Thành sẽ phải đối diện trong thời gian sắp tới”.
Cựu đại úy Lê Chí Thành, 39 tuổi, một người được biết thường lên tiếng tố cáo tham nhũng trong ngành công an, hôm 14/1 bị một tòa án ở thành phố Thủ Đức đã tuyên án hai năm tù với tội danh “Chống người thi hành công vụ.”
Bà Phú cho biết Thành đã kháng cáo, cho rằng mức án hai năm tù là “quá nặng.”
Ông Lê Chí Thành, người có hộ khẩu thường trú ở tỉnh Bình Thuận, nguyên là đại úy công an làm việc trại Trại giam Z30D, trại Thủ Đức, Bộ Công an.
Vào tháng 7/2020, ông bị tước danh hiệu Công an nhân dân, và bị tước quân hàm, quân tịch và mất việc sau khi ông phát biểu trên mạng xã hội cho rằng mình là nạn nhân của sự trù dập vì đấu tranh chống tham nhũng.
Chuyên gia môi trường xanh Ngụy Thị Khanh bị bắt vì ‘trốn thuế’
10/02/2022
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) ở Hà Nội, ngày 6/2/2020.
Bà Nguỵ Thị Khanh, người đầu tiên nhận giải thưởng môi trường Goldman danh giá của Việt Nam, đã bị chính quyền Hà Nội bắt giam vì tội “trốn thuế”.
Báo Tuổi trẻ loan tin rằng Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Nội hôm 8/2 ra thông báo cho biết cơ quan này đã khởi tố nhà hoạt động môi trường nổi tiếng 46 tuổi, về tội “trốn thuế” theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự.
Người sáng lập Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) đã bị bắt giữ vào tháng trước, nhưng việc giam giữ bà đã được truyền thông nhà nước loan tin hôm 9/2. Bà Khanh, người đoạt giải Goldman và là học giả Eisenhower, là nhà vận động để Việt Nam áp dụng các chiến lược năng lượng xanh hơn.
Bà Nguỵ Thị Khanh là một trong số ít tiếng nói ở Việt Nam lên tiếng phản đối kế hoạch tăng điện than để cung cấp nhiên liệu cho phát triển kinh tế của đất nước, theo trang AFP.
Tổ chức GreenID của bà, tổ chức phi chính phủ về môi trường nổi tiếng nhất Việt Nam, đã thuyết phục chính phủ giảm một số mục tiêu về than và khơi mào một cuộc đối thoại quốc gia về tình trạng ô nhiễm nước và không khí đang gia tăng.
Nhưng trong khi được quốc tế khen ngợi, bà cũng trở thành mục tiêu của các chiến dịch bôi nhọ trên các trang truyền thông do nhà nước hậu thuẫn và thường xuyên bị tấn công bởi những kẻ chỉ trích công việc của bà trên Facebook, trang AFP cho biết.
Tương tự, trang The Gurdian cho biết rằng những tiếng nói của bà khiến bà phải đối đầu với tham vọng của đất nước trong việc thúc đẩy sản xuất than.
Tuy nhiên, tổ chức của bà Khanh cũng đã thành công trong việc thuyết phục chính phủ Việt Nam loại bỏ 20.000 MW điện than khỏi quy hoạch năng lượng quốc gia vào năm 2030, theo AFP.
Mục tiêu của bà trong những năm tới là để Việt Nam thu hẹp quy mô các kế hoạch than đầy tham vọng để có thêm các lựa chọn năng lượng tái tạo.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2020 với AFP, bà cho biết có những rủi ro xuất phát từ các hoạt động tích cực của bà.
Bà nói với hãng tin AFP: “Khi chúng tôi được toàn cầu công nhận, các nhóm lợi ích được trao quyền nhận ra kẻ thù của họ là ai và họ rất mạnh”.
Năm 2018, bà Ngụy Thị Khanh là người phụ nữ Việt đầu tiên nhận giải thưởng Môi trường Goldman, giải thưởng lớn nhất thế giới dành cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở, tôn vinh bà vì nỗ lực giúp Việt Nam loại bỏ được 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm.
Năm 2019, bà Khanh trở thành học giả của chương trình mang tên cựu Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower, chương trình dành cho các nhà lãnh đạo đổi mới thông qua trải nghiệm mang tính chuyển đổi, các tác nhân thay đổi năng động, cam kết tạo ra một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.
Tháng trước, văn phòng và nhà riêng của bà đã bị khám xét, đồng thời tịch thu tài liệu và thiết bị, theo trang The Guardian.
Bà Khanh là nhà hoạt động mới nhất bị chính quyền bắt giữ vì liên quan đến tội “trốn thuế”.
Vào tháng 1/2022, ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), đã bị kết án 5 năm tù về tội “trốn thuế”; trong khi nhà báo Mai Phan Lợi, lãnh đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng, bị tuyên án 4 năm tù với cùng tội danh.
Việt Nam ghi nhận hơn 6 triệu du khách dịp Tết, số ca COVID đang tăng mạnh
09/02/2022
Du khách đi cáp treo lên đỉnh núi Bà và chùa Bà, thuộc khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, Tây Ninh, vào dịp Tết Nguyên Đán 2022.
Các điểm nóng du lịch trên cả nước Việt Nam trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài 9 ngày vừa qua đã đón khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, theo số liệu từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết hôm 8/2.
Đây được xem là mốc kỷ lục về lượng khách du lịch nội địa kể từ sau đợt bùng phát dịch lớn nhất xảy ra vào năm ngoái, vượt qua cả con số được công bố vào tháng 12/2021 là 5,2 triệu lượt khách. Lượng khách du lịch này đã mang lại khoảng 25 nghìn tỷ đồng (1,1 tỷ đô la Mỹ) về doanh thu du lịch cho Việt Nam.
Trong số các “điểm nóng” thu hút du khách vào dịp Tết, Tây Ninh là nơi có số lượng du khách lớn nhất với 595.000 lượt khách, kế đó là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với khoảng 420.000 lượt khách, và Lâm Đồng với gần 300.000 lượt khách.
Thủ đô Hà Nội cũng đã thu hút khoảng 105.000 lượt khách tham qua mặc dù thành phố này đã hủy bỏ các lễ hội và hoạt động liên quan để phòng tránh COVID-19. Du khách đến Hà Nội chủ yếu là từ các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hà Nam và Thái Bình.
Việt Nam đã đặt mục tiêu thu hút khoảng 65 triệu khách du lịch trong năm 2022, tăng 150% so với năm ngoái, bao gồm 5 triệu người nước ngoài, thu về khoảng 400 nghìn tỷ đồng (17,6 tỷ đô la).
Bộ VHTTDL gần đây đã đề xuất nối lại hoàn toàn các hoạt động du lịch trong và ngoài nước, bắt đầu từ ngày 31/3, khi Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thành việc tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba cho người dân.
Năm ngoái, Việt Nam đón 157.300 lượt khách quốc tế, giảm 95,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do tác động của đại dịch COVID-19, theo thống kê của Bộ VHTTDL.
Trong khi du lịch và các hoạt động đang dần quay trở lại bình thường, Việt Nam ngày 8/2 báo cáo có 21.909 ca nhiễm COVID-19 mới, tăng khoảng 5.100 trường hợp so ngày trước đó, theo số liệu từ Bộ Y tế.
Các ca nhiễm được ghi nhận tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc, bao gồm 21.901 ca lây nhiễm trong nước và 8 ca nhập khẩu.
Thủ đô Hà Nội vẫn là nơi có số ca nhiễm cao nhất trong ngày 8/2 với 2.903 ca, tiếp theo là Nghệ An với 1.717 ca và Hải Dương với 1.245 ca.
Với các ca nhiễm mới, Việt Nam đến nay đã báo cáo tổng cộng 2.380.695 ca nhiễm COVID-19 và 38.521 ca tử vong kể từ đầu đại dịch.
Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã tiêm khoảng 183,2 triệu liều vaccine COVID-19, bao gồm 29,7 triệu liều thứ ba đã được sử dụng.
Các điểm du lịch ở Đắk Lắk bị tố ngược đãi voi
RFA
10/02/2022
Bức hình trên được chụp vào ngày 1/9/2018 cho thấy một con voi bị chặt đuôi đứng bên ngoài một cửa hàng du lịch trekking tại một khu du lịch ở thị trấn Liên Sơn, tỉnh Đắk Lắk. /AFP
Hai địa điểm du lịch tại Đắc Lắk bị một du khách đăng bài trên mạng xã hội tố đã lạm dụng voi để chở khách đi du lịch và làm bị thương những con vật này.
Báo điện tử Vnexpress đã đăng tin trên trong ngày 9/2 từ nội dung được đăng tải trên Facebook của du khách có tên Nguyễn Ngọc A. Cô này cho rằng cô đã đến thăm buôn Jun ở thị xã Buôn Ma Thuột, và khu du lịch Cầu Treo, huyện Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk, vào ngày 3 và 4/2/2022. Tại đây, cô đã chứng kiến cảnh người điều khiển voi gây thương tích cho các con vật này.
Nội dung phần đăng tải của cô A được Vnexpress trích lại rằng: "Mỗi người điều khiển voi cầm một chiếc gậy có một chiếc đinh sắt nhọn ở bên đầu để điều hướng và khiến con voi phải tuân theo. Tất cả những con voi tại địa điểm này đều có thương tích, cả mới lẫn cũ.".
Cô Nguyễn Ngọc A. còn đăng tải các video và hình ảnh về những con voi và những vết thương của chúng. Cô cho biết mục đích của bài đăng là muốn du khách cân nhắc lại việc cưỡi voi và hy vọng các địa điểm du lịch sẽ nhân đạo hơn đối với những con voi.
Tuy nhiên sau bài đăng của cô A., Y Gai Bya, 44 tuổi, sống tại huyện Buôn Đôn, chủ của những con voi ở khu du lịch Cầu Treo, cho biết một trong những con voi được đề cập trong bài thuộc về gia đình anh nhưng anh không đối xử tệ bạc với con vật như lời của du khách viết.
Ông này khẳng định những vết thương nhìn thấy trong các bức hình cô A đăng là do con voi ở trong rừng một mình nên bị thương.
Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi và Cứu hộ Động vật hoang dã nói với tờ VnExpress hôm 9/2 rằng trung tâm đang xác minh các cáo buộc trên.
Ông Phước cũng cho biết thêm, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, các địa điểm du lịch ở Đắk Lắk đã đóng cửa trong khoảng chín tháng và các con voi được thả ra ngoài tự sinh sống trong rừng. Do đó, ông Phước cho rằng, hiện tại, hoạt động du lịch đã bắt đầu trở lại, những con voi đã được đưa trở lại và những người huấn luyện có thể đã sử dụng chiếc đinh để huấn luyện lại chúng sau nhiều tháng để chúng sống trong tự nhiên.
Đắk Lắk, nơi có nhiều voi nhất tại Việt Nam, đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia Foundation) có trụ sở tại Hồng Kông vào tháng 12/2021 về chuyển đổi xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi, cam kết loại bỏ ngành du lịch cưỡi voi cùng với một số hoạt động khác làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của những con voi được thuần hóa.
Thay vào đó, tỉnh này sẽ cung cấp các dịch vụ du lịch thân thiện với voi để bảo tồn động vật được nói đã giảm 90% về số lượng trong suốt bốn thập kỷ qua.
Năm 1990, toàn tỉnh có hơn 500 con voi, nhưng nay chỉ còn 140 con, chủ yếu ở huyện Buôn Đôn và huyện Lắk.
Không có nhận xét nào