Tàu giám sát đại dương USNS Loyal của Hải quân Hoa Kỳ.
Tàu giám sát đại dương USNS Effective (T-GOS 21) của Hải quân Hoa Kỳ đã hoạt động tại Biển Đông từ ngày 28/12/2021 sau khi rời căn cứ tại Okinawa vào 3 ngày trước đó. Khu vực tác nghiệp chủ yếu của tàu giám sát đại dương có chức năng giám sát tàu ngầm này là khu vực phía đông căn cứ tàu ngầm Á Long (trên đảo Hải Nam), khu vực cửa eo Bashi, khu vực phía đông Bãi Macclesfield và khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa. Ngày 10/2/2022, USNS Effective di chuyển tới khu vực eo Bashi kết thúc đợt hoạt động kéo dài hơn một tháng tại Biển Đông.
Sơ đồ hoạt động của tàu USNS Effective. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic
Ngày 4/2/2022, một tàu giám sát đại dương khác của Hoa Kỳ là USNS Loyal cũng đã đi qua eo Bashi bắt đầu đợt hoạt động tại Biển Đông. Theo dữ liệu từ Marine Traffic, USNS Loyal đã hoạt động tại khu vực phía đông căn cứ tàu ngầm Á Long từ ngày 8/2. Vị trí tác nghiệp của USNS Loyal trùng với khu vực hoạt động của USNS Effective trước đó.
Vị trí hoạt động của tàu USNS Loyal ngày 8/2/2022. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic
Hải quân Hoa Kỳ hiện có 5 tàu giám sát đại dương là: USNS Victorious (T-AGOS 19), USNS Able (T-AGOS 20), USNS Effective (T-AGOS 21),USNS Loyal (T-AGOS 22) và USNS Impeccable. Trong đó, USNS Effective và USNS Loyal thuộc lớp Victorious (cùng với USNS Victorious và USNS Able) có kích thước 234,5 x 93,5 ft, trọng tải 3.384 tấn và được trang bị các cảm biến chủ động, bị động tần số thấp có khả năng giám sát thủy âm đặc biệt là giám sát ngầm trong đó có tàu ngầm. Mục đích của các tàu giám sát đại dương của Hoa Kỳ trong các hoạt động lần này có lẽ là giám sát hoạt động của các tàu ngầm Trung Quốc vào, ra căn cứ Á Long, giám sát tuyến đường di chuyển của tàu ngầm qua eo Bashi và khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa chứ không phải là tìm kiếm máy bay F-35C bị rơi ở Biển Đông vào cuối tháng 1 vừa qua.
Mô hình hoạt động của các tàu giám sát đại dương của Hoa Kỳ.
Trong khi đó, tại khu vực Bãi Tư Chính, tàu Hải cảnh 5202 của Trung Quốc đã 2 lần tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại khu vực Lô 06.1, Lô 05.2 và Lô 05.3 vào các ngày 25/1 và 2/2/2022 với mục tiêu vẫn là khu vực mỏ Lan Tây, mỏ Hải Thạch. Ngoài việc tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam, tàu chấp pháp của Trung Quốc cũng đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và Indonesia với khoảng cách gần nhất đến bờ biển các nước này lần lượt là 170 và 123 hải lý.
Sơ đồ hoạt động của Hải cảnh 5202. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic
Lê Đức Tâm là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phụ trách theo dõi hoạt động tàu thuyền qua AIS.
Không có nhận xét nào