Header Ads

  • Breaking News

    Phú Nhuận – Việt Nam Quốc gia có mỏ dầu nhưng dân không được hưởng lợi



    Ngành xăng dầu của Việt Nam sử dụng phần lớn nguyên liệu trong nước, nhưng lại tính giá bán lẻ 100% theo giá thế giới.

    Trên thực tế, hiện nay, các nhà máy lọc dầu trong nước đã đáp ứng được 75% nhu cầu xăng dầu trong nước, do đó cần tăng cường sản xuất để dự trữ, cân đối phục vụ cho thị trường xăng dầu, giảm lệ thuộc vào giá của thế giới vốn lên nhanh xuống chậm.

    Chưa kể, ngành xăng dầu sử dụng phần lớn nguyên liệu trong nước, nhưng lại tính giá bán lẻ 100% theo giá thế giới là không phù hợp.

    Quốc gia có mỏ dầu nhưng dân không hưởng lợi

    Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, thời gian được điều chỉnh giá từ 15 ngày còn 10 ngày và ấn định luôn các ngày 1, 11, 21 trong tháng.

    Lần này, do thời điểm điều chỉnh trùng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2022, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo nên kéo dài chu kỳ điều chỉnh giá, trong khi giá xăng dầu thế giới tăng, các doanh nghiệp trong nước đã phải giảm chiết khấu (trong một số thời điểm, một số doanh nghiệp phải điều chỉnh chiết khấu là 0%) nên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều đại lý có tâm lý tạm ngưng kinh doanh để giảm lỗ.

    Thực tế là nhiều cửa hàng vẫn đầy ắp xăng dầu trong bồn nhưng do chưa được điều chỉnh giá nên lo lỗ, găm hàng không bán ra thị trường.

    Tại cuộc họp khẩn ngày 8-2, UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu tham mưu Chính phủ, trong các trường hợp đặc biệt cần có cơ chế linh hoạt, điều chỉnh giá xăng dầu kịp thời để các doanh nghiệp đầu mối chủ động, điều phối nguồn cung phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên trong việc kinh doanh xăng dầu.

    Theo đó, để giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, phía doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại TP.HCM cho rằng nên mạnh dạn bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, với hàng loạt lý do như sau, theo ông L.Đ.V. – chủ doanh nghiệp vận tải hàng hóa, mỗi lít xăng cõng nhiều thuế phí, trong đó có quỹ bình ổn, trong khi chi phí cho nhiên liệu trên một chuyến đi thường chiếm 30 – 40% tổng chi phí, thậm chí có thể vượt mốc 40%.

    “Thực chất quỹ này lấy tiền của chính người mua xăng dầu để ‘bình ổn’ giá cho người mua xăng dầu. Nhưng dưới góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, chúng tôi cho rằng hoạt động của quỹ bình ổn này không ổn chút nào. Mỗi lần xăng dầu có điều chỉnh tăng, doanh nghiệp phải cập rập tính toán lại chi phí kinh doanh tránh lỗ” – ông V. nói.

    Ông V. cũng đề nghị nên bỏ quỹ này để giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới sẽ hợp lý hơn.

    Chủ một doanh nghiệp taxi cũng đồng tình nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, bởi bản chất của quỹ này là đang lấy tiền của chính người mua xăng dầu để ‘bình ổn’ giá cho người mua xăng dầu. Trong khi đó, với quy mô hàng ngàn xe taxi, mỗi khi biến động giá xăng dầu là doanh nghiệp khổ sở bởi liên quan đến quyền lợi của khách hàng cũng như tài xế và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

    Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn cho rằng trước năm 2009, khi chưa có quỹ bình ổn giá xăng dầu, việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trên cơ sở giá thị trường và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu vẫn bình thường.

    Khi có quỹ bình ổn, việc điều hành giá xăng dầu có những mặt hay nhưng cũng có không ít những mặt hạn chế. Chẳng hạn, việc điều hành quỹ chưa minh bạch do chưa có quy định rõ ràng để lý giải khi giá xăng tăng bao nhiêu phần trăm sẽ trích quỹ bao nhiêu, khi nào sử dụng, khi nào không sử dụng quỹ…

    “Đặt trong bối cảnh kinh tế thị trường, các doanh nghiệp không muốn Nhà nước can thiệp nhiều quá vào hoạt động của mình, tôi cũng ủng hộ việc đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu và đây là việc tích cực” – vị này nói.

    Bộ Công thương kiên trì giữ quỹ bình ổn vì lo giá tăng sốc

    Từ năm 2019, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) đã có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định, thủ tục hành chính. Theo đó, Vinpa kiến nghị bỏ quỹ bình ổn giá để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới.

    Mặt khác, khi bỏ quỹ bình ổn giá, tính minh bạch, công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống doanh nghiệp đầu mối.

    Việc sử dụng quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. Vinpa cũng kiến nghị cần xem xét bỏ giá cơ sở, không dùng làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ như hiện nay mà chỉ là tiêu chí để doanh nghiệp tham khảo trước khi quyết định giá bán lẻ.

    Bởi việc để doanh nghiệp được quyền quyết định giá không chỉ đúng với bản chất của nền kinh tế thị trường, mà còn mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Khi các doanh nghiệp cạnh tranh về giá sẽ có giá bán khác nhau giữa các thương nhân và chất lượng dịch vụ để thu hút người tiêu dùng.

    Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề xuất bỏ lợi nhuận định mức của kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phải chấp nhận quy luật lời ăn lỗ chịu, không thể tồn tại chính sách bán 1 lít xăng dầu là đương nhiên có lãi!

    Thế nhưng các vị tiền nhiệm của ông Nguyễn Hồng Diên ở Bộ Công Thương một mực cho rằng cần duy trì quỹ bình ổn giá này. Trong đó, lý do được gọi là ‘chủ đạo nhất’ là việc có quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ giúp cho nhà điều hành có công cụ để kiểm soát khi giá thế giới tăng cao, nhất là ở một số thời điểm “nhạy cảm” như Tết.

    Bởi nếu giá thế giới tăng cao, giá xăng dầu trong nước sẽ không thể tránh khỏi tăng sốc, kéo theo hàng loạt mặt hàng “té nước theo mưa”, đẩy lạm phát lên cao ngoài tầm kiểm soát.

    Lý do ấy có vẻ thuyết phục khi thực tế có những thời điểm quỹ bình ổn giá đã phát huy tác dụng. Nhưng về lâu dài, như đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ năm 2019 đã đề nghị xây dựng lộ trình bãi bỏ một số quỹ, trong đó có quỹ bình ổn giá xăng dầu để mặt hàng xăng, dầu cũng được quản lý giá như các mặt hàng khác theo luật Giá mà không cần quỹ bình ổn.

    Thế nhưng từ đó đến nay người ta vẫn thấy đều đặn của chuyện thu trước người tiêu dùng lúc đổ xăng là 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế, và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng.



    Không có nhận xét nào