Cuộc bầu cử Tổng thống Nam Hàn ngày 9/3 sẽ quyết định vai trò của Nam Hàn trong cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên trường quốc tế. Trong khi hai nước đều đang căng thẳng chờ đợi kết quả, thì Olympic Bắc Kinh lại “lầm lỡ” giúp ích cho Hoa Kỳ. (Ảnh: Epoch Times)
Thứ hai, 21/02/2022
Hiện có hai sự kiện lớn thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, một là Olympic Mùa đông Bắc Kinh, hai là cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhưng trên thực tế, có một việc còn quan trọng hơn cả hai sự kiện trên, nó còn có ý nghĩa trọng đại và ảnh hưởng sâu rộng đến hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Đó chính là cuộc bầu cử ở Nam Hàn diễn ra sắp tới.
Nam Hàn sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 9/3. Tổng thống Nam Hàn không thể tái tranh cử, vì vậy đương kim Tổng thống Moon Jae-in sẽ từ chức vào tháng 3 và chuyển giao quyền lực cho tân tổng thống. Hiện tại, ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ của ông Moon Jae-in và Đảng Quyền lực của nhân dân đều đang ráo riết chuẩn bị tham gia vào cuộc đua tranh sức tranh tài.
Nhìn bề ngoài, đây chỉ là một cuộc thay thế chế độ cầm quyền của Nam Hàn, nhưng trong mắt của các cường quốc Châu Á – Thái Bình Dương như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, cuộc bầu cử này lại có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì nó sẽ quyết định mô hình địa chính trị trong bối cảnh đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Toàn thế giới luôn tồn tại hai phe cánh tả và cánh hữu, Nam Hàn cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tại Nam Hàn, sự tình có thể sẽ phức tạp hơn. Kể từ khi dân chủ hoá vào cuối những năm 1980, Nam Hàn đã trải qua bảy đời tổng thống gồm Roh Tae-woo, Kim Young-sam, Kim Dae-jung, Roh Moo-hyun, Lee Myung-bak, Park Geun-hye và Moon Jae-in. Nếu không tính đến vấn đề đối nội, thì về đối ngoại có các tổng thống Roh Tae-woo, Kim Young-sam, Kim Dae-jung, Roh Moo-hyun và Moon Jae-in đều thuộc Phe cân bằng. Tức là họ đi theo hướng phát triển cân bằng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc. Ông Kim Young-sam và Kim Dae-jung thậm chí còn đưa ra chính sách ngoại giao “Ánh Dương”, tích cực phát triển quan hệ, tài trợ ngân sách và lương thực cho Bắc Hàn. Ngược lại, ông Lee Myung-bak và Park Geun-hye lại có thái độ cứng rắn đối với Bắc Hàn, đối với Trung Quốc còn ngặt nghèo hơn.
Tổng thống đương nhiệm của Nam Hàn, ông Moon Jae-in cũng đi theo đường lối của hai Tổng thống Kim Young-sam và Kim Dae-jung. Ngoài việc thân với Bắc Hàn, ông gần như phục tùng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in nói chuyện với các ký giả trong và ngoài nước trong một cuộc họp báo trực tuyến mừng năm mới tại Thanh Ngõa Đài ở Seoul hôm 08/01/2021. (Ảnh: Jeon Heon-kyun/Pool Photo/AP)
Năm 2017, khi ông Moon Jae-in vừa nhậm chức đã đến thăm Trung Quốc và có bài phát biểu tại Đại học Bắc Kinh. Ông bày tỏ: “Nền văn minh phương Đông do Trung Quốc dẫn đầu đi trước nền văn minh phương Tây. Trung Quốc là quốc gia phát triển nhất trên thế giới”.
“Trung Quốc giống như đất nước lớn nằm trên đỉnh núi. Còn đất nước Nam Hàn nhỏ bé sẽ đồng hành cùng Giấc mơ Trung Hoa”, ông nói.
Chính quyền Moon Jae-in còn thực hiện cam kết “ba không” với ĐCSTQ. Đó là không khai triển thêm Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), không tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo và không tham gia liên minh quân sự ba bên giữa Nam Hàn, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đại sứ mà ông bổ nhiệm tại Trung Quốc, ông Noh Young-min, khi đệ trình giấy ủy nhiệm của mình cho Chủ tịch Tập Cận Bình còn viết một câu: “Vạn chiết tất đông”. Đây là câu nói truyền thống của Nam Hàn do chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc. Ý của thành ngữ này là “sông Hoàng Hà dù có khúc khuỷu, gập ghềnh, thì cuối cùng vẫn sẽ theo hướng Đông đổ ra biển”.
Một bài bình luận trên tờ Chosun Ilbo của Nam Hàn cho rằng, đây là lời thề trung thành của các nước chư hầu đối với hoàng đế nước đế quốc. Do đó, bài báo cho rằng những hành động này “đã gây tổn hại mang tính quyết định đến sự tôn nghiêm của Nam Hàn”.
Hệ thống THAAD nhắc đến trong cam kết “ba không” là một bước đi chiến lược quan trọng của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hệ thống THAAD có thể giám sát các vụ phóng tên lửa vào không gian trong phạm vi từ 3,000 đến 4,000 km. Theo đường chim bay, khoảng cách ngắn nhất Trung Quốc đến Hoa Kỳ là đi qua Bắc Cực. Hệ thống này hạn chế Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc tin rằng, ICBM là một yếu tố giúp thay đổi cán cân chiến lược. Để đạt được mục đích, vào thời của Tổng thống Park Geun-hye, Trung Quốc đã phát lệnh cấm đối với Nam Hàn, các sản phẩm văn hóa và ngoại thương kinh tế của Nam Hàn đều nằm trong mục tiêu của lệnh cấm. Đến thời Tổng thống Moon Jae-in, ông đã thay đổi chính sách ngoại giao, nhưng lại không nhận lại được bất kỳ lợi ích gì từ Trung Quốc.
Nam Hàn có nhiều thời Tổng thống nhờ thực hiện đường lối ngoại giao cân bằng với Trung Quốc và Hoa Kỳ, nên đã thu được không ít lợi ích. Nhưng mọi thứ đã thay đổi, hoàn cảnh hiện nay đã phát sinh nhiều biến hoá đáng kể. Trước đây là kỷ nguyên hợp tác toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng từ bảy – tám năm trở lại đây, đặc biệt là từ năm 2017 là kỷ nguyên đối đầu, thậm chí đã nảy sinh xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Mọi người đều biết, ngay cả khi cuộc khủng hoảng Ukraine thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, Toà Bạch Ốc vẫn ban hành Tài liệu chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Ngoài ra, việc triển khai quân đội của Hoa Kỳ vẫn tập trung vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, quá trình “tái cấu trúc chuỗi cung ứng công nghệ cao” đã bắt đầu ở Hoa Kỳ trong vài năm qua vẫn đang được tiến hành tích cực và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Rõ ràng, Hoa Kỳ chỉ coi cuộc khủng hoảng Ukraine là một cuộc xung đột khu vực, nó quá nhạt nhòa so với cuộc xung đột lâu dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên quy mô toàn cầu.
Theo quan điểm của Hoa Kỳ, chiến lược Đông Á là bộ phận quan trọng nhất của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ngoài quân sự còn có vấn đề công nghệ cao. Ở Đông Bắc Á, Hoa Kỳ có liên minh quân sự Hoa Kỳ-Nhật Bản và liên minh quân sự Hoa Kỳ-Nam Hàn, Hoa Kỳ cũng có có quân đội đóng tại Nhật Bản và Nam Hàn. Một số người cho rằng Hoa Kỳ làm vậy là để đối phó với Bắc Hàn, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Một sĩ quan quân đội Hoa Kỳ từng nói rằng để đối phó với Bắc Hàn, quân đội Hoa Kỳ tại Nhật Bản và Nam Hàn cộng với lực lượng không quân và hải quân thì dù có xảy ra xung đột thậm chí là chiến tranh thì cũng chỉ mất một đến hai giờ là giải quyết xong.
Liên minh ba bên giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn thực chất là để đối phó với Trung Quốc và Nga. Mọi người đều hiểu điều đó. Trước cục diện xung đột toàn diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, chính sách ngoại giao cân bằng với Hoa Kỳ và Trung Quốc trong quá khứ của Nam Hàn đã không còn có thể tiếp tục. Ông Moon Jae-in không nhìn ra được điều này, hay đúng hơn ông căn bản không muốn nhìn thấy nó xảy ra.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Nam Hàn lần này, ứng cử viên Lee Jae-myung thuộc Đảng Dân chủ của ông Moon Jae-in về cơ bản là đi theo đường lối của ông Moon Jae-in. Và đối thủ chính của ông là ông Yun Seok-yeol thuộc Đảng Quyền lực của nhân dân.
Gần đây, ông Yun Seok-yeol đã viết trên tạp chí Foreign Policy của Hoa Kỳ rằng: “Trong thời chính quyền ông Moon Jae-in, Nam Hàn đã rời khỏi liên minh bền lâu với Hoa Kỳ, và quay sang Trung Quốc”.
Ông tin rằng ông Moon Jae-in đã duy trì cái gọi là “chiến lược mập mờ” mà ông vẫn làm trước đây, điều này khiến tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nam Hàn cũng giữ im lặng trước những vấn đề cần nêu rõ lập trường như mâu thuẫn Hoa Kỳ – Trung Quốc, thậm chí còn tỏ thái độ mập mờ. Tuy nhiên, trên thực tế, Nam Hàn đã không đứng về phía Hoa Kỳ mà lại bắt tay với Trung Quốc. Trong khi các nước dân chủ tự do đồng loạt lên án các hành động vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, như vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông, thì chính quyền Moon Jae-in vẫn im lặng trước lời kêu gọi của Hoa Kỳ.
Ông nói: “Chính trị quốc tế hiện đang trong giai đoạn thay đổi mạnh mẽ, đòi hỏi một lập trường rõ ràng, chính trực và có nguyên tắc. Nam Hàn không nên bị mắc kẹt ở bán đảo Bắc Hàn, mà cần thông qua các giá trị dân chủ tự do và hợp tác thực chất, theo đuổi mục tiêu trở thành “quốc gia nòng cốt toàn cầu” thúc đẩy tự do, hòa bình và thịnh vượng”.
Trong cuộc tổng tuyển cử lần này ở Nam Hàn, có nhiều tranh chấp giữa các đảng phái chính trị khác nhau, nhưng dưới góc độ địa chính trị quốc tế, đây là một sự lựa chọn cho hướng đi trong tương lai của Nam Hàn.
Trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vừa được Hoa Kỳ công bố, có đề cập đến việc Hoa Kỳ muốn “định hình môi trường xung quanh Trung Quốc”, và các quốc gia được nhắc đến bao gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Thái Lan và Indonesia, thậm chí còn nhắc đến mối quan hệ giữa Nhật Bản và Nam Hàn là một mắt xích quan trọng. Quan hệ giữa Nhật Bản và Nam Hàn vốn không mấy tốt đẹp, nhưng chính quyền Moon Jae-in đã càng làm xấu thêm mối quan hệ hai nước, về cơ bản phá hủy nền tảng quan hệ Nhật Bản – Nam Hàn. Ví dụ, xây dựng bức tượng người đàn ông giống thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang quỳ xin lỗi trước một “phụ nữ giải khuây”, không thừa nhận thỏa thuận giữa Nhật Bản và Nam Hàn về việc bồi thường cho lao động thời chiến của Nam Hàn đã được đàm phán trong nhiều năm, thay vào đó là tự mình đề xuất một khoản bồi thường giá trị cao khác, gia tăng tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima v.v. Điều này đã làm đóng băng mối quan hệ giữa Nam Hàn và Nhật Bản, chiến tranh lạnh về kinh tế và thương mại cũng đã ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác công nghệ cao giữa hai nước.
Theo quan điểm của Trung Quốc, muốn phá vỡ liên minh tam giác quân sự của Hoa Kỳ ở Đông Bắc Á, trong 3 mối quan hệ Hoa Kỳ – Nhật Bản, Hoa Kỳ – Nam Hàn, Nhật Bản – Nam Hàn, thì quan hệ Nhật – Hàn là lỏng lẻo nhất. Những hành động của chính phủ Moon Jae-in trong những năm qua gần như là “ôm ấp yêu thương, dành trọn tình cảm” cho ĐCSTQ. Trung Quốc đã phải chịu nhiều thất bại trên trường quốc tế sau năm 2017, nhưng mối quan hệ với Nam Hàn chắc chắn là một thắng lợi lớn về địa chính trị đối với ĐCSTQ trong vài năm qua.
Không chỉ vậy, việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng công nghệ cao do Hoa Kỳ dẫn đầu chính xác là để ngăn Trung Quốc vượt mặt phương Tây trong lĩnh vực đổi mới công nghệ. Nam Hàn đã trở thành một lỗ hổng trong chuỗi cung ứng này. Do đó, nhiều tài liệu thiết kế chuỗi cung ứng công nghệ cao trong tương lai của Hoa Kỳ không đề cập đến Nam Hàn. Đây là một nỗi lo lớn đối với nền kinh tế Nam Hàn.
Việc ngành sản xuất của Nam Hàn ở Trung Quốc thường xuyên bị đánh cắp đã không còn là tin đồn nữa. Để ngăn chặn việc Trung Quốc lấy được những công nghệ tiên tiến, Hoa Kỳ có thể giảm hợp tác công nghệ với Nam Hàn trong tương lai. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Nam Hàn.
Vào tháng 8 năm ngoái, trước sức ép mạnh mẽ của ngành công nghiệp Nam Hàn, ông Moon Jae-in đã trả tự do cho doanh nhân Lee Jae-yong của Tập đoàn Samsung trước thời hạn để ông này sang Hoa Kỳ hoạt động. Sau khi Lee Jae-yong đến Hoa Kỳ, ông tuyên bố sẽ đầu tư 18 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất chip cao cấp, vận động hành lang thông qua các mối quan hệ cá nhân của mình, hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đặt Nam Hàn vào chuỗi cung ứng công nghệ cao.
Trong lĩnh vực công nghiệp Nam Hàn không chỉ có Samsung đã bắt đầu hành động. Tờ Chosun Ilbo đưa tin, trong số 14 nhà máy sản xuất pin xe điện mới được thành lập tại Hoa Kỳ trong vòng 6 năm tới, có đến 11 nhà máy là của Nam Hàn trực tiếp xây dựng hoặc có hợp tác với các doanh nghiệp Nam Hàn. Ngoài ra, quy mô đầu tư tổng thể là gần 23 tỷ USD. Trong chín nhà máy sản xuất pin thuộc “Bộ ba lớn” của ngành công nghiệp ô tô Hoa Kỳ đều có 50% cổ phần thuộc về doanh nghiệp Nam Hàn. Ví dụ, SK on công khai tuyên bố chip của mình không có công nghệ Trung Quốc mà được sản xuất tại Nam Hàn. Bài báo cho rằng, “liên minh pin Nam Hàn – Hoa Kỳ” này về cơ bản có thể giảm “nguy cơ Trung Quốc” cho cả Hoa Kỳ và Nam Hàn.
Bất kể là chuỗi đảo hay chuỗi công nghệ, đứng trước cuộc đối đầu toàn diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Nam Hàn phải đưa ra lựa chọn đứng về bên nào, và không có vùng xám nào ở giữa. Là bạn hay là thù, là hợp hay là tan, có thể tất cả sẽ được quyết định trong kết quả cuộc bầu cử này. Vì vậy, cuộc bầu cử tổng thống Nam Hàn ngày 9/3 không chỉ là cuộc chiến giữa cánh tả và cánh hữu ở Nam Hàn, mà còn là cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ảnh bên trái – ông Yoon Seok-yeol của Đảng Quyền Lực Nhân Dân phát biểu vào ngày 05/11/2021, tại Seoul sau khi giành được sự đề cử của đảng. Ảnh bên phải – ông Lee Jae-myung của Đảng Dân Chủ cầm quyền nói trong cuộc đua cuối cùng để chọn ứng cử viên bầu cử tổng thống của họ vào ngày 10/10/2021, tại Seoul. (Ảnh: Hình ảnh chỉnh sửa của The Epoch Times qua Getty Images)
Hiện tại, có 14 ứng viên tổng thống ở Nam Hàn, những gương mặt sáng giá nhất gồm ông Lee Jae-myung của Đảng Dân chủ, ông Yun Seok-yeol của đảng đối lập – Đảng Quyền lực nhân dân, ông Ahn Cheol-soo của Đảng Quốc dân và ông Shim Sang-jung của Đảng Công lý. Trong cuộc thăm dò ý kiến hồi đầu tháng 2, tỷ lệ ủng hộ ông Lee Jae-myung của Đảng Dân chủ là 32%, với ông Yun Seok-yeol của Đảng Quyền lực Nhân dân là 35%, với ông Ahn Cheol-soo của Đảng Quốc dân và ông Shim Sang-jung của Đảng Công lý lần lượt là 10% và 4%. Các ứng viên khác nhận được tỷ lệ ủng hộ tương đối thấp, vậy nên hai gương mặt được chú ý nhất là ông Lee Jae-myung và Yun Seok-yeol.
Mới đây, ông Ahn Cheol-soo của Đảng Quốc dân đề nghị hợp tác với ông Yun Seok-yeol của Đảng Quyền lực nhân dân. Nếu sự hợp tác này thành công, ông Lee Jae-myung của Đảng Dân chủ chắc chắn sẽ thất bại. Năm ngoái, Đảng Quốc dân và Đảng Quyền lực nhân dân đã hợp tác với nhau và giành thắng lợi trong cuộc bầu cử thị trưởng của Seoul. Lần này, có thể lịch sử sẽ lặp lại. Có thể nói, hiện cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đang tăng cường ảnh hưởng của mình ở Nam Hàn với hy vọng sẽ có thể đóng một vai trò nào đó trong giới chính trị hoặc bên ngoài xã hội.
Vào thời khắc quan trọng này, Olympic Mùa đông Bắc Kinh đã phạm phải sai lầm lớn. Một số vận động viên trượt băng Nam Hàn tham gia Thế vận hội đã bị trọng tài buộc phải rời khỏi sân băng, khiến họ tuột mất cơ hội đoạt huy chương vàng. Điều này đã dấy lên thái độ bất mãn trong người dân Nam Hàn, đặc biệt là giới trẻ. Lượng người bất mãn và chống lại ĐCSTQ tăng lên đáng kể.
Hôm 09/02/2022, trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh, người dân Nam Hàn đã tập hợp trước đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul để phản đối “thành tích nhân quyền” tồi tệ của Trung Cộng. (Ảnh: Jung Yeon-je/AFP)
Các đợt thăm dò ý kiến mới nhất về cuộc bầu cử Tổng thống Nam Hàn vẫn chưa được công bố kết quả, nhưng cũng đã có một cuộc khảo sát liên quan. Tờ Chosun Ilbo và TV Chosun cùng ủy quyền cho một tổ chức để khảo sát thái độ yêu thích của người dân Nam Hàn đối với các quốc gia.
Đối với Trung Quốc, 30.5 % người có quan điểm “Hoàn toàn không có ấn tượng tốt” và cho 0 điểm. Ngược lại những người có ấn tượng tốt (cho 6 đến 10 điểm) chỉ chiếm hơn 9%. Bất kể là khuynh hướng ý thức hệ và sự ủng hộ của các đảng phái chính trị, tâm lý bài Trung đã lan rộng trong toàn đất nước Nam Hàn. Nhóm người trung lập và tiến bộ đánh giá độ hảo cảm về Trung Quốc lần lượt là 2.55 và 2.65 điểm, thấp hơn so với nhóm bảo thủ (2.69). Những người ủng hộ Đảng Công lý cũng chỉ cho Trung Quốc 1.94 điểm, thấp hơn so với Đảng Dân chủ (2.97 điểm) và Đảng Quyền lực nhân dân (2.5 điểm). Đặc biệt, thái độ phản đối Trung Quốc của những người từ độ tuổi 20 đến 39 đang tăng lên. Nhóm người ngày chỉ đánh giá 1.78 điểm cho Trung Quốc. Còn những người từ 30 đến 39 đánh 1.93 điểm, chỉ bằng một nửa so với những người hơn 60 tuổi (3.29 điểm).
Theo kết quả khảo sát này, người dân Nam Hàn có ác cảm với Trung Quốc hơn Nhật Bản. Hơn nữa người tuổi càng trẻ thì càng có xu hướng chán ghét Trung Quốc (Trung Cộng).
Bầu cử cũng tương tự như các phong trào xã hội khác, chủ yếu dựa vào cảm xúc điều khiển và thúc đẩy. Tâm lý bài Trung của người dân Nam Hàn đã bắt đầu lên men trong cuộc bầu cử Tổng thống. Điều này thật đúng với câu “người tính không bằng trời tính”. Dù có là người tính hay là trời tính, thì Olympic Mùa đông Bắc Kinh lần này đã bất ngờ giúp ích cho Hoa Kỳ.
Liên Thư Hoa biên tập
Minh Phương biên dịch
Không có nhận xét nào