Người Nùng di cư vào Tây nguyên khi những người cộng sản kiểm soát miền Bắc vào năm 1954.
Tây nguyên – một thuở Hoàng Triều Cương Thổ
Sử sách ghi hầu hết người Nùng ở Việt Nam di cư từ các thổ ty người Tráng tại Quảng Tây, Trung Quốc bắt đầu vào khoảng 300 năm trước. Một bộ phận người Việt Nam gồm thầy đồ và quan lại di cư lên khu vực biên giới Việt – Trung sinh sống, sau vài thế hệ họ bị Thổ hóa, và ngày nay được chính phủ Việt Nam phân loại là người Tày.
Những người này thường sống ở tỉnh lỵ, huyện lỵ hoặc các ngôi làng/ bản ven những trung tâm dân cư này. Họ thường sở hữu nhiều đất đai và tương đối giàu có hơn các cư dân bản địa xung quanh. Một vài trong số nhiều dòng họ này gồm: họ Giáp, họ Thân, hiện nay cư trú ở vùng ải Chi Lăng (Lạng Sơn) vốn là họ Võ (ở Võ Giàng, Hà Bắc). Họ Nguyễn Công, Nguyễn Khắc ở vùng Thất Khê là những người quê ở Nghệ An được cử lên Lạng Sơn làm quan vào thời Trần Hiến Tông (1328-1341).
Tây nguyên sớm trở thành khu tái định cư chính yếu cho khoảng 850.000 người di cư vào miền Nam sau Hiệp định Geneva, đa số là người Công giáo.
Mặc dù vấn đề xóa bỏ Hoàng Triều Cương Thổ của ông Ngô Đình Diệm còn gây nhiều tranh luận trái chiều, song cần nhìn nhận rằng trước năm 1975, dân số Tây nguyên chưa đến 1 triệu người, sống khá yên bình, so với hiện nay đã hơn 5 triệu, tăng hơn 5 lần trong vòng 40 năm qua.
Cuộc di dân vào Tây nguyên của người miền Bắc xã hội chủ nghĩa
Trong cuộc di dân đáng lưu ý nhất là từ năm 1986 đến nay đã có khoảng 50.000 người Hmông từ phía Bắc di cư vào Tây nguyên. Điều đáng chú ý, đa số người Hmông di cư là tín đồ theo đạo Tin lành. Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến hết 2015, đã có khoảng hơn 40.000 người Hmông là tín đồ Tin lành di chuyển vào Tây Nguyên, chiếm 87% số người Hmông trong khu vực.
Những dòng người di cư từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã mang đến Tây nguyên những phương pháp canh tác sản xuất khác cư dân tại chỗ, trong đó có việc đốt rừng lấy đất canh tác sản xuất. Đồng thời họ cũng mang đến những lối sống và văn hóa khác nhau. Điều dễ thấy nhất của cuộc di cư tác động đến văn hóa – xã hội là tính thuần nhất của một nền văn hóa đặc trưng bao trùm toàn vùng đất này đã không còn như trong quá khứ, mà nó là bức tranh đa dạng sinh động như chính các thành phần cư dân hiện tại ở Tây nguyên hiện nay.
Quá trình suy giảm diện tích rừng ồ ạt và chuyển đổi sở hữu đất đai đã làm nền tảng văn hóa của cộng đồng cư dân tại chỗ thay đổi và biến động. Điều này dẫn đến một hiện trạng văn hóa ở Tây nguyên là hòa nhập với cộng đồng quốc gia muộn, nhưng lại sớm phải đối diện với sự phát triển chóng mặt của kinh tế thị trường.
Còn các tộc người khác đến với Tây nguyên, nhất là với người Kinh, dường như họ lại có cảm giác chứng kiến một tình trạng kéo dài của cấu trúc buôn làng, vốn rất xa xưa và lạ lẫm với họ. Như vậy, hai luồng văn hóa bản địa, đậm dấu ấn xưa cũ và nền văn hóa mới, hiện đại của nhóm người di cư đã có dịp giao lưu với nhau trên vùng đất này, tạo ra một sắc màu văn hóa vừa đa dạng, vừa muốn học hỏi cái mới nhưng lại muốn giữ lại nguyên trạng những nguyên sơ của vùng này.
Suy cho cùng, việc lựa chọn văn hóa, lối sống là do người dân, chủ thể nơi đây quyết định. Do đó, việc đa dạng văn hóa, lối sống, tộc người và các thành phần kinh tế chính nó đã tạo ra một sự tự do phát triển. Việc tìm kiếm tính đơn nhất những nét văn hóa đặc trưng của Tây nguyên không quan trọng bằng việc cần “phát triển bền vững” cho vùng này.
Đừng định hướng chính trị cho quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng
Như vậy nếu giải quyết được vấn đề phát triển bền vững, thay cho “phát triển nóng”, “tăng trưởng nóng” thì thiết nghĩ cái gì là nguyên dạng của Tây nguyên có lẽ vẫn còn đó.
Từ phác họa ở trên còn cho thấy trong cơ chế chính sách của nhà nước Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ở Tây nguyên hiện nay, không thể không tính đến yếu tố tôn giáo. Quá trình phát triển của Công giáo, Tin lành đối với đồng bào dân tộc tại vùng này đã làm hoán cải họ từ sinh hoạt văn hóa buôn làng cổ truyền sang một văn hóa mới gắn với sinh hoạt tôn giáo, tạm gọi là “văn hóa tôn giáo”.
Đặc trưng của “văn hóa tôn giáo” là nó đã kích đẩy những chủ nhân ở chính vùng đất của họ nhiều yếu tố tích cực như củng cố các giá trị đạo đức, thực hành tiết kiệm, giúp họ làm ăn kinh tế, đoàn kết, tiếp cận được những cái mới. Thực tế cho thấy những cải tổ về các thủ tục cưới xin mà chay do các tôn giáo mang lại có vẻ ưu trội hơn so với các tập tục rườm rà tốn kém của văn hóa buôn làng.
Một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra xu hướng rằng: “Văn hóa tôn giáo” đã tạo ra sự liên kết xã hội mạnh mẽ qua niềm tin, thờ phượng. Nó vượt trên sự liên kết bằng huyết tộc, để có một liên kết rộng hơn, tạo điều kiện cho cư dân tại chỗ thích nghi hội nhập và lĩnh hội tri thức.
Tính tích cực ấy của tôn giáo cần phải được nhìn nhận.
PHỤ CHÚ SỰ BIẾN ĐỘNG TÊN GỌI NƠI CAO NGUYÊN MIỀN TRUNG
Nguyễn Chương
Niềm tin vào Chúa Jesus nơi những người dân mộc mạc, đơn sơ.
(dành tặng "cẩm nang" chút xíu này cho những người muốn tìm hiểu, đặc biệt các em sinh viên thuộc khoa học nhân văn...)
Cao nguyên miền Trung chỉ thực sự sáp nhập vào lãnh thổ VN hồi năm 1905 (chưa xa xôi gì lắm); trước đó lãnh thổ vùng cao này là tự trị.
I/ TIỂU QUỐC JRAI
Lãnh thổ của người Jrai tồn tại trong nhiều thế kỷ với sự trị vì của Pơtao Ia (vua Nước) và Pơtao Apui (vua Lửa) - trong sử Việt ghi là "Thủy Xá / Hỏa Xá" 水舍 / 火舍 ("xá" có nhiều nghĩa, ở đây "xá" có thể được hiểu là vùng đất, lãnh thổ).
Ngày xưa, các vương triều Khmer (Chân Lạp) cứ ba năm một lần lại cử sứ giả đem lễ vật cho Thủy Xá / Hỏa Xá để hòa hiếu.
Trong khi đó, đối với nước Việt, theo cuốn "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn: dưới thời các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong cứ 5 năm một lần các tiểu vương Thủy Xá, Hỏa Xá nộp lễ cống và thuế; đổi lại là vẫn giữ được sự độc lập cho các sắc tộc trên vùng cao nguyên này...
Tuy nhiên, đến thời Pháp thuộc, vào năm 1905 người Pháp kéo quân lên tấn công vùng cao nguyên này, chấm dứt sự tồn tại của Tiểu quốc Jrai.
Cũng trên vùng cao nguyên miền Trung, còn có Tiểu quốc Mạ của người Mạ, Tiểu quốc Adham của người Rhade (Ê Đê)... Hết thảy đều kết thúc nền độc lập, tự trị vào năm 1905.
II/ HOÀNG TRIỀU CƯƠNG THỔ 皇 朝 疆 土
Vào tháng 4/1950 toàn bộ cao nguyên miền Trung được gọi là "Hoàng triều cương thổ". Quốc trưởng Bảo Đại của thể chế Quốc gia Việt Nam (ra đời vào năm 1949, thủ đô tại Sài Gòn) đồng thời là chủ nhân của "Hoàng triều cương thổ".
("Hoàng triều cương thổ" bấy giờ không chỉ gồm Cao nguyên miền Trung mà còn bao gồm một số vùng cao nguyên ngoài Bắc có các sắc tộc Mường, Thái, Tày, Nùng, Mèo - nằm trong các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái. Bởi vì, về mặt dữ kiện lịch sử, thể chế Quốc gia VN trên danh nghĩa (de jure) là thủ đắc chủ quyền trên toàn nước VN)
"Hoàng triều cương thổ" ở cao nguyên miền Trung, bấy giờ chia thành 5 tỉnh: tỉnh ĐỒNG NAI THƯỢNG (tỉnh lỵ Di Linh), tỉnh LÂM VIÊN (Đà Lạt), tỉnh DARLAC, tỉnh PLEIKU, và tỉnh KONTUM.
"Hoàng triều cương thổ" chính thức giải thể vào tháng 3/1955.
("Hoàng triều cương thổ" đương nhiên chấm dứt tồn tại ở một số vùng cao nguyên ngoài Bắc, theo Hiệp định Geneve tháng 7/1954)
III/ CAO NGUYÊN TRUNG PHẦN
Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, danh xưng "Hoàng triều cương thổ" đổi thành Cao nguyên Trung Phần.
Trải qua vài lần thay đổi địa giới, vào năm 1974, Cao nguyên Trung Phần gồm 7 tỉnh:
1 Tỉnh LÂM ĐỒNG (Bảo Lộc, Di Linh...); 2 Tỉnh TUYÊN ĐỨC (Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Tùng Nghĩa...); 3 Tỉnh QUẢNG ĐỨC (Gia Nghĩa, Đức Lập, Khiêm Đức, Kiến Đức...; nay phần nào tương ứng với tỉnh Đắc Nông); 4 Tỉnh DARLAC (Ban Mê Thuột, Buôn Hồ, Lạc Thiện, Phước An...); 5 Tỉnh PHÚ BỔN (Cheo Reo, Phú Thiện, Phú Túc, Thuần Mẫn ...; nay không còn tỉnh này mà sáp nhập vào huyện Ayun Pa của tỉnh Gia Lai, một phần nhập vào huyện Ea H'leo của tỉnh Đắc Lắc); 6 Tỉnh PLEIKU; 7 Tỉnh KONTUM.
IV/ TÂY NGUYÊN
Sau năm 1975, nhà nước xã hội chủ nghĩa cai quản vùng cao nguyên miền Trung, đổi sang cách gọi "Tây Nguyên". Nay gồm 5 tỉnh:
Tỉnh LÂM ĐỒNG (Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh...; sáp nhập hai tỉnh Tuyên Đức và tỉnh Lâm Đồng trước 1975 vào làm một); Tỉnh ĐẮC NÔNG (tỉnh lỵ Gia Nghĩa, tương ứng với đa phần tỉnh Quảng Đức trước kia); Tỉnh ĐẮC LẮC (trước kia gọi là tỉnh Darlac; tỉnh lỵ đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột); Tỉnh GIA LAI (trước kia gọi là tỉnh Pleiku); Tỉnh KON TUM.
Không có nhận xét nào