Nhà thơ Ocean Vuong (ảnh: Slaven Vlasic/Getty Images)
Ocean Vuong – tên tiếng Việt là Vương Quốc Vinh – sinh năm 1988 tại Sài gòn là cháu ngoại của một “Me Mỹ”* như cách gọi “khinh thị” của người miền Nam trước năm 1975; là con trai của một người thợ làm nail đã trở thành một Phó Giáo sư [Assistant Professor] của trường University of Massachusetts-Amherst trong chương trình đào tạo MFA [Master of Fine Arts] về viết văn và làm thơ.
Anh cũng một trong 30 nhà văn, nhà thơ Mỹ gốc Á hàng đầu được BuzzFeed Books chọn giới thiệu. Anh đoạt nhiều giải thưởng danh giá và nhiều tác phẩm của anh đã được dịch ra 30 ngôn ngữ trên thế giới. Trong đó, hai tác phẩm đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt. Tập thơ “Night Sky With Exit Wounds – Trời đêm với những vết thương xuyên thấu” do PhanBooks phối hợp cùng nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành; và cuốn tiểu thuyết đầu tay “On Earth We Briefly Gorgeous – Một thoáng ta rực rỡ trong cõi nhân gian” được Nhã Nam mua tác quyền, biên dịch và giới thiệu với độc giả.
Trong số nhà văn Mỹ gốc Việt đang nổi trội trên văn đàn như nhà văn Nguyễn Thanh Việt [giải Pulitzer 2016], nhà văn nữ Lan Cao [ái nữ của cố Đại tướng VNCH Cao Văn Viên] và một số nhà văn khác, gia cảnh của Ocean Vuong khá đặc biệt. Hình như tất cả thảm họa do chiến tranh và nghèo đói đã đổ xuống cái gia đình bé nhỏ gồm bà Ngoại, Mẹ và anh.
Anh viết:
Một người lính Mỹ ngủ với một cô nông dân Việt. Do đó mẹ tôi tồn tại. Do đó tôi tồn tại. Do đó không bom = không gia đình = không tôi.
Hai người phụ nữ cô đơn để lại dấu ấn lạ thường và niềm thương cảm trong cuộc đời anh là nạn nhân của chiến tranh, của bạo hành, chia cắt và li dị, của nghèo kém và sự thất học. Có lẽ cái mà họ có thể dành cho anh duy nhất là tình yêu cho một đứa trẻ – Cún con của Bà, của Mẹ – từ nhỏ đã mắc căn bệnh “khó đọc chữ – illiterate”, bị bắt nạt thường xuyên và hầu như kém cỏi trong các môn học ở trường.
Trong một video trả lời phỏng vấn bạn đọc do Nhã Nam thực hiện, với đôi mắt ươn ướt, anh nhẹ nhàng chắp tay với giọng khẩn cầu rằng nếu có ai ghé Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang nhớ ghé thắp giùm cho anh một nén nhang trên mộ phần bà Ngoại. Đủ thấy tình yêu ấy còn đọng lại trong anh sâu sắc đến chừng nào. Mẹ anh, sau khi chồng đánh đập rồi bỏ nhà đi biền biệt, bỏ suốt 25 năm trời trong tiệm nail, tiếp xúc với hóa chất, lúc nào cũng sẵn sàng ngỏ lời xin lỗi khách hàng vì sợ mất tiền tip. Bà qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 50. Bà đã chẳng có thể nuôi dạy anh đầy đủ và tử tế hơn cách các bậc cha mẹ khác. Bà mù chữ, thất học.
a b c a b c a b c
Bà không biết tiếp đến chữ cái gì.
Nên chúng tôi bắt đầu lại:
a b c a b c a b c Nhưng tôi có thể thấy chữ cái thứ tư:
một sợi tóc đen – xổ ra
từ bảng chữ cái
& được viết
trên má bà.
Có điều bà Mẹ ấy cũng có những phút giây hạnh phúc khi nước mắt tuôn rơi nhìn những người Mỹ da trắng chung quanh đều đứng cả dậy và vỗ tay tán thưởng con mình sau buổi đọc thơ, dù bà cũng chẳng hề biết con mình đã viết những gì. Khi được Seth Meyers, người dẫn chương trình Late Night lừng danh của NBC hỏi, anh có muốn nói gì với Mẹ anh không? Anh cười rạng rỡ, chắp tay và nói bằng tiếng Việt: “Cám ơn Mẹ đã sinh ra con. Con yêu Mẹ!”.
Ocean Vuong năm hai tuổi, cùng mẹ và dì tại một trại tỵ nạn Philippines
Vâng! Cám ơn hai người phụ nữ tuyệt vời đã sản sinh và nuôi dưỡng tâm hồn anh, tâm hồn của một người Việt tự do. Đánh giá về những ý tưởng khác lạ, cấu trúc tác phẩm độc đáo và cách “chơi đùa” ảo diệu với từng con chữ trong các tác phẩm của anh, xin được nhường lại cho các nhà phê bình nghệ thuật tên tuổi ở Mỹ và trên thế giới. Mà thật ra, họ viết nhiều rồi.
Với một người “tiếng Anh thì dốt, tiếng Việt đã quên” thì đọc và hiểu thơ của Anh đã khó huống hồ dịch thơ; do vậy, tôi thử chọn một bài ngắn và dễ được bình chọn là một trong những bài thơ hay nhất của anh để tự nghiền ngẫm. Giống như lời anh viết “We are born from beauty – Chúng ta đều được sinh ra từ tuyệt mỹ”. Tại sao không thử?
Bài thơ “Toy Boat – Chiếc thuyền đồ chơi” được Ocean Vuong sáng tác dành cho cậu bé da màu 12 tuổi Tamir Rice bị cảnh sát Mỹ bắn chết khi đang nghịch với một khẩu súng đồ chơi tại Cleverland, Ohio năm 2014.
____________
Hình ảnh những chú chim se sẻ nhỏ nhoi, vô tội lúc nào cũng chực chờ bị săn đuổi, bị tai hoạ giáng lên đầu khiến tôi nghĩ đến một hình ảnh khác về Ocean Vuong. Anh ấy không phải là chú se sẻ mỏng manh mà đã trở thành “cánh chim lửa vụt bay lên từ đống tro tàn”. Vâng, từ đống tro tàn của chiến tranh, nghèo đói và thất học. Anh ấy còn trẻ, còn thời gian để chứng tỏ mình có trở thành “chim phượng hoàng lửa” của huyền thoại hay không? Hãy để thời gian và anh ấy tự trả lời. Điều đáng tiếc là nếu có một ngày, tại khán phòng trao giải Nobel Văn chương xướng danh Ocean Vuong, nó lại được mang về nước Mỹ…
Ghi chú:
(*) Me Mỹ: cách gọi có vẻ khi thường của người miền Nam trước năm 1975 chỉ những phụ nữ lấy chồng Mỹ.
(* *) Đoạn này tác giả chơi chữ. Tên tiếng Anh của chim sẻ là sp-arrow. Trong đó, arrow có nghĩa là mũi tên.
Không có nhận xét nào