Nga luôn tôn trọng quyền tự quyết của mỗi dân tộc, trong đó có dân tộc Ukraine
Ông khẳng định mỗi dân tộc đều có quyền lựa chọn con đường phát triển cho riêng mình, Nga luôn tôn trọng quyền tự quyết của mỗi dân tộc, trong đó có dân tộc Ukraine và kêu gọi không chính trị hóa, mà nỗ lực hỗ trợ Ukraine thực hiện cải cách. Ông cho biết trong thời gian gần đây, Nga đã cho Ukraine vay từ 32,5-33,5 tỷ USD.
“Ông” ở đây là Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong bản Thông điệp liên bang năm 2014, Tổng thống V.Putin mở đầu bản Thông điệp liên bang bằng cách nhắc lại sự kiện “lịch sử” sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga, cho rằng với Nga, vùng đất này có giá trị to lớn.
“Quyền tự quyết” thực sự nhằm cho ai?
Putin khẳng định mỗi dân tộc đều có quyền lựa chọn con đường phát triển cho riêng mình, Nga luôn tôn trọng quyền tự quyết của mỗi dân tộc, trong đó có dân tộc Ukraine và kêu gọi không chính trị hóa, mà nỗ lực hỗ trợ Ukraine thực hiện cải cách. Putin cho biết trong thời gian gần đây, Nga đã cho Ukraine vay từ 32,5 – 33,5 tỷ USD.
Tháng 12-2021, Putin một lần nữa nhắc lại “quyền tự quyết của mỗi dân tộc” và nhân danh sự bảo hộ về quyền này để biện minh cho hành động được cho là cuộc chiến xâm lược đúng nghĩa. Theo đó, lần này, Putin cho biết Nga quyết định sáp nhập bán đảo Crimea sau khi chứng kiến “cuộc đảo chính đẫm máu” lật đổ tổng thống Viktor Yanukovych ở Ukraine.
“Trước khi phong trào Maidan nổ ra năm 2014, Nga vẫn hợp tác chặt chẽ với các chính phủ ở Ukraine và không có bất cứ kế hoạch hành động nào với Crimea”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc họp báo thường niên tại Moskva ngày 23-12-2021, khi giải thích về hành động sáp nhập bán đảo Crimea hơn 7 năm trước.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine bắt đầu sau sự kiện Maidan năm 2014, khi các cuộc biểu tình trên đường phố bùng phát thành bạo lực lật đổ chính phủ của Tổng thống Ukraine khi đó là Viktor Yanukovych, buộc ông này phải chạy sang Nga. Putin cho rằng phong trào Maidan là một “cuộc đảo chính đẫm máu”, trong đó nhiều dân thường “đã bị giết hại hoặc thiêu sống”.
Sau biến cố, Nga đã triển khai lực lượng quân sự tới kiểm soát bán đảo Crimea. Moskva sau đó tổ chức trưng cầu dân ý và sáp nhập Crimea vào lãnh thổ. Một số nước phương Tây lên án hành động này của Nga và áp đặt nhiều lệnh trừng phạt kinh tế với Moskva.
“Làm sao chúng tôi nói không với Sevastopol lẫn Crimea, với những người sống ở đó? Làm sao chúng tôi không thể che chở, bảo vệ cho họ được? Không thể nào”, Putin nói. “Chúng tôi bị đặt vào tình thế không còn lựa chọn nào khác”.
Cuộc chiến chỉ trong một tháng
Khi ấy, để nắm quyền kiểm soát bán đảo Crimea, lúc đó đang thuộc Ukraine, Nga đã thực hiện chiến dịch có thể nói là nhanh lẹ và độc đáo nhất trong lịch sử hiện đại, trước khi thế giới biết chuyện gì đã xảy ra.
Toàn bộ chiến dịch giành quyền kiểm soát Crimea của Nga diễn ra trong 1 tháng, gần như không hề gây đổ máu. Mãi đến ngày 18-3-2014, khi một nhóm các tay súng thân Nga tấn công căn cứ Ukraine ở thành phố Simferopol, thương vong đầu tiên mới xảy ra. Một sĩ quan Ukraine khi đó bị bắn chết và một người khác bị thương.
Cuối tháng 2-2014, hàng ngàn binh sĩ Nga bí mật được đưa tới các căn cứ trên bán đảo Crimea. Đây là các căn cứ Nga được phép hoạt động theo hiệp ước ký với Ukraine.
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy bán đảo Crimea bị Nga chiếm đóng là vào ngày 28-2-2014, khi các binh sĩ mặc quân phục không có phù hiệu, lập các chốt chặn ở Armyansk và Chongar. Đây là hai tuyến đường chính kết nối Ukraine với bán đảo Crimea.
Theo ghi nhận của giới truyền thông, những binh sĩ lạ mặt chặn bất cứ ai muốn vượt qua chốt chặn, ngoại trừ những người địa phương sinh sống ở Crimea…
Đến ngày 2-3-2014, mọi chuyện gần như đã xong. Thế giới chờ đợi các tàu chiến Nga nổ súng tấn công Crimea. Nhưng toàn bộ chiến dịch đã được thực hiện bí mật.
Trong giai đoạn này, các binh sĩ không rõ danh tính chiếm nghị viện địa phương ở Crimea. Các đại biểu ở bán đảo này khẩn trương bỏ phiếu bầu ra nghị viện mới và thúc đẩy quá trình trưng cầu dân ý để tách khỏi Ukraine, sáp nhập vào Liên bang Nga…
“30 ngày” phiên bản 2022?
Giờ là câu chuyện của Nga công nhận độc lập 2 vùng ly khai ở miền đông Ukraine ngày 21-2-2022 cũng nhân danh bảo vệ quyền tự quyết.
Ukraine đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 23-2 và yêu cầu công dân của họ ở Nga về nhà ngay lập tức, sau khi Nga đã sơ tán đại sứ quán ở Kiev. Tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài 30 ngày và có hiệu lực từ ngày 24-2. Kiev cũng đã công bố nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với tất cả nam giới trong độ tuổi chiến đấu.
Một tin tức liên quan cho hay, Điện Kremlin hôm 23-2 đã ra thông báo các lãnh đạo phe ly khai ở miền Đông Ukraine đã yêu cầu Moscow hỗ trợ quân sự chống lại chính quyền Kiev, một động thái tạo điều kiện cho quân đội Nga ồ ạt tiến vào.
Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Putin cho biết các lãnh đạo phe ly khai ở Donetsk và Lugansk đã gửi thư riêng cho Tổng thống Nga Putin, yêu cầu ông “giúp họ đẩy lùi cuộc tấn công của Ukraine”.
Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi ông Putin công nhận độc lập của hai vùng ly khai nói trên và ký các hiệp ước hữu nghị với họ bao gồm thỏa thuận quốc phòng.
Đáp lời, trong một bài phát biểu vào sáng sớm 24-2 (giờ địa phương) trên kênh truyền hình quốc gia Nga, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass, kêu gọi các lực lượng Ukraine hạ vũ khí và về nhà.
Ông Putin cảnh báo mọi trách nhiệm về bất kỳ cuộc xung đột đẫm máu tiềm tàng nào sẽ thuộc về quyết định của chính phủ Ukraine, đồng thời cho biết ông tin tưởng các binh sĩ Nga sẽ hoàn thành nghĩa vụ của họ.
Tuy nhiên, cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Nga Putin cho biết: “Kế hoạch của chúng tôi không phải là chiếm Ukraine, chúng tôi không có kế hoạch áp đặt lên bất kỳ ai”.
Chiến tranh đã bắt đầu. Liệu lần này mốc “30 ngày” có là một phiên bản tương tự như “một tháng” chiến dịch giành quyền kiểm soát Crimea của Nga năm 2014?
Không có nhận xét nào