Header Ads

  • Breaking News

    Le Nguyen Duy Hau – Nói tiếp về các chuyến bay hồi hương mùa dịch

     

    Thị trường các chuyến bay hồi hương mùa dịch là một thị trường cực kỳ sôi động. Nhìn chung, sẽ có hai loại chuyến bay về nước tại thời điểm này: (1) chuyến bay thương mại đặc biệt hoặc charter (tạm gọi chung là charter), và (2) chuyến bay "giải cứu". Vậy nó khác nhau thế nào? Theo tìm hiểu của mình thì như thế này.

    1. Chuyến bay giải cứu (hay chuyến bay "nhân đạo"): đây là loại hình bay phổ biến và nhiều người Việt trong nước biết nhất. Chuyến bay này thay thế cho việc Việt Nam dừng các chuyến bay thông lệ từ quốc tế vào (scheduled inbound international flights) và chỉ dành cho các đối tượng có "nhu cầu đặc biệt" theo quy định. Đầu mối tổ chức chuyến bay giải cứu là cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước sở tại (Đại sứ quán). Theo quy định, Đại sứ quán sẽ mở một đường link cho bà con đăng ký nguyện vọng về, kèm trình bày và giấy tờ chứng minh. Sau đó, nhân viên sứ quán sẽ xem xét từng trường hợp một để xem ai cần thiết về, ai có thể đợi. Theo quy định, có một số ưu tiên cho người có bệnh, dưới 18 hoặc trên 65, hết hạn thị thực, khó khăn tài chính v.v...

    Thực tế là tại thời điểm cao điểm của dịch, các tiêu chuẩn tưởng như rõ ràng kia lại không đủ để giúp minh định rõ ai cần thiết hơn ai để về. Ví dụ, một người trên 65 tuổi sang thăm con hết hạn visa thì liệu có cần thiết hơn một người đang định cư ở Mỹ nhưng cần về vì người thân sắp qua đời không? Rất khó để trả lời, mà ghế chuyến bay thì có hạn, nên cuối cùng quyết định thực tế gần như thuộc về nhân viên sứ quán. Mình không rõ có cơ chế khiếu nại hay giám sát không (nếu có thì cũng không ai biết) nhưng khi một quy trình mà con người được quyền quyết định tuỳ tiện thì là mảnh đất tiềm năng cho tham nhũng, chạy chọt, quan hệ. 

    Nói như vậy không phải để vơ đũa cả nắm, rằng toàn bộ người về trên chuyến bay giải cứu chỉ là những người có tiền, có quan hệ. Bản chất chuyến bay vẫn là tốt, tuy rằng chính sách có vẻ là rất dở. Chỉ có quy trình đã tạo cơ hội cho người xem xét có cơ hội tham nhũng (còn có tham nhũng hay không thì mình không kết luận). Rất nhiều (nhưng không ai biết tỷ lệ là bao nhiêu) người trong số đó là những hoàn cảnh thực sự cần thiết, đúng quy định, và được lựa chọn để bay về (nhưng để hỏi tiêu chí nào cụ thể thì không ai nói được). Nhiều người bạn của mình sau khi trình bày hoàn cảnh khó khăn, bị trầm cảm vì COVID... đã được cho về mà không phải tốn chi phí bôi trơn nào. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp mình biết là bản thân họ ý thức được việc mình về là không cần thiết như người khác, nhưng vẫn dùng quan hệ và trả tiền để chạy về. Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp như đã nói ở trước, vì quá hoang mang với quy trình thiếu minh bạch của các chuyến bay giải cứu, và nhận được các lời chào mời, họ đã trả tiền để "tăng cơ hội" được chọn cho bản thân. Kết quả là cao điểm Tết 2021, một chuyến bay từ bờ Tây nước Mỹ có giá khoảng 11-15.000 đô-la Mỹ (bao gồm khoảng 2.500 đô tiền vé máy bay). Có thể nhiều người sẽ nói họ trả mắc như vậy là vì họ qua cò mồi, nhưng câu hỏi phải là vì sao khi họ tự đăng ký thì không được, mà qua cò mồi thì được. Giá trị gia tăng mà cò mồi mang lại là gì, khiến cho cơ hội của họ tăng lên đáng kể? Mình để dành câu hỏi này cho cơ quan điều tra.

    Một điều thú vị là đến khoảng sau Tết 2021, các chuyến bay "giải cứu", "nhân đạo" đã được ầm thầm đổi tên là chuyến bay hồi hương do Đại sứ quán tổ chức. Mình nghĩ cách đổi tên này cũng phần nào thể hiện đúng hơn tính chất của chuyến bay.

    2. Chuyến bay charter (có sự khác nhau về kĩ thuật, thành phần được bay trong TMĐT và charter, nhưng không quan trọng) không do đại sứ quán Việt Nam tại quốc gia sở tại đứng ra tổ chức. Đây là chuyến bay do một công ty, một đơn vị, một tổ chức nào đó đứng ra thuê một máy bay (charter a flight - do đó có tên là charter) để chở thành phần khách bay về. Mình nhớ là bắt đầu từ tháng 2 năm 2021, khi nhận thấy các chuyến bay giải cứu không đáp ứng được nhu cầu về quê của người dân, một lựa chọn là bay charter được mở ra. Kết quả là nó tạo thêm cực kì nhiều cơ hội cho người ở nước ngoài hồi hương thông qua chuyến bay này. Tại lúc cao điểm dịch là tháng 7 năm 2021, từ Mỹ sẽ có khoảng 4 chuyến bay charter mỗi tháng và 1 chuyến bay giải cứu.

    Ai là người được bay về trên chuyến bay charter? Khá mơ hồ. Mình tin là có công văn, quy định, nhưng tại thời điểm đó gần như là không có gì rõ ràng. Chỉ biết là hễ bạn có 3 thứ sau đây, bạn sẽ có quyền mua vé charter bay về (1) hộ chiếu Việt Nam còn hạn, (2) gia đình ở Việt Nam cam kết đón bạn về, và (3) tiền. Ngoài ra, trước khi bay, bạn phải xét nghiệm PCR âm tính với COVID (bay giải cứu thì không cần)

    Vì sao tiền quan trọng, vì gần như sẽ không có chuyện bạn chỉ trả tiền vé để về, mà còn phải chịu các chi phí khác. Theo quy định thì hành khách từ bay charter về bắt buộc phải cách ly khách sạn (nên có chi phí khách sạn), test Covid PCR trước khi bay (nên có chi phí test Covid), test Covid PCR ở Việt Nam, và tên của hành khách phải nằm trong công văn được công ty tổ chức chuyến bay (gọi là "chủ tàu") trình lên cho một cơ quan nhà nước Việt Nam phê duyệt. 

    Không ai biết việc trình lên cho cơ quan Nhà nước Việt Nam phê duyệt có tốn chi phí gì không. Thường các đại lý sẽ nói thẳng là có "chi phí công văn". Nhưng chi phí này có đến tay cơ quan Nhà nước không thì không rõ lắm. Nhưng có một điểm cần lưu ý: trong chuyến bay charter, người có quyền phê duyệt cho bay chủ yếu sẽ là cơ quan Nhà nước trong nước (và chủ tàu sẽ làm việc trực tiếp với cơ quan đó), và đại sứ quán gần như không thể can thiệp trong việc phê chuẩn danh sách bay charter (theo chỗ mình biết). 

    Có một điều cũng khá may mắn là do đã "thị trường hoá" bay hồi hương nên giá thành bay charter nhìn chung là rẻ hơn bay giải cứu mà phải có lo lót, và vô tình cũng kéo giá thành bay giải cứu xuống (do bay charter thì chắc chắn được cách ly khách sạn, bay giải cứu thì có thể phải cách ly tập trung). Từ Mỹ, chưa bao giờ có ai phải bỏ hơn 10.000 đô-la để bay charter. Đổi lại là một số rủi ro, ví dụ như lỡ test Covid dương tính trước ngày bay thì xem như tiền đã trả là bỏ. Bay giải cứu thì không cần test Covid nên an tâm hơn. Trong một số trường hợp cực đoan, các chuyến bay charter có thể không cất cánh được vì nhiều lý do khác nhau. Ví dụ, một chuyến bay do cộng đồng tự tổ chức, gần như lấy giá rẻ hơn thị trường 50%, được yêu cầu bay về Nha Trang - nơi chính quyền yêu cầu cách ly tập trung 21 ngày bắt buộc và 7 ngày "tự nguyện", và yêu cầu hành khách phải có giấy xét nghiệm COVID có đóng dấu đỏ của Mỹ (điều không thể ở Mỹ). Cuối cùng, không biết vì lý do gì mà chuyến bay không cất cánh được. "Chủ tàu" không thể hoàn trả ngay lập tức được tiền cho hành khách, khiến nhiều người về phải vay mượn để mua chuyến khác và đòi "chủ tàu" trả sau. Có thể vì chính "chủ tàu" cũng đã mất những chi phí "khó nói", không có biên lai chăng?

    Bốn cán bộ cục lãnh sự đang bị điều tra tội ăn hối lộ là liên quan đến bay giải cứu hay bay charter? Mình đoán khả năng cao là liên quan đến bay charter vì cáo buộc cho rằng họ ăn hối lộ "khi xét duyệt cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước". Điều này có nghĩa là hiện nay, các vấn đề liên quan đến trục lợi trong chuyến bay "giải cứu" vẫn chưa được công khai phanh phui. Tuy nhiên, mình nghĩ đây sẽ là chuyện sớm hay muộn. Trình bày dông dài ở đây cũng để cho mọi người cái nhìn toàn cảnh về những gì đồng bào các bạn đã trải qua để tìm đường về nước.

    FB Lê Nguyễn Duy Hậu

    Không có nhận xét nào