Header Ads

  • Breaking News

    Khủng hoảng Ukraine: Putin, Schroeder, Warnig và 'cục xương Nord Stream'

     


    Nguồn hình ảnh, Reuters/Chụp lại hình ảnh,

    Olaf Scholz (thứ nhì từ phải sang) cùng các lãnh đạo trong liên minh cầm quyền mới ở Đức, từ tháng 12/2021

    Phát biểu yếu ớt của thủ tướng Đức vừa lên cầm quyền, Olaf Scholz về khủng hoảng Ukraine vừa bị các báo châu Âu, gồm cả đài báo Đức chỉ trích.

    Ông Scholz, thuộc đảng thiên tả SPD của Đức, bị chỉ trích vì không đồng ý bán hoặc chuyển vũ khí cho Ukraine để phòng thủ chống Nga mà chỉ nói chung chung về sự "đoàn kết của châu Âu" trước Nga.

    Người lãnh đạo quốc gia chủ chốt và đông dân nhất trong EU còn không nhắc tới cả "con voi trong phòng khách" - đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, khi nói về Ukraine trong chuyến thăm sang Hoa Kỳ tuần trước.

    Đường ống khí đốt đặt ở lòng biển Baltic, từ Nga chạy thẳng sang Đức, bỏ qua các nước Đông Âu đang gây chia rẽ tại EU, và hiện chờ cấp phép của Berlin và Brussels thì mới vận hành được.

    Căng thẳng tại Ukraine khiến các tiếng nói đòi bỏ dự án này ngày càng lớn nhưng Đức vẫn chần chừ.

    Như một số tờ báo châu Âu chỉ ra, ông Scholz và đảng SPD có truyền thống mềm dẻo (có người cho là mềm yếu) đối với Nga.

    Truyền thống 'sợ Nga' hay muốn làm thân để 'cải hóa'?

    Một cựu thủ tướng Đức khác của đảng SPD, ông Gerhard Schroeder không chỉ rất thân ông Vladimir Putin, mà còn là người đã ký năm 2005 để Nga thực hiện dự án Nord Stream, gồm hai đường ống dẫn khí từ Nga sang Đức.

    Xa hơn về quá khứ, thủ tướng Willy Brandt (SPD) chính là người đề xuất chính sách hòa hoãn với Liên Xô năm 1973, và đồng ý mua khí đốt từ Moscow.

    Chính sách hướng Đông (Ostpolitik) của ông Brandt có mục tiêu tạo ra môi trường hòa bình cho châu Âu thời Chiến tranh Lạnh, và "khuyến khích Liên Xô cải tổ".

     


    Chụp lại hình ảnh,

    Đường ống khí đốt đặt ở lòng biển Baltic, từ Nga chạy thẳng sang Đức, bỏ qua các nước Đông Âu đang gây chia rẽ tại EU

    Trên thực tế, Liên Xô tan rã vì không thể tự cải tổ, và ông Vladimir Putin nay theo đuổi đường lối khác hẳn, không tự do hóa chính trị Nga, mà trở thành nhà cầm quyền độc đoán, theo phóng sự chuyên đề Khủng hoảng Ukraine trên tờ Sunday Times ở Anh hôm 13/02/2022.

    Nhưng niềm tin vào Putin của các chính trị gia Đức, gồm cựu thủ tướng Schroeder không đổi, tờ báo này nói.

    Việc rà lại quan hệ thân tình của Gerhard Schroeder với Vladimir Putin sẽ giúp người ta sáng tỏ thêm về dự án Nord Stream, và ảnh hưởng của Nga tại Đức, theo Sunday Times.

    Và quan hệ này không có gì là bí mật, theo trang web của đài Deutsche Welle, thuộc chính phủ Đức.

    Trong bài "Putin and Schröder: A special German-Russian friendship under attack" hôm 31/01/2022, đài này cho hay quan hệ thân hữu của hai ông Schroeder và Putin bị chỉ trích.

    Bài báo mô tả ngay từ năm 2004, 2005, ông Putin đã thân với ông Schroeder, và đây là "cặp bạn bè có điểm mù (blind spot)", hàm ý chính trị gia Đức không nhìn thấy thực sự ông ta bị Putin lợi dụng trong cuộc chơi ngoại giao châu Âu.

    "Schroeder không nhìn thấy một Putin khác trong quan hệ thân mật hết sức đó mà chỉ thấy một Putin đã dắt ông ta đi trượt xe kéo trên tuyết một tối Giáng Sinh ở Moscow, một Putin thăm Schroeder tại nhà riêng ở Hanover khi ông ta làm lễ sinh nhật 60 tuổi."

    Mới đây, ông Schroeder lên tiếng phê phán Ukraine.

    Nhưng tình thân với Nga của ông đã có từ lâu. Ngay sau khi rời chức thủ tướng Đức (nhiệm kỳ 1998-2005), Gerhard Schroeder đã nắm chức trong hội đồng quản trị tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga, với lương 300 nghìn USD/năm, theo trang RFE.

    Các báo Đức từ lâu đã chỉ trích ông Schroeder, như tờ Der Spiegel hồi 2014 từng hỏi có phải cựu thủ tướng "quên mất rằng ông ta cần hành xử có trách nhiệm cho nước Đức như một người từng lãnh đạo quốc gia".

    Năm 2017, ông chuyển sang làm quan chức cho Rosneft của Nga với lương 350 nghìn USD/năm và nói sẽ trả thuế thu nhập tại Đức, theo Reuters, và còn thắng kiện khi một bộ trưởng Đức nói ông "dùng quan hệ cũ để kiếm lợi" ở Nga.

     


    Nguồn hình ảnh, Reuters/Chụp lại hình ảnh,

    Cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroeder là bạn thân của Tổng thống Vladimir Putin

    Năm 2014: Vladimir Putin mở tiệc sinh nhật cho Gerhard Schroeder ở cung điện Yusupov, St Petersburg

    Gần đây, bất chấp căng thẳng Nga-EU vì Ukraine, ông Schroeder được lên chức, quay trở lại ngồi vào hội đồng quản trị của Gazprom, nhà khổng lồ trong ngành dầu khí Nga.

    Theo Sunday Times, đằng sau hai người này còn nhân vật thứ ba, cựu sĩ quan Stasi của Đông Đức Matthias Warnig.

    Người này sau ngày thống nhất nước Đức đã làm đại diện phía Đông cho Dresdner Bank, và sang Nga làm ăn.

    Bài báo nói chính Putin đã bảo Schroeder rằng mọi quan hệ trong ngành dầu khí và các thương vụ cấp quốc gia của Nga với Đức, cần "sự có mặt của Warnig", người từng quen Putin ở Dresden, Đông Đức ít nhất từ 1989.

    Putin đã từng chịu ơn Matthias Warnig khi người vợ trước của ông, bà Lyudmila, bị tai nạn xe hơi năm 1993. Ông Warnig đã bố trí để ngân hàng Dresdner Bank gửi máy bay đưa bà từ Nga sang Đức điều trị. Người vợ Đức của ông Warnig thì chăm sóc các con của ông Putin khi vắng mẹ.

    Nay đã có một vợ mới, trẻ hơn là người Nga, Matthias Warnig vẫn có nhà riêng tại Staufen, miền Tây Nam nước Đức, nhưng thường sống ở Nga và là người được Vladimir Putin tin tưởng, giao cho nhiều nhiệm vụ liên quan đến Đức, tờ báo của Anh viết.

    Vấn đề lớn hơn là tình bạn

    Tuy thế, chuyện cường quốc kinh tế EU là Đức có vẻ như rất e dè không dám làm Moscow bực bội còn đến từ các chính sách thời Angela Merkel về an ninh năng lượng, chứ không phải chỉ nhờ Nga "có trong túi" một vài nhân vật người Đức.

    Các báo tiếng Anh mô tả kể từ sau khủng hoảng hạt nhân Fukushima, chính phủ Đức bỏ dần các nhà máy điện nguyên tử, để tiến tới chính sách chỉ dùng điện năng từ khí đốt và than đá.

    Bản thân Angela Merkel cũng chưa bao giờ muốn bỏ Nord Stream 2, bất chấp phản đối từ Hoa Kỳ và các đồng minh trong Nato ở Đông Âu và vùng Baltic.

     


    Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh,

    Bà Merkel khi còn tại chức đã kiên trì muốn đối thoại với Nga và đẩy nhanh việc xây Nord Stream 2

    Các báo Anh cho hay khi còn tại chức, bà Merkel không chỉ không buồn nghe lời cảnh báo của TT Mỹ Donald Trump về Nord Stream 2 mà còn bác bỏ tư vấn từ người bạn thân, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về một giải pháp rút khỏi "cục xương" Nord Stream 2.

    Vì quyền lợi của Đức, bà ta đã không nghe theo những ý kiến đó và tiếp tục nghị trình "điện sạch" của Đức.

    Đến hết năm 2022, Đức dự kiến đóng nốt nhà máy điện nguyên tử cuối cùng.

    Điều này khiến sức ép năng lượng lại càng tăng.

    Hiện cả phe hữu - chính phủ Merkel của liên minh CDU-CSU trước đây - và phe tả ở Đức mà hiện nay là liên minh cầm quyền ba đảng SPD-Xanh-FDP, đều rơi vào tình thế phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga.

    Hai đường ống Nord Stream nếu cùng chạy sẽ đem lại cho Đức 110 tỷ mét khối khí một năm, đảm bảo nền công nghiệp lớn nhất châu Âu có năng lượng cho sản xuất.

    Đây là lý do tân thủ tướng Scholz vẫn còn ít nhiều hy vọng sẽ có giải pháp hòa hoãn nào đó về Ukraine để EU cấp phép cho Nord Stream 2.

    Quan điểm của Đức cho tới nay là nếu Nga tấn công Ukraine thì dự án nhiều tỷ USD này phải bị "hy sinh", nhưng giải pháp nào cho an ninh năng lượng lâu dài của Đức và EU thì không ai biết sẽ tìm ở đâu những tháng tới.

    Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cũng nói Đức đang có kế hoạch tìm cách giảm phụ thuộc vào khí đốt từ bên ngoài bằng việc tăng nguồn điện gió, điện mặt trời.

    Vấn đề là, như tờ Sunday Times viết, Đức nằm ở giữa các vĩ tuyến phía Bắc của lục địa châu Âu, nơi "Không phải lúc nào mặt trời cũng tỏa nắng, gió cũng thổi" (The sun doesn't always shine and the wind doesn't always blow).

    Đáp trả các chỉ trích rằng Đức "sợ Nga", Thủ tướng Scholz nói với báo Washington Post về chính sách độc lập hơn về năng lượng cho Đức, không phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

    Chỉ có điều, viễn cảnh mà ông nói tới là năm 2045.

    Vào đúng mùa đông giá lạnh này, Đức vẫn duy trì chính sách không ủng hộ Ukraine về quân sự, khiến các phi cơ Anh chở vũ khí sang giúp Ukraine phải tránh không phận Đức.

    Với một Nato bất hòa như vậy, ông Putin có nhiều lý do để tính toán cách đạt mục tiêu của mình, bất kể Anh, Đức, và Hoa Kỳ có thích hay là không.

    BBC

    Không có nhận xét nào