Một số mức giá xăng cao nhất trong thị trấn được hiển thị trên bảng hiệu tại một trạm xăng ở trung tâm thành phố Los Angeles hôm 22/06/2021. (Ảnh: Frederic J. Brown/Ảnh tư liệu/AFP/Getty Images)
Theo dữ liệu mới của Cục Thống kê Lao động (BLS), tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1982 trong tháng 01/2022.
Tháng trước (12/2021), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 7.5%, vượt quá mức tăng 7.3% ước tính của thị trường. Tỷ lệ lạm phát lõi (lạm phát căn bản), loại trừ ra các lĩnh vực năng lượng và thực phẩm dễ biến động, tăng 6.0%, cao hơn một chút so với mức 5.9% dự báo của các nhà kinh tế.
Trên cơ sở hàng tháng, lạm phát đã tăng ở mức cao hơn dự kiến là 0.6% trong tháng Một.
Lạm phát ở mức cao trong vòng bốn thập niên đã ảnh hưởng đến thu nhập hàng giờ và hàng tuần.
Hôm thứ Năm (10/02), chính phủ Hoa Kỳ đã báo cáo rằng thu nhập trung bình hàng giờ thực tế đã giảm 1.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái. BLS cũng lưu ý rằng thu nhập trung bình thực tế hàng giờ kết hợp với sự sụt giảm trong tuần làm việc trung bình đã dẫn đến sự sụt giảm 3.1% trong thu nhập trung bình hàng tuần thực tế.
Vì vậy, những chi phí nào cao hơn và ít hơn trong tháng Một?
Ăn uống với giá cao hơn
Chỉ số thực phẩm tăng 7% vào đầu năm 2022, với gần như mọi mặt hàng thực phẩm đều tăng, ngoại trừ nước trái cây và đồ uống đông lạnh không có ga bị giảm 0.2%.
Sản phẩm được bầy bán tại một cửa hàng tạp hóa ở Toronto vào hôm thứ Sáu, ngày 30/11/2018. (Ảnh: Nathan Denette/The Canadian Press)
Giá bánh mì tăng 5.9%, thịt bò và thịt bê tăng 16%, thịt lợn tăng 14.1%, giăm bông tăng 10% và thịt gà tăng 10.3%.
Cá và hải sản tăng 9.6%, trong khi trứng và sữa lần lượt tăng 13.1% và 6.8%.
Trái cây và rau quả tăng 5.6%. Trong danh mục này, cam tăng 10.2% và táo tăng 6.8%. Xà lách tăng 6.2%, nhưng khoai tây chỉ tăng 0.1%, bất chấp tình trạng khan hiếm rau trên toàn thế giới.
Còn một cốc cà phê thì sao? Giá cà phê tăng 8.6%, trong đó cà phê rang tăng 9.3% và cà phê hòa tan tăng 6%.
Các mặt hàng thực phẩm khác: bơ thực vật tăng 9.2%, đồ ăn cho trẻ em tăng 7.8%, gạo tăng 3.6% và dầu trộn salad tăng 7.8%.
Đổ đầy bình xăng
Chỉ số năng lượng tăng 27% so với cùng thời kỳ năm ngoái, với giá dầu và khí đốt tăng do điều kiện thị trường thắt chặt, căng thẳng địa chính trị tại biên giới Ukraine-Nga và thời tiết mùa đông khắc nghiệt.
Dầu nhiên liệu tăng 46.5%, xăng tăng 40% và điện tăng 10.7%. Dịch vụ khí đốt tiện ích tăng 23.9%, trong khi giá propan và dầu hỏa tăng 22.6%.
Nhưng cũng tốn nhiều tiền hơn để mua một chiếc ô tô vào tháng trước. Giá xe mới tăng 12.2%, trong khi xe ô tô và xe tải đã qua sử dụng tăng vọt 40.5%. Dịch vụ vận tải cũng tăng 5.6%.
Giá thuê ô tô và xe tải tăng 29.3%, tiền vé các phương tiện giao thông công cộng tăng 4%, và phí đậu xe tăng 2.7%. Giá vé phi cơ tăng 4.9%, trong khi giá tàu biển giảm 2.1%.
Đó là một khoảng thời gian khó khăn hơn đối với những người thuê nhà ở Mỹ để giữ một mái nhà trên đầu của họ vì giá thuê nhà ghi nhận một cú hích lớn để chào đón năm 2022, tăng 4.4%. Tuy nhiên, phí bảo hiểm của người thuê nhà và hộ gia đình giảm 1.7%.
Mọi thứ khác trên thị trường Hoa Kỳ
Nhìn chung, người mua sắm đã chi tiêu nhiều hơn cho hầu hết mọi thứ trên thị trường. Vải phủ cửa sổ tăng mạnh 16.2%, đồ nội thất phòng ngủ tăng 1.7%, quần áo nam tăng 6.6%, đồng hồ đeo tay tăng 6.5%, đồng hồ và đèn tăng 6.3%.
Danh sách các mặt hàng giảm trong tháng Một khá ngắn: quần áo nữ (-4.3%), quần nam (-0.8%), sách giải trí (-1.2%), phần mềm máy tính (-2%) và điện thoại thông minh (-13.3%).
Một người bồi bàn phục vụ thức ăn tại nhà hàng The Farmhouse ở Newport Beach, California, hôm 09/09/ 2020. (Ảnh: John Fredricks/The Epoch Times)
Giá cao hơn đang có tác động đến ngân sách gia đình. Một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Trung tâm Mua sắm Quốc tế (ICSC) cho thấy 57% số người được hỏi cho rằng lạm phát đang gây khó khăn tài chính cho gia đình của họ, trong khi 64% lưu ý rằng áp lực chi phí đang ảnh hưởng đến khoản tiết kiệm của họ.
Cuộc thăm dò này cũng nhấn mạnh rằng 42% đang giảm chi tiêu hàng ngày, 40% đang cắt giảm các hoạt động giải trí và thư giãn, và 32% đang chuyển sang các thương hiệu thông thường rẻ hơn.
Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (NFIB) cho biết, trong khi điều này đang ảnh hưởng tiêu cực đến người mua sắm ở Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ cũng đang cảm nhận được thiệt hại vì giá cả tăng cao.
Chỉ số của NFIB về Độ Lạc quan của Doanh nghiệp Nhỏ đã giảm 97.1 trong tháng Một, với gần một phần tư (22%) chủ sở hữu báo cáo lạm phát là vấn đề lớn nhất của họ.
Hơn nữa, phần trăm ròng của các chủ sở hữu tăng giá bán trung bình đã tăng lên 61%, con số cao nhất kể từ quý IV năm 1974.
Nhà kinh tế trưởng Bill Dunkelberg của NFIB cho biết: “Ngày càng nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ bắt đầu tăng giá trong một nỗ lực nhằm chuyển tiếp các chi phí cao hơn từ hàng tồn kho, vật tư, và nhân công. Ngoài vấn đề lạm phát, các chủ sở hữu cũng đang tăng lương ở mức cao kỷ lục để thu hút nhân viên có năng lực vào các vị trí đang cần tuyển dụng của họ.”
Cục Dự trữ Liên bang và Bộ Ngân khố dự báo lạm phát sẽ vẫn ở mức nóng trong phần lớn thời gian của năm 2022, có khả năng giảm bớt trong nửa cuối năm. Nhưng người tiêu dùng không tin vào điều đó vì Cuộc Khảo Sát hàng tháng của Ngân hàng Fed ở New York về kỳ vọng của người tiêu dùng tiết lộ rằng người Mỹ nghĩ lạm phát sẽ vẫn tăng ở mức khoảng 6% vào cuối năm nay.
Liệu việc ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất có đủ để kiềm chế lạm phát?
Bà Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cao cấp tại Swissquote, cho biết trong một lưu ý: “Nếu việc tăng lãi suất không làm giảm lạm phát, điều đó có thể gây ra suy thoái. Do đó, Fed phải tìm ra sự cân bằng phù hợp, kiên nhẫn và thắt chặt dần dần.”
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông đã là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của “The War on Cash” (“Cuộc chiến về tiền mặt”).
Hòa Bình biên dịch
Không có nhận xét nào