Giáo sư Tạ Văn Tài, cựu GS Đại học Harvard
Phần 2:
Ký giả Lê Dương – Quang Tuyến (P/v TTXVN đưa tin từ New York) đã tường trình như sau về quan điểm của chúng tôi, và Phái Bộ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã đăng trên website và dùng giải thích này để phản bác Trung Quốc trong văn thư của Đại sứ Lê Hoài Trung gởi Tổng Thư Ký LHQ Ban Kimoon.
Để biện minh cho việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đã viện dẫn công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 (gọi tắt là công thư 1958) cho rằng công thư này đã nhượng Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tiến sỹ Tạ Văn Tài – luật sư, cựu giảng viên và đương kim nghiên cứu viên tại Trường Luật, Đại học Harvard (Mỹ) – cho rằng có hai luận cứ pháp lý quốc tế cho thấy biện dẫn của Trung Quốc là phi lý.
Công thư không đề cập đến chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Thứ nhất, và quan trọng nhất, Hiệp định Geneva trao quyền quản lý hành chính Hoàng Sa và Trường Sa, đều ở phía Nam vĩ tuyến 17, cho Chính phủ Miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa – VNCH) ở phía nam vĩ tuyến đó, cho nên các hành vi xác lập và hành xử chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa phải thuộc thẩm quyền của VNCH, và chính phủ này cũng như hải quân của họ đã mạnh mẽ xác nhận chủ quyền Việt Nam ở các hải đảo trong và sau biến cố hải chiến Hoàng Sa 1974.
Còn cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại diện miền Bắc Việt Nam, tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) lúc đó, không có thẩm quyền hay không có ý định tuyên bố gì về chủ quyền đất đai về Hoàng Sa và Trường Sa thuộc VNCH vào thời điểm đó, mà chỉ đưa ra lời tuyên bố công nhận hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.
Tuy nguyện vọng “Dân tộc Việt Nam là một, nước Việt Nam là một” là chính đáng, nhưng tình trạng hiện hữu của một quốc gia là một vấn đề sự kiện thực tại trong luật quốc tế, cho nên thực tại có hai nước Việt Nam – VNDCCH và VNCH – trong thời gian 1954-1975, là đúng với luật quốc tế và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) là quốc gia kế quyền (successor state) trong việc hành xử và bảo vệ chủ quyền đất đai đó.
Sự kế quyền trong việc bảo vệ chủ quyền đất đai này cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 25/11/2011, theo đó khẳng định năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa “trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức là chính quyền VNCH. Chính quyền VNCH đã lên tiếng phản đối việc làm này và đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) can thiệp”.
Theo Hiệp ước Montevideo 1933 thì VNCH là một thực thể có đủ 4 điều kiện của một quốc gia (state), gồm: (a) một dân số ổn định; (b) một lãnh thổ rõ rệt; (c) có một chính quyền; và (d) có khả năng giao dịch với quốc gia khác.
Còn vấn đề các nước khác nhìn nhận một quốc gia có đủ 4 điều kiện trên để lập bang giao thì là vấn đề chính trị và tiêu chuẩn chính trị thêm vào 4 tiêu chuẩn luật, và chính phủ nào không ưa một nước nào mà không nhìn nhận thì cũng không thể xóa bỏ tư cách quốc gia của nước đó.
Chẳng hạn như trường hợp Cuba bị Mỹ ghét, không nhìn nhận, nhưng Mỹ cũng không thể xóa tư cách quốc gia của Cuba được. Quốc gia VNCH 1954-75 đã được mấy chục nước thừa nhận ngoại giao, thậm chí có lúc Trung Quốc đã đề nghị cả hai nước Việt Nam vào LHQ.
Tất nhiên, việc có vào LHQ được hay không (chẳng hạn bị trong 5 quốc gia thành viên thường trực của HĐBA phủ quyết), thì là chuyện chính trị, không phải là tiêu chuẩn về sự khai sinh một quốc gia.
Những ai cứ viện dẫn Hiệp định Geneve nói sẽ có một nước Việt Nam sẽ được thành lập với tuyển cử thống nhất hai phần đất tạm thời chia cắt, mà coi nước VNCH như không có trong trời đất, là không hiểu luật quốc tế mấy trăm năm về tình trạng quốc gia, và lầm lẫn tiêu chuẩn pháp lý về tình trạng quốc gia trong luật quốc tế, với những sự sắp xếp chính trị của các cường quốc trong một Hiệp định giữa vài nước mà thôi, đã cố tình quên cái thực tại chính trị là đã có mấy chục nước nhìn nhận sự khai sinh của quốc gia VNCH, và cũng quên mất luật quốc tế theo nghĩa là một số ít nước ký Hiệp định Geneva không thể truất quyền của mấy chục nước kia đã thừa nhận VNCH.
Bây giờ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, và trước đây giả sử tiền nhiệm của ông là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói một cách minh thị hơn nữa, nói có hai quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975, thì cũng không làm giảm giá trị của sự nghiệp thống nhất đất nước vào năm 1975, vì trong lịch sử thế giới, đã có nhiều quốc gia chia ra nhiều mảnh rồi lại thống nhất, và cũng có quốc gia chia ra hai, thí dụ Pakistan chia thành hai, nửa kia thành Bangladesh, Sudan trước là một thì nay là hai quốc gia, mà các quốc gia đó vẫn có vị trí và được nhìn nhận trong cộng đồng các quốc gia.
Công thư 1958 không có hiệu lực pháp lý quốc tế
Thứ hai, một bản tuyên bố đơn phương (unilateral declaration) như công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có hiệu lực pháp lý về mặt quốc tế. Trong luật quốc tế, không thể cố áp dụng lý thuyết “Estoppel”, tức là lý thuyết trong luật pháp quốc nội của một số quốc gia có quy định là “Đã nói ra thì không nói ngược lại được”, vì lý thuyết này không áp dụng trong luật quốc tế theo cùng các điều kiện như trong luật quốc nội, vì có những điều kiện ngặt nghèo, và do đó không thể coi lời nói đơn phương có hiệu lực ràng buộc đương nhiên trong luật quốc tế.
Tòa án quốc tế trong một vụ xử giữa Đức và Đan Mạch/Hà Lan về thềm lục địa đã nói như vậy. Ngoài ra, theo một án lệ khác, khi xét ý nghĩa của lời tuyên bố đơn phương, tòa án quốc tế phải xét một cách chặt chẽ “ý định” của người tuyên bố. Theo án lệ “Nuclear Tests Case Australia & New Zealand v. France 1974 I.C.J 253”, thì “khi các quốc gia đưa ra lời tuyên bố hạn chế tự do hành động của mình, thì phải giải thích hạn hẹp”. Tòa án cũng nói là: “Chỉ cần xét một vấn đề quan trọng là xem lời văn trong lời tuyên bố có biểu lộ một ý định rõ rệt không… Tòa án phải tự có quan điểm riêng về ý nghĩa và phạm vi mà tác giả lời tuyên bố đơn phương nào có thể tạo ra một nghĩa vụ pháp lý, và tòa không thể bị ảnh hưởng gì bởi quan điểm của một quốc gia khác.”
Theo tiêu chuẩn trong án lệ trên mà xét, thì ý định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong công thư 1958 phải được xét trong khuôn khổ quyền hạn Thủ tướng chiếu theo Hiến pháp 1946. Theo đó Chính phủ gồm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch và nội các (điều 44). Trong nội các đó, có Thủ Tướng (điều 44), và Chủ tịch nước mới là người thay mặt cho nước (điều 49 đoạn a) mà ký hiệp ước với nước khác (điều 49 đoạn H) ràng buộc Việt Nam về những việc quan trọng, thí dụ chủ quyền đất đai như việc nhượng đất; kèm theo quyết định chuẩn y hiệp ước bởi nghị viện là cơ quan quyền lực cao nhất, thì mới có quyền về nhượng đất (điều 22 và 23).
Còn Thủ tướng không thể vượt quá quyền, theo học lý luật pháp “ultra vires” (vượt quá quyền hạn), và công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong ngôn ngữ dùng, chỉ có ý định ủng hộ ngoại giao cho Trung Quốc về một điểm là 12 hải lý hải phận mà Trung Quốc đang lo lắng tuyên bố để chống sự đe dọa lúc đó của Mỹ từ hai đảo Kim Môn và Mã Tổ do quân đội Đài Loan chiếm giữ với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và đe dọa lớn hơn của Mỹ từ eo biển Đài Loan với Hạm đội 7.
Hơn nữa, ý định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không thể được giải thích là liên quan đến nhượng đất, vì Trung Quốc yêu sách về tất cả các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó nhiều đảo thuộc quyền chiếm hữu của một số quốc gia Đông Nam Á, mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không là đại diện để nói về chuyện nhượng đất. Trung Quốc cũng không thể mang lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra để đối kháng với các quốc gia Đông Nam Á khác được. Theo án lệ “Nuclear Tests” nói trên, Toà án quốc tế không cần nghe giải thích chủ quan, thủ lợi theo ý mình của Trung Quốc.
Sau khi thống nhất đất nước, CHXHCN Việt Nam, kế quyền Việt Nam Cộng Hòa về các quần đảo, đã nhiều lần phản đối sự xâm chiếm của Trung Quốc. Liên tục nhiều năm, Việt Nam đã phản đối và đưa ra các chứng cứ lịch sử về chủ quyền, trong lời tuyên bố hay các bạch thư (sách trắng) vào các năm: 1978, 1979, 1980, 1981, 1982, 1984, 1988 (phản đối Trung Quốc tuyên bố sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào đảo Hải Nam), 1990, 1991, 1994 (phản đối Trung Quốc ký hợp đồng với hãng Crestone cho phép thăm dò trong thềm lục địa và vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam), 2012 (phản đối Trung Quốc đưa ra chương trình quản lý các đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).
Việt Nam cũng phải đổ máu bảo vệ chủ quyền ở Gạc Ma năm 1988 khi đem đồ tiếp tế đến cho các chiến sĩ bảo vệ hòn đá đó, mà Trung Quốc tàn sát 64 chiến sĩ hải quân khi họ đang lội nước ngang lưng.
Trong vụ giàn khoan HD-981 từ tháng 5/2014 đến tháng 7, Việt Nam đã đưa tàu kiểm ngư và tàu cảnh sát biển tới vùng biển nơi HD-981 đang hoạt động trái phép để bảo vệ chủ quyền và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục đánh cá ở gần đó, mặc dù bị các tàu Trung Quốc bao vây nhưng họ vẫn giữ một khoảng cách an toàn, hầu tránh xung đột võ trang, vừa để mưu sinh, vừa để bảo vệ chủ quyền với sự tự kiềm chế, mặc dù Trung Quốc rất hung hãn, dùng võ lực, đâm tàu Việt Nam và dùng súng nước tấn công tàu Việt Nam. Các lời phản đối và hành động bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển Hoàng Sa trong vụ giàn khoan HD-981 càng cho thấy chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vùng biển chung quanh luôn được duy trì, không hề bị xói mòn.
Về các mỏm đá nổi trên mặt nước khi thuỷ triều ở mức cao, mà Việt Nam đã quản lý trong thời gian lâu từ các năm 1975-76 theo Luật Quốc tế Truyền Thống, trước khi có Công Ước Luật Biển 1982, dù rằng một số ở trong Thềm Lục Địa hay Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Phi Luật Tân, thì Việt Nam có thể xây trên các mỏm đá, vốn là vùng đất nổi trên mặt nước trong trạng thái thiên nhiên (chứ không chìm dưới mặt nước), và tình trạng pháp lý của chúng không có gì thay đổi, và do đó, Việt Nam tiếp tục có chủ quyền lãnh thổ đối với các đá này theo Luật Quốc Tế Truyền Thống—vì Phi Luật Tân , nước cận duyên gần nhất, theo UNCLOS, chỉ có quyền chủ quyền về tài nguyên (sovereign rights) trong thềm lục địa và vùng kinh tế đặc quyền, chứ không có chủ quyền lãnh thổ (sovereignty over land territories) ở các vùng biển đó.
Nhưng các thực thể chìm, hay chỉ nổi lên khi mức thuỷ triều xuống thấp, thì có tình trạng pháp lý khác: Việt Nam, và cả Trung Quốc, không thể xây cất các cấu trúc trên các thực thể đó ở trong Thềm Lục Địa 200 hải lý của Phi Luật Tân, vì các thực thể đó là một phần của đáy biển trong Thềm Lục Địa của Phi trong đó Phi có quyền chủ quyền về tài nguyên (nhưng Phi cũng không có chủ quyền lãnh thổ).
Nhưng liệu có cái biệt lệ nào cho nguyên tắc không có chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia đối với các đá chìm, mà một vài quốc gia có thể viện ra với lý do biệt lệ chủ quyền đó là quyền thủ đắc (acquired rights) trong quá khứ?
Thí dụ: liệu Việt Nam có thể lý luận hay không như sau: Các thực thể ngầm mà Việt Nam đã chiếm ngụ từ các năm trước khi có UNCLOS 1982, và quản lý liên tục và xây cất thêm cho chúng nổi trên mặt nước, mà không chìm nữa, từ các năm xa xưa đó cho đến năm có UNCLOS 1982, thì các thực thể đó có thể coi là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam, chiếu theo Luật Quốc tế Cổ truyền, hay không? Vì UNCLOS không thể áp dụng hồi tố cho các quyền và tình trạng đã thủ đắc của Việt Nam? Các lãnh thổ nổi trên mặt nước đó của Việt Nam, có trước 1982, phải chăng phải có lãnh hải 12 hải lý?
Vấn đề sau chót là Vùng Nhận Dạng Phòng Không ADIZ. Quốc gia nào không có chủ quyền lãnh thổ trong một vùng đất nào đó, dù là đá, thì không có quyền pháp lý lập vùng ADIZ, Air Defense Identification Zone, ở trên cái vùng đất đó, theo Luật Liên Hiệp Quốc. Đó là lập luận mà các nước Đông Nam Á hay các quốc gia khác có thể đưa ra chống lại lời yêu sách của Trung Quốc đòi quyền lập ADIZ trong vùng Trường Sa.
KẾT LUẬN VỀ NHỮNG HẬU QUẢ VÀ VỤ VIỆC GẦN ĐÂY
Hậu quả thực tế của Bản Án Trọng Tài có thể là Trung Quốc và các nước khác không có làm gì để thay đổi nguyên trạng, như rút lui khỏi các thực thể đất đá họ đã chiếm ngự hay chiếm thêm các thực thể khác, và cùng lắm là củng cố những gì họ đã chiếm bằng cách củng cố các cấu trúc trên đó.
Trung quốc không còn nhắc đến chủ quyền dựa trên Đường Chữ U, và đang cần một thời gian để lấy lại thể diện, và hình như chỉ đặt hy vọng vào kế hoạch khác, là khi củng cố các thực thể đá họ đã chiếm, thì sẽ biến chúng thành đảo có 12 hải lý lãnh hải và có thể có 200 hải lý Vùng Đặc Quyền Kinh Tế. Hy vọng này cũng không có căn bản theo UNCLOS, vì phải là đảo trong trạng thái thiên nhiên nguyên thuỷ mới có vùng Thềm Lục Địa và Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý. Vì thế các nước khác cũng chẳng cần làm gì quá, mà làm mất mặt dân chúng Trung Quốc mà họ đang bị lãnh đạo khích động với chủ nghĩa quốc gia quá khích. Việc khuyến cáo chuẩn bị một vụ kiện của Việt Nam để xác lập tính cách đá, không phải là đảo, của các thực thể ở Hoàng Sa và Trường Sa, là cốt giảm căng thẳng, căng thẳng bắt nguồn từ khuynh hướng Trung Quoc tham lam quá mức, trái luật quốc tế,về Thềm Lục Địa và Vùng Đặc Quyền Kinh Tế, và về các hệ luận về quyền khai thác tài nguyên cá, dầu khí, và khoáng sản cho mọi dân tộc quanh Biển Đông. Do đó ,Việt Nam có thể cắt nghĩa cho cộng đồng quốc tế là Việt Nam muốn đóng góp vào hòa bình trong khu vực Biển Đông.
Phải công nhận đã từ rất lâu, có lẽ từ 1988 khi chiếm Gac Ma, Trung quốc không chiếm thêm thực thể đá đất nào mới. Về phía các quốc gia khác có quyền lợi chống bá quyền Trung Quốc, thì trong hơn hai năm nay, 2017-2019, Hoa Kỳ đã thực hiện, cùng với một số nước đồng minh như Anh, Úc, các vụ hải hành xác nhận tự do hàng hải (Freedom of navigation operations- FONOPS) đi sát vào các mỏm đá ở Trường Sa và Hoàng Sa. Ngay cả Pháp và Nhật cũng biểu lộ quyết tâm bảo vệ an ninh và quyền tự do hàng hải tại Biển Đông và sẵn sàng can thiệp chung khi tình thế đòi hỏi. (Theo tin Nikkei trước khi lên đường sang Tokyo ngày 26/01/2018, Bộ trưởng Florence Parly của Pháp cho rằng Pháp-Nhật cần biểu lộ quyết tâm bảo vệ an ninh và quyền tự do hàng hải tại Biển Đông và sẵn sàng can thiệp chung khi tình thế đòi hỏi. Lên án chiến lược của Trung Quốc đặt quốc tế trước « chuyện đã rồi », nữ bộ trưởng Pháp cảnh cáo: Không phải cứ cắm cờ ở nơi nào đó, thì nơi đó đổi chủ).
NHƯNG ta vẫn thấy có vài vụ Trung quốc tiếp tục củng cố các cấu trúc trên vài thực thể đá đã chiếm, mà không gặp sự phản ứng thực tế nào như bộ trưởng ngoại giao Tillerson và bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mathis đã dọa, và Trung quốc dùng đòn chiến tranh tâm lý chống Việt Nam như yêu cầu hãng dầu REPSOL của Tây Ban Nha ngưng dùng giàn khoan để khai thác lô dầu 136/03 (ngưng vào giữa năm 2017) và lô 07/03 ( ngưng vào tháng 3/2018) trong Thềm Lục Địa của Việt Nam.
Muốn Trung Quốc nể vì, cần tránh dùng các hãng của nước nhỏ như Tây Ban Nha, mà cần bám chặt các hãng dầu của Mỹ, Ấn, Nhật, Úc, vì đằng sau các hãng dầu khí đó là có các cường quốc ngáo ộp đó, để gián chỉ –deter—Trung Quốc (Làm sao Tàu giám vượt mặt hải quân Mỹ mà phá giàn khoan có Mỹ đầu tư?).
Gần đây, trong năm 2019, một số nhân vật Hoa Kỳ đã lại lên tiếng về việc Trung quốc xây cất trên các đá ở Biển Đông, gợi ý cho các nước đối phó bằng các biện pháp trừng phạt, không phải bằng quân sự, mà bằng ngoại giao và kinh tế , chống các cá nhân và công ty Trung Quốc làm các việc xây cất đó. Thí dụ: tướng Joseph Dunford, chủ tịch Uỷ Ban Liên Quân Mỹ, trong bài nói chuyện tại Brookings Institution tháng 5,2019, khuyến cáo các biện pháp phi quân sự đó nên được các nước cùng với Mỹ áp dụng trong một chiến dịch tập thể (collective action) chống các cá nhân và công ty đó–tuy ông công nhận người Tàu đã bớt xây cất, vì họ đã làm xong khá đủ các đường bay và nhà chứa khí giới. Thí dụ khác: các nghị sĩ Mỹ cũng đề nghị tương tự các chế tài chống các cá nhân và công ty Tàu xây cất, như tịch thu các tài khoản của họ ở Mỹ và không cấp visa vô Mỹ cho họ. Người Tàu chống báng lại bằng cách nói rằng họ xây cất là theo chủ quyền lãnh thổ của họ và yêu cầu Thượng Viện Mỹ ngưng bàn về các chế tài.
Nên nhận xét là Tàu và Mỹ hù doạ, kiểu chém gió bằng lời, nhưng cả hai phía đều sợ đụng độ quân sự trực tiếp với nhau, tuy có những động thái hải hành, thám sát với hải quân hay hải giám.
1) Nước Tàu, từ sau năm 1988 chiếm Gạc Ma của VN, rồi 6 đá quanh đó của Phi, tại Trường Sa và án ngữ Scarborogh Shoal của Phi, thì KHÔNG CHIẾM THÊM GÌ NỮA ,và chỉ xây phi trường và nhà chứa khí giới trên những gì đã chiếm, và không nói gì đến Đường U nữa sau bản án Toà Trọng Tài 2016 (nhiều học giả gần đây cứ nhắc lại mãi chuyện Đường U này một cách bàn luận không cần thiết, sau khi Tàu lẳng lặng bỏ cuộc rồi)– TÀU CÓ VẺ SỢ MỸ HẢI HÀNH FONOPS / Freedom OF Navigation Operarions, NÊN 2014 KHÔNG CHIẾM SECOND THOMAS SHOAL NHƯ ĐÃ DOẠ, SAU ĐÓ KHÔNG XÂY GÌ Ở SCARBOROGH, chỉ bắt nạt dân chài các nước nhỏ Đông Nam Á. Và Tổng Trưởng Quốc Phòng cỏ nói giọng cương quyết tại Diễn Đàn Shangri La ngày 2 tháng 6,2019 về an ninh Á Châu, thì hình như nhằm vào việc thuyết phục người dân trong nội bộ nước Tàu là chính, vì ông lạc đề nói đến sự quyết tâm ở Tân Cương và biện minh cho vụ đàn áp đẫm máu các sinh viên ở Thiên An Môn cách nay 30 năm.
2) Về phía Mỹ, sau khi Tillerson dọa không để yên cho Tàu xây thêm tại các đảo đá, thì CŨNG ĐI NHỮNG BƯỚC CHỪNG MỰC TRONG VIỆC BẢO VỆ LỢI ÍCH TỰ DO LƯU THÔNG TRÊN BIỂN CỦA CHIẾN HẠM VÀ THƯƠNG THUYỀN CỦA MÌNH VÀ ĐỒNG MINH, CÓ TÍNH CÁCH GIÁN TIẾP PHÒNG VỆ, MÀ KHÔNG NÓI GÌ NHIỀU TỚI CÁC ĐÁP ỨNG QUÂN SỰ CỦA HẢI QUÂN MỸ HAY NHỜ CÁC NƯỚC NHỎ Đông Nam Á (có quyền lợi trực tiếp và lìều chết hơn) ĐÁNH DU KÍCH NHƯ DÙNG NGƯỜI NHÁI.
Tiếp tục chính sách để ý đến Á châu từ thời Obama, MỸ, vào tháng 5,2019 có thông báo trong Chiến Lược Quốc Phòng 2019, là tăng cho hải quân Mỹ 10 khu trục hạm, 11O máy bay, 800 hỏa tiễn, và sẽ bán 34 máy bay không người lái cho cảnh sát biển Mã Lai, Indonesia, Phi và Việt Nam (chỉ 6 chiếc). NHƯNG MỸ CHỈ KÊU GỌI CÁC NƯỚC CÙNG CÓ HÀNH ĐỘNG TẬP THỂ/COLLECTIVE ACTION, KHÔNG PHẢI HÀNH VI QUÂN SƯ/MILITARY ACTION, MÀ là PHI QUÂn SỰ/NON-MILITARY ACTIONS, chống các cá nhân và còng ty/corporations Tàu nào làm việc xây cất, bằng cách sai áp tài khoản của họ tại Mỹ, và không cho họ Visa vô Mỹ (lời Chủ tịch Uỷ Ban Liên quân JCS, General Dunford, và dự luật ở Thượng Viện của một số nghị sĩ, trong đó Rubio). Theo Chiến Lược Quốc Phòng 2019, Mỹ muốn có đội tác partnership với 79 nước (12 tại Đông Nam Á). Với Việt Nam, sẽ cung cấp máy bay không người lái như đã ghi, tầu tuần duyên cho cảnh sát biển, gửi bộ trưởng quốc phòng tới Việt Nam 5-7 lần, giúp Việt Nam tổ chức hội nghị ASEAN năm 2019.
Nhưng cả hai phía Mỹ Tàu vẫn quên không nhắc tới biện pháp pháp lý chúng tôi đề ra nơi đây là phải kiện trước Tòa án Luật Biển xin bản án tuyên phán là các nước không phải là nước cận duyên, như Tàu, không có quyền xây trên các đá ở Biển Đông. Có như thế mới có hy vọng nào đó trong việc ngăn chặn sự vi phạm, lấn lướt của Tàu.***
Về việc bảo vệ dân chài Việt Nam, Hội Nghề Cá cũng phản đối và yêu cầu hải giám giúp đỡ hành nghề cá. Bộ Ngoại Giao Việt Nam ngày 22/03/2018 đã tuyên bố bác bỏ lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông mà Trung Quốc lại đơn phương ban hành, cho rằng quyết định đó vi phạm luật pháp quốc tế.
IV. COC, chủ quyền trên đá và quyền chủ quyền
BỘ NGOẠI GIAO MỸ, QUA THÔNG BÁO VÀ LỜI TUYÊN BỐ CỦA NGOẠI TRƯỞNG POMPEI, NGÀY 13/7/2020, VÀ QUA BÀI DIỄN VĂN NGÀY 14/7/2020 CỦA THỨ TRƯỞNG STILWELL TẠI CSIS (CENTER OF STRATEGIC AND INTERNATIONAL STUDIES), LẦN ĐẦU TIÊN đưa ra thật rõ NHỮNG ĐIỂM TRUNG QUỐC ĐÃ VI PHẠM QUYỀN VÀ LỢI ÍCH CỦA CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á TẠI VÙNG BIỂN CỦA BIỂN ĐÔNG, CHIẾU THEO UNCLOS, VÀ CHIẾU THEO NỘI DUNG BẢN ÁN TOÀ TRỌNG TÀI 2016 TRONG VỤ PHI LUẬT TÂN KIỆN TRUNG QUỐC, GIỐNG NHƯ 4 ĐIỂM NÊU TRÊN TRONG BÀI THAM LUẬN NĂM 2019 Này CỦA CHÚNG TÔI.
NHƯNG BỘ NGOẠI GIAO MỸ CHƯA NHẮC TỚI BIỆN PHÁP PHÁP LÝ NÀO, NHƯ GIÚP CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á KHỞI KIỆN NƯỚC TÀU, NHƯ CHÚNG TÔI NÓI TRÊN, NẾU TÀU LẠI TIẾP TỤC VI PHẠM VI PHẠM TRONG TƯƠNG LAI– mà chỉ nói trừng phạt các viên chức và doanh nghiệp liên quan đến các hành động phi pháp. MỸ CŨNG VẪN TRÁNH CỤ THỂ BÊNH NƯỚC NÀO VỀ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ TRÊN CÁC THỰC THỂ NỔI Ở VÙNG HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA, VÌ MUỐN TRÁNH LIÊN LỤY VÀO CÁC CUỘC CÃI VÃ NƯỚC NÀO CHIẾM NGỤ HOÀ BÌNH THỰC THỂ NÀO, VÀ QUẢN LÝ HOÀ BÌNH BAO NĂM RỒI, THEO LUẬT QUỐC TẾ TRUYỀN THỐNG.
BIỆN PHÁP BỔ TÚC: CODE OF CONDUCT
CODE OF CONDUCT (BỘ LUẬT ỨNG XỬ–COC), là dự thảo hiệp ước về các quy tắc hành sử trong Biển Đông, sẽ có tính ràng buộc pháp lý, một khi hai bên, Trung Quốc và, bên kia là tập thể các nước hội viên Association Of Southeast Asian States (ASEAN), thương nghị xong (thương nghị trong thời gian quá dài rồi, có lẽ vì Trung quốc cố kéo dài), rồi ký kết mà ban hành. Nó căn cứ nhiều trên một văn kiện chỉ có tính cách khuyến cáo nhiệm ý năm 2012, mà nó dựa vào nhiều trong nội dung, đó là Declaration of Conduct (Tuyên Bố Ứng Xử). Bộ Luật Ứng Xử COC có ghi rõ là nó tôn trọng luật quốc tế (cổ truyền, và Công Ước UNCLOS), 5 nguyên tắc sống chung hoà bình, và Hiệp Ước Thân Hữu Đông Nam Á (Treaty of Amity of Southeast Asia), và nó không trái với các quyền lợi của các nước khác, kể cả các cường quốc ngoài vùng như Mỹ, Nhật, Úc, Ấn, Anh, Pháp.
Như vậy thì thật ra COC không quan trọng lắm, vì không có nó thì các quốc gia cũng phải tôn trọng hai khung luật quốc tế vừa nói và các nguyên tắc hòa bình, thân hữu –tuy phải nhận là có COC với hiệu lực cưỡng hành về những cách hành sử thực tế trên biển, kể cả việc bảo vệ và chia sẻ công bình về tài nguyên cá, với các chi tiết về biển Đông thêm vào Công ước Luật Biển, thì vẫn tốt hơn. Hơn nữa, COC chỉ chi phối một mảng hạn chế về luật: nó ghi rõ là không áp dụng vào việc giải quyết chủ quyền lãnh thổ hay việc phân định biên giới biển, mà chỉ đưa ra một bộ luật các nguyên tắc thực tế về cộng tác hàng hải để có an ninh, an toàn trên biển, tránh các sự cố bất ngờ trong khi thực hành quyền tự do lưu thông trên biển.
Các quốc gia có quyền gợi ý về việc thêm các quy tắc cho COC. Trung Quốc nham hiểm đề nghị là việc cộng tác liên quốc về khai thác dầu khí ở Biển Đông chỉ dành cho Tàu và các nước ASEAN cận duyên, không cho nước ngoài khu vực tham dự (đề nghị này trái với quyển chuyền độc về tài nguyên về dầu khí và về cá của các nước cận duyên, UNCLOS,điều 56,57,76,77, theo đó họ muốn ký kết với nước nào có kỹ thuật khai thác tốt là quyền của họ), không cho các nước ngoài khu vực tham gia tập trận chung, trừ khi báo trước cho Tàu mà Tàu không phản đối (Điều này trái chủ quyền của mỗi nước, nhất là trong liên hệ với nước khác có thể củng cố an ninh quốc gia cho mình). Việt Nam ghi thêm: COC phải áp dụng cho các hòn đá đang có tranh chấp và các vùng biến của các bên có trùng lấp, Biển Đông chỉ dùng cho hòa bình, không nước nào dùng võ lực hay đe dọa võ lực, hay đối xử độc ác với công dân nước khác khi thi hành pháp luật trên biển, không ngăn chặn tầu tiếp tế hay mang nhân viên luân phiên ra biển, và không được quân sự hoá bằng cách đem khí giới lên các cấu trúc ở biển, không xây đảo nhân tạo,và không tuyên bố khu nhận dạng phòng không.
BÀN THÊM VỀ CHỦ QUYỀN TRÊN ĐÁ VÀ VÙNG BIỂN EEZ
Trung Quốc dùng võ lực chiếm đá Gạc Ma của Việt Nam và 6 đá Xu Bi, Ga Ven, Chữ Thập (Fiery Cross), Châu Viên (Cuarteron), Vành Khăn (Mischief), Tư Nghĩa (Hughes) của Phi Luật Tân, thì không tạo ra chủ quyền lãnh thổ (territorial sovereignty) theo Luật Tục Quốc Tế (Customary International Law, đã mấy trăm năm– không phải do Công Ước Luật Biển 1982 quy định), MIỄN LÀ VN và Philippines PHẢI LIÊN TỤC PHẢN ĐỐI BẰNG VĂN BẢN , CHỨ IM LẶNG LÂU QUÁ THÌ CHỦ QUYỀN COI NHƯ BỊ THỜi TIÊU (PRESCRIPTION ). ĐÓ LÀ QUY TẮC LUẬT QUỐC TẾ.
Thiết nghĩ Việt Nam đã làm tốt về mặt luật Quốc tế, vì thỉnh thoảng đã lên tiếng phản đối mỗi khi Tàu làm gì đó như lập đơn vị hành chánh Huyện Tam Sa, hay xây thêm gì đó. Nhưng lời phản đối, muốn được quốc tế, nhất là các nước Đông Nam Á có đá (reefs) ở Trường Sa, ủng hộ, thì không nên nhận vơ [tất cả] “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, như quần chúng nêu trong biểu ngữ trên đường phố, mà phải nói “Hoàng Sa Của Việt Nam và NHỮNG ĐÁ CỦA Việt Nam TẠI TRƯỜNG SA” .
Nhà nghiên cứu Vũ Quang Việt đã nói một điểm là đá nổi chỉ có 12 miles lãnh hải (maritime zone, cột nước) chung quanh mà thôi, không có 200 hai hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
VẬY GIẢ THỬ TẠM COI, ĐỂ LÝ LUẬN MÀ THÔI, LÀ (nói theo ngôn ngữ Luật, “SUPPOSE ARGUENDO”) Tàu là chủ nhân 7 đá nổi trên THÌ các vùng biển EEZ và CÁC THỀM LỤC ĐỊA 200 hải lý (hay 350 nếu tính theo đơn xin NỚI rộng Việt Nam và Mã đã nạp UN năm 2009) TÍNH TỪ CÁC LỤC ĐỊA Việt Nam, Philippines, BORNEO, MÃ LAI CŨNG không THUỘC QUYỀN của Trung Quốc — vì Lục địa của Tàu, cách Trường Sa gần 1000 hải lý, không thể tạo ra cho họ EEZ hay Thềm Lục Địa nào ở vùng Trường Sa.
KẾT LUẬN: Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) hoàn toàn thuộc Việt Nam.
CÓ VÀI VỤ TRANH CHẤP QUỐC TẾ, như vụ tại vịnh Bengal, thì người ta cũng giải thích như tôi vừa nói — nghĩa là có thực trạng trên thực điạ rất buồn cười, nước A làm chủ đất đai chễm trệ trong thềm lục địa nước B, A làm chủ đá, đất vì đó quyền thủ đắc, droit acquis, lâu đời theo Customary International Law, còn B là có quyền chủ quyền (sovereign rights) trên Thềm Lục Địa là theo UNCLOS.
Tạ Văn Tài.
(Bài phát biểu tại Hội Thảo Biển Đông, Đại Học Huế 2019. Bổ sung lời bàn về ĐÁ/ REEF và SHELF ngày 15/7/2020.)
Không có nhận xét nào