Ks. Nguyễn Minh Quang
11 tháng 2 năm 2022
Dự án kinh đào Hồng Kỳ (màu đỏ) [1]
Phần giới thiệu
Dự án kinh đào Hồng Kỳ (Red Flag River Project), được loan báo lần đầu tiên vào ngày 1 tháng 11 năm 2017, là một dự án được thai nghén bởi Nhóm Nghiên cứu S4679 (S4679 Research Group) gồm có các viện sĩ, giảng sư, và học giả trẻ do giảng sư (GS) Wang Hao (Vương Hạo) của Đại học Tsinghua (Thanh Hoa) ở Trung Hoa cầm đầu. GS Wang Hao cũng là viện sĩ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Hoa, kỹ sư trưởng của Viện Thủy lợi và Nghiên cứu Thủy điện Trung Hoa, và thành viên cốt yếu của Ủy ban Cố vấn của Bộ Thủy lợi Trung Hoa [2].
Đến ngày 11 tháng 2 năm 2022, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (Voice of America (VOA)) đăng tải một bài viết của nhà văn bác sĩ Ngô Thế Vinh [3], trong đó, tác giả “lên án” “Trung Quốc vắt kiệt nguồn nước Á Châu” và kết luận rằng: “Với Trung Quốc ngày nay, chỉ có một tiếng nói của sức mạnh. Cuộc đấu tranh để sinh tồn có thể dẫn tới cuộc chiến tranh vì nước ngay trong thế kỷ 21 này.”
Bài viết nầy có mục đích tìm hiểu thêm về dự án kinh đào Hồng Kỳ qua nhản quan thủy học.
Đặc điểm kỹ thuật
Dự án kinh đào Hồng Kỳ là một dự án thủy nông với tham vọng chuyển nước của các sông ở phía nam và tây nam như Yarlung Tsangpo (Brahmaputra), Salween, Mekong, Yangtze, Yalong và Dadu qua 1 hệ thống kinh đào dài 6.180 km để biến vùng Xinjiang (Tân Cương) khô cằn có diện tích khoảng 133.300 km2 thành một ốc đảo xanh tươi [4].
Hình 1. Sơ đồ dự án kinh đào Hồng Kỳ.
[Ảnh: Conservacy Commission of the China’s Ministry of Water Resources]
Theo The Diplomat, lưu lượng nước được chuyển là 60 tỉ m3/năm và chiếm 21% nước thượng nguồn của 3 sông quốc tế (Mekong, Salween (Nujiang) và Brahmaputra). “Tuy nhiên, ảnh hưởng của đề nghị thật sự rất nhỏ. Trong trường hợp của Mekong, lưu lượng từ thượng lưu sông chỉ chiếm có 2,96% tổng số lưu lượng của sông. Đối với Brahmaputra, lưu lượng từ thượng lưu là 9,59% mặc dù Trung Hoa có diện tích lưu vực lớn nhất. Đối với Salween, lưu lượng từ thượng lưu là 13,9%. Vì những tỉ lệ nầy khá nhỏ, điều nầy có nghĩa là 21% lưu lượng ở thượng lưu được đề nghị cho kinh đào Hồng Kỳ cũng khá nhỏ… Dựa trên tính toán của chúng tôi, 21% chuyển nước đề nghị từ thượng lưu của 3 sông quốc tế thật sự khá nhỏ về dòng chảy tổng quát của chúng. Điều nầy cho thấy rằng mất mát ròng được ước tính cho mỗi sông quốc tế không nghiêm trọng như suy nghĩ ban đầu.” [2]
Theo những nhà quy hoạch dự án, nó phải mất 10 năm để xây với chi phí lên đến 4.000 tỉ yuan (650 tỉ USD) hay với chi phí ‘chuyển’ nước là 66 yuan/m3, được xem là quá cao [4].
Nhận xét
Cho đến nay, dự án kinh đào Hồng Kỳ vẫn là một “đề nghị” vì “Bộ Ngoại giao và Bộ Thủy lợi Trung Hoa phủ nhận mối liên hệ với dự án.” [5] Tuy nhiên, nó đã “thu hút trí tưởng tượng của trang mạng ở Trung Hoa sau cuộc họp báo đầu tiên được tổ chức để thảo luận dự án trong tháng 11 năm 2017” và “nổi tiếng trên khắp thế giới sau khi các bài tường thuật được dăng tải trên truyền thông Anh ngữ.” [5]
Theo các nhà quy hoạch dự án, “ý tưởng vĩ đại’” nầy đối mặt với những thách thức lớn lao trong nhiều lãnh vực như địa chất, kỹ thuật, kinh tế, xã hội và sinh thái và một bấp bênh rất cao. Liệu 60 tỉ m3 nước có đủ để phát triển 133.300 km2 đất canh tác? Một câu hỏi khác là có bao nhiêu nước có thể đến vùng được phát triển ở Xinjiang, nơi có mức rò rỉ và bốc hơi cao. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng môi trường, hậu quả sinh thái, và ảnh hưởng kinh tế xã hội liên quan đến các tiến trình vật lý địa cầu, hóa học và sinh học, cũng như tiến trình phức tạp của sự cân bằng hài hòa của mối liên hệ giữa con người và trái đất. Vì dự án liên quan đến các sông quốc tế, các rủi ro địa chánh trị tiềm tàng cũng cần được lưu ý. [4]
Tuy nhiên, theo Wang Hao, sinh thái không phải là vấn đề. Ông lập luận rằng: “Những người nầy (các nhà khoa học hoạch định việc chuyển nước) không điên dại… họ có ý thức trách nhiệm.” Ông nêu ra cái ông gọi là vấn đề chánh: “Không có nước ở tây nam và tây bắc. (Nếu dự án được thực hiện), toàn thể quốc gia sẽ thay đổi, và các thế hệ tương lai sẽ tốt hơn.” [1]
Ảnh hưởng đối với Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long
Với những danh từ “đao to búa lớn,” nhà văn bác sĩ Ngô Thế Vinh ví dự án kinh đào Hồng Kỳ là “một khủng long của Bắc Kinh… một đe dọ to lớn, gần như tội ác cho nhân loại” để “vắt kiệt nguồn nước Châu Á” [3]. Ông còn viết: “Rồi ra, chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu vẫn có một số vị tiến sĩ hay trí thức khoa bảng trong và cả ngoài nước – sẽ hành xử như những luật sư tự nguyện bào chữa cho Bắc Kinh rằng: Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc. Họ chỉ biết dựa vào một con số đơn giản, cho rằng chỉ có 16% số lưu lượng sông Mekong đổ xuống từ Trung Quốc. Và nay, Sông Cờ Đỏ có lấy thêm đi mấy phần trăm của con số 16% ấy thì nạn hạn hán nếu có xảy ra cũng không phải lỗi Trung Quốc. Thực tế vào mùa khô khi nước khan hiếm nhất, lượng nước từ Trung Quốc xuống Mekong lên tới 40% và 70%, gấp hai tới bốn lần hơn con số họ cố ý trích dẫn [nguồn: https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/china-eyes-its-next-prize-mekong]. Và người ta vẫn có thể tự ru ngủ mà bảo rằng: tranh chấp nước “trên nguồn – dưới nguồn/upstream-downstream” bấy lâu vẫn là chuyện bình thường, ngay cả giữa các địa phương trong cùng quốc gia.”
Dựa theo các đặc điểm kỹ thuật được The Diplomat nêu trên, dự án kinh đào Hồng Kỳ chỉ chuyển 21% số nước ở thượng nguồn của các sông quốc tế, chỉ bằng 2,96% lưu lượng của sông Lancang chảy vào Mekong, và kết luận rằng “21% chuyển nước đề nghị từ thượng lưu của 3 sông quốc tế thật sự khá nhỏ về dòng chảy tổng quát của chúng. Điều nầy cho thấy rằng mất mát ròng được ước tính cho mỗi sông quốc tế không nghiêm trọng như suy nghĩ ban đầu.” [2]. Chưa thấy một người Việt Nam nào “biện hộ cho Trung Quốc” như nhà văn bác sĩ Ngô Thế Vinh “lo ngại”!
Nhà văn bác sĩ Ngô Thế Vinh đưa ra mấy con số 16%, 40% và 70% mà ông cho là “họ cố ý trích dẫn” để bào chữa cho Trung Hoa nếu hạn hán có xảy ra. Nhưng trong một phúc trình mới đây về tình trạng hạn hán và dòng chảy thấp trọng Hạ Lưu vực Mekong trong các năm 2019 đến 2021 [6], Ủy hội Sông Mekong cho biết: “Thượng Lưu vực Mekong chiếm khoảng 29% diện tích của toàn lưu vực và đóng góp 64 km3 hay 13,5% dòng chảy hàng năm của sông là 475 km3,” và kết luận rằng tình trạng hạn hán và dòng chảy thấp là do mưa ít và trễ trên toàn lưu vực trong 3 năm đó.
Lưu ý là con số 13,5% là tỉ lệ dòng chảy trung bình hàng năm của sông Lancang ở biên giới Trung Hoa so với sông Mekong ở cửa biển. Tỉ số nầy thay đổi theo mùa và vị trí, như được trình bày trong Hình 2 [7] dưới đây.
Hình 2. Đóng góp vào dòng chảy trong dòng chánh sông Mekong.
Theo Hình 2, tỉ lệ đóng góp của Trung Hoa vào lưu lượng của dòng chánh Mekong ở Vientiane vào khoảng 39% trong mùa mưa và khoảng 62% trong mùa khô. Tỉ số nầy giảm xuống ở Kratie, chỉ còn khoảng 15% trong mùa mưa và khoảng 31% trong mùa khô.
Nhưng theo một phúc trình của Đại học Tsinghua và Viện Thủy lợi và Nghiên cứu Thủy điện Trung Hoa [8], tỉ lệ đóng góp trung bình hàng năm của sông Lancang vào lưu lượng của dòng chánh Mekong là 13,8% ở Kratie. Nếu dùng tỉ lệ nầy để đánh giá ảnh hưởng đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì dự án kinh đào Hồng Kỳ sẽ làm giảm lưu lượng nước của sông Mekong vào ĐBSCL 2,9% hay 13,7 km3/năm. Nếu so sánh với lưu lượng ở cửa sông Mekong là 475 km3/năm, tỉ số nầy cũng bằng 2,9%.
Phần kết luận
Vào ngày 1 tháng 11 năm 2017, dự án kinh đào Hồng Kỳ được loan báo lần đầu tiên bởi Nhóm Nghiên cứu S4679, gồm có các viện sĩ, giảng sư, và học giả trẻ do GS Wang Hao của Đại học Tsinghua, Trung Hoa cầm đầu. Đây là một dự án thủy nông với tham vọng chuyển hàng năm 60 tỉ m3 nước của các sông ở phía nam và tây nam như Yarlung Tsangpo (Brahmaputra), Salween, Mekong, Yangtze, Yalong và Dadu qua 1 hệ thống kinh đào dài 6.180 km để biến vùng Xinjiang khô cằn có diện tích khoảng 133.300 km2 thành một ốc đảo xanh tươi. Theo các nhà quy hoạch dự án, “ý tưởng vĩ đại” nầy đối mặt với những thách thức lớn lao trong nhiều lãnh vực như địa chất, kỹ thuật, kinh tế, xã hội và sinh thái và một bấp bênh rất cao. Lập tức, nó đã thu hút trí tưởng tượng của trang mạng ở Trung Hoa và nổi tiếng trên khắp thế giới sau khi các bài tường thuật được đăng tải trên truyền thông Anh ngữ.
Nhưng cho đến nay, nó vẫn là một “đề nghị” vì “Bộ Ngoại giao và Bộ Thủy lợi Trung Hoa phủ nhận mối liên hệ với dự án. Vậy mà vẫn có người “lo xa” là dự án sẽ “vắt kiệt nguồn nước của Châu Á” và “có thể dẫn tới cuộc chiến tranh vì nước ngay trong thế kỷ 21 này.” Theo The Diplomat, dự án kinh đào Hồng Kỳ chỉ chuyển 21% số nước ở thượng nguồn của các sông quốc tế, chỉ bằng 2,96% lưu lượng của sông Lancang chảy vào Mekong, và kết luận rằng mất mát ròng được ước tính cho mỗi sông quốc tế không nghiêm trọng như suy nghĩ ban đầu. Tuy nhiên, The Diplomat đã quên rằng Trung Hoa hiện có 11 đập đang hoạt động trên sông Lancang.; do đó, cắt 21% số nước ở thượng nguồn sông Lancang không chỉ mất bấy nhiêu mà sẽ bị mất 11 lần nếu số nước đó được dùng để sản xuất thủy điện trên sông Lancang.
Dự án kinh đào Hồng Kỳ có thể là một trong những dự án vĩ đại trên thế giới, nhưng nó không phải là “khủng long hay tội ác đối với nhân loại,” vì Trung Hoa có quyền sử dụng các nguồn nước quốc tế để phát triển quốc gia một cách công bình và hợp lý và nhất là không gây nguy hại cho các quốc gia khác.
Sơ lược về tác giả
Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và California. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972. Trưởng ty Kế hoạch, Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn đến tháng 4 năm 1975. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983) và Cao học Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ. Chuyên viên Thủy học (Hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989. Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles. Về hưu từ năm 2016.
Tài liệu tham khảo
[1] Claude Arpi. April 12, 2018. “China’s craving for mad old dreams.” Claude Arpi’s Blog. https://claudearpi.blogspot.com/2018/04/chinas-craving-for-mad-old-dreams.html
[2] Genevieve Donnellon-May and Mark Wang. October 23, 2021. “Red Flag River and China’s Downstream Neighbors.” The Diplomat. https://thediplomat.com/2021/10/red-flag-river-and-chinas-downstream-neighbors/
[3] Ngô Thế Vinh. 11/02/2022. “Viễn cảnh 2022: Tung hoành với Sông Cờ Đỏ, Trung Quốc vắt kiệt nguồn nước Châu Á.” VOA. https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%85n-c%E1%BA%A3nh-2022-tung-ho%C3%A0nh-v%E1%BB%9Bi-s%C3%B4ng-c%E1%BB%9D-%C4%91%E1%BB%8F-trung-qu%E1%BB%91c-v%E1%BA%AFt-ki%E1%BB%87t-ngu%E1%BB%93n-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ch%C3%A2u-%C3%A1/6434135.html
[4] Claude Arpi. June 6, 2018. “’Red Flag River’ diversion project.” Claude Arpi’s Blog. https://claudearpi.blogspot.com/2018/06/red-flag-river-diversion-project.html
[5] Abigal Dawson and Matt Schrader. December 7, 2018. “’Red Flag River’: How the Media Falsely Hypes Up Dubious PRC Threats.” The News Lens. https://international.thenewslens.com/article/109721
[6] Mekong River Commission. January 2022. Mekong Low Flow and Drought Conditions in 2019-2021-Hydrological Conditions in the Lower Mekong River Basin. Technical Report. Mekong River Commission. https://www.mrcmekong.org/assets/Publications/LowFlowReport20192021.pdf
[7] Mekong River Commission. April 2020. Understanding the Mekong River’s hydrological conditions: A brief commentary on the “Monitoring the Quantity of Water Flowing Through the Upper Mekong Basin Under Natural (Unimpeded) Conditions” study by Alan Basist and Claude Williama (2020). Mekong River Commission Secrertariat. https://www.mrcmekong.org/assets/Publications/Understanding-Mekong-River-hydrological-conditions_2020.pdf
[8] Fuqiang Tan et al. July 2020. Drought Characteristics of Lancang-Mekong River Basin and the Impacts of Reservoir Regulation on Streamflow. Tsinghua University and China Institute of Water Resources and Hydropower Research. http://www.lmcwater.org.cn/authoritative_opinion/study/202009/P020200904567203081679.pdf
Không có nhận xét nào