Header Ads

  • Breaking News

    Các tập đoàn lớn của phương Tây vẫn tiếp tục kinh doanh sau các lệnh trừng phạt liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ

     

    Công nhân đi bộ bên hàng rào bao quanh của nơi được chính thức gọi là trung tâm giáo dục kỹ năng nghề ở Đạt Phản Thành, Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, vào ngày 04/09/2018. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters)

    Dell, Tesla, VW, GE, và Microsoft, các tâp đoàn lớn của phương Tây vẫn tiếp tục kinh doanh tại Trung Quốc gần đây

    Bất chấp sự phản đối ngày càng gia tăng trong các nền dân chủ về mối đe dọa đối với nhân quyền và sự ổn định quốc tế từ Trung Quốc, và về cuộc diệt chủng của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm tôn giáo khác, các tập đoàn lớn của phương Tây vẫn tiếp tục kinh doanh ở Trung Quốc, bao gồm cả với quân đội và cảnh sát.

    Một số hoạt động kinh doanh trong đó có thể vi phạm một luật mới của Hoa Kỳ chống lại các chuỗi cung ứng có chạm tới khu vực Tân Cương, nơi đang diễn ra cuộc diệt chủng. Tất cả đều đáng nghi vấn về mặt đạo đức.

    Hôm 02/02, Tạp chí Wall Street Journal đã đưa tin về một báo cáo mới của Quỹ Các nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản và Tổ chức Tư vấn Tầm nhìn (Victims of Communism -VOC- Foundation and Horizon Advisory). Bản báo cáo lên án một cách xác đáng những sai trái về mặt đạo đức đối với sự hỗ trợ mà các tâp đoàn lớn của phương Tây [tiếp tục] kinh doanh ở Trung Quốc dành cho “việc hiện đại hóa quân đội, nhà nước giám sát, và vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.”

    Theo tờ Tạp chí: “Báo cáo cho thấy Dell có văn phòng tại Urumqi, thủ phủ của Tân Cương. Dell gần đây đã quảng cáo tuyển dụng cho một vị trí quản lý bán lẻ ở Urumqi, hứa hẹn rằng ứng viên trúng tuyển sẽ gia nhập vào một ‘nhóm đa dạng và hòa nhập’ và ‘tạo ra tác động xã hội sâu sắc.’

    Năm 2018, công ty con của Dell tại Trung Quốc là đồng tác giả của một báo cáo cùng chính phủ Trung Quốc về hoạt động công nghiệp hóa kỹ thuật số, bao gồm dữ liệu lớn, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI), tất cả đều có ứng dụng quân sự và tình báo.

    Dell không hề đơn độc.

    Vào đêm giao thừa, Tesla đã thông báo về việc mở một phòng trưng bày ở Tân Cương. Công ty sản xuất xe điện (EV) của phương Tây này tiếp tục có nhà máy ở Thượng Hải, nơi đang tăng cường sản xuất cho thị trường Trung Quốc và Âu Châu. Vào năm 2021, Tesla đã bán được khoảng 480,000 chiếc EV hạng sang tại Trung Quốc.

    Một người đàn ông đeo khẩu trang sau đợt bùng phát dịch bệnh coronavirus đi cạnh chiếc xe sedan Tesla Model 3 và xe thể thao đa dụng Tesla Model X tại một phòng trưng bày Tesla mới ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 08/05/2020 (Ảnh: Yilei Sun/Reuters)

    Volkswagen của Đức, đã công bố hôm 03/02 về kế hoạch đạt doanh số 1 triệu EV tại Trung Quốc vào năm 2023, có một nhà máy sản xuất xe hơi ở Tân Cương. Trung Quốc là thị trường lớn nhất trên toàn cầu của công ty với khoảng 40% tổng doanh thu. Số các cửa hàng Volkswagen tại Trung Quốc sẽ tăng từ 115 vào năm 2021 lên 200 vào năm 2022.

    Volkswagen đang mở rộng phát triển và sản xuất tại Trung Quốc, điều này có thể đồng nghĩa với việc chuyển giao các công nghệ quân sự lưỡng dụng như kết nối internet (có thể là 5G) và công nghệ tự lái.

    Vào năm 2023, một nhà máy EV mới của liên doanh Trung Quốc-Volkswagen sẽ hoạt động hết công suất tại tỉnh An Huy. Hơn 500 kỹ sư sẽ có mặt tại nhà máy, nâng tổng số kỹ sư của Volkswagen tại Trung Quốc lên hơn 5,000 người.

    Một giám đốc điều hành của Volkswagen nói với Nikkei trong một cuộc phỏng vấn hôm 03/02: “Trước đây, cách tiếp cận của chúng tôi là phát triển ở Đức và bản địa hóa ở Trung Quốc. Nhưng cách tiếp cận này sẽ được thay đổi đáng kể bằng cách thiết lập nhiều nguồn lực địa phương hơn cho R&D, đặc biệt là phần mềm, để trở nên nhanh hơn, độc lập hơn ở Trung Quốc.”

    Với công suất 300,000 xe mỗi năm của nhà máy An Huy, tổng sản lượng của Volkswagen sẽ tăng lên 1 triệu chiếc. Volkswagen còn sản xuất khoảng 4 triệu xe chạy bằng khí đốt khác mỗi năm tại Trung Quốc.

    General Electric và Intel cũng tiếp tục có các giao dịch kinh doanh đáng ngờ ở Trung Quốc. Liên doanh của General Electric với một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được cho là đã đạt được thỏa thuận với chính quyền ở Tân Cương.

    Các hệ thống giám sát của Trung Quốc, theo một báo cáo năm 2019 của tờ Tạp chí, sử dụng vi mạch bán dẫn Intel. VOC báo cáo rằng các tổ chức an ninh công cộng ở Tân Cương đã mua ổ cứng và máy chủ của Intel cho đến ít nhất là năm 2021.

    Microsoft rõ ràng đã và đang hợp tác với các công ty Trung Quốc cung cấp các sản phẩm giám sát và các dịch vụ khác cho cảnh sát và các trung tâm giam giữ của Trung Quốc, bao gồm cả ở Tân Cương. Theo tờ Tạp chí, một số trong các sản phẩm này bao gồm nền tảng “mạng xã hội” và “xác minh phương tiện.” Một hợp đồng hợp tác năm 2018 với một công ty Trung Quốc bao gồm các công nghệ học máy và AI nâng cao để tự động hóa phân tích hình ảnh cho máy bay không người lái thành “thông tin chi tiết để có thể đưa ra hành động.”

    Công ty (Trung Quốc) này, DJI, đã bị Ngũ Giác Đài nêu tên vào năm 2021 vì đặt ra “các mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia.”

    Microsoft cũng vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đối tác và bán hàng cho Huawei, ngay cả sau những cáo buộc của Hoa Kỳ vào năm 2012 về những vi phạm pháp luật có thể xảy ra đối với công ty.

    Như thường lệ, các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Âu Châu đang bán nhiều nhất có thể cho Trung Quốc trong phạm vi quy định của pháp luật và có thể còn xa hơn nữa. Chắc chắn rằng sự hợp tác của họ với một chế độ chuyên chế và diệt chủng, mà dưới thời ông Tập Cận Bình dường như đang tiệm cận đến mức tồi tệ mới nhất trong lịch sử của chủ nghĩa phát xít, làm nảy sinh các vấn đề đạo đức nghiêm trọng.

    Lợi nhuận tăng thêm có thực sự biện minh cho việc giúp sức cho một chế độ vốn có thể khiến cháu chắt của quý vị phải lao động cưỡng bức, hoặc tệ hơn không?

    Các chính phủ phương Tây trước đây hoan nghênh việc làm ăn với Trung Quốc dựa trên lý thuyết rằng điều đó sẽ giúp tự do hóa chế độ ở Bắc Kinh. Bây giờ họ nhận ra rằng mối gắn kết này đã thất bại.

    Ngay cả ở Đức, một trong những quốc gia chống lại mọi ràng buộc đạo đức đối với kinh doanh ở Trung Quốc, thì các quy tắc “Wandel durch Verflechtung” (thay đổi thông qua kết nối) và “Wandel durch Handel” (thay đổi thông qua thương mại) đang bị mất giá trị.

    Hôm 03/02, người đồng đứng đầu Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Đức, Lars Klingbeil, đã lưu ý một cách xác đáng rằng “Chúng tôi chưa tìm ra một cách thuyết phục để đối phó với các quốc gia độc tài. Tôi tự hỏi liệu khái niệm đã có từ nhiều thập kỷ trước về việc cố gắng mang lại sự thay đổi ở một quốc gia thông qua các liên kết chặt chẽ hơn và các mối quan hệ kinh tế có còn phù hợp hay không.”

    Tôi cũng băn khoăn tự hỏi như vậy.

    Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.

    Lưu Đức biên dịch

    Việt Luận Úc Châu

    Không có nhận xét nào