Header Ads

  • Breaking News

    Vincente Nguyen - Tư bản thân hữu và mối liên hệ với thể chế của Việt Nam


    Tìm hiểu về một biến thể của chủ nghĩa tư bản trong mối tương quan với Việt Nam.



    Từ trái qua: ông Lê Viết Lam (người sáng lập Sun Group), ông Phạm Nhật Vượng (người sáng lập Vingroup), ông Trịnh Văn Quyết (người sáng lập FLC). Nguồn: khudothixanh.net, Báo Tuổi Trẻ, afamily.vn. Ảnh nền: Getty Images.

    “Tư bản thân hữu” là gì?

    Tư bản thân hữu là một khái niệm không quá xa lạ với giới nghiên cứu khoa học chính trị và pháp lý.

    Thuật ngữ tiếng Anh của từ này, “crony capitalism”, là sự kết hợp hai thành tố giữa:

    Chủ nghĩa tư bản (capitalism): mô hình kinh tế nơi mà quyền tư hữu được đặt lên hàng đầu. Theo đó, nhà nước bảo đảm rằng các hoạt động kinh tế được vận hành dựa trên quyền tự do sở hữu, môi trường tự do cạnh tranh và các chủ thể kinh tế tự do theo đuổi các mục tiêu lợi ích của mình.

    Chủ nghĩa thân hữu (cronyism): một loại tư duy/ định hướng hành vi, trong đó các lợi ích, ưu thế, quyền lực hoặc thông tin có giá trị được phân bổ cho người thân, bạn bè, hay các chủ thể khác dựa trên sự tin tưởng, thay vì dựa trên các chuẩn mực công bình hay minh bạch.

    Như vậy, tư bản thân hữu có thể hiểu là một mô hình kinh tế nơi mà quyền tư hữu và quyền tự do kinh doanh được bảo vệ về mặt hình thức. Tuy nhiên, trong mô hình này, cấu trúc nhà nước không bảo đảm được môi trường tự do cạnh tranh. Thay vào đó, nó tạo cơ hội ưu đãi cho một số chủ thể kinh tế có kết nối chính trị/ huyết thống/ xã hội với các chủ thể nắm quyền nhà nước.

    Điều này có thể được thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau, thông qua chính sách, pháp luật, rào cản đăng ký, truyền thông, hay độc quyền thị trường tạm thời, v.v.

    Vấn đề tư bản thân hữu đặc biệt liên quan đến tình hình kinh tế của các quốc gia đang phát triển.

    Nếu xét theo các sự kiện bề nổi của vụ bê bối về bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á, với sự hậu thuẫn của cơ quan chính quyền trung ương thông qua quy trình “cấp phép”, [1] nhận chỉ định thầu/ giá độc quyền tại địa phương, [2] được ca ngợi bằng hệ thống báo chí lẫn các cơ quan ban ngành, [3] tính thân hữu nhất định của Việt Á bên trong hệ thống chính trị để tạo nên các ưu đãi đó, dù chưa có thông tin cụ thể và rõ ràng, vẫn có thể cảm nhận được.


    Ông Phan Quốc Việt, tổng giám đốc công ty Việt Á (ảnh trái), cùng những người đã bị khởi tố điều tra trong vụ án Việt Á. Nguồn: Báo Người Lao Động.

    Tư bản thân hữu khác gì với hối lộ?

    Nếu cho rằng tư bản thân hữu là hệ thống dây nhợ với lợi ích chồng chéo giữa các chủ thể kinh doanh và những cá nhân có thẩm quyền trong nhà nước, vậy tư bản thân hữu có khác gì với các khái niệm lợi ích khác như hối lộ (bribery)?

    Trong vụ Việt Á, “tiền hoa hồng” trị giá hàng chục tỷ đồng dành cho người đứng đầu trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thường được nêu lên trước báo chí như là dấu hiệu sai phạm rõ ràng nhất của Việt Á (tức hành vi hối lộ). Tuy nhiên, cách mà Việt Á được ưu ái biến thành doanh nghiệp “đầu tàu” của cả nước, và từ đó là “đầu mối” cung cấp bộ xét nghiệm cho tất cả các tỉnh thành, rõ ràng không thể chỉ dựa vào hối lộ.

    Đây cũng là một trong số ba điểm khác biệt căn bản, theo nhiều nghiên cứu, giữa tư bản thân hữu và hối lộ. [4]

    Thứ nhất, tư bản thân hữu lấy nền tảng là niềm tin, lòng trung thành chính trị, mối quan hệ thân bằng quyến thuộc và các mối quan hệ xã hội khác. Thuật ngữ này nhắm đến các mối quan hệ gắn kết và lợi ích (mà không nhất thiết về tiền bạc, kinh tế) giữa các giai tầng bậc cao, nắm giữ quyền lực và các lợi ích lớn.

    Trong khi đó, hối lộ, dù vẫn xảy ra ở thượng tầng kiến trúc, thường tập trung vào trao đổi lợi ích kinh tế và có thể diễn ra ở mọi tầng cấp xã hội, đặc biệt là ở cấp trung và cấp thấp.

    Thứ hai, thân hữu và các hoạt động trục lợi thân hữu thường có liên quan đến một nền công nghiệp, hay cả một nền kinh tế. Ví dụ như việc đưa ra quy định rào cản gia nhập một ngành, hay chỉ cấp phép thông qua một vài nhóm sản phẩm nhất định (như đặc trưng của ngành y tế trong trường hợp Việt Á).

    Mặt khác, hối lộ có tính chất cụ thể và phụ thuộc vào vụ việc hơn (firm and case-specific). Nói cách khác, lợi ích đổi chác từ hối lộ là thông qua từng tình huống và từng hoàn cảnh, không nhất thiết có ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường.

    Cuối cùng, chúng ta cần hiểu rằng bản chất lợi ích và động lực chính trị giữa hai hành vi là rất khác nhau, từ đó dẫn đến những hệ quả khác nhau.

    Hối lộ có tính sai dễ thấy, và hậu quả cũng dễ chứng minh hơn. Điều này bởi vì trong hành vi hối lộ, chúng ta xác định được người có quyền (điển hình là quan chức) nhận tiền/ lợi ích để thực hiện một hành vi dù đúng hay không đúng với quy định.

    Trong khi đó, tư bản thân hữu đi kèm cả một hệ thống lợi ích gắn kết giữa các cá nhân kinh doanh và các cá nhân đưa ra quyết định pháp lý, thường vượt lên trên vấn đề kinh tế.


    Ông Đỗ Anh Dũng (trái), chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh, người vừa gây dư luận với việc trúng đấu giá lô đất Thủ Thiêm và ngay sau đó rút lui. Người bắt tay ông trong ảnh là ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC. Nguồn: cafebiz.vn.

    Các quyết định đưa ra có thể nhân danh việc kiểm soát chất lượng thị trường, đấu tranh vì lợi ích người tiêu dùng, cách biệt về năng lực của chủ thể tham gia ngành, v.v.

    Tại một thị trường mới nổi với hệ thống minh bạch yếu như Việt Nam, sự trỗi dậy của các doanh nghiệp ít nhiều đều có liên quan tới quá trình thân hữu, mà giới bình dân hay nhìn nhầm thành tài năng hay năng lực của chủ doanh nghiệp.

    Cụ thể, doanh nghiệp phất lên nhờ bất động sản luôn có các mối thân hữu liên quan đến đất đai; phát triển nhờ vào xuất nhập khẩu gạo, gỗ hay hải sản sẽ có các mối thân hữu liên quan đến hạn ngạch hay quy trình, tiêu chuẩn xuất khẩu; kiếm tiền nhờ vào truyền thông hay bán lẻ sẽ có các mối thân hữu dính dáng đến giấy phép hay thủ tục, v.v.

    Song tựu trung, cả hối lộ lẫn tư bản thân hữu đều là những biểu hiện khác nhau của tham nhũng (corruption) trong hoạt động quản lý nhà nước.

    Khái niệm “cộng sản thân hữu” (crony communism) có tồn tại hay không?

    Khái niệm cộng sản thân hữu không được giới nghiên cứu khoa học pháp lý và chính trị ghi nhận, bởi nhiều lý do.

    Mô hình kinh tế tư bản có sự tách bạch hiến định nhất định giữa cơ quan nhà nước và các hoạt động kinh tế.

    Chủ nghĩa tư bản cho rằng sự can thiệp của nhà nước sẽ làm mất đi giá trị mà nó trân trọng nhất – tư hữu và tự do kinh doanh. Do đó, cơ quan và các chức danh nhà nước thường bị kiểm soát hay loại trừ khỏi các hoạt động kinh tế sinh lợi. Chủ nghĩa thân hữu làm biến dạng mô hình kinh tế tư bản, và vì vậy trở thành một biến thể của mô hình này.

    Ngược lại, tự thân mô hình kinh tế cộng sản là nơi mà chính quyền nắm toàn bộ quyền lực trong các quyết định kinh tế. Tự thân các chức danh nhà nước và các mối quan hệ thân hữu của họ đã nắm vai trò cốt yếu trong việc phân bổ lợi ích kinh tế.

    Do đó, chủ nghĩa thân hữu được xem là một phần đặc trưng của mô hình kinh tế cộng sản. Việc thêm thành tố “thân hữu” vào được cho là thừa.



    Không có nhận xét nào