Header Ads

  • Breaking News

    Tưởng Năng Tiến – Cha Con & Đất Nước



    Với thời gian, tôi bắt đầu nhận ra (mỗi lúc một rõ thêm) những dấu hiệu bất thường của tuổi già. Tôi không biết sáng nay mình đã uống thuốc cao máu hay chưa? Cũng chả rõ bữa trưa hôm qua mình ăn cái gì (nữa) nhưng lại thường nhớ như in những chuyện đã xa lắc xa lơ, từ hồi năm một ngàn chín trăm … nào đó!


    Chiều nay, may quá, trí nhớ của tôi bỗng hoạt động có vẻ bình thường trở lại. Tôi chợt nhớ đến một bài viết cũ (“Người Ra Đi Đầu Không Ngoảnh Lại”) nhưng không cũ lắm, mới cách đây không lâu, của Người Buôn Gió. Xin ghi lại vài đoạn chính:

    Tôi đi vì tương lai của con trai tôi, thằng Tí Hớn.

    Khi Tí Hớn sinh ra trong bệnh viện, tôi phải trải qua cảnh hối lộ cho bác sĩ tiền, người ta nói rất thẳng phải bồi dưỡng ca này, kíp kia ngần này, ngần kia.

    Là dân giang hồ, tôi từng hối lộ cho công an nhiều lần. Khi sinh con ra, tôi phải hối lộ cho bác sĩ. Như một thói quen, chuyện hối lộ trở thành bình thường trong xã hội Việt Nam, nó bình thường đến nỗi tôi thấy nó là việc tự nhiên không có gì đáng phải nghĩ về nó cả. Những người nhận hối lộ ấy, họ cũng phải hối lộ cấp trên của họ để làm việc được chỗ ấy. Để cho họ yên tâm làm việc phục vụ mình, đóng góp cùng với họ để họ có vị trí ấy yên ổn thì có gì đâu.

    Nhưng rồi một ngày không lâu sau khi Tí Hớn ra đời, tôi nhận ra rằng, nếu con tôi lớn lên trong một xã hội mà những nghề cao quý như công an, nhà giáo, bác sĩ lại thản nhiên đòi tiền hối lộ như thế, con tôi sẽ sống thế nào. Tôi có phải dạy nó rằng chuyện hối lộ như vậy là điều bình thường không ?

    Bạn nghĩ xem, một đất nước mà đầy rẫy những kẻ dối trá từ y tế, hành pháp, giáo dục và cả tôn giáo nữa, tôi có nên để cho con mình ở đó không ?

    Những kẻ dối trá ấy để nhận bổng lộc và những ưu đãi, rồi sau chúng cũng cho con chúng rời khỏi xứ sở ấy để tìm một nơi khác ít dối trá hơn, không khí trong lành hơn để sống.

    Vậy tôi thành một tên phản động để mang con tôi đi, chỉ là tôi làm điều ngược lại với những kẻ kia thôi, nhưng mục đích vẫn là mang con ra khỏi quê hương mình.

    Tất nhiên phải nói đến những người không nghĩ chuyện đi hay những người có điều kiện không đi, họ có những suy nghĩ khác, có những nhân cách khác tôi và bọn dối trá kia. Họ có quyền lên án tôi làm phản động chẳng qua lo cho tương lai con mình. Cái này tôi xin nhận.

    Mỗi ngày bạn đưa con bạn đi đến trường trong làn không khí mù mờ của các loại khí thải độc hại, bạn có thể tự lừa dối mình, nhưng đừng nói với con mình đó chỉ là sương mù của tự nhiên.

    Nói với con mình như thế, bạn cũng trở thành kẻ dối trá.

    Đất nước mà một thằng thấy giáo dối trá trên Facebook rằng không khí ô nhiễm do bọn xấu vu khống đất nước mình mà được mấy nghìn like…!

    Có gì mà phải ngoảnh đầu cơ chứ ?

    Vâng thì có gì đâu mà phải bịn rịn hay quyến luyến. Trong một đất nước mà từ cái cột đèn đến ông/bà dân biểu quốc hội đều nhấp nhổm muốn đi ráo trọi thì ai dám lên án ai chỉ vì “tương lai của con cái” mà phải bỏ đi? Hằng triệu người đã lạnh lùng rời bỏ quê hương chứ đâu phải ít, và có mấy kẻ đã ngoái đầu – dù chỉ một lần.

    Chuyện cũng chả có gì nghiêm trọng đến độ Người Buôn Gió phải mượn giọng khinh bạc (có gì mà phải ngoảnh đầu) cả. Ông có nói “giọng” gì chăng nữa thì người đọc vẫn cảm được nỗi ray rứt xé lòng của kẻ đã quyết định ly hương. Partir, c’est mourrir un peu. Đi là chết ở trong lòng một ít nhưng ở là chết hết cả người, và (không chừng) dám chết chùm cả nhà luôn!

    Đi, nói cho cùng, vẫn là chuyện dễ (nếu có cơ hội, và nếu muốn) so với tình cảnh của rất nhiều người ở lại. Bùi Văn Thuận là một trong những kẻ ở vào trường hợp “khó khăn” như thế, theo như cách dùng từ của chính ông, trong bức thư để lại cho đứa con vừa mới chào đời :

    Con gái à, hôm nay con đã được 3 tháng 18 ngày, con chưa thể đọc những dòng chữ ba viết cho con, nhưng ba vẫn viết ra đây để sau này con có thể đọc, con có thể cho bạn bè con đọc…

    Khi con ngủ (tối qua con ngủ khá ngoan, con gái ạ), ba mẹ nấu cơm và ăn cơm tối lúc hơn 12h đêm. Mẹ con đói lắm vì con bú nhiều, một lần nữa ba lại muốn khóc. Khi ăn ba và mẹ con đã nói rất nhiều chuyện, trong đó có chuyện khi đi “làm việc" với an ninh, nhỡ ba không về với hai mẹ con nữa thì sao?


    Ba rất khó lựa chọn, thật sự rất khó con gái ơi! Nếu ba chấp nhận sống vì hai mẹ con con, cúi đầu im lặng để có thể chạy vạy lo toan cho hai mẹ con, thì đến thế hệ con, không biết các con làm sao mà sống được?

    Không khí ô nhiễm, các con bị đầu độc từ nguồn nước đến thực phẩm, nguy hiểm hơn các con còn bị đầu độc cả lương tri, đầu độc cả nền văn hóa. Con sẽ lớn lên thế nào, sẽ sống ra sao?

    Nhưng nếu ba lựa chọn lên tiếng, lựa chọn đấu tranh cho những quyền và nhu cầu căn bản của con người, thì ba lại là người vô trách nhiệm với hai mẹ con. Nếu ba vì lên tiếng mà bị bắt, bị những kẻ xấu bỏ tù thì hai mẹ con con sẽ sống ra sao?

    Đó là một sự lựa chọn rất khó khăn cho ba con gái ơi! Sau khi bàn bạc với mẹ con, ba mẹ đã quyết định: Bình thản đón nhận những gì sẽ đến…

    Và chuyện phải đến đã đến, theo thông tin của VOA: Chính quyền Việt Nam hôm 30/8 bắt giữ Facebooker Bùi Văn Thuận, người có nhiều các đăng tải chỉ trích lãnh đạo Đảng trên mạng xã hội, với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” …

    Ông Thuận, một giáo viên dạy hoá trước khi trở thành một blogger có tiếng ở Việt Nam, từng được báo Los Angeles Time phỏng vấn vì bị Facebook chặn tài khoản cũng như xoá các bài viết chỉ trích chính quyền, gồm loạt đăng tải về vụ tranh chấp đất đai ở làng Đồng Tâm…

    Bà Nhung cho biết chồng bà biết rằng sẽ có ngày bị bắt và gia đình đã chuẩn bị tâm lý cho việc này.

    Chả riêng chi ông Thuận với bà Nhung, nhiều cặp vợ chồng khác cũng đã sống trong tình cảnh bất an tương tự (“biết rằng sẽ có ngày bị bắt”) và cũng đều đã “chuẩn bị tâm lý” để đón nhận những đòn thù ti tiện nhất từ những kẻ cầm quyền hiện nay, ở Việt Nam. Xin ghi lại vài ba trường hợp gần nhất, theo thứ tự alphabétique :

    Lê Văn Dũng, còn được biết là Lê Dũng Vova, bị bắt sáng ngày 30/6/2021.

    Lê Trọng Hùng, ứng cử viên Đại Biểu Quốc Hội Khóa 15 tại thành phố Hà Nội, bị bắt ngày 27/3/2021, lãnh án án 5 năm tù, 5 năm quản chế, với tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

    Trịnh Bá Phương bị bắt vào ngày 25 tháng 6 năm 2020, lãnh án 10 năm tù và 5 năm quản chế, cũng với tội danh tương tự.


    Tất cả những nhân vật nêu trên đều là cột trụ của gia đình, đều phải đối diện với “những lựa chọn khó khăn” như nhau, và đều đã quyết định “lựa chọn đấu tranh cho những quyền và nhu cầu căn bản của con người” – theo như lời của thầy giáo Bùi Văn Thuận. Trong bức thư viết cho con gái (thượng dẫn) của ông, còn có câu sau: “Mong rằng con sẽ được ông bà nội ngoại đùm bọc, các bác, các cô, các chú mà ba quen biết yêu thương đùm bọc.”

    Chắc cũng không nhiều người quen biết với những người cha dũng cảm (Lê Dũng, Lê Trọng Hùng, Trịnh Bá Phương, Bùi Văn Thuận …) này đâu nhưng tôi tin rằng tất cả các cháu sẽ được cả cộng đồng người Việt “đùm bọc” trong khi thân phụ của chúng vắng nhà. Đây là bổn phận tối thiểu của những kẻ may mắn, vẫn còn đang ở ngoài vòng lao lý của chế độ hiện hành.

    Không có nhận xét nào