Các thành viên Báo Sạch bị cấm hành nghề báo chí trong 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Các nội dung kháng cáo của các bị cáo, cũng như đề nghị trước đó của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ tuyên sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm ngày 28-10-2021 của Tòa án nhân dân huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) đã không được Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ chấp nhận.
Sau hai ngày xét xử, chiều 27-1-2022, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ đã tuyên y án đối với Trương Châu Hữu Danh cùng các thành viên nhóm Báo Sạch trong vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Cụ thể, tòa đã tuyên phạt Trương Châu Hữu Danh 4 năm 6 tháng tù, Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng cùng 3 năm tù, Nguyễn Thanh Nhã và Nguyễn Phước Trung Bảo cùng 2 năm tù.
Ngoài ra, các bị cáo Trương Châu Hữu Danh, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã và Nguyễn Phước Trung Bảo bị cấm hành nghề báo chí trong 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Theo Hội đồng xét xử, nhóm bị cáo đã đăng tải nhiều bài viết trên Fanpage Báo Sạch, Làm Báo Sạch và kênh YouTube BS Chanel, trang Facebook cá nhân có nội dung gây thiệt hại “phi vật chất”, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý; làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
Đáng chú ý về hình phạt bổ sung, cũng theo Hội đồng xét xử, tại Điều 41 Bộ luật hình sự có quy định về cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.
Trong vụ án này, ngành nghề các bị cáo Danh, Bảo, Giang, Nhã là làm báo nhưng các bị cáo lại sử dụng điều kiện đó để biểu hiện hành vi phạm tội như đã nêu. Áp dụng hình phạt bổ sung cấm hành nghề đối với các bị cáo là không trái các quy định của pháp luật.
Như vậy, các nội dung kháng cáo của các bị cáo, cũng như đề nghị trước đó của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ tuyên sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm ngày 28-10-2021 của Tòa án nhân dân huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) đã không được Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ chấp nhận.
Cùng với đó, kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ theo hướng không áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề báo chí trong thời hạn 3 năm đối với các bị cáo Danh, Bảo, Giang và Nhã cũng không được tòa chấp nhận.
Như vậy, về tổng thể cho thấy ít nhất ở TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục chưa thể có cách hiểu về quyền tự do báo chí mang tính phổ quát theo Điều 25, Hiến pháp 2013, “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Một lập luận đáng lưu tâm ở phiên xét xử phúc thẩm của tòa Cần Thơ, đó là mặc dù tuyên án, nhưng hội đồng xét xử không mấy tin tưởng về thời gian thi hành án là đủ sức để ‘cải tạo’ những người tù này về ‘cái đầu’ bằng việc mãn hạn tù giam, họ bị tước tiếp quyền viết báo thêm 3 năm nữa vì cho rằng ‘ngựa sẽ quen đường cũ’.
Phần ‘khuyến mãi’ kèm theo ở đây về 3 năm đó thật ra là không mang ý nghĩa, vì ngoài bị cáo Danh ra thì Bảo, Giang, Nhã đều là những nhà báo tự do trước khi họ vướng vòng lao lý.
Các bài viết trên Fanpage Báo Sạch, Làm Báo Sạch và kênh YouTube BS Chanel mà tòa Cần Thơ nêu, thực tế là không nằm trong điều chỉnh của Luật báo chí, do vậy chuyện ‘cấm làm báo’ trong 3 năm là trò bỡn cợt chủ yếu ‘hù là chính’.
Bởi ai cũng biết trong vụ án Năm Cam mà Hải ‘Bánh’ vừa mãn án chung thân hôm 25 Tết Nhâm Dần, có nhiều nhà báo vướng lao lý, và khi họ mãn án, tòa soạn vẫn nhận lại làm việc và ‘bố trí’ sang phòng phát hành. Họ không ‘viết báo’ ở nơi đang làm việc chính, nhưng ‘lính đánh thuê liên hiệp quốc’ cho các tòa soạn khác theo đơn đặt hàng, chẳng vi phạm gì cả…
Không có nhận xét nào