Lực lượng Nga đến Kazakhstan là màn quảng bá sức mạnh đầy hiệu quả. Ai cần bảo vệ cứ nhấc máy và gọi cho Moscow. NATO sợ không theo kịp tốc độ.
Vì sao Nga "giết gà dùng dao mổ trâu" ở Kazakhstan
Với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tình hình bất ổn ở Kazakhstan là vận may từ trên trời rơi xuống khi các cuộc đàm phán đề xuất an ninh với Mỹ sắp bắt đầu tại Geneva.
Bằng việc triển khai cấp tốc một "lực lượng gìn giữ hòa bình" không quá cần thiết và giờ là một cuộc rút quân nhanh chóng theo kế hoạch, Điện Kremlin đang tạo ra nhiều ưu thế hơn so với bất cứ điều gì mà các phái viên mang đến trong cuộc đàm phán, thậm chí là hơn cả mọi lực lượng quân sự có mặt ở biên giới Ukraine.
Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev khẳng định, nguyên nhân cuộc bạo loạn ở Kazakhstan xuất phát từ những kẻ chủ mưu nước ngoài. Điều này ngay lập tức được các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) xác nhận không chút thắc mắc.
Liệu có sự thật nào trong câu chuyện này hay không? Tờ báo Mỹ đặt ra câu hỏi hoài nghi.
Bạo loạn đã được dập tắt và hai người hưởng lợi chính trong một tuần hỗn loạn vừa qua rõ ràng là Tổng thống Tokayev và Tổng thống Putin.
Washington Post lập luận rằng, chính quyền Tokayev ban đầu dường như chao đảo khi bạo lực đường phố leo thang trong khi cảnh sát và quân đội Kazakhstan tỏ ra bất lực.
Nhưng vào cuối sự kiện, Tổng thống Tokayev đã thắng thế và chính lực lượng an ninh của ông chứ không phải lực lượng CSTO dưới 2.500 người đã dập tắt cuộc nổi dậy dữ dội.
Trên thực tế quốc gia Trung Á luôn có đủ quân số để đối phó với bất kỳ cuộc biểu tình nào. Quân đội Kazakhstan có 135.000 người và tỷ lệ 424 cảnh sát trên 100.000 dân. Thậm chí chỉ số của Kazakhstan còn cao hơn cả các thành viên Liên minh châu Âu (trung bình 334 sĩ quan trên 100.000 dân) hoặc Mỹ (238).
Vì vậy, cuộc khủng hoảng lần này được mô tả giống với Belarus vào năm 2020. Cũng giống như việc Tổng thống Alexander Lukashenko không cần phải yêu cầu hỗ trợ quân sự - sự ủng hộ về chính trị và truyền thông của người đồng cấp Putin là đủ - ông Tokayev cũng có thể vượt qua bạo loạn.
Tuy nhiên, vì những lý do chưa rõ ràng, nhà lãnh đạo Kazakhstan đã yêu cầu sự hỗ trợ của CSTO.
NATO có chơi cùng tốc độ với Nga?
Cuộc bạo loạn tại đây không khó đến mức khiến quân đội Nga phải ở lại quá lâu. Theo chính quyền Tokayev, quân đội Nga, với số lượng không nhiều, sắp bắt đầu rút quân.
Có thể nói, Tổng thống Putin "nợ" chính quyền Tokayev khi được trao cơ hội quảng cáo loại hình dịch vụ mà ông muốn cung cấp không chỉ cho các quốc gia hậu Xô Viết mà còn cho những người đăng ký dịch vụ này ở những nơi khác.
Sau tất cả, việc triển khai CSTO mang đến một lời chào mời hấp dẫn đối với các các quốc gia đang gặp nguy hiểm cần bảo vệ. Nếu bạn yêu cầu Nga, thay vì Mỹ hoặc NATO, họ sẽ đến giúp đỡ ngay lập tức, không cần mất thời gian để cân nhắc hay thảo luận nội bộ.
Tốc độ chuyển quân cũng nói với Mỹ một điều rằng, Nga không hề có một đội quân chậm chạp. Rõ ràng để tấn công Ukraine, họ có thể làm điều đó một cách bất ngờ.
Việc chỉ định Tư lệnh Lực lượng Đổ bộ đường không Nga Andrey Serdyukov, vị tướng từng điều hành cuộc sáp nhập Crimea vào năm 2014, để chỉ huy hoạt động triển khai ở Kazakhstan cũng giúp củng cố thông điệp nói trên, chứ không phải ông Putin không tìm được một chỉ huy cấp thấp hơn cho một lực lượng nhỏ.
Ngoài ra, nếu Nga thực sự rút quân nhanh chóng như tuyên bố của Tổng thống Tokayev, đó lại là một lý do nữa để "quay số gọi cho" Moscow thay vì Washington, vì Mỹ có xu hướng sa lầy vào các cuộc chiến, rồi sau đó rời đi đột ngột và không quay đầu nhìn lại, như đã làm ở Afghanistan.
Washington Post nhận định, Kazakhstan đã cho Nga một sân khấu ấn tượng để trình bày sự thay thế của mình đối với chính sách toàn cầu của Mỹ.
Bằng cách thể hiện quyền lực, Tổng thống Putin cũng hạ gục NATO, lực lượng mà Ukraine đang tìm kiếm sự bảo vệ. Liệu liên minh do Mỹ đứng đầu có thể "chơi" với tốc độ và hiệu quả tương tự như cách Nga làm với quốc gia Trung Á? Đó là một câu hỏi hóc búa đối với các nhà lãnh đạo NATO.
Không có nhận xét nào