Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 19 tháng 01 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Ngoại trưởng Mỹ đến Kiev để bày tỏ sự ủng hộ Ukraina

    Thứ trưởng Ngoại Giao Ukraina Dmytro Senik (T) đón ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại sân bay Quốc tế Boryspil, Kiev, Ukraina, ngày 19/01/2022. Alex Brandon Pool/AFP 

    Hôm nay, 19/01/2022, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Kiev để bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraina hiện đang lo ngại bị Nga xâm lăng. 

    Ukraina là chặng đầu tiên trong chuyến công du của ngoại trưởng Hoa Kỳ nhằm giải quyết khủng hoảng giữa Nga và phương Tây trên hồ sơ Ukraina. Sau Kiev, ngày mai ông Blinken sẽ đến Berlin để thảo luận với đại diện các nước Đức, Pháp và Anh. Đến thứ Sáu, ngoại trưởng Mỹ sẽ gặp đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov tại Genève để cố nối lại đối thoại giữa hai nước.

    Trong những tuần qua, Matxcơva đã triển khai hàng chục ngàn quân đến biên giới Ukraina. Tuy vẫn khẳng định không hề có ý định tấn công nước láng giềng, Nga vẫn đòi là, để cho tình hình xuống thang, phương Tây phải đưa ra những bảo đảm về an ninh, đặc biệt là cam kết khối NATO sẽ không mở rộng sang phía đông và không yểm trợ Ukraina nữa.

    Hãng tin AFP cho biết, theo chương trình dự kiến, ông Blinken sẽ lần lượt gặp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba.

    Sau một loạt đàm phán giữa phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, với Nga vào tuần trước, hai bên vẫn còn rất nhiều bất đồng , nhưng Washington vẫn hy vọng tìm được một giải pháp ngoại giao.

    Mỹ : Nga có thể tấn công Ukraina « bất cứ lúc nào »

    Tuy nhiên, ngay trước khi ông Blinken lên đường đi Ukraina, hôm qua, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki báo động là kể từ nay, Nga có thể tấn công Ukraina « bất cứ lúc nào ». Theo bà, tình hình hiện nay là « cực kỳ nguy hiểm ».

    Trong khi đó, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc báo động về các cuộc thao dượt quân sự của Nga ở Belarus, cho rằng tổng thống Vladimir Putin « rõ ràng là đang xây dựng một lực lượng đủ để ông có thể chọn nhiều phương án khác nhau ».

    Vũ khí nguyên tử của Nga ở Belarus ?

    Theo AFP, một quan chức Mỹ xin được giấu tên hôm qua cũng bày tỏ sự lo ngại là dự án cải tổ Hiến Pháp ở Belarus sẽ cho phép triển khai các vũ khí nguyên tử của Nga ở quốc gia giáp với Ukraina và Ba Lan. Quan chức này còn ghi nhận là các cuộc thao dượt quân sự chung Nga-Belarus được thông báo hôm qua là « vượt qua mức bình thường » và có thể mở đường cho sự hiện diện quân sự thường trực của Nga ở Belarus, nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ vẫn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Matxcơva.


    Mỹ khởi động trang web cho dân đặt bộ xét nghiệm COVID miễn phí 

    Reuters 

    Bộ xét nghiệm COVID-19.

    Bộ xét nghiệm COVID-19. 

    Trang web mới của chính phủ Mỹ COVIDTests.gov được thành lập để cho các gia đình Mỹ xin cấp 4 bộ xét nghiệm COVID miễn phí giữa lúc biến thể Omicron tăng mạnh, đã hoạt động trước khi chính thức được phát động vào ngày 19/1, Tòa Bạch Ốc loan báo.

    Các hộ gia đình tại Mỹ có thể nhận 4 bộ xét nghiệm miễn phí khi đặt hàng từ website này. Sản phẩm sẽ được giao tận nhà trong vòng từ 7 đến 12 ngày, Tòa Bạch Ốc cho hay.

    Tổng thống Joe Biden đã hứa mua 1 tỉ bộ xét nghiện miễn phí cho người Mỹ và có thể dặt mua nhiều hơn nữa trong tương lai.

    Chính quyền Biden đã bị chỉ trích vì không chú trọng đến xét nghiệm sớm hơn. Trong những ngày lễ vừa qua, người dân Mỹ phải xếp hàng dài để chờ mua bộ xét nghiệm COVID giữa tình trạng khan hiếm.

    Trong cùng một lúc hôm 18/1, hơn 700.000 người đã truy cập trang mạng COVIDTests.gov để đặt hàng, theo Chương trình Phân tích Kỹ thuật số.

    WHO: Covid nếu không còn là đại dịch vẫn rất nguy hiểm

    Ảnh minh họa về sự lây truyền của virus SARS-CoV-2, do Viện Dị ứng và các Bệnh viêm nhiễm Quốc gia, Hoa Kỳ, công bố ngày 01/08/2021. Handout National Institute of Allergy and Infectious Diseases/AFP/File 

    Đại dịch Covid bớt hoành hành, sắp xuống cấp thành dịch bệnh - nhận định này ngày càng được nhiều chính khách và các nhà dịch tễ học nói đến. Có nghĩa là cần phải tập sống chung với con virus như với dịch cúm, bớt đi những hạn chế. Tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 18/01/2022 lên tiếng cảnh báo, mối nguy hiểm vẫn còn đó. 

    Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche cho biết thêm chi tiết :

    « Dịch bệnh cục bộ là một loại bệnh diễn ra thường xuyên tại một khu vực. Định nghĩa của tự điển Larousse có vẻ phù hợp với kịch bản được nhiều nước mong muốn, chủ yếu ở châu Âu. Đó là Covid lây lan thường xuyên trong cư dân nhưng không gây xáo trộn lớn cho xã hội và các bệnh viện, nhờ vào miễn dịch tập thể sau làn sóng Omicron. Nhưng theo giám đốc phụ trách các hoạt động khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, vấn đề không chỉ là ngữ nghĩa.

    Ông nói : « Chúng ta không thể diệt trừ được con virus trong năm nay, và có thể là chẳng bao giờ. Những virus gây ra đại dịch rốt cuộc cũng thuộc về hệ sinh thái. Giờ đây người ta phân biệt giữa đại dịch và dịch bệnh, nhưng sốt rét là dịch bệnh và đã làm cho hàng trăm ngàn người chết. SIDA là dịch bệnh, bạo lực tại một số khu phố cũng vậy. Nạn dịch không có nghĩa là điều tốt, mà chỉ là nó luôn hiện diện ».

    Một con virus gây dịch bệnh không phải ít độc hại hơn, nhưng đơn giản là dân chúng được miễn nhiễm nhiều hơn, nhờ đã chích ngừa hoặc bị lây nhiễm. Dịch bệnh có thể hiểu ngầm là một dạng thăng bằng giữa virus và miễn dịch. Có điều hãy còn quá sớm để biết rằng chúng ta có đạt được sự cân bằng này hay chưa. Nhất là do bất bình đẳng về vac-xin, có thể xuất hiện những biến thể mới, đặc biệt tại châu Phi, nơi chỉ có 7% dân số được tiêm chủng đầy đủ ».

    Tàu ngầm Mỹ mang đầu đạn hạt nhân thăm căn cứ quân sự gần Trung Quốc nhất

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/01/uss-nevada-guam-navy-700x366.jpg

    Hình minh họa từ US Navy. 

    Mang theo hàng chục đầu đạn hạt nhân, USS Nevada, một trong những tàu ngầm tân kỳ nhất của Hải quân Mỹ, đã ghé thăm một căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương.

    Theo RT, USS Nevada là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, bắt đầu được đưa vào hoạt động năm 1986. Mang theo 20 tên lửa Trident II D-5 và “hàng chục đầu đạn hạt nhân”, USS Nevada đã ghé căn cứ quân sự tại Guam của Hải quân Mỹ vào ngày 15/1.

    CNN đưa tin, trong một tuyên bố, Hải quân Mỹ cho biết chuyến thăm này nhằm “tăng cường hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực” và thể hiện “năng lực, tính linh hoạt, sự sẵn sàng và cam kết tiếp tục của Mỹ đối với an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

    Chuyến thăm Guam của USS Nevada diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng xung quanh những bất đồng trong nhiều vấn đề từ việc Bắc Kinh đàn áp nhân quyền, đe dọa an ninh các vùng biển, cho đến vấn đề Đài Loan.

    Vào tháng 12/2021, Mỹ và Nhật đã soạn thảo một kế hoạch quân sự khẩn cấp để chuẩn bị cho tình huống Trung Quốc xua quân tấn công Đài Loan. Lầu Năm Góc trong cùng tháng đã cảnh báo rằng chính quyền Trung Quốc “có khả năng [đang] chuẩn bị” để tấn công hòn đảo này.

    Guam cách Đài Loan khoảng 3.000 km. Trong số các căn cứ quân sự thuộc lãnh thổ Mỹ, căn cứ tại đảo Guam nằm gần lãnh thổ Trung Quốc nhất.

    Tham khảo The HillCNN

    WHO: Không có bằng chứng trẻ em, thanh thiếu niên khỏe mạnh cần mũi vaccine tăng cường 

    Reuters 

    Khoa học gia trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Soumya Swaminathan.

    Khoa học gia trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Soumya Swaminathan. 

    Hiện không có bằng chứng là trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh cần chích mũi vaccine tăng cường, khoa học gia trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới, bà Soumya Swaminathan, tuyên bố ngày 18/1.

    Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà nói dù dường như miễn dịch từ vaccine phai dần theo thời gian trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron nhưng cần có thêm những cuộc nghiên cứu để xác định ai cần tiêm mũi vaccine tăng cường.

    “Không có bằng chứng ngay lúc này là trẻ em khỏe mạnh hay các thanh thiếu niên khỏe mạnh cần mũi tiêm tăng cường. Không có bằng chứng nào cả,” bà nói.

    Israel đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho trẻ em từ 12 tuổi, và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ trước đây trong tháng đã cho phép tiêm liều thứ ba của Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi.

    Tuần trước, Đức trở thành quốc gia mới nhất khuyến nghị tất cả trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi vaccine tăng cường. Hungary cũng đã làm như vậy.

    Bà Swaminathan cho hay một nhóm chuyên gia hàng đầu của WHO sẽ họp trong tuần này để nghiên cứu cụ thể việc các nước nên cân nhắc tiêm mũi vaccine tăng cường cho dân chúng ra sao.

    “Mục đích là bảo vệ những ngưởi dễ bị tổn thương nhất, bảo vệ những ngưởi có nguy cơ cao nhất khỏi bị bệnh nặng và chết. Đó là những người lớn tuổi, những người hệ miễn nhiễm kém, những người có bệnh nền, và những nhân viên y tế,” bà nói.

    Quốc Hội Mỹ thúc giục Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo Tân Cương trước Olympic Bắc Kinh

    Ảnh chủ tịch Tập Cận Bình trên tường với khẩu hiệu hô hào quản lý Tân Cương theo luật pháp, tại huyện Toa Xa (Yarkent) phía đông bắc tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, ngày 21/03/2021. AP - Ng Han Guan 

    Quốc Hội Hoa Kỳ hôm nay 19/01/2022 kêu gọi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo về Tân Cương, trong đó Trung Quốc bị cáo buộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, trước khi diễn ra Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh. 

    Thượng nghị sĩ Jeff Merkley và dân biểu James McGovern, hai đại biểu Dân Chủ đứng đầu ủy ban về Trung Quốc tuyên bố, việc công khai bản báo cáo trước khi Thế Vận Hội khai mạc ngày 04/02 sẽ tái khẳng định không có quốc gia nào được đứng trên luật pháp quốc tế.

    Vào giữa tháng 12/2021, một phát ngôn viên của Cao ủy cho biết bản báo cáo có thể được công bố « trong vài tuần nữa ». Nhưng các nhà hoạt động nhân quyền đòi hỏi Liên Hiệp Quốc phải cứng rắn hơn. Nhiều tổ chức nhân quyền tố cáo Trung Quốc giam giữ ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo ở Tân Cương, với những bằng chứng cụ thể, nhưng Bắc Kinh vẫn nói rằng đó là các « trường dạy nghề ».

    AFP nhắc lại, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet, cựu tổng thống Chilê, từ nhiều năm qua vẫn đòi hỏi Bắc Kinh để bà được thăm Tân Cương « một cách thực chất, không bị cản trở », nhưng chưa bao giờ được chấp nhận.

    Hoa Kỳ, Úc, Canada, Anh loan báo không gởi đại diện chính thức đến Thế Vận Hội vì « nạn diệt chủng, tội ác chống nhân loại đang diễn ra tại Tân Cương và các vụ vi phạm nhân quyền khác ». Tuy nhiên các vận động viên vẫn được đến tranh tài.

    Tổng thống Pháp phát biểu trước Nghị viện Châu Âu

    Thứ Tư này tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ phát biểu ngắn và tranh luận với Nghị viện Châu Âu. Đây là sự kiện biểu tượng để mở ra năm chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu của Pháp, vốn là một nhiệm vụ luân phiên kéo dài 6 tháng. Dù ông Macron được cho là sẽ nói về bản sắc và giá trị châu Âu, người Pháp sẽ chỉ chú ý đến các chi tiết về tình hình trong nước. Đó là vì Pháp sẽ bầu tổng thống vào tháng 4 tới và Macron dự kiến chính thức tuyên bố tái tranh cử trong thời gian sớm nhất.

    Cũng như năm 2017, ông Macron sẽ nhấn mạnh lập trường thân châu Âu của mình trước chủ nghĩa hoài nghi của các đối thủ cực tả và cực hữu. Tuy nhiên năm nay phức tạp hơn. Đối thủ lớn nhất của ông, Valérie Pécresse, là một người trung hữu. Bà cũng có các quan điểm thân châu Âu như ông.

    Lạm phát leo thang ở Anh

    Số liệu lạm phát công bố hôm thứ Tư sẽ cho thấy mức sống của người Anh bị thu hẹp đi. Con số 5% của lần trước đã không hề vui vẻ gì, còn lần này có thể tệ hơn: giá điện và khí đốt hộ gia đình sẽ tăng tới 50% trong tháng 4, khi mức trần giá năng lượng tăng, qua đó khiến lạm phát leo lên trên 6%. Trong khi đó lương hưu nhà nước và trợ cấp trong độ tuổi lao động dự kiến chỉ tăng 3,1%.

    Vì vậy Anh cần phải hành động. Một số chính sách đang được xem xét là giảm thuế giá trị gia tăng, cấp tiền vay cho các công ty năng lượng và trợ giá năng lượng cho người nghèo (bằng tiền từ tăng giá đối với người giàu). Viện Nghiên cứu Tài khóa ở London đã đề xuất ưu tiên cho người nghèo. Đó là vì hệ thống sưởi và điện chiếm phần lớn hơn trong ngân sách của họ; trong đó lạm phát thực đối với 10% số hộ gia đình nghèo nhất sẽ cao hơn tới 1,5 phần trăm so với 10% số hộ gia đình giàu nhất.

    Ngành hàng không Mỹ trở lại

    Cổ phiếu các hãng hàng không lớn của Mỹ cuối cùng cũng có thể cất cánh. Các giám đốc điều hành của Delta Air Lines dự đoán nhu cầu đi lại bị dồn nén sẽ giúp công ty có lời dài hạn trở lại vào tháng 3, dù họ bị lỗ trong công bố thu nhập quý 4. Là hãng hàng không lớn đầu tiên của Mỹ công bố thu nhập, Delta giúp thị trường có một cái nhìn tốt hơn khi American Airlines và United Airlines công bố thu nhập trong tuần này.

    Tất cả các hãng đều đang mở rộng quy mô. American Airlines có kế hoạch thuê 18.000 nhân viên trong năm 2022. Delta dự kiến bổ sung thêm 5.000 người và thưởng 1.250 đô la cho phần lớn nhân viên vào tháng 2. Các hãng hàng không kỳ vọng việc số ca nhiễm covid-19 giảm sẽ khiến hành khách quay lại đặt vé và khuyến khích nhân viên quay lại làm việc.  Nhìn chung, cho dù các hãng có báo lỗ quý 4, các nhà phân tích Phố Wall vẫn sẽ đặt cược tương lai tốt đẹp cho họ.

    Tổng giám đốc WHO: Đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/01/Tedros-Adhanom-Ghebreyesus.jpg

    Tổng giám đốc Tổ chức Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hôm 18/1 vừa qua rằng đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc, đồng thời kêu gọi mọi người không nên chủ quan trước biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ rất nhanh.
    đại dịch COVID-19

    “Đại dịch này còn lâu mới kết thúc”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Geneva hôm 18/1. Ông cảnh báo mọi người không nên chủ quan trước Omicron dù chủng này có thể ít nghiêm trọng hơn Delta.

    “Sẽ là sai lầm nếu cho rằng Omicron chỉ gây bệnh nhẹ. Chủng này vẫn khiến nhiều người nhập viện và tử vong. Ngay cả khi các ca bệnh ít nghiêm trọng hơn, Omicron cũng đang khiến các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải”, ông Ghebreyesus cho hay.

    Dù chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy sự gia tăng số ca nhiễm Omicron đã đạt đỉnh ở một số quốc gia, ông Ghebreyesus vẫn cảnh báo chưa có nước nào hoàn toàn thoát khỏi mối đe dọa.

    “Phải loại bỏ ngay áp lực lên hệ thống y tế, đặc biệt ở những quốc gia có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thấp. Bây giờ không phải là lúc từ bỏ và giơ cờ trắng. Chúng ta vẫn có thể giảm thiểu đáng kể tác động của làn sóng dịch bệnh hiện tại bằng cách chia sẻ và sử dụng các công cụ y tế hiệu quả”, ông nói.

    Bên cạnh đó, tổng giám đốc WHO nhận định rằng các loại vắc-xin hiện tại vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nặng. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng mức độ bảo vệ của vắc-xin hiện nay trước Omicron thấp hơn so với các chủng trước.

    Một số hãng dược phẩm trên thế giới đang trong quá trình sản xuất vắc-xin nhắm vào các biến chủng cụ thể. Dẫu vậy, WHO cho rằng đó không hẳn là công cụ giúp thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại.

    Theo Soumya Swaminathan, giám đốc khoa học của WHO, ý tưởng phát triển vắc-xin đối phó trước biến chủng cụ thể là thú vị nhưng cũng lo ngại rằng quá trình này có thể sẽ mất vài tháng.

    “Điều nguy hiểm là bạn sẽ luôn phải cố gắng để bắt kịp biến thể tiếp theo. Vậy nên, cách tiếp cận tốt hơn là phát triển cái gọi là vắc-xin đa trị (ngừa nhiều chủng một lúc)”, bà này khẳng định.

    Theo AFP.

    Không có nhận xét nào