Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 05 tháng 01 năm 2022


    Covid-19: Sóng thần Omicron đánh vào châu Âu và Mỹ, với cả triệu ca nhiễm mỗi ngày


    Ảnh minh họa : Ống nghiệm dán nhãn "Xét nghiệm dương tính với Covid-19" trên nền dòng chữ virus OMICRON SARS-COV-2". REUTERS - DADO RUVIC

    Dịch Covid-19 dưới tác động của biến thể Omicron tiếp tục lan mạnh trên thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ và châu Âu với số ca nhiễm mới hàng ngày được ghi nhận có lúc vượt ngưỡng biểu tượng một triệu ca. Dù đà tăng các ca nhiễm không kéo theo đà tăng các ca tử vong, nhưng Tổ Chức Y Tế Thế Giới ngày 04/01/2022 đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn.

    Theo thống kê của Đại Học Mỹ Johns Hopkins, vào tối hôm qua, 04/01, Hoa Kỳ đã ghi nhận gần 890.000 ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ, giảm nhẹ so với kỷ lục hơn một triệu trường hợp được ghi nhận hôm thứ Hai 03/01, cao hơn gấp đôi so với số 489.000 ca nhiễm mới được ghi nhận vào đầu tuần trước sau ba ngày cuối tuần Giáng Sinh.

    Nhìn chung, trong giai đoạn một tuần lễ, từ thứ Tư, 29/12/2021 cho đến thứ Ba 04/01/2022, mỗi ngày tại Mỹ, bình quân có hơn 480 ngàn ca nhiễm mới và trên 1.200 trường hợp tử vong.

    Tình trạng lây nhiễm vẫn rất nghiêm trọng ở châu Âu, được cho là tâm chấn hiện tại của đại dịch, với hơn 5 triệu ca nhiễm mới trong tuần cuối cùng của năm 2021, và những con số kỷ lục chóng mặt tại các quốc gia như Pháp với hơn 270.000 trường hợp trong 24 giờ vào hôm qua, Anh Quốc hơn 218.000 ca, Ý gần 171.000, Tây Ban Nha, gần 118.000…

    Omicron có thể tạo ra các biến thể Covid-19 nguy hiểm hơn

    Biến thể Omicron, xuất xứ từ Nam Phi vào cuối tháng 11 năm ngoái được ghi nhận là động lực đằng sau đợt sóng thần Covid đang tràn qua thế giới, đã được phát hiện tại khoảng 128 quốc gia, theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Hôm qua, 04/01/2022, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã cảnh báo nguy cơ phát triển một biến thể mới nguy hiểm hơn với đà lây nhiễm hiện nay.

    Theo bà Catherine Smallwood, quan chức cấp cao của Tổ Chức Y Tế Thế Giới phụ trách khu vực châu Âu: “Khi Omicron càng lan rộng, biến thể này càng lây truyền nhiều hơn, được nhân bản nhiều hơn, qua đó gia tăng khả năng tạo ra một biến thể mới nguy hiểm hơn”.

    Quan chức này nhấn mạnh: “Omicron hiện cũng đã gây nên các ca tử vong. Dù nó có nguy cơ gây tử vong ít hơn so với biến thể Delta, thế nhưng không ai dám chắc là biến thể tiếp theo sẽ như thế nào”.

    Đối với bà Smallwood, “ở cấp độ cá nhân, nguy cơ nhập viện có lẽ ít hơn” với biến thể Omicron so với Delta, nhưng nhìn ở cấp tổng thể, Omicron có thể là một mối đe dọa lớn hơn do số lượng ca nhiễm nhiều hơn, làm tăng số ca nguy kịch, thậm chí tử vong.


    Theo quân đội Hàn Quốc, Bắc Tiều Tiên lại phóng thử tên lửa đạn đạo


    Truyền hình Hàn Quốc đưa tin Bắc Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo ra ngoài khơi bờ biển phía đông, Seoul, Hàn Quốc, ngày 05/01/2022. REUTERS - KIM HONG-JI

    Trong thời gian qua, Hàn Quốc có nhiều phát biểu tích cực đầy hy vọng về quan hệ Liên Triều cải thiện. Diễn văn mừng Năm Mới 2022 của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tập trung vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế, đặc biệt là để bảo đảm lương thực thực phẩm cho người dân.

    Thế nhưng, hôm nay, dường như để mở đầu Năm Mới 2022, Bắc Triều Tiên lại tiến hành một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn, hướng ra biển Nhật Bản, theo như thông báo của quân đội Hàn Quốc.

    Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca cho biết thêm chi tiết :

    « Kim Jong Un đã tập trung nói về các vấn đề kinh tế và lương thực, thực phẩm của đất nước trong cuộc họp gần đây nhất, hồi cuối tháng 12/2021, của đảng Lao Động nhưng tên lửa đạn đạo đã quay trở lại vào năm 2022.

    Bất chấp các trừng phạt quốc tế, Bắc Triều Tiên tiếp tục tăng cường khả năng quân sự, vài tháng sau các hành động phô trương lực lượng hồi mùa thu năm 2021, trình làng tên lửa siêu thanh phóng từ một tàu hỏa và một tên lửa đạn đạo được phóng từ một tàu ngầm.

    Cuộc thử nghiệm thứ Tư này của Bắc Triều Tiên bắt đầu lúc 8 giờ 10 phút sáng (theo giờ Seoul), tên lửa dường như đã bay được 500km trước khi rơi xuống vùng biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

    Đó có thể là một tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Cuộc thử nghiệm này có thể là một phần của các đợt huấn luyện mùa đông của quân đội Bắc Triều Tiên vốn dĩ khởi động vào đầu tháng 12. Tin phóng thử tên lửa dường như đã dội một gáo nước lạnh vào các hy vọng của chính quyền Hàn Quốc muốn có được một bước đột phá trong các cuộc đàm phán, trước khi nhiệm kỳ của tổng thống đương nhiệm Moon Jae In kết thúc vào tháng 03/2022.

    Hàn Quốc hồi giữa tháng 12/2021 thậm chí đã thông báo về một thỏa thuận trên nguyên tắc với Mỹ, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên liên quan tới một tuyên bố chính thức về việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, nhưng thông báo nói trên không dẫn đến các cuộc thảo luận cụ thể ».

    Phản ứng của Hàn Quốc, Nhật và Mỹ

    AFP trích dẫn thông cáo của tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết các cơ quan tình báo của Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích kỹ lưỡng thông tin về vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng. Seoul chuẩn bị tinh thần hợp tác chặt chẽ với Mỹ trước khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục các vụ thử nghiệm. Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc đã họp khẩn và thể hiện lo ngại là vụ phóng thử của Bình Nhưỡng được tiến hành « vào giai đoạn mà sự ổn định trong và ngoài nước là vô cùng quan trọng »

    Về phía Nhật Bản, phát ngôn viên chính phủ Hirokazu Matsuno nói với báo giới là cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại nào đối với máy bay và tàu của Nhật. Trong khi đó, thủ tướng Fumio Kishida khẳng định chính phủ đang tiến hành các phân tích, cả số lượng tên lửa được phóng. Thủ tướng Nhật lấy làm tiếc về việc Bắc Triều Tiên từ năm ngoái tới nay đã tăng cường các vụ phóng tên lửa.

    Về phía chính quyền Mỹ, tạm thời cả Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và bộ Ngoại Giao đều chưa đưa ra bình luận.

    Nhật Bản chuẩn bị ký thỏa thuận quân sự quan trọng với Úc


    Thủ tướng Úc Scott Morrison (T) và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (P) © Ảnh : AP

    Nhật Bản và Úc chuẩn bị ký hiệp ước tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến sẽ diễn ra vào ngày mai 06/01/2022, sau khi thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hủy các chuyến công du tới Úc và Mỹ, do số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến.

    Theo nguồn tin của Reuters, thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ ký kết Hiệp Ứớc Tiếp Cận Tương Hỗ (RAA) nhằm củng cố hoạt động hợp tác giữa quân đội Úc và Nhật Bản. Ông cho biết, hiệp ước sẽ cung cấp một khuôn khổ rõ ràng để tăng cường khả năng hợp tác giữa hai bên

    Thủ tướng Morrison nhấn mạnh : "Hiệp ước này là một tuyên bố về cam kết của hai quốc gia chúng ta trong việc hợp tác cùng nhau để đối phó với những thách thức về an ninh chiến lược chung mà chúng ta phải đối mặt và đóng góp cho một Ấn Độ - Thái Bình Dương an toàn và ổn định."

    Úc và Nhật Bản cũng có kế hoạch thảo luận về các cơ hội để tăng cường quan hệ đối tác giữa chính phủ và doanh nghiệp về năng lượng sạch, về công nghệ nhằm giảm lượng khí thải carbon, các công nghệ và vật liệu quan trọng.

    Theo thủ tướng Morrison, hợp tác Úc - Nhật Bản cũng mở rộng cho nhóm Bộ Tứ, với Ấn Độ và Hoa Kỳ.

    Theo giới quan sát, động thái này của Úc và Nhật Bản có thể sẽ khiến Trung Quốc lo ngại. Sau khi được hỏi về hiệp ước này trong buổi họp báo hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã nói: "Hiệp ước này không nên nhắm vào hoặc gây tổn hại đến bất kỳ lợi ích nào của bên thứ ba."

    Trung Quốc kiên trì với chiến lược zero covid

    Hầu hết các nước đều sẽ ăn mừng nếu số ca covid-19 xuống mức hàng trăm. Chỉ riêng Mỹ đã ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc trong ngày thứ Hai. Còn Trung Quốc ghi nhận 108 ca trong cùng ngày. Song bấy nhiêu là đủ để phong tỏa cả thành phố. Kể từ sáng thứ Ba, thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trịnh Châu, sẽ bị phong tỏa một phần sau khi ghi nhận hai ca nhiễm một ngày trước đó.

    Tâm dịch hiện tại của Trung Quốc là Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây. Thành phố 13 triệu dân này phong tỏa gần hai tuần qua và đã ghi nhận hơn 1.700 ca kể từ đầu tháng 12. Các cư dân thậm chí phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực.

    Kể từ tháng 3 năm 2020, chiến lược zero covid của chính phủ Trung Quốc — với việc kiểm soát biên giới chặt chẽ và hạn chế trong nước hà khắc — nhìn chung thành công. Song họ đứng trước một thách thức mới: omicron. Bất chấp phong tỏa, virus vẫn cứ lây lan. Thứ Ba ghi nhận thêm 175 ca mới.

    Các hãng viễn thông Mỹ hoãn nối sóng 5G

    Các khách hàng của AT&T và Verizon mong muốn trải nghiệm tốc độ internet cực nhanh trên điện thoại sẽ phải đợi lâu hơn một chút. Hai nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất nước Mỹ đáng lẽ sẽ tung ra dịch vụ 5G vào thứ Tư. Nhưng dưới áp lực của Cục Hàng không Liên bang Mỹ và Nhà Trắng, họ đồng ý hoãn hai tuần.

    Chính phủ lo ngại phổ tần vô tuyến của các dịch vụ 5G sẽ gây nhiễu hệ thống điện tử hàng không trên một số máy bay cũ. Họ đã chuẩn bị ban hành các hạn chế bay. Hai công ty (và Ủy ban Truyền thông Liên bang) khẳng định công nghệ an toàn và đã đề nghị tự nguyện giảm độ mạnh sóng của họ, như các mạng di động Pháp đã làm. Tạm dừng hai tuần có thể ngăn chặn một cuộc đụng độ ngay bây giờ. Nhưng cả hai công ty đều muốn đưa dịch vụ của họ ra thị trường càng sớm càng tốt.

    Tình hình bế tắc ở Sudan

    Vào Chủ nhật, Thủ tướng Sudan đã từ chức trong tuyệt vọng sau khi nhậm chức chỉ sáu tuần. Abdalla Hamdok miễn cưỡng đảm nhận chức vụ này, sau khi được thả ra khỏi nơi giam giữ và được phục hồi bởi chính quân đội đã phế truất ông trong cuộc đảo chính ngày 25 tháng 10. Những nỗ lực của ông nhằm thuyết phục tổng tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Burhan ủng hộ cải cách dân chủ đã thất bại. Ông cũng không thể ngăn cản binh lính đàn áp người biểu tình ủng hộ dân chủ trên đường phố. Đến nay đã có hơn 50 người thiệt mạng kể từ tháng 10.

    Trong khi ông al-Burhan đi tìm một thủ tướng dễ uốn nắn, các nhà vận động tuyên bố tiếp tục gây áp lực lên chế độ cho đến khi nó sụp đổ. Biểu tình lớn tiếp diễn vào thứ Ba sau khi hai người biểu tình bị lực lượng an ninh giết chết hôm Chủ nhật. Hầu hết các khoản vay và viện trợ dành cho đất nước đã bị đình chỉ, khiến nền kinh tế càng thêm trượt dài. Tương lai còn nhiều khó khăn chờ đợi quốc gia lớn thứ ba Châu Phi này.

    Phát hiện một biến thể mới ở miền nam nước Pháp


    Các nhà nghiên cứu Bệnh viện Đại học Nhiễm trùng Địa Trung Hải (IHU) gần đây đã phát hiện một biến thể mới ở miền nam nước Pháp, chưa xuất hiện ở nước khác và đang được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra.

    Trong lúc thế giới đang đối phó vớBi biến thể gây quan ngại Omicron, các nhà khoa học Pháp đã phát hiện biến thể Covid-19 mới với 46 đột biến, báo The Independent đưa tin hôm thứ Ba 4.1.2022.
    Được đặt tên tạm thời là “biến thể IHU”, dòng B.1.640.2 đến nay đã lây nhiễm 12 người ở miền đông nam nước Pháp, gần Marseilles. Ca đầu tiên, được phát hiện ngày 10.12.2021, liên quan một người quay về Pháp từ Cameroon, theo báo cáo trên trang medRxiv last Wednesday. Người này tiêm 2 mũi vắc xin, đến Cameroon trong 3 ngày.
    Kết quả phân tích cho thấy biến thể IHU sở hữu 46 đột biến chưa từng ghi nhận ở các nước ngoài Pháp. Để có thể phát hiện đột biến mới, các chuyên gia đã sử dụng cách giải trình tự gien thế hệ kế tiếp.

    Nhà dịch tễ học người Mỹ Eric Feigl-Ding là một trong nhiều chuyên gia bên ngoài nước Pháp lên tiếng cảnh báo về biến thể mới nói trên. Bình luận trên Twitter vào ngày 4-1, ông Eric Feigl-Ding cũng lưu ý các nhà khoa học liên tục phát hiện biến thể mới, nhưng điều đó không nhất thiết chúng nguy hiểm hơn những biến thể đã biết.

    CDC Mỹ: Omicron hiện chiếm 95% tổng số ca nhiễm COVID-19 mới của Hoa Kỳ


    Người dân xếp hàng dài chờ đợi ở Manhattan để được kiểm tra COVID-19 ở Thành phố New York vào ngày 22/12/2021. (Spencer Platt / Getty Images)

    Biến thể Omicron COVID-19 chiếm khoảng 95,4% các ca nhiễm virus Corona Vũ Hán của Hoa Kỳ được chẩn đoán trong tuần kết thúc vào ngày 1/1, CDC Mỹ cho biết trong một bản cập nhật được công bố hôm thứ Ba (4/1).

    Với phát hiện của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, nó cho thấy biến thể Omicron rất dễ lây lan, khi biến thể này có thể tiếm ngôi của chủng Delta nổi trội trước đó chỉ trong vài tuần. Số liệu của CDC Mỹ cho thấy, biến thể Delta hiện chiếm khoảng 4,6% tổng số ca dương tính ở nước này.

    Khoảng 2 tuần trước, CDC Mỹ đã báo cáo rằng, Omicron chỉ chiếm khoảng 38% tổng số các ca nhiễm COVID-19 trong tuần kết thúc vào ngày 18/12. Cơ quan này đã sửa đổi đáng kể ước tính về tỷ lệ phổ biến của Omicron trong tuần kết thúc vào ngày 25/12, từ 73% xuống còn khoảng 58%.

    Trong khi đó, Hoa Kỳ đã lập kỷ lục toàn cầu với gần 1 triệu ca nhiễm virus Corona Vũ Hán mới được báo cáo vào thứ Hai (3/1), theo một cuộc kiểm đếm. Con số này cao gần gấp đôi so với mức cao nhất của Mỹ là 505.109 người nhiễm COVID-19 chỉ một tuần trước đó.

    Khoảng 978.856 ca nhiễm mới đã được báo cáo hôm thứ Hai (3/1) bao gồm một số trường hợp được báo cáo từ thứ Bảy (1/1) và Chủ nhật (2/1) trước đó, khi nhiều bang không báo cáo số liệu. Số người chết trung bình ở Mỹ mỗi ngày vẫn khá ổn định trong suốt tháng Chạp, và đến đầu tháng Giêng là khoảng 1.300 người, theo một cuộc kiểm kê của Reuters.

    Phát biểu trước các nhà báo tại Thụy Sĩ hôm 4/1, Giám đốc Sự cố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là ông Abdi Mahamud nói: “Chúng ta đang chứng kiến ​​ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, biến thể Omicron đang lây nhiễm sang phần trên của cơ thể. Không giống như những biến thể khác, phần phổi sẽ là nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi nghiêm trọng”.

    Ông nói rằng đó là một tin tốt, “nhưng chúng tôi thực sự cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh điều đó”.

    Kể từ khi biến thể đột biến mạnh lần đầu tiên được phát hiện vào tháng Mười Một, dữ liệu của WHO cho thấy nó đã lây lan nhanh chóng và xuất hiện ở ít nhất 128 quốc gia. Tuy nhiên, trong khi số ca mắc Omicron tăng cao kỷ lục vượt mức trên khắp thế giới, tỷ lệ nhập viện và tử vong của chủng này thường thấp hơn so với các giai đoạn khác của đại dịch. Ông Mahamud nhận định: “Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là… sự tách biệt giữa các ca nhiễm và cái chết”.

    Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện bởi các bác sĩ ở Nam Phi vào cuối tháng Mười Một, trước khi Tổ chức Y tế Thế giới chỉ định nó là một “mối quan ngại”.

    Tiến sĩ Wafaa El-Sadr – giám đốc ICAP của Đại học Columbia – nói với Associated Press rằng, số ca nhiễm COVID-19 không phải là con số quan trọng nhất. Trao đổi với AP, bà cho biết, các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Kỳ nên “chuyển trọng tâm của chúng ta, đặc biệt là trong thời đại tiêm chủng, để thực sự tập trung vào việc ngăn ngừa bệnh tật, tàn tật và tử vong, và do đó cần tính đến những điều đó”.

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào