Võ Thái Hà tổng hợp
Thuốc viên trị COVID của Pfizer được EU chấp thuận
Thuốc viên chữa COVID-19 của Pfizer.
Các nhà ban hành qui định về thuốc men của Liên hiệp châu Âu bật đèn xanh cho thuốc viên chống virus của Pfizer để chữa trị cho người trưởng thành có nguy cơ bị COVID nặng trong lúc châu Âu tìm cách tăng cường kho thuốc để chống biến thể Omicron.
Cơ quan Thuốc men châu Âu (EMA) tán thành việc chấp thuận có điều kiện đối với loại thuốc này. Một sự tán đồng tiếp theo của Ủy ban châu Âu sẽ cho phép các nước thành viên EU triển khai thuốc. EMA đã ban hành hướng dẫn về việc sử dụng khẩn cấp từ cuối năm ngoái.
Ý, Đức, và Bỉ nằm trong số các nước EU đã mua thuốc có tên là Paxlovid.
Mỹ vào tháng 12 năm ngoái đã cho phép Paxlovid và thuốc molnupiravir tương tự của hãng Merck.
Ủy viên y tế EU Stella Kyriakides cho hay EU đang có tiến bộ tốt trong các phương pháp chữa trị, mà bà mô tả là tuyến phòng thủ thứ nhì sau vaccine.
“Paxlovid là thuốc uống đầu tiên chống virus để sử dụng tại gia và có khả năng tạo sự khác biệt thực sự cho những người có nguy cơ cao trở bệnh COVID nặng,” bà nói.
Thuốc viên của Merck cũng đang được duyệt xét tại EU.
Hai loại thuốc uống này, đặc biệt là thuốc của Pfizer, được xem là những giải pháp chữa trị mới đầy hứa hẹn có thể được uống tại gia khi bắt đầu có triệu chứng COVID để ngăn ngừa nhập viện và tử vong.
Paxlovid, một phối hợp của hai thứ thuốc chống virus, hiệu nghiệm gần 90% phòng ngừa nhập viện và tử vong nơi các bệnh nhân có nguy cơ lâm bệnh nặng, theo dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của công ty. Dữ liệu phòng thí nghiệm mới đây cho thấy thuốc vẫn giữ được tính hiệu nghiệm trước biến thể Omicron.
Tuy nhiên trong cuộc thử nghiệm, thuốc chỉ được thử trên những người chưa tiêm chủng, khiến người ta nghi ngờ về tiềm năng sử dụng trên những bệnh nhân có nguy cơ cao đã chích ngừa.
Đức đã đặt mua 1 triệu liệu trình từ cuối tháng 12 năm ngoái. Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach ngày 2/1 tuyên bố ông hy vọng giới thẩm quyền sẽ cho phép sử dụng khẩn cấp trước cuối tháng này.
Ý sẽ nhận 200.000 liệu trình vào tháng Hai và có thể mua thêm 400.000 liệu trình
Nga dịu giọng về Ukraine: Chúng tôi không muốn chiến tranh
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
Hôm thứ Sáu 28/1, Nga phát đi tín hiệu mạnh mẽ nhất tính đến nay cho biết rằng họ sẵn sàng làm việc chặt chẽ về các đề xuất an ninh của Mỹ và nhắc lại rằng họ không muốn chiến tranh ở Ukraine.
"Nếu tình hình phụ thuộc vào Nga, thì sẽ không có chiến tranh đâu. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Nhưng chúng tôi cũng không cho phép lợi ích của mình bị chà đạp một cách thô bạo, bị phớt lờ", Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói với các đài phát thanh Nga trong một buổi phỏng vấn.
Nga đã tập trung hàng chục nghìn quân gần biên giới của Ukraine cùng lúc với việc Nga đẩy mạnh yêu sách về sắp xếp lại các đảm bảo an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh ở châu Âu.
Hoa Kỳ và các đồng minh đã cảnh báo Tổng thống Vladimir Putin rằng Nga sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế tức thì và cứng rắn nếu ông tấn công Ukraine.
Ngoại trưởng Lavrov nói rằng phương Tây phớt lờ các lợi ích của Nga nhưng các văn bản phản hồi hôm 26/1 của Hoa Kỳ và NATO về các đề xuất của Nga ít ra cũng có “vài điều đáng chú ý”.
Mặc dù các văn bản phản hồi chưa được công khai, nhưng cả Mỹ lẫn NATO đều tuyên bố họ sẵn sàng làm việc chặt chẽ với Moscow về các biện pháp kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin. Họ loại trừ việc nhượng bộ trước các yêu sách khác, trong đó có yêu sách đòi Ukraine không bao giờ được phép gia nhập NATO.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết ông dự kiến sẽ gặp lại Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong vài tuần tới.
Ông nói rằng các phản hồi của Hoa Kỳ tốt hơn của NATO, nhưng không đưa ra các chi tiết. Nga đang nghiên cứu các văn bản này và Tổng thống Putin sẽ quyết định cần hồi đáp ra sao.
Các phát biểu kể trên là những lời lẽ có tính hòa dịu nhất mà Moscow đưa ra về cuộc khủng hoảng Ukraine, vốn đã leo thang thành một trong những cuộc đối đầu Đông-Tây căng thẳng nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc 3 thập kỷ trước.
Nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh thân cận của Nga hôm 28/1 nói rằng đất nước của ông hoàn toàn không muốn có một cuộc chiến và xung đột sẽ chỉ nổ ra nếu Belarus hoặc Nga bị tấn công trực tiếp.
(Reuters)
Trung Quốc đang ‘hại’ các hãng hàng không nội địa bằng chính sách 0-Covid
Hình minh họa từ Simply Aviation.
Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh việc đình chỉ các chuyến bay để đảm bảo mục tiêu “0-Covid”. Chính sách này đã khiến ngành hàng không Trung Quốc, vốn gặp khó khăn do dịch Covid-19, càng thêm suy thoái.
Theo Nikkei, năm 2021 Trung Quốc đã đình chỉ 603 chuyến bay vì có ca nhiễm Covid-19. Trong năm mới, tính tới ngày 13/1, Trung Quốc đã đình chỉ 198 chuyến bay, gần bằng một phần ba số lượng chuyến bay bị định chỉ của năm ngoái.
“Chúng tôi quyết tâm ngăn chặn làn sóng lây lan [dịch] từ nước ngoài cũng như hạn chế dịch trong nước”, Tổng giám đốc bộ phận tiêu chuẩn bay của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, nói với các phóng viên hôm 15/1.
Sang năm 2022, China Southern Airlines đã buộc phải tạm dừng các chuyến bay đến Toronto, Canada, trong khi China Eastern Airlines tạm dừng các chuyến bay đến Paris.
Các hãng vận tải Trung Quốc chiếm 56% tổng số chuyến bay quốc tế được lên kế hoạch trong khoảng nửa cuối năm 2021 và đến cuối tháng 3/2022. Vì thế việc chính phủ Trung Quốc hạn chế khai thác các tuyến bay quốc tế đã gây thiệt hại không nhỏ cho ngành hàng không dân dụng trong nước.
Tại ba hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc, các chuyến bay quốc tế, bao gồm cả những chuyến bay đến Hồng Kông và Macao, hiện chỉ có lượng khách bằng khoảng 1% tổng lượng hành khách của họ, giảm 17% so với thời điểm trước khi có dịch Covid.
Việc sụt giảm mạnh các chuyến bay quốc tế ảnh hưởng lớn tới doanh thu của các hãng hàng không vì các chuyến bay quốc tế có giá vé cao hơn các chuyến bay nội địa. Đối với China Southern Airlines, trong năm 2019, giá vé đường bay quốc tế gần gấp đôi so với giá vé đường bay nội địa.
Tất cả ba hãng hàng không lớn của Trung Quôc đều báo cáo khoản lỗ ròng khoảng 1 tỷ đô la trong ba quý đầu năm 2021.
Cách tiếp cận phòng chống dịch Covid-19 của chính phủ Trung Quốc đã bị chỉ trích là cực đoan và tùy tiện. “Đã có hơn một vài trường hợp nhà chức trách thay đổi chỉ thị ngay trước khi công việc bắt đầu”, một quan chức tại một hãng hàng không nước ngoài có chi nhánh tại Quảng Châu cho biết về các quy định phòng chống dịch Covid-19.
Tại một sân bay Trung Quốc trong tháng này, một công ty vệ sinh đã ngừng hoạt động khi một nhân viên của họ dương tính với Covid-19. Điều này gây ảnh hưởng tới các hãng hàng không vì họ thường thuê nhân viên từ các công ty vệ sinh để dọn dẹp máy bay.
Mỹ cố gắng trục vớt F-35 gặp nạn tại Biển Đông trước khi Trung Quốc tìm thấy
Hải quân Hoa Kỳ hôm 26/01/2022 cố gắng trục vớt một chiến đấu cơ F-35 hiện đại bị rơi xuống Biển Đông trong cuộc tập trận hôm thứ Hai. Theo CNN, đây là công việc hết sức phức tạp vì Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.
Hai hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và USS Abraham Lincohn bắt đầu thao dượt trên Biển Đông hôm Chủ nhật 23/01, sau khi tập trận với một chiến hạm Nhật tuần trước. Sự cố xảy ra khi một chiếc F-35C Lightning bị trượt khỏi boong tàu USS Carl Vinson rơi xuống biển, phi công thoát ra được, đang được chữa trị cùng với sáu thủy thủ bị thương. Hạm đội Thái Bình Dương mở điều tra về nguyên nhân tai nạn.
CNN dẫn lời Carl Schuster, cựu quan chức của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương ở Hawai nhận xét, Bắc Kinh rất muốn có trong tay loại tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của Mỹ, được trang bị nhiều loại cảm biến.
Hải quân và tuần duyên Trung Quốc hiện diện dày đặc trên Biển Đông, nhưng có lẽ chỉ theo dõi hoạt động trục vớt vì lo ngại nguy cơ căng thẳng chính trị với Hoa Kỳ. Công việc tìm kiếm có thể kéo dài nhiều tháng, tùy theo độ sâu vùng biển nơi phi cơ rơi xuống. Chiếc tiêm kích có thể còn nguyên vẹn vì tốc độ thấp lúc hạ cánh.
Đây là lần thứ ba một nước cố gắng trục vớt F-35 từ dưới biển. Tháng 11/2021, một chiếc F-35B của Anh bị rơi khỏi hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth ở Địa Trung Hải lúc cất cánh, và đã vớt được, tránh khả năng trở thành chiến lợi phẩm của tình báo Nga. Trước đó một F-35 của Nhật Bản bị nạn chỉ thu lại được những mảnh vụn vì rơi ở tốc độ cao.
(AFP) – Đài Loan : Tiêm kích công nghệ cao của Trung Quốc là « mối đe dọa mới»
Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 25/01/2022 khẳng định có hai phi cơ tiêm kích thế hệ mới J-16D trong số 52 chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) Đài Loan từ Chủ nhật đến thứ Hai 24/01. Loại máy bay tác chiến điện tử này được tiết lộ vào tháng 9/2021, có thể phá hủy các radar để vô hiệu hóa sức mạnh phòng không của đối thủ, mở đường cho các cuộc tấn công mới.
Chuyên gia Thư Hiếu Hoàng (Shu Hsiao Huang) cảnh báo J-16D là mối đe dọa mới cho Đài Loan. Bài xã luận của Global Times hôm qua nói rằng sự xuất hiện của tiêm kích thế hệ mới « tự nó đã nói lên vấn đề » và đe dọa sắp tới chiến đấu cơ Trung Quốc không chỉ bay vòng quanh mà sẽ « bay trên bầu trời Đài Loan ».
(Reuters) – Nhật sẽ hợp tác với Mỹ nếu Ukraina bị xâm lăng
Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau trong trường hợp Nga xâm lược Ukraina. Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản hôm 26/01/2022 tuyên bố như trên.
Các cường quốc phương Tây lo ngại một cuộc tấn công mới của Matxcơva với việc huy động cả trăm ngàn quân tại biên giới Ukraina, sau khi đã chiếm Crimée năm 2014.
(AFP) – Mỹ : Gần 40 người mất tích trong vụ đắm tàu ngoài khơi Florida
Tuần duyên Hoa Kỳ hôm 25/01/2022 thông báo có 39 người mất tích sau khi một chiếc tàu từ Bahamas bị đắm hôm thứ Bảy 20/01 ngoài khơi Florida, nghi ngờ rằng đây là một vụ buôn người.
Quần đảo Bahamas với 700 đảo nhỏ nằm cách bang Florida 80 kilomet, gần Jamaica, Cuba và Haiti, thường là nơi trung chuyển những di dân tìm cách nhập cư vào Mỹ. Nhiều tàu và máy bay đang tìm kiếm các nạn nhân, mà theo những người sống sót, không hề có áo phao cứu hộ.
Covid-19: Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục
Một trung tâm xét nghiệm Covid tại thủ đô Seoul. Ảnh minh họa chụp hôm 10/12/2021. AP - Lee Jin-man
Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày ở mức kỷ lục vào ngày 28/01/2022. Theo đài truyền hình NHK, Nhật Bản có hơn 80.000 ca nhiễm mới, tính đến 18 giờ. Riêng thủ đô Tokyo có hơn 17.600 ca và là ngày thứ tư liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới chưa từng có. Còn theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, Omicron đã trở thành chủng lây nhiễm COVID chính tại Hàn Quốc.
Đứng trước nguy cơ quá tải cho hệ thống y tế, Hàn Quốc quyết định chuyển giao phương pháp điều trị và cẩn đoán COVID-19 cho các cơ sở y tế cấp bệnh viện và phòng khám hô hấp trên toàn quốc.
Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :
Kể từ khi chủng Omicron trở thành chủng lây nhiễm chính tại Hàn Quốc vào ngày 24/01/2022 số lượng người nhiễm COVID19 đã liên tục tăng. Hôm nay ngày 28/01/2022 Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhân số ca nhiễm COVID-19 đạt mức kỷ lục lên tới trên 16.000 ca nhiễm mới, bất chấp việc trên 80% dân số đã tiêm đủ 2 mũi vac-xin và trên 50% dân số Hàn Quốc đã tiêm mũi tăng cường. Đứng trước nguy cơ quá tải hệ thống y tế sau Tết nguyên đán (설날), 431 phòng khám và bệnh viên chuyên về hô hấp trên cả nước đã được chọn để chuyển giao phương pháp điều trị và chẩn đoán bệnh nhân nhiễm COVID-19 ngay sau kỳ nghỉ tết.
Số phòng khám và bệnh viện được chuyển giao phương pháp điều trị COVID-19 cũng sẽ được tăng lên theo thời gian. Các loại thuốc được sử dụng để chống lại virus corona bao gồm Paxlovid của Pfizer và Molnupiravir của Merck company (MSD). Chính phủ cũng đảm bảo số liều điều trị COVID-19 được nhập khẩu lên tới 1.400.000 liều.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đã thay đổi phương pháp xét nghiệm đại trà từ 100% xét nghiệm PCR thành chỉ xét nghiệm PCR cho những người dương tính với test nhanh tại khu vực xét nghiệm.
Theo ông Lee Ki-il (이기일) thuộc trung tâm đối phó an toàn và thảm hoa cho biết: “một hệ thống “một cửa” tại các phòng khám sẽ cung cấp toàn bộ dịch vụ từ khám-chẩn đoán-kê đơn - theo dõi điều trị tại nhà cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 ngay sau khi họ đến cơ sở y tế”. Cũng theo ủy ban này, danh sách phòng khám đủ tiêu chuẩn khám chữa COVID-19 sẽ được thành lập và kiểm tra trực tiếp trên bản đồ từ tháng 2 năm 2022.
Trung Quốc phủ nhận tin muốn trục vớt máy bay Mỹ rơi
Máy bay F-35C Lightning II chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz
Hải quân Hoa Kỳ
Trung Quốc hôm 27/1 lên tiếng nói rằng nước này không quan tâm tới việc trục vớt máy bay chiến đấu F-35C của Mỹ bị rơi ở Biển Đông hôm thứ hay, ngày 24/1 vừa qua.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với báo giới rằng Trung Quốc không quan tâm đến chiếc máy bay này và Bắc Kinh “quan ngại đến những thứ có ảnh hưởng tới vấn đề hoà bình và an ninh khu vực hơn là lên gân trong khu vực.”
Trong khi đó, Hải quân Hoa Kỳ trước đó nói đang tìm cách trục vớt máy bay chiến đấu F-35C có tên Lightning II trị giá 100 triệu đô la bị rơi vừa qua.
Chiếc máy bay bị rơi xuống biển khi đang hạ cánh xuống tàu sân bay USS Carl Vinson trong hoạt động diễn tập ngoài biển. Phi công chiếc máy bay đã kịp thời bật thoát và được một máy bay trực thăng Mỹ cứu sau đó.
Bảy lính Mỹ đã bị thương trong vụ tai nạn này và tất cả hiện đều có sức khoẻ ổn định.
Vụ tai nạn xảy ra khi hai đội tàu tấn công của Mỹ là USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln đang phối hợp tập trận ở Biển Đông.
Một cựu sĩ quan Hải quân Mỹ nói với RFA rằng việc định vị và trục vớt chiếc máy bay Mỹ do Hải quân Hoa Kỳ đang tiến hành có thể mất từ ba đến bốn tháng.
Và Trung Quốc đang theo dõi rất chặt chẽ hoạt động này.
“Trung Quốc quan tâm nhưng tuyên bố mới đây của họ cho thấy họ không có nỗ lực trong việc trục vớt chiếc máy bay nếu phía Mỹ làm”, cựu Giám đốc thuộc Trung tâm Tình báo thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ ở Hawaii Carl Schuster nói với RFA.
“Họ (Bắc Kinh) không muốn liều lĩnh một cuộc đối đầu hoặc làm gia tăng căng thẳng vốn đã lên cao trong quan hệ Mỹ - Trung.”
Nhiệm vụ đầy thách thức
Ông Schuster nhận định: “Tuy vậy, họ sẽ theo dõi hoạt động trục vớt của Hoa Kỳ và nếu họ có thể một cách bí mật thì họ sẽ tho dõi bằng cách sử dụng thiết bị lặn để thu thập thông tin”.
“Tôi tin là họ đã có khoảng từ 30 đến 60% những gì họ cần biết về F-35 từ các nỗ lực do thám mạng của mình. Một điều tra toàn bộ sẽ bổ sung thêm thông tin”.
Một số nhà phân tích Trung Quốc tin rằng có nhân tố khác liên quan đến vụ máy bay rơi.
“Trong khi Trung Quốc, và bất cứ quốc gia nào khác, chắc chắn sẽ quan tâm tới việc tìm hiểu kỹ hơn về F-35 thì có một vấn đề khác cần quan tâm. Câu hỏi đặt ra là liệu chiếc máy bay có rơi ở vùng biển của Trung Quốc không”, Andy Mok, một nhà bình luận nổi tiếng ở Bắc Kinh nói.
“Nếu nó rơi ở vùng nước thuộc Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ ở vị thế rất khó khăn vì Trung Quốc sẽ có toàn quyền giữ nó mà không trả lại cho Mỹ”, nhà phân tích nói tiếp.
Trung Quốc hiện đòi chủ quyền lịch sử đối với phần lớn diện tích Biển Đông, và đã vẽ đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo mà nước này đỏi chủ quyền tại đây với những đòi hỏi về vùng lãnh hải mở rộng vượt quá quy định của luật quốc tế.
Ông Schuster nói rằng quá trình trục vớt sẽ mất rất nhiều thời gian:
“Tôi cho là sẽ mất từ 20 - 60 ngày, tuỳ vào điều kiện thời tiết, dòng nước, điều kiện ngầm dưới nước và hoạt động của Trung Quốc”.
“Ở điều kiện lý tưởng, bạn có thể mất từ 10 đến 20 ngày cho việc tìm kiếm và trục vớt. Dòng chảy mạnh và khó đoán, điều kiện thời tiết xấu và các thách thức khác hoặc gián đoạn công việc có thể làm tăng thêm thời gian. Trường hợp xấu nhất là 90 đến 120 ngày nếu mùa mưa đến.”
Ông Schuster giải thích tiếp:
“Hoa Kỳ đã cho thấy khả năng trục vớt máy bay ở độ sâu 15.000 feet (tức 4,572 mét) và điểm sâu nhất ở Biển Đông là 16.000 feet (tương đương 4.876 mét). Vì vậy, thách thức trong việc tìm kiếm là gửi thiết bị trục vớt xuống đưa chiếc máy bay từ đáy biển lên bờ”.
“Trung Quốc sẽ theo dõi việc này để biết họ có thể làm được gì về chiếc máy bay, và chắc chắn là làm thế nào để đưa chiếc máy bay nặng 70.000 pound (khoảng 35 tấn) lên từ độ sâu hàng ngàn feet.”
Từ Bắc Kinh, cách nhìn sự việc có khác.
Nhà phân tích Andy Mok nói: “Sự việc này chỉ là sự việc gần đây nhất trong chuỗi những tai nạn vốn chỉ đưa ra thêm các câu hỏi về sự sẵn sàng của quân đội Mỹ.”
Người phát ngôn Hạm đội 7 Hayley Sims nói với báo Stars and Stripe của Mỹ hôm 26/1 rằng Hải quân Hoa Kỳ hiện đang điều tra vụ rơi máy bay F-35C cùng với bốn vụ tai nạn nghiêm trọng khác được xếp hạng A có liên quan đến máy bay ở tàu sân bay USS Carl Vinson xảy ra từ ngày 22/11 đến 31/12 vừa qua.
Tai nạn hạng A có bao gồm chết người hoặc bị tàn tật vĩnh viễn, hoặc mất toàn bộ chiếc máy bay hoặc hư hại lên đến 2,5 triệu đô la hoặc hơn, theo định nghĩa của Hải quân Mỹ.
Không có nhận xét nào