Uỷ hội sông Mekong kêu gọi hợp tác quản lý nguồn nước tốt hơn khi hạn hán kỷ lục tiếp diễn
Sông Mekong nhìn từ tỉnh Chiang Rai của Thái Lan.
Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) hôm 13/1 kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á phối hợp quản lý tốt hơn các đập và hồ chứa thủy điện sông Mekong sau ba năm dòng chảy thấp kỷ lục và ngày càng thêm khô hạn.
Dòng chảy của sông Mekong giảm xuống mức thấp nhất trong hơn sáu thập niên từ năm 2019 đến năm 2021 do số lượng hồ chứa, đập và trữ nước tăng lên, tình hình khí hậu ngày càng xấu đi và lượng mưa thấp bất thường, một báo cáo mới về dòng chảy sông Mekong của MRC cho thấy.
Tình trạng khô hạn trong ba năm qua đã ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, hệ sinh thái sông và sự ổn định của bờ sông trong khu vực nơi mà hàng chục triệu người phụ thuộc vào sông Mekong để kiếm sống.
Tổ chức MRC – trong đó Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam là thành viên - khuyến nghị chính phủ các nước này tăng cường phối hợp vận hành các đập thủy điện và tích nước ở lưu vực sông Mekong để giảm bớt tác động của hạn hán.
“Sự hợp tác chủ động là điều cần thiết, không chỉ từ Trung Quốc mà từ tất cả các nước thành viên MRC, để cùng giải quyết những vấn đề này”, An Pich Hatda, Giám đốc điều hành của MRC nói.
Có ít nhất 13 đập dọc theo 4.350 km sông Mekong, 11 trong số đó ở Trung Quốc.
Năm ngoái, MRC đã kêu gọi chia sẻ dữ liệu nhiều hơn về hoạt động thủy điện giữa Trung Quốc và các nước thành viên MRC để cải thiện việc quản lý lưu vực sông.
Nhân quyền: HRW kêu gọi quốc tế tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022
Ảnh minh họa: Sân vận động quốc gia tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Ảnh chụp ngày 10/01/2022. REUTERS - FABRIZIO BENSCH
Hôm nay 13/01/2022, nhân dịp báo cáo nhân quyền thế giới thường niên của Human Rights Watch (HRW) được công bố, lãnh đạo tổ chức này đã lên án Trung Quốc dùng Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022 để che giấu bản tổng kết « khủng khiếp » về nhân quyền. Tổ chức nhân quyền của Mỹ kêu gọi các quốc gia tham gia vào phong trào tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh do Washington khởi xướng.
Trao đổi với hãng tin Pháp AFP trước khi báo cáo thường niên về tình trạng vi phạm nhân quyền trên thế giới được công bố, Kenneth Roth, người đứng đầu HRW tố cáo: « Chính phủ Trung Quốc rõ ràng sử dụng Thế Vận Hội Bắc Kinh để tẩy trắng hoặc che giấu các hành vi đàn áp kinh khủng dưới vỏ bọc của các thành tích thể thao ».
Đối với lãnh đạo HRW, cần có thêm nhiều nước nữa từ chối việc cử đại diện chính phủ đến dự Olympic Bắc Kinh 2022, giống như Mỹ, Úc, Canada và Anh Quốc. Kenneth Roth lưu ý các nước « không thể chỉ coi như mọi việc vẫn bình thường » và nhấn mạnh « ít nhất thì cộng đồng quốc tế cũng phải gia nhập phong trào tẩy chay ngoại giao » Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, theo dự kiến diễn ra vào tháng 02/2022.
Nhắm tới giới tài trợ Olympic, lãnh đạo HRW khuyến nghị là thay vì giúp đỡ Bắc Kinh « tẩy trắng » hoạt động đàn áp, các nhà tài trợ « cần nhấn mạnh điều gì đang diễn ra ở Tân Cương », ý nói tới việc chế độ Cộng Sản Trung Quốc đàn áp, giam giữ hàng triệu người thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo ở Tân Cương.
Kenneth Roth còn chỉ trích đích danh tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteress, người theo dự kiến sẽ đến dự Olympic mùa đông 2022, là đã « hoàn toàn im lặng và từ chối lên án chính phủ Trung Quốc ».
Nhiều lãnh đạo quốc tế bị chỉ trích
Nhìn rộng ra thế giới, HRW chỉ trích nhiều lãnh đạo quốc tế, trong đó có cả tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cựu thủ tướng Đức Angela Merkel, vì sự yếu kém trong việc bảo vệ nền dân chủ cũng như về thất bại trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng khí hậu và y tế. HRW cũng kêu gọi lãnh đạo các nước dân chủ phải cứng rắn hơn để đối phó với các chế độ chuyên quyền.
Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia đàm phán mở quan hệ ngoại giao
Các phái viên Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia sẽ gặp nhau vào thứ Sáu để thảo luận về triển vọng bình thường hóa quan hệ. Thổ Nhĩ Kỳ đã công nhận Armenia sau khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng hai nước, với đường biên giới 300 km và kí ức in sâu về cuộc diệt chủng người Armenia trong Thế chiến thứ nhất, chưa bao giờ thiết lập quan hệ ngoại giao. Tiến trình ngoại giao đã gần thành công vào năm 2009, để rồi đổ vỡ trước phản ứng dữ dội của phe dân tộc chủ nghĩa ở cả hai bên và Azerbaijan, nước từng tham chiến đẫm máu với Armenia xoay quanh lãnh thổ Nagorno-Karabakh vào những năm 1990.
Ngày nay thế sự đã khác. Armenia mất một phần Nagorno-Karabakh vào tay Azerbaijan trong năm 2020, và do đó đang đàm phán ở thế yếu. Mỹ và EU, trước đây từng coi việc hai nước này hòa hợp nhau là một cách làm loãng ảnh hưởng của Nga trong khu vực, giờ đây không còn can dự. Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ trở nên thân thiết hơn với Nga. Đặc biệt là trong khi đàm phán 2009 diễn ra ở Zurich, đàm phán mới đang được tổ chức tại Moscow.
Cánh tả Pháp chia rẽ trước thềm bầu cử
Phe tả Pháp từng có hai tổng thống thời hiện đại, François Mitterrand và François Hollande. Chỉ mười năm trước, họ nắm trong tay ghế tổng thống, cả hai viện quốc hội và hầu hết các khu vực lẫn thành phố lớn. Nhưng giờ đây, trước cuộc bầu cử tổng thống hai vòng vào tháng 4, họ chìm sâu trong khủng hoảng. Con số thăm dò của Anne Hidalgo, thị trưởng Paris và ứng viên của đảng Xã hội, chỉ là 4%. Điều này đồng nghĩa đảng sẽ không thể qua được vòng một, lần thứ hai liên tiếp.
Vấn đề chính của họ là chia rẽ. Ngoài bà Hidalgo còn có các ứng viên khác bao gồm Yannick Jadot của đảng Xanh và Jean-Luc Mélenchon, vị chính trị gia lâu năm đang lần thứ ba ra tranh cử. Mọi thứ còn có thể tệ hơn. Từ ngày 27 đến 30 tháng 1, hơn 100.000 cử tri cơ sở sẽ tham gia bỏ phiếu “sơ bộ” trực tuyến để chọn ra ứng viên yêu thích của mình. Christiane Taubira, một cựu bộ trưởng tư pháp từ Guiana thuộc Pháp, cho biết nếu thắng cũng sẽ ra tranh cử tổng thống.
Ngày công bố doanh thu quý của các ngân hàng Mỹ
Các ngân hàng nắm trong tay nhiều thứ: phát hành thẻ tín dụng và nhận thế chấp của công chúng; giao dịch cổ phiếu và trái phiếu; đồng thời hoàn thiện giao dịch cho các tập đoàn lớn. Do đó, báo cáo thu nhập của họ chính là bức tranh tổng thể cho thấy tình hình của nền kinh tế.
Citigroup, JPMorgan Chase và Wells Fargo, ba trong số các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, đều báo cáo lợi nhuận quý tư vào thứ Sáu này. Kết quả sẽ không đồng nhất. Chi tiêu thẻ tín dụng giảm trong tháng 12 khi biến thể omicron lan rộng. Doanh thu từ giao dịch cổ phiếu, vốn đã bùng nổ trong giai đoạn đỉnh thị trường chứng khoán, dự kiến sẽ hạ nhiệt.
Nhưng có một tin tốt cho họ. Cục Dự trữ Liên bang dự kiến tăng lãi suất sớm và nhanh, qua đó giúp đẩy lợi nhuận ngành ngân hàng. Cổ phiếu của họ đã tăng: chỉ số KBW của các ngân hàng hàng đầu tăng 10% kể từ giữa tháng 12.
Đức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế
Vào thứ Sáu, cơ quan thống kê Đức sẽ đưa ra số liệu sơ bộ về GDP năm ngoái, cũng như đánh giá chung cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Hầu hết giới phân tích dự đoán tăng trưởng năm 2021 vào khoảng 2,5%. Đối với năm nay, biến thể Omicron lan rộng trong khi lạm phát gia tăng và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn. Điều này khiến các chuyên gia phải điều chỉnh lại dự báo 2022 từ hơn 5% xuống các con số thấp hơn nhiều.
Siegfried Russwurm, người đứng đầu nhóm vận động hành lang BDI, cho biết ngành công nghiệp Đức thiệt hại khoảng 50 tỷ euro (57 tỷ USD) trong năm 2021 vì khan hiếm vi mạch và nguyên liệu thô. Ông dự báo mức thiệt hại tương tự trong năm nay, với GDP chỉ tăng 3,5%. Những rắc rối kinh tế của đại dịch gây ra vẫn chưa qua đi.
Nga và Trung Quốc thị uy với phương Tây để bất chiến tự nhiên thành ?
Theo chuyên gia Valérie Niquet, cần tỉnh táo trước các đòn cân não của Nga và nhất là Trung Quốc. Nguy cơ chính đối với thế giới tự do là phải nhìn thấy Bắc Kinh không đánh mà thắng, giương oai diễu võ làm các đối thủ nhụt chí phải nhượng bộ.
Tình hình Ukraina và Kazakhstan, biến thể Omicron tiếp tục gây lo lắng trên thế giới, tin giả trên mạng xã hội là các chủ đề được báo chí Pháp quan tâm nhiều hôm nay.
Ukraina không thể là món hàng đổi chác
Trong bài xã luận « Ukraina, một chủ đề châu Âu », La Croix nhận định Nga gây áp lực nặng nề với Ukraina, huy động cả trăm ngàn quân Nga ở biên giới, nhằm ngăn cản Nhà nước độc lập này một ngày nào đó gia nhập vào NATO. Kiev phản đối, khẳng định quyền chọn lựa liên minh của mình. Tờ báo cho rằng đó là chính đáng và cần ủng hộ Ukraina.
Để đạt mục đích, Vladimir Putin tìm cách thương lượng trực tiếp với Hoa Kỳ. Nga sử dụng vị thế cường quốc thế giới để đẩy Ukraina xuống vai trò một món hàng trao đổi, trong một cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân và chia sẻ ảnh hưởng ở châu Âu. Chiến lược tạo khủng hoảng của Nga đã khiến Washington mở đối thoại. Điều này là tốt nếu giúp giảm căng thẳng và không làm hại đến châu Âu.
Nhưng châu Âu cũng không thể thụ động. Nếu biết tổ chức, châu lục này có thể đóng góp mạnh mẽ vào sự ổn định của lãnh thổ, của mô hình dân chủ và các láng giềng. NATO vẫn là liên minh quân sự lâu dài, nhưng Liên hiệp Châu Âu (EU) có những thế mạnh khác về kinh tế, không gian, kỹ thuật số ; và cần có quan điểm chung về những mối đe dọa để phối hợp đáp trả. Công trình này sẽ được đẩy nhanh trong thời kỳ Pháp làm chủ tịch Liên hiệp Châu Âu – bây giờ đã đến lúc.
Le Figaro kể lại quá trình « Nga-NATO : Quan hệ dần dà trở nên gay gắt như thế nào ». Lần đầu tiên từ hai năm qua Hội đồng NATO-Nga họp lại, nhân đó phía Nga đưa ra một yêu sách xấc xược : chính thức chấm dứt mở rộng sang phía đông. Ngoại trưởng Nga tố cáo NATO luôn muốn nắm lấy các vùng đất trở nên bơ vơ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Trung Quốc dùng phương Nam bao vây phương Bắc
Liên quan đến châu Á, nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan khi trả lời phỏng vấn báo Le Monde đã nhận định « Chiến lược của Bắc Kinh là dùng các nước phương Nam để bao vây phương Bắc ». Ông cho rằng Trung Quốc dấn tới tại châu Phi để tạo vị thế mới trước phương Tây.
Trong diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Châu Phi tháng 11/2021, tín dụng từ Bắc Kinh đã giảm bớt, do các nước châu Phi ý thức được sự lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc dưới mọi hình thức. Tuy nhiên Bắc Kinh đã thành công trong việc tạo ra một giới tinh hoa thân Trung Quốc. Đảng Cộng Sản Trung Quốc lập quan hệ với 110 đảng ở châu Phi, và không chỉ là những đảng đang cầm quyền. Nhiều cán bộ quản lý châu Phi theo học tại các trường đảng Trung Quốc.
Lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi còn là cô lập Đài Loan về ngoại giao, và ngày nay 54 Nhà nước châu Phi mang lại cho Bắc Kinh số phiếu quan trọng ở Liên Hiệp Quốc. Ông Cabestan cho rằng chiến lược của Trung Quốc là bao vây phương Bắc bằng các nước phương Nam do Bắc Kinh lãnh đạo. Tập Cận Bình dựa vào đó để tạo ra tương quan lực lượng mới : hoặc lôi kéo các nước này đứng về phía Trung Quốc, hoặc vô hiệu hóa họ. Nga và Trung Quốc có lợi ích bổ sung cho nhau ở lục địa đen. Bắc Kinh đầu tư vào kinh tế trong khi Nga chú trọng về an ninh, chủ yếu qua lực lượng lính đánh thuê Wagner ở Mali hay Trung Phi.
Úc một lần nữa hủy thị thực của Novak Djokovic
Novak Djokovic trong một buổi tập ở Melbourne hôm 14/1 trước giải Úc Mở rộng
Úc hủy thị thực của Novak Djokovic lần thứ hai hôm 14/1 và nói rằng tay vợt số một thế giới chưa được chích ngừa COVID-19 có thể gây ra nguy cơ sức khỏe. Điều này trên thực tế chấm dứt hy vọng của Djokovic lập kỷ lục 21 Grand Slam tại Úc Mở rộng.
Bộ trưởng Di trú Úc Alex Hawke đã dùng quyền quyết định để một lần nữa hủy thị thực của Djokovic, sau khi tòa án đã bác bỏ việc thu hồi thị thực của anh trước đó và phóng thích anh ra khỏi khách sạn giam người di trú hôm 10/1. Hiện chưa rõ liệu anh ta có bị giam giữ trở lại hay không.
Việc hủy thị thực này dựa trên lý do sức khỏe và trật tự, trên cơ sở đó là vì lợi ích chung, tuyên bố của ông Hawke cho biết.
Theo quy định của Đạo luật Di trú được vận dụng để hủy bỏ thị thực, Djokovic sẽ không thể xin thị thực đến Úc trong vòng ba năm, ngoại trừ trong những trường hợp cấp thiết ảnh hưởng đến lợi ích của nước Úc.
Quyết định này có thể dẫn đến khả năng ngôi sao quần vợt Serbia một lần nữa kiện ra tòa để anh có thể được ở lại và tranh giải Úc mở rộng bắt đầu từ đầu tuần tới.
Một nguồn tin thân cận với đội ngũ của Djokovic xác nhận rằng anh đang xem xét quyết định và cân nhắc các lựa chọn.
Những tranh cãi xung quanh Djokovic đã có ý nghĩa quan trọng vượt ra ngoài khuôn khổ quần vợt: nó làm nóng lên cuộc tranh luận toàn cầu về quyền của những người chưa được tiêm chủng và trở thành một vấn đề chính trị rắc rối cho Thủ tướng Scott Morrison khi ông đối mặt với cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Năm.
Điệp viên chìm TQ xâm nhập vào Quốc hội Anh, MI5 cảnh báo
Nguồn hình ảnh, Reuters
Một điệp viên chìm người Trung Quốc đã xâm nhập vào Quốc hội Anh nhằm can thiệp vào chính trị nước này, cơ quan tình báo Anh MI5 vừa tiết lộ.
Một cảnh báo từ MI5 cho biết bà Christine Ching Kui Lee (Lý Trinh Câu) "đã thiết lập quan hệ" với các nghị sỹ quốc hội đương nhiệm và tiềm năng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sau đó bà này hiến tặng và đóng góp tiền cho các chính trị gia, với nguồn tiền đến từ những người sống ở Trung Quốc và Hong Kong.
MI5 nói bất kỳ ai được bà Lý liên hệ sẽ phải "cẩn thận khi dính dáng tới bà" và "sứ mệnh thúc đẩy nghị trình của Đảng Cộng sản Trung Quốc".
Nghị sỹ và cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Sir Ian Duncan Smith đề cập đến cảnh báo này trong buổi họp Quốc hội Anh, và xác nhận vấn đề này đã được Chủ tịch Quốc hội gửi email tới các nghị sỹ.
Ông nói đây là "một vấn đề hết sức đáng lo ngại," và kêu gọi trục xuất bà Lý và yêu cầu chính phủ có thông cáo trước Quốc hội.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tobias Ellwood nói: "Đây là kiểu can thiệp vùng xám mà chúng ta đã lường trước và trông đợi từ Trung Quốc.
"Nhưng thực tế là nó đã xảy ra với Quốc hội này, thì chính phủ phải thấy tính cấp bách của vấn đề."
Phân tích của Gordon Corera
Phóng viên An ninh BBC
Đưa ra cảnh báo về một cá nhân là một động thái ít thấy đối với MI5.
Điều này chỉ dấu rằng điều tra kéo dài của họ đã khiến họ trở nên lo ngại tới mức họ thấy cần phải hành động ngay lập tức.
Chúng ta đã biết về những lo ngại về ảnh hưởng của Nga trước đây, nhưng các quan chức tình báo Anh cho rằng Trung Quốc giờ đây trở thành mối quan tâm hàng đầu của họ.
Cáo buộc ở trường hợp này là sự can thiệp - gây ảnh hưởng một cách bí mật - và không phải là gián điệp (lấy cắp bí mật).
Và một mối lo ngại của các nhân viên an ninh là không có luật pháp sẵn có để xử lý sự can thiệp.
Và kết quả là, đôi khi họ tin rằng thông báo một cách công khai - như họ đã làm trong trường hợp này - là cách tốt nhất để làm gián đoạn nguy cơ đang tiếp diễn.
Theo cảnh bảo này, bà Lý giải thích là mối liên hệ của bà với Quốc hội Anh là để "đại diện cho người Anh gốc Hoa và tăng cường sự đa dạng."
Nhưng MI5 cho rằng hoạt động đó "đã được thực hiện phối hợp một cách bí mật với Vụ Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCS TQ, với nguồn kinh phí từ những người sống ở Trung Quốc và Hong Kong."
Cơ quan An ninh nói bà Lý đã có "quan hệ rộng với các cá nhân trên khắp chính giới Anh," trong đó có cả một Ủy ban Quốc hội có đại diện từ tất cả các đảng phái (APPG) có tên Người Hoa ở Anh (Chinese in Britain).
Nhưng họ cảnh báo bà Lý "có thể mong muốn thành lập các ủy ban quốc hội khác để đẩy mạnh nghị trình của ĐCS TQ."
Nghị sĩ Mỹ giới thiệu đạo luật mới khiến Trung Quốc khó tiếp cận BĐS Hoa Kỳ
Một dự án bất động sản tại Mỹ (ảnh: Từ video của CNBC)
Vào ngày 12/1, hai nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện là Louie Gohmert và Mary Miller đã giới thiệu đạo luật cấm người nước ngoài mua đất thuộc lãnh thổ Mỹ trong vòng 5 năm để đảm bảo chủ quyền của Hoa Kỳ không bị xâm hại.
Dự luật định nghĩa “người nước ngoài” là “bất kỳ công dân nước ngoài, chính phủ nước ngoài hoặc pháp nhân nước ngoài nào”.
Dự luật yêu cầu, sáu tháng sau khi dự luật được ban hành, Tổng kiểm soát viên Hoa Kỳ phải đệ trình lên Quốc hội báo cáo chi tiết về các giao dịch mua bất động sản Hoa Kỳ của người nước ngoài.
Tổng kiểm soát viên cũng được đề nghị đưa ra các đề xuất giúp công dân Hoa Kỳ dễ dàng tiếp cận bất động sản của Mỹ hơn người nước ngoài, đồng thời được yêu cầu cung cấp tỷ lệ phần trăm bất động sản Mỹ thuộc sở hữu của người nước ngoài.
Dự luật cho biết, hiện tại, người nước ngoài sở hữu ⅓ tổng số bất động sản cho thuê ở Hoa Kỳ, và các nhà đầu tư nước ngoài đang “thôn tính” những ngôi nhà ở vùng ngoại ô của tầng lớp trung lưu Mỹ.
Theo Sound of Hope, dự luật này nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc, vì trong bảy năm qua, trong số các thực thể mua bất động sản tại Mỹ, các nhà đầu tư Trung Quốc chiếm đa số.
Dự luật cho biết, ĐCSTQ đang cố gắng mua đất ở Mỹ, tập trung vào đất nông nghiệp, để đạt được đòn bẩy chiến lược đối với Mỹ. Trong mười năm qua, các công ty và cá nhân nước ngoài đã mua 1,7 triệu mẫu đất nông nghiệp ở Texas, nhiều hơn bất kỳ tiểu bang nào khác, với trị giá khoảng 3,3 tỷ đô la.
Tỷ phú Trung Quốc Tôn Quảng Tín (Sun Guangxin), một đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đang có kế hoạch mua 140.000 mẫu Anh và xây dựng một trang trại gần Căn cứ Không quân Laughlin của Mỹ ở biên giới Mexico.
Võ Thái Hà tổng hợp
Không có nhận xét nào