Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 07 tháng 01 năm 2022



    Thủ tướng Hun Sen thăm chính thức Miến Điện để "làm dịu căng thẳng"


    Ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin đón thủ tướng Cam Bốt Hun Sen tại Naypyidaw, thủ đô Miến Điện, ngày 07/01/2022. REUTERS - CAMBODIAN GOVERNMENT

    Hôm nay, 07/01/2022, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đến Naypyidaw, mở đầu chuyến viếng thăm chính thức hai ngày tại Miến Điện, để « làm dịu căng thẳng » tại quốc gia này. Ông sẽ hội đàm với các lãnh đạo tập đoàn quân sự. Đây là chuyến thăm Miến Điện đầu tiên của một lãnh đạo ngoại quốc kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02/2021 lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi.

    Theo hãng tin AFP, các tổ chức nhân quyền quốc tế và các nhà hoạt động chống tập đoàn quân sự ở Miến Điện đã kêu gọi lãnh đạo chính phủ Cam Bốt từ bỏ chuyến viếng thăm này. Nhưng ông Hun Sen lại tuyên bố là ông sẵn sàng kéo dài chuyến đi thêm một ngày nếu cần.

    Hôm qua, một cuộc biểu tình phản đối chuyến đi của thủ tướng Cam Bốt đã diễn ra ở vùng Saigang, miền tây bắc của nước này.

    Từ Phom Penh, thông tín viên Juliette Buchez tường trình:

    “Hun Sen, hãy ở nhà ông đi, đừng ủng hộ những cánh đồng chết nữa”. Đó là khẩu hiệu của những người biểu tình đã xuống đường hôm qua bất chấp sự đàn áp. Nội dung khẩu hiệu rất có ý nghĩa: Cam Bốt đã từng sống dưới chế độ Khmer Đỏ, tiếp theo là nhiều năm nội chiến.

    Thế mà, ông Hun Sen, vốn tự xem mình là một người bảo đảm cho hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế cho Cam Bốt, hôm nay đã đặt chân đến Naypyidaw, thủ đô vắng lặng của Miến Điện, và như vậy ông trở thành lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến thăm nước này kể từ cuộc đảo chính tháng 2/2021.

    Năm 2022, Cam Bốt giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, mà Miến Điện là một trong những thành viên. Vào tháng 4/2021, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã đạt được bản Đồng Thuận 5 điểm, chủ yếu yêu cầu phải chấm dứt bạo lực ở Miến Điện. Con số hơn 1.400 thường dân bị sát hại cho thấy là bản Đồng Thuận ấy đã không có tác dụng gì.

    Mục tiêu mà thủ tướng Hun Sen đề ra là tái lập đối thoại, thuyết phục chính quyền quân sự thi hành bản Đồng Thuận 5 điểm, đưa Miến Điện trở lại bàn hội nghị của ASEAN. Thủ tướng Cam Bốt sẽ gặp tướng Min Aung Hlaing, cầm đầu phe đảo chính và gặp các đại diện khác của tập đoàn quân sự. Nhưng chính quyền Naypyidaw không chấp nhận cho ông Hun Sen tiếp xúc với lãnh đạo chính phủ dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi và cũng như với đại diện các lực lượng phiến quân.

    Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhà quan sát tỏ vẻ nghi ngờ về sự hữu ích của chuyến thăm chính thức này. Trong khi ASEAN vẫn xem cuộc đảo chính là không chính đáng, một số nhà quan sát sợ rằng chuyến đi của ông Hun Sen là khởi đầu của việc công nhận chính quyền quân sự Miến Điện.

    Tokyo tăng đóng góp tài chính cho lực lượng Mỹ đóng tại Nhật


    Ảnh do bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cung cấp: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin họp trực tuyến với hai đồng nhiệm Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Nobuo Kishi ngày 06/01/2022. AP

    Hôm nay, 07/01/2021, Nhật Bản đã triển hạn và tăng thêm mức đóng góp tài chính cho lực lượng Mỹ trú đóng trên lãnh thổ nước này, trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, cũng như trong lúc Tokyo và Washington bất hòa với nhau do khủng hoảng y tế.

    Theo hãng tin AFP, thỏa thuận 5 năm mới, vừa được ký kết hôm nay, đã được ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo khi phát biểu khai mạc cuộc họp trực tuyến giữa bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng của hai nước.

    Bộ Ngoại Giao Nhật Bản cho hãng tin AFP biết là mức đóng góp của nước này cho việc duy trì lực lượng Mỹ trong 5 năm tới sẽ là 211 tỷ yen/năm, tức là tổng cộng 1.055 tỷ yen (8 tỷ euro), tăng khoảng 5% so với giai đoạn trước.

    Chiếu theo hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật có từ năm 1960, Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo vệ về quân sự Nhật Bản, quốc gia hiện chỉ có một "Lực lượng phòng vệ" với phương tiện và khuôn khổ hoạt động hạn chế. Đổi lại, Tokyo phải đóng góp tài chính cho các chi phí liên quan đến sự hiện diện của khoảng 50.000 lính Mỹ trú đóng trên lãnh thổ Nhật Bản.

    Trong cuộc họp hôm nay, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại rằng chính "những hành động gây hấn" của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng ở vùng eo biển Đài Loan cũng như ở vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông cũng xem các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên là một "mối đe dọa dai dẳng", sau khi tuần này Bình Nhưỡng khẳng định đã bắn thử một tên lửa siêu thanh.

    Trong một tuyên bố chung, các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ Nhật cũng đã bày tỏ mối quan ngại “sâu sắc và dai dẳng” về những vi phạm nhân quyền ở vùng Tân Cương, Trung Quốc và ở Hồng Kông, đồng thời kêu gọi “hòa bình và ổn định” cho vùng eo biển Đài Loan.

    Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, cuộc họp trực tuyến hôm nay cũng diễn ra trong bối cảnh Tokyo và Washington bất hòa với nhau do tình hình dịch Covid-19. Cụ thể là do các ổ dịch Covid lớn tại những căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật, đặc biệt là ở tỉnh Okinawa. Các chính quyền địa phương cáo buộc lực lượng Mỹ đã khiến dịch bùng phát mạnh trở lại tại nhiều nơi ở Nhật Bản.

    Trên nguyên tắc hôm nay chính phủ Nhật Bản sẽ công bố những biện pháp mới để phòng chống dịch Covid-19 tại ba tỉnh có các căn cứ quân sự của Mỹ, trong đó có tỉnh Okinawa.




    CDC Mỹ đề nghị mũi Pfizer thứ ba cho trẻ 12-15 tuổi



    Trụ sở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ở Atlanta, Georgia.

    Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 5/1 mở rộng việc cho phép tiêm mũi vaccine Pfizer/BioNTech thứ ba nơi trẻ em từ 12 đến 15 tuổi.

    Tuyên bố được đưa ra sau khi một ủy ban cố vấn bên ngoài CDC biểu quyết khuyến nghị nên tiêm mũi vaccine tăng cường cho trẻ em trong độ tuổi này ít nhất 5 tháng sau mũi tiêm thứ nhì.

    Ủy ban này cũng khuyên CDC nên tăng cường khuyến nghị về các mũi vaccine bổ sung cho lứa tuổi 16-17. Trước đó, CDC chấp thuận việc tiêm mũi tăng cường cho độ tuổi này nhưng không khuyến nghị là tất cả các em 16-17 tuổi đều nên tiêm mũi thứ ba.

    CDC nay tuyên bố rằng họ khuyến nghị các thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi nên tiêm liều vaccine Pfizer thứ ba.

    Số ca nhiễm COVID tại Mỹ tăng tới mức kỷ lục trong những ngày gần đây vì biến thể Omicron. Tỷ lệ lây nhiễm tăng mạnh khi người lao động và học sinh trở lại làm việc và học hành sau kỳ nghỉ lễ, nâng cao khả năng hệ thống y tế bị quá tải cũng như các trường học và cơ sở kinh doanh phải đóng cửa.

    Mỹ : Toà Tối cao sẽ xem xét lệnh tiêm chủng của Biden

    Vào thứ Sáu — trong bối cảnh ca covid 19 tăng nhanh kỷ lục — Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xem xét hai chính sách tiêm chủng của chính quyền Biden. Cụ thể các thẩm phán sẽ quyết định xem chính quyền liên bang có lạm quyền khi yêu cầu nhân viên của các doanh nghiệp lớn phải tiêm chủng (hoặc xét nghiệm thường xuyên) hay không; tương tự là quy định yêu cầu nhân viên y tế tại các cơ sở nhận tài trợ Medicare hoặc Medicaid phải tiêm chủng.

    Hai lệnh này bị phản đối bởi các nhóm kinh doanh, tổ chức tôn giáo và 27 bang Cộng hòa. Họ cho rằng Quốc hội chưa bao giờ cho phép Cơ quan An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSHA) hoặc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) ra lệnh tiêm chủng. Theo họ nguy cơ của đại dịch không “nghiêm trọng,” và do đó các lệnh là không “cần thiết.” Trong khi đó, chính quyền Biden nói luật rõ ràng trao quyền cho OSHA và HHS thực hiện các quy tắc có thể cứu “hàng ngàn sinh mạng” và ngăn ngừa “hàng trăm ngàn ca nhập viện.” Tòa án có thể sẽ nhanh chóng ra phán quyết — vì hai lệnh bắt buộc phải có hiệu lực từ đầu tuần tới.

    Cộng đồng quốc tế bất lực trước tình hình ở Mali

    Vào Chủ nhật, các nguyên thủ của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) sẽ họp “hội nghị thượng đỉnh bất thường” về Mali. Nhóm đã nỗ lực vận động các nhà lãnh đạo đảo chính tháng 8 năm 2020 đồng ý tổ chức bầu cử sau 18 tháng. Nhưng đến tháng 5 năm 2021, nhà lãnh đạo đảo chính Assimi Goita lại đảo chính một lần nữa, bắt giữ các nhân vật dân sự do ông cài đặt và tự xưng làm tổng thống. Tháng 2 này là thời hạn 18 tháng, và dĩ nhiên không có bầu cử. Thay vào đó, sau khi “tham vấn quốc gia,” chính quyền quân sự đề xuất nắm quyền thêm 5 năm nữa.

    Pháp và các nước phương Tây khác, vốn có hàng nghìn quân ở Mali để chống thánh chiến, đều không vui vẻ gì với tình hình này. Đặc biệt khi chính quyền quân sự đưa lính đánh thuê Nga đến hỗ trợ. ECOWAS đã áp đặt biện pháp trừng phạt lên khoảng 150 người có liên quan đến đảo chính cùng gia đình của họ. Nhiều khả năng sẽ có thêm trừng phạt. Chỉ chưa rõ chúng có giúp ích hay không.

    Thị trường lao động Mỹ nóng lên

    Các dự báo đang cho thấy có khoảng 400.000 người mới tìm được việc ở Mỹ trong tháng 12, trước khi dữ liệu được công bố vào thứ Sáu. Lại một bằng chứng nữa cho thấy thị trường lao động phục hồi ngoạn mục từ đáy của đại dịch.

    Biến thể omicron nhiều khả năng sẽ tạo thêm áp lực lên thị trường. Mọi người sẽ không mất việc, nhưng một số người ngại tham gia thị trường lao động. Đó là một vấn đề đau đầu cho các doanh nghiệp mong muốn tuyển dụng đầy đủ. Nó cũng đặt ra một câu hỏi hóc búa cho Cục Dự trữ Liên bang, vốn đã tuyên bố sẽ không tăng lãi suất trước khi nền kinh tế trở lại “việc làm tối đa.” Song cho dù có hàng triệu người chọn ở nhà, tỷ lệ thất nghiệp vẫn sẽ giảm xuống dưới 4% trong năm 2022, qua đó thúc đẩy Fed hành động ngay tháng 3 này.

    Các hãng xe hơi đổ đến CES

    Mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn giữa sản xuất ô tô và công nghệ sẽ được thể hiện rất rõ tại CES, sự kiện công nghệ xa hoa đang diễn ra ở Las Vegas cho đến thứ Bảy. Bên cạnh TV màn hình khổng lồ, máy theo dõi sức khỏe cho mèo và trang phục chơi game kích thích cơ bắp bằng điện cực, các nhà sản xuất ô tô cũng tham gia. (Nhiều hãng đã tham dự trực tuyến vì covid-19.)

    General Motors dùng sự kiện này để ra mắt chiếc bán tải Silverado chạy điện mới của họ, trong khi Mercedes-Benz công bố mẫu xe điện đang phát triển có thể đi được 1.000 km mang tên Vision EQXX. Trong khi đó, dường như ngó lơ trào lưu xe điện, BMW trình làng một chiếc xe có thể thay đổi màu sắc chỉ bằng một nút bấm. Ngoài ra các thoả thuận cũng được kí kết giữa các nhà sản xuất ô tô và công ty chip như Mobileye của Intel và Qualcomm. Các thương vụ này sẽ cải thiện lái xe có hỗ trợ và đẩy nhanh phát triển ô tô tự hành.

    Mỹ nhắm tăng cường quan hệ kinh tế với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương



    Mỹ cần “tăng cường cuộc chơi” trong giao tiếp kinh tế với châu Á, điều phối viên của Tòa Bạch Ốc phụ trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell, kêu gọi ngày 6/1 và cho rằng phương án này là yếu tố xác định chính sách của Mỹ tại khu vực trong năm.

    Ông Campbell, tại một hội thảo trực tuyến của Tổ chức Carnegie vì Hoà bình Quốc tế, nói Tổng thống Joe Biden đã chỉ rõ Mỹ cần khởi xướng trong việc thành hình giao tiếp kinh tế và thương mại cũng như những tập tục buôn bán ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dường trong lúc ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng.

    “Đây là một khu vực mà nước Mỹ cần tăng cường cuộc chơi,” ông Campbell nhấn mạnh và cho biết thêm là vai trò của Mỹ phải đi xa hơn là thương mại truyền thống và bao gồm giao dịch kỹ thuật số và thiết lập tiêu chuẩn công nghệ.

    “Chúng ta phải thể hiện rõ là không chỉ chúng ta giao tiếp sâu rộng về ngoại giao, quân sự, toàn diện và chiến lược- mà chúng ta còn có một phương thức tương tác thương mại, đầu tư rộng mở, hết lòng, và lạc quan ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông Campbell nói.

    “Tôi nghĩ là bên trong chính quyền Biden, chúng ta hiểu rõ là năm 2022 sẽ xoay quanh những giao tiếp này một cách toàn diện trên khắp khu vực,” vẫn theo lời ông.

    Quan hệ Mỹ-Trung đã xuống đến mức thấp nhất trong nhiều thập niên trong lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden tìm kiếm những quan hệ đòn bẩy với các đồng minh và đối tác để chống lại điều mà Washington xem là sự ức hiếp kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.

    Chính quyền của ông Biden đã quảng bá Hiệp định AUKUS, theo đó Mỹ và Anh đồng ý giúp Úc có được các tàu ngầm hạt nhân. Chính quyền Biden cũng quảng bá các thượng đỉnh cấp lãnh đạo giữa Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản như những bằng chứng cho thấy các đối tác của Mỹ đang làm Trung Quốc “khó tiêu.”

    Một số nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phần lớn là những nước xem Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, than phiền về điều mà họ cho là thiếu giao tiếp kinh tế của Mỹ, đặc biệt sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).

    Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Biden nói với các lãnh đạo châu Á rằng Washington sẽ mở các cuộc thảo luận về việc thành lập một khung làm việc kinh tế vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng tới nay chưa thấy xuất hiện các chi tiết cụ thể và chính quyền Mỹ cũng tránh các động thái tiến tới việc tái gia nhập các thỏa thuận thương mại mà giới chỉ trích cho là đe dọa việc làm của dân Mỹ.

    Trong khi đó, Trung Quốc tìm cách gia nhập CPTPP, và một hiệp định thương mại khu vực gồm 15 nước mà Bắc Kinh hậu thuẫn nhưng không có Washington, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vốn có hiệu lực vào ngày 1/1 đối với hầu hết các nước.

    Trong khi các tương tác Mỹ-Trung càng ngày càng được định nghĩa là cạnh tranh, Mỹ không tìm cách “chế ngự,” ông Campbell nói.

    “Tôi tin là chung cuộc điều mà Mỹ tìm kiếm là một kiểu cùng tồn tại với Trung Quốc, với sự hiểu biết về vai trò thiết yếu và quan trọng của Trung Quốc.”

    Tuy nhiên ông khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn đạo trên sân khấu thế giới và Bắc Kinh sẽ “phạm sai lầm nếu tìm cách loại chúng ta ra ngoài.”

    Mỹ, Nhật sắp họp bàn về vai trò an ninh của Nhật trong vấn đề Đài Loan



    Bốn bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng Mỹ, Nhật họp 2+2 hồi tháng 3/2021.

    Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ họp vào thứ Sáu 7/1. Nhiều khả năng là vai trò an ninh của Nhật Bản sẽ được bàn thảo kỹ trong bối cảnh thời gian qua căng thẳng đã gia tăng liên quan đến Đài Loan.

    Cuộc họp của 4 vị bộ trưởng, thường được gọi là họp 2+2, sẽ diễn ra một ngày sau khi Nhật Bản ký hiệp định hợp tác quốc phòng với Australia, và giữa lúc có nhiều lo ngại về sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc.

    Căng thẳng liên quan đến đảo Đài Loan có thể chế dân chủ đã gia tăng trong hai năm qua khi Trung Quốc tăng cường sức ép quân sự và ngoại giao để khẳng định chủ quyền đối với hòn đảo mà nước này tuyên bố là lãnh thổ "thiêng liêng".

    "Các bộ trưởng dự kiến sẽ bàn về hợp tác an ninh trong khu vực", một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói với các phóng viên trước cuộc họp.

    Điều đó "chắc chắn" sẽ bao gồm cả những hợp tác mà Mỹ và Nhật đều đang thực hiện với Australia và các đối tác khác.

    Nhật Bản duy trì chính sách "một Trung Quốc" và nhắm đến cân bằng trong quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc và đồng minh quân sự lâu năm là Mỹ.

    Tuy nhiên, quan hệ của Nhật Bản với Đài Loan đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, chủ yếu là trên nguyên tắc phi chính phủ, đồng thời ngày càng có nhiều tranh luận giữa các chính trị gia và chuyên gia an ninh về việc liệu Nhật có nên can dự nếu Trung Quốc có hành động quân sự đối với hòn đảo này hay không.

    Hãng tin Kyodo gần đây đưa tin rằng các lực lượng vũ trang Nhật Bản và Hoa Kỳ đã vạch ra một kế hoạch dự thảo về hoạt động chung trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến Đài Loan.

    Kyodo cho biết cuộc họp 2+2 hôm 7/1 có thể là dịp hai nước đồng minh nhất trí tiến hành công việc chính thức về kế hoạch đó.

    Quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản từ chối bình luận về vấn đề này.

    (Reuters)

    Anh quốc 'ngăn chặn người lớn giả trẻ em để xin tị nạn'


    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Chụp lại hình ảnh,

    Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel

    Anh quốc sẽ tìm cách ngăn người lớn đóng giả trẻ em khi xin tị nạn bằng cách đưa ra các đánh giá khoa học mới để giúp xác định tuổi của người nộp đơn, chính phủ cho biết hôm thứ Tư 5/1.

    Chính phủ Anh cho biết người lớn đóng giả là trẻ em chiếm hai phần ba đơn khiếu nại về tuổi, trích dẫn dữ liệu từ 1.696 trường hợp trong năm tính đến tháng 9 năm 2021.

    Trong số 1.696 trường hợp tranh chấp về độ tuổi được kết luận trong năm tính đến tháng 9, 1.118 trường hợp được phát hiện là từ 18 tuổi trở lên - con số cao nhất kể từ khi số liệu có vào năm 2006.

    "Hành vi của những người đàn ông trưởng thành độc thân, giả dạng trẻ em xin tị nạn là một sự lạm dụng đáng sợ đối với hệ thống của chúng tôi mà chúng tôi sẽ chấm dứt", Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel cho biết.

    Một ủy ban mới sẽ xem xét các phương pháp khoa học để xác định tuổi và đánh giá độ chính xác và độ tin cậy cũng như xem xét vấn đề y tế và đạo đức.

    Anh quốc nói các cuộc kiểm tra mới sẽ giống với các quốc gia châu Âu khác sử dụng tia X và phương pháp y tế khác để giúp đánh giá tuổi của một người.

    Năm ngoái, Hiệp hội Nha khoa Anh cho biết việc chụp X-quang bệnh nhân không có mục đích y tế là 'không phù hợp và trái đạo đức'. Họ cho rằng các nha sĩ thậm chí có thể bị buộc tội là 'tội phạm' nếu họ làm như vậy.

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào