Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 13 tháng 01 năm 2022

    Covid-19 : Nguy cơ tử vong do nhiễm Omicron giảm 90% so với nhiễm Delta

    Đăng ngày: 13/01/2022


    Ảnh minh họa: Biến thể Omicron của Covid-19 được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi, hồi tháng 11/2021. Lionel BONAVENTURE AFP/File

    Tại Mỹ, một nghiên cứu quy mô lớn được tiến hành với khoảng 70.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona cho thấy nguy cơ nhập viện, chữa trị tại các khoa điều trị tích cực và tử vong do nhiễm biến thể Omicron đều giảm mạnh so với khi nhiễm biến thể Delta.

    AFP cho biết nghiên cứu do các nhà khoa học của đại học California, Berkeley và Kaiser Permanente, cũng như các nhà khoa học của Trung tâm phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC) thực hiện, dựa trên dữ liệu của hệ thống bệnh viện Kaiser Permanente, California hồi tháng 12/2021, giai đoạn hai biến thể Omicron và Delta đều đang lây lan nhanh.

    Đối với những người nhiễm Covid-19 biến thể Omicron, nguy cơ phải nhập viện điều trị chỉ bằng 50% so với những người dương tính với Delta. Nguy cơ phải điều trị tại các khoa chăm sóc tích cực và nguy cơ tử vong lần lượt giảm khoảng 75% và hơn 90%. Trong số hơn 52.000 bệnh nhân nhiễm Omicron, không ai phải dùng máy trợ thở, trong khi đó có tới 11 người trong tổng số 17.000 người nhiễm Delta phải dùng máy trợ thở. Ngoài ra, thời gian nằm viện trung bình của những bệnh nhân nhiễm Omicron chỉ là 1,5 ngày so với 5 ngày đối với biến thể Delta.

    Nghiên cứu tại Mỹ lần này góp phần khẳng định, củng cố các kết luận nghiên cứu thu được trước đó từ nhiều nước khác, chẳng hạn Anh Quốc, Nam Phi. Trong một cuộc họp báo vào hôm qua 12/01/2022, bà Rochelle Walensky, giám đốc CDC khẳng định các kết quả nghiên cứu cho thấy « về thực chất Omicron ít nghiêm trọng hơn » biến thể Delta, không chỉ đối với những người có kháng thể tự nhiên sau khi đã nhiễm Covid-19, mà cả đối với những người đã được tiêm ngừa virus corona. Nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả chống Omicron của vac-xin giảm, nhưng tiêm ngừa vẫn có khả năng bảo vệ chúng ta khỏi bị bệnh nặng khi nhiễm Omicron.

    Trong khi đó, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới hôm qua 12/01 lưu ý « Omicron vẫn là một virus nguy hiểm », đặc biệt đối với những ai không chủng ngừa.

    Cảng California ngộp thở hàng tồn đọng vì Covid-19 Omicron

    Mỹ Anh




    Ảnh: Barrett Ward/Unsplash

    Hàng gửi từ Việt Nam qua Mỹ để bà con ăn Tết có thể không thể xuất ra khỏi cảng được vào dịp giáp Tết Âm lịch vì hàng hóa cụm cảng California đang chất đống nằm ụ. Biến thể Covid-19 Omicron đang cản trở nỗ lực dỡ hàng tồn của khoảng 100 tàu container đậu kín mít khu phức hợp cảng bận rộn nhất của nước Mỹ…

    Theo Hiệp hội Hàng hải Thái Bình Dương (Pacific Maritime Association – PMA), khoảng 1/10 lực lượng lao động hàng ngày tại các cảng Los Angeles và Long Beach đã không thể làm việc vì những lý do liên quan Covid, chủ yếu là những công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính, đang cách ly hoặc chờ kết quả xét nghiệm. PMA cho biết số ca lây nhiễm hàng ngày đối với công nhân hải cảng California nói chung đã tăng nhanh chóng những tuần gần đây, từ vài ca mỗi ngày lên hàng chục ca và sau đó đạt khoảng 150 ca/ngày vào tuần trước.

    Tình hình dịch bệnh khiến hai tàu container tại khu liên hợp cảng đang neo chờ bốc dỡ vào hôm Thứ Hai bị thiếu hụt công nhân bốc xếp; trong khi 13 tàu khác không có bất kỳ công nhân nào để bốc dỡ hàng. Trong khi đó, 102 tàu container đang đậu ngoài khơi, chờ cập cảng. Nhiều tàu đã bị yêu cầu nằm tuốt ngoài khơi nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng nay mà không được cập cảng Los Angeles và Long Beach vì nhiều tàu trong cảng thiếu người bốc hàng. Số tàu bị tồn đọng hàng không thể bốc xuống đã tăng lên 100 tàu vào cuối Tháng Mười Một và đạt kỷ lục 106 tàu vào ngày đầu năm 2022. Trước đại dịch, việc hơn một con tàu nằm chờ ngoài bến là điều bất thường và gần như rất hiếm xảy ra.

    Alan McCorkle, Giám đốc Điều hành của Yusen Terminals LLC tại Cảng Los Angeles, cho biết sự gia tăng các ca nhiễm coronavirus đã kéo dài tình trạng thiếu nhân công, bắt đầu vào dịp Giáng sinh và năm mới, và nếu dồn ứ thế này thì cần rất nhiều thời gian mới có thể giải quyết được và biến hoạt động trở lại bình thường. Nói chung là đại dịch Covid tiếp tục làm căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra tình trạng tồn đọng hàng khiến chi phí tăng cao. Giờ đây, một số công ty đang tìm các giải pháp dài hạn để chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng trong tương lai, ngay cả khi những chiến lược đó phải trả giá đắt.

    Frank Ponce De Leon, viên chức thuộc liên đoàn International Longshore and Warehouse Union (đại diện giới công nhân cảng Bờ Tây), cho biết dịch bệnh lan mạnh và nhanh ngoài dự tính. Los Angeles County, nơi có nhiều công nhân cảng sinh sống, ghi nhận 200,000 trường hợp dương tính với coronavirus trong tuần kết thúc vào ngày 8 Tháng Một! Tình trạng thiếu lao động gây tắc nghẽn các cụm cảng Nam California đã ảnh hưởng cực mạnh đến chuỗi cung ứng nước Mỹ lẫn một phần thế giới, khiến hàng loạt nhà máy Mỹ phải đình đốn sản xuất; một số nhà máy thậm chí đóng cửa; đồng thời làm tắc nghẽn các cảng ở Trung Quốc. Công ty tư vấn hàng hải Sea-Intelligence ApS, trụ sở tại Đan Mạch, cho biết trong một báo cáo hôm Thứ Ba ngày 11 Tháng Một 2022 rằng tình trạng tắc nghẽn trở nên mỗi lúc mỗi tồi tệ hơn tại các cảng ở Mỹ và châu Âu.

    Khu liên hợp cảng Nam California là cửa ngõ đại dương chính cho hàng hóa nhập cảng của Hoa Kỳ từ châu Á, xử lý khoảng 40% hàng hóa đóng container. Năm 2021, các cảng đã bắt đầu vật lộn để xử lý khối lượng hàng hóa nhập khẩu kỷ lục, tăng khoảng 20% ​​so với mức trước Covid vào năm 2019, khi các doanh nghiệp đổ xô “châm hàng” (restock) và người Mỹ chuyển việc tiêu dùng từ dịch vụ sang hàng hóa. Năm 2021, chính phủ liên bang đã thực hiện một số biện pháp nhằm giảm lượng hàng tồn đọng, trong đó có việc yêu cầu một số terminal ở Nam California hoạt động 24 giờ nhưng vẫn thể chưa giải quyết rốt ráo được. Phó Giám đốc Điều hành Cảng Long Beach, Noel Hacegaba, cho biết các terminal của cảng vẫn mở cửa và tiếp tục huy động công nhân làm thêm giờ, dù tình trạng lây nhiễm vẫn đang tiếp tục tăng. Trong khi đó, nơi điều hành Cảng Los Angeles đang thỉnh cầu Hiệp hội Hàng hải Thái Bình Dương tìm cách “giải cứu” họ về việc thiếu lực lượng lao động.

    Jim McKenna, Giám đốc Điều hành hiệp hội PMA, nói rằng cụm cảng California có thể bớt căng thẳng nếu các nhà máy ở châu Á giảm hoạt động vào dịp Tết Nguyên đán (đầu Tháng Hai Dương lịch). Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng ​​lượng hàng hóa sẽ tiếp tục tăng trong sáu tháng tới, nếu không muốn nói là đến cuối năm 2022.

    Lạm phát tiếp tục đà tăng ở Ấn Độ

    Không chỉ omicron mới gia tăng ở Ấn Độ. Hôm thứ Tư, chính phủ công bố dữ liệu cho thấy lạm phát tháng 12 tăng lên mức cao nhất năm tháng, đạt 5,6% so với 4,9% của tháng 11 (nhưng thấp hơn một chút so với dự báo 5,8% của các nhà phân tích). Trong hơn hai năm nay lạm phát liên tục vượt mục tiêu 4% của ngân hàng trung ương do chi phí nhiên liệu và thực phẩm tăng. Song Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ không hề nao núng. Họ giữ nguyên lãi suất qua chín cuộc họp liên tiếp, với lập luận ưu tiên lúc này là phục hồi kinh tế.

    Nhưng giờ đây lạm phát đã gần chạm đến mức trần 6%. Chính phủ khá lo ngại. Họ đã giảm thuế xăng dầu để kiềm chế giá nhiên liệu. Tháng trước họ cũng cấm luôn giao dịch hợp đồng nông sản tương lai. Chính sách này chủ yếu chỉ tượng trưng, nhưng đặc biệt có ý nghĩa với năm cuộc bầu cử bang quan trọng sắp đến.

    Quý cuối năm ăn nên làm ra của TSMC

    TSMC, công ty Đài Loan đang thống trị ngành sản xuất chip, sẽ công bố kết quả tài chính quý vào thứ Năm này. Dữ liệu tháng 12 được công ty công bố trước đó vào ngày 10 tháng 1 cho thấy một bức tranh tươi sáng, với tổng doanh thu quý đạt 438,2 tỷ tân đài tệ (15,8 tỷ đô la). Doanh số ấn tượng của điện thoại và laptop Apple, mà TSMC độc quyền cung cấp chip, thúc đẩy tăng trưởng kỷ lục. TSMC cũng đang hưởng lợi khi nhu cầu chất bán dẫn tăng cao. Với thế thống trị về kỹ thuật sản xuất của mình, họ hoàn toàn được quyền tăng giá, một điều hiếm hoi trong ngành chip.

    Vì vậy năm 2022 có vẻ sáng sủa cho công ty. Nhưng trong khi nhu cầu tăng, TSMC vẫn có thể đối mặt chi phí cao hơn. Nếu chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận từ tăng giá của họ có thể bị bão hòa.

    Các cơ quan khí hậu Mỹ công bố báo cáo năm

    Vào thứ Năm, NASA và Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) của Mỹ sẽ công bố bản đánh giá hàng năm về nhiệt độ toàn cầu. Tài liệu này chắc chắn cho thấy toàn cầu đang nóng lên. Một báo cáo được NOAA công bố vào đầu tuần này cho thấy 2021 là năm ấm thứ tư ở Mỹ (trừ Alaska và Hawaii) kể từ năm 1895. (Trong đó sáu năm ấm nhất đều sau 2012.)

    Năm 2021, Mỹ đối mặt một số lượng lớn các hiện tượng thời tiết cực đoan bao gồm bão mùa đông, cháy rừng, hạn hán và lốc xoáy. Chúng đi kèm một cái giá đắt: với tổng thiệt hại 145 tỷ đô la, năm 2021 là năm các hiện tượng thời tiết gây ra thiệt hại cao thứ ba trong lịch sử đất nước. Số lượng các sự kiện có thiệt hại cao hơn 1 tỷ đô la đã tăng đều đặn trong nhiều thập niên qua. Điều này vừa do tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng, vừa do tài sản tăng giá. Mỹ, cũng như những nơi khác, đứng trước các khoản thiệt hại thậm chí còn lớn hơn nhiều trong tương lai.

    Anh và EU tiếp tục đàm phán về vấn đề Bắc Ireland

    Ngoại trưởng Anh Liz Truss sẽ gặp Maros Sefcovic của Ủy ban châu Âu để thảo luận về giao thức Bắc Ireland vào thứ Năm. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ kể từ khi bà Truss kế nhiệm Lord Frost ở cương vị nhà đàm phán Brexit vào tháng 12. Quy chế cho phép Bắc Ireland ở lại thị trường hàng hóa chung của EU, qua đó tránh việc có biên giới Bắc-Nam ở Ireland. Nhưng làm vậy đòi hỏi phải có kiểm tra hải quan giữa Bắc Ireland và Anh.

    Bà Truss nói giao thức này đã không còn được những người ủng hộ liên minh ở Bắc Ireland hậu thuẫn. EU đề nghị giảm kiểm tra hải quan ở Biển Ireland, nhưng bà Truss muốn loại bỏ chúng hoàn toàn và chấm dứt bất kỳ vai trò nào đối với Tòa án Công lý châu Âu. Bà cũng sẵn sàng viện dẫn Điều 16, cho phép đơn phương đình chỉ một phần giao thức, mặc dù EU nói sẽ trả đũa. Đàm phán có thể kéo dài, bao phủ lên các cuộc bầu cử vào tháng Năm tới của Bắc Ireland, trong đó phe ủng hộ liên minh được cho là sẽ thất thế.

    Cảnh giác với bộ xét nghiệm Covid giả và cách phát hiện


    Minh hoạ: Mufid Majnun/Unsplash

    Các cơ quan y tế chuyên trách Mỹ đang cảnh báo công chúng về các bộ dụng cụ (kit) xét nghiệm Covid-19 giả. Bạn cần biết cách phát hiện ra chúng.

    Các trường hợp dương tính với Covid-19 tiếp tục tăng đột biến, dẫn đến hàng dài người chờ đợi mệt mỏi nhiều giờ tại các địa điểm xét nghiệm miễn phí. Các kệ bán kit tự xét nghiệm cũng trống rỗng tại các cửa hàng, nơi luôn có sẵn trước đó.

    Vấn đề khan hiếm chưa được giải quyết xong thì nay lại xuất hiện một vấn nạn khác: Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) vừa cảnh báo người dân về các bộ xét nghiệm giả được bán trực tuyến cho những người tuyệt vọng cần xét nghiệm sớm tại nhà.

    Tuần này, FTC ra thông cáo báo chí, nêu rõ: “Không có gì ngạc nhiên khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (CDC) cảnh báo về các bộ xét nghiệm tại nhà giả và trái phép đang được rao bán trên mạng internet bởi những kẻ lừa đảo tận dụng cơ hội nhu cầu tăng vọt để thu lợi”.

    Theo CDC, tự kiểm tra Coronavirus – còn được gọi là xét nghiệm tại nhà hoặc xét nghiệm không có đơn kê của bác sĩ – là một trong các biện pháp giảm rủi ro và có thể bảo vệ người khác, thay vì chờ đợi hoặc vẫn đi làm do không biết mình dương tính.

    CDC cho biết tự xét nghiệm có thể làm ở bất cứ đâu, dù đã chủng ngừa chưa hoặc có triệu chứng chưa. Nó cũng dễ sử dụng và cho kết quả nhanh chóng trong vòng trên dưới 20 phút. Tuy nhiên, khi bộ xét nghiệm khan hiếm và đắt, một số người quay sang tìm mua trên mạng hoặc bất cứ nơi nào có bán, khiến các cơ quan y tế phải khuyến cáo người dân nên cảnh giác với những kẻ lừa đảo bán bộ xét nghiệm giả.

    Nhưng làm thế nào để phát hiện đó là giả? FTC đề nghị nên làm theo bốn lời khuyên sau trước khi mua và sử dụng:

    Chỉ mua các nhãn hiệu xét nghiệm đã được FDA cho phép chính thức. Hiện trang web của FDA có liệt kê danh sách hơn 40 loại bộ xét nghiệm tại nhà được phép, một số xét nghiệm có giới hạn độ tuổi và có thể mua trực tuyến, tại các hiệu thuốc và cửa hàng bán lẻ (luc chưa cháy hàng).

    Kiểm tra danh sách tên các nhãn hiệu xét nghiệm Covid-19 được FDA khẳng định là giả để đảm bảo không mua phải chúng.

    Nếu muốn mua trên mạng, hãy cẩn thận duyệt qua nhiều nguồn bán và so sánh các đánh giá đáng tin cậy từ các chuyên gia y tế hoặc tổ chức y tế trước khi quyết định mua. FTC cũng khuyên bạn khi tìm trên mạng những người bán bộ xét nghiệm tại nhà nên kèm theo những từ như “scam”, “complaint” hoặc “review” (lừa đảo, phàn nàn, đánh giá) để bắt bọn lừa đảo.

    Nếu phải chọn mua bộ xét nghiệm trên mạng, bạn hãy thanh toán bằng thẻ tín dụng để có thể lấy lại tiền khi phát hiện bị lừa. Ngoài ra, bạn nên kiểm tra xem bộ dụng cụ sắp mua có còn hạn sử dụng không. Thông báo của FTC nhấn mạnh: “Sử dụng những sản phẩm giả cho kết quả sai không chỉ lãng phí tiền bạc, tiếp tay cho kẻ gian mà còn vô tình làm lây lan Covid-19 và không được điều trị kịp thời nếu bị nhiễm”.

    Sự quan trọng của tự xét nghiệm

    Các triệu chứng nhiễm Omicron thường là không có hay rất nhẹ đối với những bệnh nhân đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là xem nhẹ nó, đặc biệt là đứng ở góc độ hệ thống chăm sóc y tế bị quá tải. Nguy cơ bệnh trở nặng thấp hơn ở mỗi cá nhân, nhưng không có nghĩa là ở cấp độ xã hội cũng thế.

    Omicron rất nguy hiểm vì dù tỷ lệ trở nặng nhỏ nhưng do số ca nhiễm mới quá lớn nên số nhập viện tăng, áp lực nặng nề lên hệ thống y tế”. Một số chuyên viên y tế khuyến cáo không nên nhìn vào tỷ lệ trở nặng thấp của Omicron để xem nhẹ tác hại của nó mà nên nhìn vào số người phải nhập viện.

    Một điều đáng quan tâm nữa là nhiều ca nhiễm Covid-19, đặc biệt là nhiễm Omicron không kèm theo triệu chứng mất khứu giác, vị giác nên rất giống cảm lạnh và cúm thường. Coronavirus luôn thay đổi nên những hướng dẫn chống lại chúng cũng phải thay đổi.

    Trong khi biến thể Omicron lây lan cao tiếp tục làm tăng số ca nhiễm Covid-19, số ca nhập viện ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, các chuyên gia y tế cho rằng người dân Mỹ rất cần duy trì các biện pháp an toàn để ngừa bệnh. Một trong những cách tự bảo vệ tốt nhất là xét nghiệm thường xuyên, ngay cả khi không cảm thấy bệnh và không có triệu chứng bệnh.

    Theo tiến sĩ Mara Aspinall, giáo sư thực hành tại Trường Cao đẳng Giải pháp Y tế thuộc Đại học tiểu bang Arizona, dù nguồn cung bộ xét nghiệm không đáp ứng kịp nhu cầu, nhưng việc Omicron lây lan nhanh hơn rất nhiều, xét nghiệm càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. “Chúng ta đang ở vào một thời điểm rất, rất bấp bênh – bà nói – Xét nghiệm là lối thoát đơn giản duy nhất trong tất cả các giải pháp”.

    Tiến sĩ Sarah Ash Combs, bác sĩ chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Nhi Trung ương có lời khuyên: “Cách duy nhất để biết chính xác là… xét nghiệm và xét nghiệm”. Theo Đại học Johns Hopkins, tính đến 7 Tháng Một, 2022, Covid-19 đã giết chết ít nhất 859,046 người và lây nhiễm cho khoảng gần 61 triệu người ở Mỹ, số ca nhiễm mới trong ngày 7 Tháng Một là 468,081.

    Hãng hàng không Mỹ điêu đứng vì 3.000 nhân viên bị nhiễm COVID


    Giám đốc điều hành United Airlines Scott Kirby (trái) và Phó chủ tịch điều hành Delta Air Lines John Laughter (phải) làm chứng trước Ủy ban Thương mại, Khoa học và Vận tải Thượng viện tại Tòa nhà Văn phòng Thượng viện Russell trên Đồi Capitol vào ngày 15/12/2021 tại Washington, DC . Các nhà điều hành vận tải hàng không đã làm chứng về tình trạng hiện tại của ngành hàng không Hoa Kỳ trong phiên điều trần. (Ảnh Getty Images)

    Hãng hàng không United Airlines của Mỹ ngày 11/1 thông báo 4% tổng số nhân viên của hãng này ở Mỹ, khoảng 3.000 người, mắc Covid-19. Tuy nhiên, chưa có ai trong số này phải nhập viện hoặc tử vong. United Airlines đã phải hủy 149 chuyến bay, tương đương 7% tổng số chuyến bay của hãng này trong ngày 11/1. Đây là hãng hàng không đầu tiên ở Mỹ yêu cầu các nhân viên phải tiêm phòng nhằm đảm bảo sự hoạt động của hãng và đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.

    3.000 nhân sự nhiễm COVID

    “Ngoài việc ảnh hưởng đến vận hành và khách hàng của hãng, tôi cũng hiểu rằng Omicron đã ảnh hưởng đến hạnh phúc cá nhân của hãng United chúng tôi. Chúng tôi có khoảng 3.000 nhân viên hiện đang dương tính với COVID. Chỉ trong một ngày tại Newark (New Jersey), gần một phần ba lực lượng lao động của chúng tôi bị ốm”, Giám đốc điều hành United Airlines Scott Kirby cho biết vào ngày 11/1.

    Hãng đã phải hủy 154 chuyến bay, tương đương 7% và hoãn 152 chuyến bay vào ngày 11/1, theo dữ liệu từ FlightAware. Hãng Southwest Airlines cũng huỷ 142 chuyến và hoãn 171 chuyến bay.

    Ông Scott Kirby cho biết, sự gia tăng số ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron đã ảnh hưởng tới hoạt động của United Airlines và hãng này đã phải giảm lịch trình bay sát ngày để đảm bảo có đủ nhân viên và nguồn lực cần thiết nhằm phục vụ hành khách.

    Ông Kirby tuyên bố, kể từ khi quy định về hộ chiếu vaccine được triển khai, tỷ lệ nhập viện của những nhân viên được tiêm chủng (chiếm 96% tổng số lao động) thấp hơn khoảng 100 lần so với dân số chung trong nước. Tuy nhiên, chưa có ai trong số 3.000 nhân viên dương tính với COVID phải nhập viện hoặc tử vong.

    Trước khi quy định này được áp dụng, hãng này đã ghi nhận trung bình 1 nhân viên tử vong do Covid-19 mỗi tuần. Ông Scott Kirby cũng cho biết việc tiêm phòng đã giúp các nhân viên của hãng tránh được nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid-19, ông Kirby cho hay.

    Có trụ sở tại Chicago, United Airlines sử dụng khoảng 96.000 nhân viên trên toàn thế giới, trong đó có 67.000 người từ Hoa Kỳ. Không rõ những nhân viên dương tính với COVID-19 có phải đến từ quốc gia này hay không.

    Cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 26% so với mức cao nhất trong 52 tuần là 63,70 USD theo báo cáo thu nhập mới nhất dự kiến ​​được công bố vào ngày 19/1.

    Bài toán hóc búa cho các hãng hàng không

    Thiếu hụt nhân sự là một thách thức lớn đối với các hãng hàng không. Họ từng khuyến khích hàng nghìn công nhân nghỉ việc hoặc nghỉ hưu sớm để cắt giảm chi phí lương thưởng trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, với số lượng nhân sự giảm, các hãng hàng không rất khó để khắc phục các vấn đề thường lệ như điều kiện thời tiết xấu. Ngoài ra, lý do nghỉ vì phát sinh vấn đề sức khỏe (có thể do nhiễm virus) cũng “góp phần” làm gián đoạn quá trình vận hành của hãng.

    Đứng trước bài toán hóc búa, United Airlines đã đề nghị trả lương gấp ba lần cho phi công để tiếp tục bay đến hết tháng Giêng, vì số lượng phi công đã giảm đáng kể vào cuối tháng 12/2021. Theo số liệu được cung cấp bởi Tạp chí Hiệp hội phi công, năm 2021, có tới 111 phi công qua đời, trong khi con số này năm 2020 và 2019 lần lượt là 6 và 1 phi công. Ngoài số lượng phi công tử vong tăng cao bất thường, lượng phi công thiếu hụt chủ yếu do bị sa thải vì không tuân thủ chính sách tiêm vaccine. Tương tự, Southwest Airlines cũng tăng lương cho phi công để tránh gián đoạn.

    Để giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhân sự, các quốc gia như Tây Ban Nha và Vương quốc Anh đã giảm thời gian cách ly COVID-19; cho phép mọi người trở lại làm việc sớm hơn sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

    Tuy nhiên, hãng United Airlines vẫn rất mạnh tay khi sa thải khoảng 200 nhân viên vào tháng 12/2021 do không tuân thủ quy định tiêm phòng của hãng.

    Việc số ca mắc Covid-19 gia tăng trong nhân viên và quy định cách li đã ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động của các hãng hàng không Mỹ trong thời gian qua. Các hãng hàng không Mỹ đã phải hủy hơn 30.000 chuyến bay kể từ cuối tháng 12 do thiếu nhân viên và điều kiện thời tiết bất lợi.

    Biến thể Omicron hiện là chủng virus COVID thống trị ở Hoa Kỳ, chiếm đến hơn 95% số ca nhiễm. Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng, chủng này có các triệu chứng nhẹ và ảnh hưởng đến bệnh nhân ít nghiêm trọng hơn khi so sánh với biến thể Delta.

    Huyền Anh

    Doanh nghiệp bán dẫn Trung Quốc muốn bắt kịp Samsung đã ‘kết thúc trong thất bại’


    Hình minh họa từ video của Bloomberg Quicktake.

    Chính phủ Trung Quốc đã đổ một số tiền lớn đầu tư cho các công ty sản xuất chất bán dẫn, đặt mục tiêu bắt kịp Samsung Electronics của Hàn Quốc và TSMC của Đài Loan. Tuy nhiên, nhưng phân tích cho thấy họ đã thất bại.

    Nhật báo Phố Wall (WSJ) ngày 9/1 đưa tin rằng, có ít nhất sáu dự án sản xuất chất bán dẫn quy mô lớn của Trung Quốc đã thất bại trong ba năm qua.

    Trung Quốc đã đầu tư cho các công ty bán dẫn ít nhất là 2,3 tỷ đô la. Mặc dù vậy, theo WSJ, một số công ty nhận nguồn vốn đầu tư này đã không thể sản xuất dù chỉ một sản phẩm.

    Các công ty HSMC và QXIC là những ví dụ điển hình cho việc Trung Quốc thất bại trong việc phát triển các nhà sản xuất chất bán dẫn đẳng cấp thế giới.

    HSMC và QXIC được thành lập với mục tiêu đầy tham vọng là sản xuất hàng loạt các sản phẩm chất bán dẫn theo quy trình 14nm mà Samsung Electronics của Hàn Quốc và TSMC của Đài Loan đang áp dụng.

    Hai công ty này cũng trình bày một kế hoạch chi tiết để tạo ra các sản phẩm 7nm chất lượng cao trong vòng một vài năm. Họ đã sử dụng mức lương hấp dẫn để thu hút các kỹ sư Đài Loan, bao gồm cả các cựu giám đốc điều hành cấp cao của TSMC.

    Tuy nhiên, vì nhiều lý do hai công ty này đã không thể cho ra đời bất kỳ sản phẩm nào. Cuối cùng, HSMC chính thức đóng cửa vào tháng 6/2021, và QXIC cũng đã ngừng hoạt động.

    Một nhân viên của QXIC nói với Pane rằng, “Chúng tôi đã tuyển dụng nhân sự chuyên nghiệp hiểu biết công nghệ sản xuất chất bán dẫn, nhưng chúng tôi thiếu khả năng tích hợp các công nghệ của họ thành một”.

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào