Võ Thái Hà tổng hợp
Miến Điện : Philippines khẳng định "tiến trình tái lập dân chủ" cần đến Aung San Suu Kyi
Một cuộc biểu tình phản đối tập đoàn quân sự Miến Điện đảo chính tại Manila, Philippines, ngày 11/02/2021. AP - Aaron Favila
Philippines lên án bản án tù của tập đoàn quân sự Miến Điện nhắm vào bà Aung San Suu Kyi, và khẳng định nhà cựu lãnh đạo có vai trò quan trọng trong việc « tái lập dân chủ » tại Miến Điện.
Theo AFP, đa số lãnh đạo ASEAN vẫn im lặng trước bản án tù hôm 10/01/2022 của chính quyền quân sự Miến Điện nhắm vào bà Aung San Suu Kyi, trong lúc nhiều nước phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ và Na Uy, đã có những chỉ trích. Hôm qua 16/01, chính quyền Philippines phá vỡ không khí im lặng này.
Ngoại trưởng Phillipines, Teodoro Locsin, tuyên bố hoàn toàn ủng hộ tuyên bố của Na Uy, quốc gia chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An, chỉ trích mạnh mẽ bản án. Trong một thông điệp trên Twitter, ngoại trưởng Philippines, khẳng định : « Bà Suu Kyi là người không thể thiếu cho việc tái lập nền dân chủ, để nền dân chủ Miến Điện không bị đe dọa bởi tình trạng vô chính phủ, nguy cơ tan rã, nội chiến ». Mặt khác, ngoại trưởng Teodoro Locsin cũng nhấn mạnh là, giới quân sự « không việc gì phải sợ hãi, họ có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ nền dân chủ » được tái lập.
Chuyến đi của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đến Miến Điện hôm 07/01, chuyến công du đầu tiên của một lãnh đạo nước ngoài đến quốc gia này kể từ cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, bị nhiều chỉ trích, bởi có thể mang lại cho giới tướng lĩnh tính chính đáng, làm xói mòn các nỗ lực quốc tế nhằm cô lập tập đoàn quân sự Miến Điện.
Theo AFP, về chuyến đi này, ngoại trưởng Philippines một mặt hoan nghênh việc thủ tướng Cam Bốt – quốc gia đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của khối ASEAN - đã thúc đẩy « một số tiến bộ » và nỗ lực của ông Hun Sen đáng được « ủng hộ », nhưng đồng thời nhấn mạnh là Đồng thuận 5 điểm, được các lãnh đạo ASEAN đúc kết tại Jakarta, Indonesia, cuối tháng 4 năm 2021, là « lộ trình duy nhất » nhằm giải quyết khủng hoảng Miến Điện, trong đó việc đặc phái viên của chủ tịch ASEAN gặp gỡ tất cả các bên tranh chấp là một nội dung căn bản.
Theo The Diplomat, bất đồng giữa các nước ASEAN về khủng hoảng Miến Điện rất có thể là điều đã khiến tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi có chuyến công du Cam Bốt trong tuần này (từ 15/01 đến 19/01).
Trước đó, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc nói chuyện trực tuyến với đồng nhiệm Cam Bốt Hun Sen hôm 14/01, khẳng định ASEAN nên tiếp tục loại đại diện chính quyền quân sự Miến Điện ra khỏi cuộc họp cho đến khi nước này hợp tác về Đồng thuận 5 điểm. Hôm 12/01, bộ Ngoại Giao Cam Bốt đã loan báo hoãn lại hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Cam Bốt vì nhiều ngoại trưởng không thể đến Phnom Penh.
Singapore: Cần tiếp tục loại Miến Điện ra khỏi các hội nghị ASEAN
Người biểu tình Miến Điện phản đối cuộc đảo chính của tập đoàn quân sự tại Rangoon, Miến Điện, ngày 23/04/2021. AP
Theo một thông cáo được bộ Ngoại Giao Miến Điện công bố hôm qua, 15/01/2022, trong cuộc nói chuyện trực tuyến với đồng nhiệm Cam Bốt Hun Sen hôm 14/01, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á nên tiếp tục loại đại diện chính quyền quân sự Miến Điện ra khỏi cuộc họp ASEAN cho đến khi nước này hợp tác về các kế hoạch hòa bình đã toàn khối thông qua.
Theo bộ Ngoại Giao Singapore, thủ tướng Lý Hiển Long đã thúc giục chủ tịch luân phiên mới của ASEAN mở đối thoại với tất cả các bên trong cuộc xung đột tại Miến Điện, kể cả với đại diện chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi bị quân đội đảo chánh lật đổ.
Về đại diện của Miến Điện tại các hội nghị của ASEAN, thủ tướng Singapore cho rằng khối Đông Nam Á nên tiếp tục mời một đại diện phi chính trị và bất kỳ quyết định thay đổi nào đều “phải dựa trên những thực tế mới”.
Tuyên bố của ông Lý Hiển Long đồng nghĩa với một phản ứng bất đồng tình với chủ trương của tân chủ tịch ASEAN là Cam Bốt được cho là sẵn sàng để đại diện tập đoàn quân sự Miến Điện tham gia các cuộc họp của ASEAN, đi ngược lại ý kiến chung của toàn khối, vốn đã không cho tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính phủ quân sự tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh của khối vào năm ngoái.
Trái với quyết định tẩy chay chế độ quân sự Naypyidaw của ASEAN, ông Hun Sen mới đây đã chính thức đi thăm Miến Điện, tiếp xúc với tướng Min Aung Hlaing mà ông không ngần ngại gọi là “thủ tướng” của Miến Điện.
Đối với Singapore, tất cả các đề xuất về Miến Điện của Cam Bốt, với tư cách là chủ tịch ASEAN, cần được thảo luận thêm giữa các ngoại trưởng ASEAN.
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu của thủ tướng Singapore được đưa ra vài ngày sau khi ngoại trưởng Cam Bốt Prak Sokhonn khẳng định trên trang Facebook của mình rằng Singapore ủng hộ cách tiếp cận mới của Phnom Penh đối với cuộc khủng hoảng Miến Điện.
Ngoài thủ tướng Singapore, ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah hôm 13/01 cũng có phát biểu tương tự khi cho rằng một số thành viên ASEAN cảm thấy lẽ ra ông Hun Sen nên bàn bạc với các lãnh đạo khác của khối trước khi công du Miến Điện, vì điều đó có thể được coi là một hành động công nhận chính quyền quân sự.
Hoa Kỳ - Các hãng hàng không hủy hơn 2.700 chuyến bay
Máy bay của American Airlines.
Các hãng hàng không đã hủy hơn 2.700 chuyến bay Hoa Kỳ vào Chủ nhật giữa lúc một cơn bão mùa đông kết hợp gió lớn và băng chuẩn bị ập vào Bờ Đông Hoa Kỳ vào dịp lễ cuối tuần.
Các chuyến bay bị hủy trước 12:30 chiều, giờ miền Đông Hoa Kỳ, hôm Chủ nhật bao gồm hơn 2.700 chuyến tới, xuất phát và trong nội địa nước Mỹ, theo trang web theo dõi chuyến bay FlightAware. Dữ liệu cho thấy hơn 1.500 chuyến bay đã bị trì hoãn.
American Airlines đã có hơn 600 chuyến bay bị hủy. Gần 95% các chuyến bay từ Sân bay Quốc tế Charlotte Douglas ở Bắc Carolina, một trung tâm của American Airlines, đã bị hủy, theo trang web FlightAware.
Trung tâm dự báo thời tiết quốc gia cho biết một cơn bão mùa đông lớn sẽ ảnh hưởng đến miền đông Hoa Kỳ từ Chủ Nhật đến Thứ Hai.
Theo cơ quan này, khoảng 74 triệu người đã được cảnh báo về cơ bão.
Thống đốc bang Georgia Brian Kemp đã tweet vào Chủ nhật rằng mọi người nên tránh đi lại không cần thiết trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi cơn bão.
Thống đốc các bang Georgia, Virginia, North Carolina và South Carolina đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì cơn bão.
Liên Hợp Quốc hỗ trợ 150 triệu đôla cho 13 cuộc khủng hoảng
Liên Hợp Quốc phân bổ 150 triệu đôla từ Quỹ Ứng phó Khẩn cấp Trung tâm để hỗ trợ các hoạt động nhân đạo thiếu tài chính nghiêm trọng ở 13 quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á và Trung Đông.
Đứng đầu danh sách các cuộc khủng hoảng thiếu tài chính là Syria, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Sudan.
Các quốc gia này sẽ nhận được từ 20 đến 25 triệu đôla mỗi nước để giúp họ thực hiện các hoạt động nhân đạo cứu người.
Sự ủng hộ của quốc tế dành cho Syria đã tan biến sau hơn một thập kỷ xung đột. Khoảng 13 triệu người tị nạn và người Syria thất tán trong nước đang sống trong tình trạng cơ cực, ít được cứu trợ.
DRC là một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài và phức tạp nhất. Hàng triệu người đang phải chịu đựng xung đột, thất tán, dịch bệnh và nạn đói nghiêm trọng.
Liên Hợp Quốc cảnh báo cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Sudan đang ngày càng sâu sắc, khi bất ổn chính trị ngày càng gia tăng và quốc gia này phải đối mặt với lũ lụt, giá lương thực tăng và dịch bệnh bùng phát.
Jens Laerke, người phát ngôn của Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo, cho biết việc phân phối quỹ do Điều phối viên Cứu trợ Khẩn cấp Martin Griffiths thực hiện là lớn nhất từ trước đến nay. Ông nói rằng nó vượt qua 135 triệu đôla của năm ngoái với 15 triệu đôla.
FBI giải cứu con tin tại giáo đường Do Thái ở Texas
Lực lượng an ninh bên ngoài nơi các con tin bị bắt giữ ở Colleyville, Texas.
Một Đội Giải cứu Con tin của FBI đã ập vào một giáo đường Do Thái ở Colleyville, Texas, vào tối thứ Bảy để giải thoát ba con tin còn lại.
Một tay súng đã làm gián đoạn nghi lễ tôn giáo và bắt đầu cuộc đối đầu với cảnh sát hơn 10 giờ trước đó.
Tất cả các con tin đã được giải thoát an toàn vào tối thứ Bảy và tay súng đã chết, Cảnh sát trưởng Colleyville Michael Miller nói trong một cuộc họp báo.
Các quan chức cho biết, ban đầu, tay súng đã bắt 4 người làm con tin, bao gồm cả giáo sĩ Do Thái, tại giáo đường Congregation Beth Israel.
Một con tin được thả ra mà không hề hấn gì sáu giờ sau đó.
Các phóng viên cho biết họ đã nghe thấy tiếng các vụ nổ và tiếng súng không lâu trước khi Thống đốc Texas Greg Abbott thông báo cuộc khủng hoảng đã kết thúc.
Vương Nghị: ‘Trung Quốc sẽ không bắt nạt về Biển Đông’
Ủy viên Quốc vụ viện, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
Trung Quốc sẽ không sử dụng sức mạnh của mình để ‘bắt nạt’ các nước láng giềng nhỏ hơn bao gồm Philippines, ngoại trưởng nước này cho biết hôm 17/1 và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
“Chỉ nhấn mạnh đòi hỏi chủ quyền của một bên và áp đặt ý chí của mình lên bên kia không phải là cách đúng đắn để các nước láng giềng đối xử với nhau và nó đi ngược triết lý phương Đông là mọi người nên sống hòa hợp với nhau,” ông Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, phát biểu trên một diễn đàn ảo do Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila và một tổ chứ vận động địa phương tổ chức.
Tuyên bố của ông Vương Nghị được đưa ra chưa đầy hai tháng sau khi Philippines lên án việc Trung Quốc chặn một tàu tiếp tế quân sự ở Biển Đông, khiến Mỹ, một đồng minh có hiệp ước, cảnh báo rằng một cuộc tấn công vào các tàu Philippines sẽ khiến họ viện dẫn các cam kết phòng thủ chung.
Các yêu sách chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông, mà họ nói dựa trên các bản đồ lịch sử, đã khiến nước này mâu thuẫn với Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam, những nước có tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và thực thể đối chọi với Trung Quốc.
Trung Quốc đã bị các nước phương Tây cáo buộc là gây hấn và khiêu khích bằng cách triển khai hàng trăm tàu hải cảnh và tàu đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, trong đó có Philippines, và ở xa đại lục.
Trung Quốc nói hành động của họ là chính đáng, bởi vì các tàu này hoạt động trong ‘lãnh thổ’ của họ. Philippines phản đối điều mà họ gọi là ‘xâm nhập’ và ‘tràn ngập’.
Ông Vương Nghị nói Trung Quốc bày tỏ hy vọng với phía Philippines rằng họ có thể ‘xử lý và giải quyết vấn đề một cách đúng đắn trên tinh thần thiện chí và thực tiễn’.
Mỹ bất ngờ phô trương vũ khí mạnh nhất của mình tại châu Á để răn đe đối thủ
Ảnh minh họa: Tầu ngầm hạt nhân USS Nevada lớp Ohio của Mỹ. © Wikipedia
Thứ Bảy 15/01/2022 vừa qua, chiếc tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Nevada đã bất ngờ xuất hiện tại căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam, nằm ở phía đông-đông nam biển Philippines, sát cạnh Thái Bình Dương. Đây là một sự kiện cực kỳ hiếm hoi, vì hoạt động và hành trình của các tàu ngầm hạt nhân tấn công, được liệt vào diện vũ khí mạnh nhất của Hoa Kỳ, thường được giữ kín.
Đối với giới quan sát, khi phô trương chiếc USS Nevada tại Guam, rõ ràng là Hoa Kỳ muốn gởi đi một thông điệp kép, vừa răn đe các đối thủ, cụ thể là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, vừa trấn an các đồng minh trong khu vực.
Uy lực của chiếc USS Nevada như thế nào mà lại được coi là vũ khí mạnh nhất của Mỹ ? Theo kênh truyền hình Mỹ CNN, đây là một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc lớp Ohio, có khả năng mang theo hơn 20 tên lửa đạn đạo Trident, với tầm bắn hơn 11 ngàn cây số. Mỗi tên lửa lại có thể mang theo tối đa 12 đầu đạn hạt nhân với sức công phá tương đương với 5,7 triệu tấn thuốc nổ TNT.
Tàu lại có khả năng hoạt động sâu dưới mặt nước trong nhiều tháng trời, chỉ phải nổi lên khi cần bổ sung nguồn nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn bao gồm hơn 150 thành viên.
Chính hỏa lực hùng hậu, kèm theo khả năng giấu mình trong một thời gian dài dưới mặt nước mà không bị phát hiện đã khiến cho loại tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ trở thành một trong ba thành tố răn đe hạt nhân mạnh nhất của quân đội Hoa Kỳ, bên cạnh các tên lửa đạn đạo phóng đi từ lãnh thổ Mỹ và các oanh tạc cơ tầm xa mang bom hạt nhân như B-2 và B-52.
Theo ông Thomas Shugart, cựu chỉ huy tàu ngầm trong Hải Quân Hoa Kỳ và hiện là nhà phân tích tại Trung Tâm An Ninh Mới của Mỹ, tính chất răn đe của 14 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio đang hoạt động được thể hiện qua thông điệp gởi đến đối thủ: “Chúng tôi có thể đặt 100 đầu đạn hạt nhân trước cửa nhà của quý vị mà quý vị thậm chí không hề hay biết hoặc không thể làm gì nhiều để đối phó”.
CNN ghi nhận, đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu ngầm hạt nhân đến Guam kể từ năm 2016 và là chuyến thăm thứ hai được loan báo công khai kể từ những năm 1980, vì thông thường, hoạt động của loại tàu ngầm này luôn được giữ bí mật.
Thế nhưng lần này, quân đội Mỹ không ngần ngại phô trương sự có mặt của chiếc USS Nevada tại Guam. Một thông cáo của Hải Quân Hoa Kỳ nói rõ: “Chuyến thăm cảng tăng cường hợp tác giữa Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, thể hiện năng lực, sự linh hoạt, tính chất sẵn sàng của Hoa Kỳ dấn thân bảo vệ an ninh và ổn định khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Ý nghĩa trấn an các đồng minh đã được thể hiện rõ trong bản thông cáo trên, trong bối cảnh các động thái hù dọa của Trung Quốc nhắm vào Nhật Bản tại vùng biển Hoa Đông, các hành động thị uy của Bắc Kinh nhắm vào Đài Loan hay vào các nước Đông Nam Á ở Biển Đông không ngừng gia tăng trong thời gian gần đây.
Trong những ngày qua, đặc biệt là từ đầu năm đến nay, việc Bắc Triều Tiên liên tiếp thử nghiệm tên lửa cũng gây lo ngại, đặc biệt cho Hàn Quốc, đồng minh thân cận của Mỹ.
Theo CNN, khi đưa tàu ngầm có trang bị tên lửa hạt nhân đến Guam, Washington như muốn cho thấy rõ là họ có thể ứng phó hữu hiệu với các mối đe dọa, điều mà cho đến nay, cả Trung Quốc lẫn Bắc Triều Tiên đều không thể làm được.
Chương trình tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên đang trong giai đoạn sơ khai, trong lúc hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo ước tính của Trung Quốc chỉ gồm vỏn vẹn 6 chiếc, lại cồng kềnh, hỏa lực ít hơn và dễ bị phát hiện hơn.
Không có nhận xét nào