Myanmar: Bà Suu Kyi phải đối mặt với sáu năm tù sau bản án mới
Bà Aung San Suu Kyi.
Hôm 10/1, một tòa án ở Myanmar kết án nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi 4 năm tù với các tội danh bao gồm sở hữu máy bộ đàm không có giấy phép, một nguồn tin thân tín cho Reuters biết.
Bản án mới nhất - trong các vụ án mà các nhóm bảo vệ nhân quyền chỉ trích là một trò hề và là một “màn diễn trong phòng xử án” - đồng nghĩa với việc bà phải đối mặt với mức án tù 6 năm sau hai lần bị kết tội vào tháng trước.
Bà đang bị xét xử trong gần một chục vụ án với mức án tổng cộng lên tới hơn 100 năm tù. Bà phủ nhận mọi cáo buộc.
Bà Suu Kyi, 76 tuổi, tỏ ra bình tĩnh khi bản án được tuyên hôm 10/1 tại một tòa án ở thủ đô Naypyitaw, một nguồn tin khác cho Reuters biết.
Bà Suu Kyi bị bắt giữ vào ngày xảy ra cuộc đảo chính 1/2/2021. Những ngày sau đó, cảnh sát cho biết sáu bộ đàm nhập khẩu bất hợp pháp đã được tìm thấy trong quá trình khám xét nhà của bà.
Tòa án tuyên phạt bà 2 năm vì vi phạm luật xuất nhập khẩu khi sở hữu bộ đàm cầm tay và 1 năm vì có một bộ gây nhiễu tín hiệu. Nguồn tin cho biết bà sẽ thụ án cùng lúc hai bản án này.
Nguồn tin cho biết thêm rằng bà cũng bị kết án 2 năm về tội vi phạm luật quản lý thảm họa thiên nhiên liên quan đến các quy định về giãn cách phòng chống COVID-19.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi cuộc đảo chính chống lại chính phủ dân cử của bà Suu Kyi dẫn đến các cuộc biểu tình lan rộng và báo hiệu sự kết thúc của 10 năm có cải cách chính trị ở mức tương đối tiếp nối vào nhiều thập kỷ đất nước bị quân đội cai trị nghiêm ngặt.
Vào ngày 6/12/2021, bà nhận bản án 4 năm tù vì tội “xúi giục” và vi phạm các quy định giãn cách phòng chống COVID-19 .
Bản án kể trên đã vấp phải sự lên án của quốc tế và sau đó được giảm xuống còn hai năm.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết trên Twitter hôm 10/1 rằng bản án mới được tuyên là “hành động mới nhất trong vụ xét xử dã man chống lại thủ lĩnh dân sự”.
Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và tướng Min Aung Hlaing của Myanmar
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Chủ tịch luân phiên ASEAN 2022, vừa gặp tướng Min Aung Hlaing của Myanmar và hứa sẽ đạt được một thoả thuận trong ASEAN nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài một năm nay ở Myanmar. Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi về khả năng của vị lãnh đạo Campuchia trong việc dẫn đầu những nỗ lực giải quyết căng thẳng gây nên bởi cuộc đảo chính của tướng Min Aung Hlaing ở Myanmar, lưu ý là trong 36 năm cầm quyền ở Phnom Penh của ông Hun Sen cũng có một cuộc chính biến có vũ trang chống lại các đối tác của liên minh được bầu vào những năm 1990 và sự phá hoại có hệ thống đối với phe đối lập ở Campuchia từ năm 2017 đến nay.
Các nhà khoa học tin rằng Omicron ít gây tử vong hơn bệnh cúm
Ánh Dương
Tỷ lệ tử vong do biến thể Omicron gây ra dự kiến sẽ là 0,07%, ít hơn so với bệnh cúm mùa là 0,1%. (Ảnh minh họa: fernandozhiminaicela/Pixabay)
Tờ Daily Mail của Anh đưa tin rằng các nhà khoa học tin rằng biến thể Omicron của loại coronavirus mới có thể ít gây tử vong hơn so với bệnh cúm, tạo động lực cho hy vọng rằng thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch đã qua.
Một số chuyên gia luôn khẳng định rằng coronavirus cuối cùng sẽ trở thành một loại virus giống như cảm lạnh theo mùa, khi thế giới phát triển khả năng miễn dịch thông qua vắc-xin và nhiễm trùng tự nhiên. Nhưng sự xuất hiện của biến thể Omicron đột biến cao dường như đã đẩy nhanh quá trình này, Daily Mail đưa tin.
“Phân tích của MailOnline cho thấy COVID đã gây ra tử vong cho một người trong 33 người nhiễm bệnh vào lúc cao điểm của đợt sóng thứ hai, tàn phá vào tháng Giêng năm ngoái, so với chỉ là một trên 670 người hiện nay. Nhưng các chuyên gia tin rằng con số này có thể còn thấp hơn vì biến thể Omicron”, Mail cho biết.
“Tỷ lệ tử vong trong trường hợp – tỷ lệ các ca nhiễm bệnh được xác nhận dẫn đến tử vong – đối với bệnh cúm theo mùa là 0,1, tương đương với một phần 1.000”.
Theo Daily Mail, một cựu cố vấn của Chính phủ cho biết hôm thứ Sáu nếu xu hướng tiếp tục giảm thì “chúng ta nên hỏi liệu chúng ta có nên đưa ra bất kỳ biện pháp nào để áp dụng cho một mùa cúm tồi tệ hay không”.
Nhưng các chuyên gia khác nói rằng coronavirus dễ lây truyền hơn nhiều so với bệnh cúm, có nghĩa là nó chắc chắn sẽ gây ra nhiều ca tử vong hơn.
The Mail cũng đưa tin rằng các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington đang mô hình hóa giai đoạn tiếp theo của đại dịch. Họ cho rằng Omicron sẽ gây ra tử vong ít hơn tới 99% so với Delta, theo một gợi ý khác, nó có thể ít gây chết người hơn so với bệnh cúm.
“Không có tỷ lệ tử vong (IFR) chính xác do lây nhiễm, luôn chỉ là tỷ lệ tử vong của các ca bệnh (CFR), vì nó phản ánh số ca bệnh bị chết ở tất cả những bệnh nhân nhiễm virus. Cho đến nay vẫn chưa có công bố về tỷ lệ tử vong do Delta gây ra, Mail cho biết.
“Nhưng các cố vấn của Chính phủ Vương quốc Anh ước tính tỷ lệ tử vong tổng thể là khoảng 0,25% trước khi Omicron xuất hiện, giảm so với mức cao khoảng 1,5% trước khi vắc-xin được tiêm chủng rộng rãi.
“Nếu Omicron ít gây chết hơn 99% so với Delta, điều đó cho thấy IFR hiện tại có thể thấp tới 0,0025%, tương đương với 1 trên 40.000, mặc dù các chuyên gia cho rằng điều này khó xảy ra. Thay vào đó, mô hình của Đại học Washington ước tính con số thực sự nằm trong vùng 0,07%, nghĩa là cứ 1.430 người bị nhiễm bệnh thì có một người không chống chọi được với căn bệnh này.
Theo Jamaicaobserver.com
Thẩm phán Australia phục hồi thị thực của ngôi sao quần vợt Djokovic
10/01/2022
Ngôi sao quần vợt Novak Djokovic.
Ngôi sao quần vợt Novak Djokovic đã giành chiến thắng trước tòa hôm 10/1 để ở lại Australia thi đấu giải Australia Mở rộng mặc dù không phải tiêm ngừa COVID-19, nhưng chính phủ đe dọa sẽ hủy thị thực của ông lần thứ hai, theo AP.
Thẩm phán Anthony Kelly của Tòa án Liên bang đã khôi phục thị thực của ông Djokovic. Thị thực của ông đã bị hủy sau khi ông nhập cảnh vào tuần trước vì các quan chức cho rằng ông không đáp ứng các tiêu chí để được miễn yêu cầu nhập cảnh mà theo đó tất cả những người không phải là công dân Úc phải tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ.
Thẩm phán cũng yêu cầu chính phủ thả ông Djokovic trong vòng 30 phút từ một khách sạn cách ly ở Melbourne, nơi ông đã ở bốn đêm qua.
Ông Christopher Tran, luật sư chính phủ, nói với thẩm phán sau phán quyết rằng Bộ trưởng Bộ Nhập cư, Quốc tịch, Dịch vụ Di cư và Đa văn hóa, Alex Hawke, “sẽ cân nhắc xem có nên thực hiện thẩm quyền cá nhân về hủy bỏ hay không”.
Điều đó có nghĩa là ông Djokovic một lần nữa có thể phải đối mặt với việc bị trục xuất và có thể bỏ lỡ giải Australia Mở rộng, bắt đầu vào ngày 17/1.
Trao đổi với mạng lưới truyền hình Prva ở Belgrade, Serbia, ông Djordje Djokovic, anh trai của ngôi sao quần vợt, mô tả phán quyết của thẩm phán là một “thất bại lớn đối với các nhà chức trách Australia”.
Ông cũng cáo buộc rằng “thông tin mới nhất là họ muốn bắt anh ấy”.
“Đây chắc chắn là vấn đề chính trị, tất cả những điều này đều có tính chính trị”, ông nói thêm.
Văn phòng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Karen Andrews xác nhận rằng ông Novak Djokovic vẫn chưa bị bắt.
Luật sư Tran và đồng nghiệp Naomi Wootten xác nhận rằng ông Djokovic sẽ bị cấm thi đấu tại Australia trong 3 năm.
Ukraina: Đàm phán Nga-Mỹ tại Genève khởi đầu trong căng thẳng
Thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Wendy Sherman (T) và đồng nhiệm Nga, Sergei Ryabkov (P) trong cuộc đàm phán về Ukraina và an ninh Châu Âu, Geneve, Thụy Sĩ ngày 10/01/2022 AP - Denis Balibouse
Hôm nay, 10/01/2022, hai phái đoàn Mỹ và Nga tiếp tục đàm phán tại Genève (Thụy Sĩ) về cuộc khủng hoảng liên quan đến Ukraina nói riêng và an ninh tại châu Âu nói chung.
Cuộc thương thuyết đã khởi sự từ hôm qua (09/01) trong một bầu không khí được cả hai bên công nhận là khó khăn, với Washington cảnh báo về nguy cơ “đối đầu” giữa hai bên, trong lúc Matxcơva tuyên bố sẽ “không nhượng bộ”.
Theo hãng tin Nga Interfax, phát biểu sau 2 tiếng đồng hồ ăn tối và làm việc với phái đoàn Mỹ vào hôm qua, trưởng đoàn Nga là thứ trưởng Ngoại Giao Sergei Riabkov thừa nhận rằng cuộc thảo luận rất “phức tạp”, nhưng “nghiêm túc”.
Còn trong một thông cáo báo chí, bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết là trong buổi làm việc, trưởng đoàn Hoa Kỳ là thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman đã “nhấn mạnh hậu thuẫn của Hoa Kỳ đối với các nguyên tắc quốc tế về chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và quyền của các nước có chủ quyền được tự do lựa chọn liên minh của riêng mình”.
Đây được cho là lời bác bỏ đòi hỏi của Nga, muốn Hoa Kỳ đảm bảo về việc không mở rộng NATO (đặc biệt là ở Ukraina) và rút các lực lượng Mỹ triển khai ở Đông Âu.
Publicité
Để gây áp lực buộc Washington chấp nhận điều kiện của mình, trong thời gian qua, Nga được cho là đã tập trung 100 nghìn quân ở vùng giáp giới với Ukraina.
Trước lúc cuộc đàm phán mở ra, cả hai bên đều có những lời lẽ đanh thép nhằm đe dọa đối phương. Matxcơva khẳng định sẽ không nhượng bộ về những điều kiện của mình, trong lúc Washington tiết lộ một danh sách biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ sẵn sàng đưa ra trong trường hợp Nga tiến hành chiến dịch quân sự chống lại Ukraina.
Chính ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công khai lên tiếng cảnh cáo Nga trên kênh truyền hình Mỹ CNN.
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường thuật :
« Đối mặt với Nga, Mỹ đã liên tiếp gia tăng những lời cảnh cáo trong thời gian gần đây, trước lúc mở ra các cuộc đàm phán tại Genève. Hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhắc lại rằng trong tuần này, phía Nga chỉ có hai hướng để chọn lựa khi nói rằng: “Chúng ta sắp được xem Vladimir Putin chọn lựa con đường nào, chọn con đường ngoại giao và đối thoại hay chọn phương cách đối đầu”.
Lần gần đây nhất sau khi Nga tấn công Ukraina và sáp nhập bán đảo Crimée, các lệnh trừng phạt chồng chất lên Matxcơva đều vô hiệu. Lần này, ngoại trưởng Hoa Kỳ cảnh báo rằng tình hình sẽ khác, nếu xảy ra một cuộc xâm lược mới của Nga. Ông đã cảnh báo Nga về các biện pháp trừng phạt ồ ạt khi khẳng định:
“Tổng thống Biden đã rất rõ ràng. Lần này, chúng ta sẽ áp dụng các biện pháp chưa từng có và hậu quả sẽ rất nặng nề đối với Nga. Và đây là điều mà tổng thống Putin sẽ phải tính đến”.
Tuy nhiên, ngoại trưởng Mỹ vẫn khẳng định rằng ông ủng hộ đối thoại với Nga vào lúc này và sẵn sàng thảo luận về vấn đề bố trí các hệ thống tên lửa và các cuộc tập trận của hai nước. Ông Blinken còn cho biết thêm là bất kỳ quyết định nào của Mỹ cũng sẽ được đưa ra với sự tham vấn ý kiến của các đồng minh châu Âu. »
Cuộc họp Nga-Mỹ tại Genève sẽ được tiếp nối trong tuần này bằng cuộc họp Nga-NATO vào thứ Tư 12/01 tại Bruxelles (Bỉ), một hôm trước khi diễn ra hội nghị của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE tại Vienna (Áo), một định chế mà Nga cũng là thành viên.
Hoa Kỳ tái khẳng định ủng hộ Litva trong cuộc đối đầu với Trung Quốc
Đại diện Thương Mại Hoa Kỳ, bà Katherine Tai, tháng 10/2021. Fabrice COFFRINI AFP/File
Theo AFP, hôm qua, 07/01/2022, chính quyền Joe Biden một lần nữa đánh tín hiệu cho biết Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ Liên Hiệp Châu Âu và Litva để đương đầu với Trung Quốc.
Bắc Kinh đang bị lên án vì đã chặn hàng xuất khẩu của Litva vào Trung Quốc, một hành động nhằm trả đũa việc quốc gia vùng Baltic cho mở văn phòng đại diện Đài Loan hồi tháng 7/2021.
Thông cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ra hôm qua 07/01/2022 ghi rõ : « Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, bà Katherine Tai, trong hội đàm với phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Valdis Dombrovski, đã bày tỏ sự ủng hộ kiên quyết của Hoa Kỳ với Liên Hiệp Châu Âu và Litva trước hành động cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc ».
Quốc gia vùng Baltic Litva, một trong những quốc gia nhỏ bé nhất Liên Âu, cuối năm ngoái bỗng nổi bật trên trường quốc tế với quyết định cho Đài Loan mở một cơ quan đại diện ngoại giao với tên gọi văn phòng Đài Loan. Hành động này của Vilnius ngay lập tức đã khiến Bắc Kinh nổi giận, vì Đài Loan luôn bị Bắc Kinh coi là một tỉnh phản nghịch của Trung Quốc. Gần đây, Bắc Kinh gia tăng sức ép mọi mặt đối để cô lập hòn đảo với bên ngoài.
Để đáp trả Vilnius, Bắc Kinh đã hạn chế các liên hệ ngoại giao, thương mại với Litva.
Trong thông cáo, bà Katherine Tai nhấn mạnh « tầm quan trọng trong hợp tác với Liên Âu và các quốc gia thành viên Liên Âu chống lại các hành xử ngoại giao và kinh tế theo cách cưỡng ép, bằng nhiều hướng khác nhau, trong đó có Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ -EU ».
Trước đó, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cũng đã gọi điện thoại cho Ngoại trưởng Litva để bày tỏ « sự ủng hộ kiên quyết và liên tục của Hoa Kỳ » với quốc gia vùng Baltic.
Trung Quốc sẽ không mở lại các chuyến bay trước năm 2023
(Ảnh minh họa) - Sân bay quốc tế Hồng Kiều, tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 04/06/2020. REUTERS - ALY SONG
Vì chiến lược « zero Covid » yêu cầu phải áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt về phòng dịch, Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc ( CAAC) ngày 07/01/2022 thông báo các chuyến bay nội địa và quốc tế chỉ có thể được nối lại từ năm 2023.
Giao thông hàng không Trung Quốc trong năm nay 2022 sẽ vẫn còn bị tác động nặng nề của khủng hoảng dịch tễ. Với chính sách « zero Covid », chính quyền Bắc Kinh đang tập trung nỗ lực để khống chế được đại dịch trong năm 2022. Các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất liên tiếp được tăng cường khi Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh và nhất là dịp tết Nguyên Đán đang tới gần. Hàng không Trung Quốc đã đưa ra lộ trình phát triển trong hai năm tới.
Theo cơ quan quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc, sau giai đoạn tăng cường kiểm soát, phòng ngừa Covid-19, Trung Quốc sẽ tập trung vào tăng trưởng giai đoạn từ 2023 đến 2025 để tạo sức năng động cho lĩnh vực hàng không, bao gồm việc tăng số chuyến bay nội địa và khôi phục lại thị trường quốc tế.
Trong viễn cảnh vận tải hành khách và hàng hóa tăng mạnh, Trung Quốc dự kiến sẽ mở thêm nhiều cảng hàng không mới từ nay đến năm 2025, từ 241 sân bay hiện có lên hơn thành 270 sân bay.
Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển hàng không của Trung Quốc cũng nhằm mục tiêu giảm phát thải khí CO2 trong 3 năm tới. Có một đội máy bay hùng hậu nhưng ít ô nhiễm nhằm mục tiêu trung hòa cácbon trước năm 2060 là một thách thức lớn cho ngành hàng không Trung Quốc.
RCEP: Chuyến tàu đầu tiên chở hơn 200 tấn sầu riêng Thái Lan đến Trung Quốc
RFA
10/01/2022
Hình minh hoạ: Tàu chở hàng kết nối giữa Nam Xương và Hà Nội khai trương hôm 22/11/2017
Chuyến tàu chở 17 container sầu riêng Thái Lan với tổng trọng lượng 288 tấn, trị giá hơn 1,7 triệu đô la, vừa đến Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc vào trưa ngày 6/1. Truyền thông Nhà nước Việt Nam trích thông báo của từ Công ty hữu hạn Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc chi nhánh Nam Ninh cho biết như vậy hôm 10/1.
Đây là chuyến tàu chở trái cây xuất khẩu đầu tiên từ ASEAN vào Trung Quốc kể từ khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.
Trước đó, vào ngày 1/1/2022, chuyến tàu đầu tiên của RCEP chở hàng xuất khẩu từ Trung Quốc đã khởi hành từ Cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đến Việt Nam. Chuyến tàu vận chuyển 25 container hàng hóa liên quan đến thương mại thông thường và thương mại điện tử xuyên biên giới, như linh kiện điện tử, nhu yếu phẩm, sản phẩm hóa chất... với tổng trọng lượng hơn 800 tấn, trị giá hơn 10 triệu USD.
VOV trích thông tin từ truyền thông Trung Quốc cho biết, trong năm 2021, tổng số 346 chuyến tàu giữa Trung Quốc - Việt Nam đã được vận hành, tăng 108,4% so với cùng kỳ, trong đó vận chuyển trái cây 19.400 tấn, tăng 14,66%.
Cũng theo truyền thông Trung Quốc, trong năm 2022, Công ty hữu hạn Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc chi nhánh Nam Ninh dự kiến sẽ vận hành 400 chuyến tàu xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam.
RCEP gồm 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, chiếm gần 30% dân số (tương đương 2,7 tỷ người) và tổng sản phẩm quốc nội (GDP - tương đương 26.200 tỷ USD) toàn cầu.
Võ Thái Hà tổng hợp
Không có nhận xét nào