Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    TNLT Lê Quý Lộc tố bị tra tấn trong trại An Phước bởi 11 cán bộ


    Ông Lê Quý Lộc báo với gia đình việc ông bị đánh trong trại giam FBNV/ RFA edited

    Người thân của tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc cho biết ông này bị 11 cán bộ tại trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương đánh đập cùng lúc.

    Theo bà Trần Thanh Thủy thì sau tám tháng trại giam hoãn cho thăm nuôi người thân do dịch COVID-19, cuối cùng bà cũng được vào trại giam thăm chồng hôm 22 tháng 1 và được nghe ông này kể về việc bị tra tấn trong tù.

    Trong cuộc gặp, ông Lê Quý Lộc nói rằng hồi tháng 5 năm 2021, ông đã bị đánh đập cùng lúc bởi 11 cán bộ tại trại giam An Phước. Lý do là vì ông đã lên tiếng đòi hỏi quyền được ra ngoài chơi thể thao vào thứ Bảy cho những người tù chính trị.

    Thay vì đáp ứng đòi hỏi của ông này, thì phía cán bộ trại giam trừng phạt bằng việc chuyển ông sang giam giữ ở khu vực dành cho tù hình sự. Và cũng ở đây ông đã bị cán bộ trại giam đánh đập.

    Theo bà Thủy mô tả thì trận đòn đã khiến mặt của ông Lê Quý Lộc bị bầm tím và sưng phù, ông này sau đó đã tuyệt thực trong tám ngày để phản đối việc mình bị hành hung.

    Phóng viên Đài Á Châu Tự Do nhiều lần gọi vào số điện thoại của trại giam An Phước được công bố trên báo chí nhà nước, tuy nhiên một giọng nữ tự động thông báo "đường dây đang sửa chữa" nên không thể liên lạc được.

    Một luật sư nhân quyền giấu tên vì lý do an ninh nhận xét về vụ việc:

    “Theo quan điểm của tôi thì theo Luật Thi hành án Hình sự thì người phạm nhân có quyền được bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, và họ được quyền tham gia vui chơi, hoạt động thể thao, và sinh hoạt văn hoá văn nghệ.

    Trong trường hợp trại giam không đáp ứng những yêu cầu của phạm nhân là trái quy định của pháp luật. Và những yêu cầu của phạm nhân, cụ thể ở đây là phạm nhân chính trị, là những yêu cầu hết sức chính đáng.”

    Về việc phía trại giam chuyển phạm nhân chính trị sang khu dành cho tù hình sự để phản ứng lại các đòi hỏi về mặt quyền lợi của phạm nhân, luật sư này cho hay:

    “Ở trong trại giam, giám thị trại giam có quyền chuyển phạm nhân từ buồng giam này sang buồng giam khác, tuy nhiên là đối với những cái hành động phản đối của những tù nhân chính trị nêu trên, mà họ bị chuyển sang một cái buồng giam với những tội phạm hình sự nguy hiểm, thì theo tôi đây là hành động mang tính trả thù của ban giám thị trại giam, nhằm dằn mặt những tù nhân chính trị dám lên tiếng đòi hỏi quyền lợi của phạm nhân.”

    Vị luật sư nhân quyền cũng khẳng định, hành vi đánh đập mà cán bộ trại giam thực hiện với tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc được coi là những hành vi tra tấn.

    Ông Lê Quý Lộc, quê ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, bị bắt hôm 4 tháng 9 năm 2018 khi đang dự định tham gia cuộc biểu tình để phản đối dự luật đặc khu và luật an ninh mạng.

    Khi đang bị tạm giam để điều tra tại trại tạm giam của cơ quan An ninh điều tra TPHCM, hồi tháng 5/2020 ông này cũng cho hay mình bị ngược đãi và đánh đập bởi cán bộ công an.

    Ông này đồng thời là thành viên của Nhóm Hiến pháp, một tổ chức xã hội dân sự độc lập, hoạt động nhằm cổ xuý việc thực thi các quyền con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

    Chính quyền cáo buộc ông Lộc phạm tội “phá rối an ninh” được quy định tại điều 118 của Bộ luật Hình sự. Ngày 31 tháng 7 năm 2020, ông Lộc bị toà án TPHCM xử có tội và phải nhận bản án năm năm tù giam.

    Nhóm Báo Sạch ra tòa phúc thẩm


    Bốn thành viên Báo Sạch (từ trái qua): Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Phước Trung Bảo, Trương Châu Hữu Danh /RFA edit

    Phiên phúc thẩm năm thành viên Nhóm Báo sạch bắt đầu vào chiều ngày 26/1 tại Tòa án Thành phố Cần Thơ.

    Cả năm thành viên Nhóm Báo Sạch gồm các ông Trường Châu Hữu Danh, Lê Thế Thắng, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã đều có đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm tuyên cho họ hồi tháng 10 năm ngoái. Ngoài ra còn có kháng nghị của Viện Kiểm Sát đối với một phần bản án sơ thẩm của tòa cấp dưới theo hướng không áp dụng hình phạt bổ sung ‘cấm hành nghề báo chí trong thời hạn ba năm’ đối với các ông Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Thanh Nhã.

    Hồi chiều ngày 28/10/2021, Tòa án Nhân dân huyện Thới Lai, Cần Thơ tuyên phạt năm nhà báo của nhóm Báo Sạch tổng cộng 14 năm sáu tháng tù giam sau hai ngày xét xử và một ngày nghị án.

    Những nhà báo độc lập này bị cáo buộc tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân" theo Khoản 2 Điều 331 Bộ Luật Hình sự.

    Cụ thể, ông Trương Châu Hữu Danh bị tuyên bốn năm sáu tháng tù, ông Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng mỗi người ba năm tù; ông Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã đồng mức án hai năm tù.

    Ngoài ra tòa cũng phạt bổ sung cấm các nhà báo này hành nghề báo chí trong thời hạn ba năm sau khi chấp hành án phạt tù.

    Ông Trương Châu Hữu Danh nổi tiếng trên mạng xã hội từ sau vụ chống BOT bẩn ở Cai Lậy, Tiền Giang hồi năm 2017.

    Sau đó, ông Danh cùng những người bạn sáng lập Báo Sạch, cùng nhau lên tiếng cho nhiều sự kiện xã hội khác nhau như vụ án tranh chấp đất giữa chính quyền và người dân ở Thủ Thiêm (TPHCM), Đồng Tâm (Hà Nội)… Đây là các vụ án tranh chấp đất đai dẫn đến cưỡng chế, thậm chí đổ máu như ở Đồng Tâm vào tháng 1 năm 2020 và khiến nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế phải lên tiếng quan ngại, đặt câu hỏi về tính minh bạch.

    Đặc biệt, Báo Sạch cập nhật thông tin liên tục, tìm và phân tích lại các bằng chứng để đấu tranh cho sự sống của tử tù Hồ Duy Hải. Ông Hồ Duy Hải và gia đình đã kêu oan suốt 12 năm qua trong một vụ án giết người và cướp của mà từ khâu điều tra đã có nhiều sai sót.

    Kiều hối bội thu, Chủ tịch Phúc đọc thơ “làm huề” với bọn phản động


    Hôm 22-1-2022, Chủ tịch CSVN Nguyễn Xuân Phúc khoe trong một cuộc buổi lễ mừng xuân cùng với giới Việt Kiều nhiều thành phần rằng lượng kiều hối 2021 tiếp tục tăng và nhấn mạnh “đó cũng là tình cảm, sự sẻ chia đong đầy của bà con ta với Tổ quốc và với bà con nơi quê nhà.”

    Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ tám thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021, ước tính ở mức 18,1 tỷ USD, cao hơn mức 17,2 tỷ USD năm 2020.

    Báo chi trong nước nói buổi lễ có “hơn 350 kiều bào, đại diện cho hơn 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập trên khắp năm châu, trở về quê nhà đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”.

    Cao hứng trong buổi lễ, ông Phúc bèn đọc hai câu thơ vừa ngợi khen, vừa vui mừng với kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, nguyên văn là “Mỗi năm Tết đến Xuân về / Quê hương đất mẹ đề huề mong con”.

    Hai câu thơ này được nhiều người bàn tán, vì mọi thứ rất khác biệt với thái độ của ông ta cách đây không lâu: Ông Phúc đã không giấu được sự ngạo nghễ khi đón tổng thống Donald Trump đến Việt Nam, và đưa cây cờ đỏ sao vàng vào tay tổng thống Mỹ vào ngày 27-2-2019.

    Ngay sau đó, trong một đoạn video đang được lan truyền trên mạng xã hội ghi lại buổi tiếp xúc của Thủ tướng Phúc với cộng đồng người Việt tại Trung tâm thương mại Sapa, một khu chợ do người Việt làm chủ ở thành phố Praha, Cộng hòa Séc, lúc ông Phúc có chuyến thăm nước này từ ngày 16/4 – 18/4, ông đã thố lộ rằng “Khi tôi đón ông Donald Trump vào thăm chính phủ, thì ổng cầm lá cờ Việt Nam ổng đưa lên cao thế này, lên khỏi đầu ổng, bà con có thấy hình ảnh đó không? Đó là gì? Là bọn phản động, lưu vong người Việt và chống chúng ta rã rời chân tay luôn”, đoạn video ghi lại lời ông Phúc kèm theo mô tả của ông trước cộng đồng Việt kiều.

    Sự việc Phúc tuyên bố nói trên đã bị Bộ Ngoại giao CSVN lờ đi khi có những câu hỏi phỏng vấn của báo chí nước ngoài, khi hỏi về chuyện này. Và bản thân ông Phúc cũng không dám nhắc lại lần thứ hai về suy nghĩ này, vốn từng được tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội nhận định trên trang facebook cá nhân của ông rằng “các chính trị gia “không nên làm chính trị” nếu như không học được những bài học sơ đẳng”.

    Trong phát biểu mới nhất, với hai câu thơ được nêu trên, ông Phúc còn nói con số kiều hối bội thu “là tình cảm, sự sẻ chia đong đầy của bà con ta với Tổ quốc và với bà con nơi quê nhà”. Không thấy ông ta phân biệt số tiền tỷ USD đó, cái nào là của bọn phản động và cái nào là không phản động.

    Đáng chú ý, những hình ảnh ghi nhận tại buổi lễ tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, có tên Chương trình nghệ thuật “Xuân Quê hương 2022” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức, nhiều quan chức chính phủ có mặt tham dự nhưng việc trang trí sân khấu và trình bày đã vô cùng tiết chế cờ đỏ sao vàng và tượng Hồ Chí Minh như thường lệ.

    Một nhà bình luận thời sự ở Sài Gòn, giấu tên, nói rằng việc ông Phúc xuống giọng với “khúc ruột ngàn dặm”, là một kiểu cố làm huề, chạy chữa cho những ngôn luận hồ đồ của ông đã từng bị báo chí nước ngoài bình luận suốt trong một thời gian dài. Vì trong nền kinh tế Việt Nam đang đuối sức, mà số kiều hối 18,1 tỷ USD như World Bank thông báo, không dại gì mà chê bai hay kỳ thị bọn Việt kiều – không ít là phản động.

    Điều này được một lần nữa được khẳng định với lời của ông Chủ tịch thành phố Sài Gòn Phan Văn Mãi, trong cuộc gặp với kiều bào vào ngày 25-1. Phát biểu trong cuộc gặp này, ông Mãi thú nhận lượng kiều hối của bà con nước ngoài gửi về riêng cho Sài Gòn, đạt trên 6,6 tỷ USD.

    “Chúng tôi xem nguồn kiều hối là nguồn lực rất lớn và cần những chính sách, nghiên cứu để thu hút, tạo động lực phát triển mới. Trong năm qua, kiều hối bà con gửi về cũng gần bằng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài” – ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

    Công an TPHCM: Ông Võ Hoàng Yên không lừa đảo thông qua chữa bệnh


    Ông Võ Hoàng Yên trong một lần chữa bệnh /plo.vn

    Ông Võ Hoàng Yên không bị khởi tố liên quan đến việc lừa đảo thông qua chữa bệnh do không có căn cứ xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự.

    Đó là nội dung trong thông báo của Công an thành phố Hồ Chí Minh được tờ Pháp Luật TPHCM loan trong ngày 26/1/2022.

    Thông báo số 1676 nêu rõ không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc năm cá nhân gồm các ông, bà Nguyễn Nhựt Trường, Lê Thị Dũng, Lý Thị Thanh, Phạm Thị Xuân, Phạm Hảo ngụ tại Hà Nội tố cáo "ông Võ Hoàng Yên lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi nhận tiền chữa bệnh, chữa không khỏi mà bệnh còn nặng hơn, thu tiền điều trị, phát hiện năm 2021 tại TP.HCM".

    Cơ quan điều tra đồng thời ghi rõ kết luận không có căn cứ vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

    Trước đó, Công an TP.HCM cũng đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự về việc bà Nguyễn Phương Hằng, CEO Khu du lịch Đại Nam, tố cáo ông Võ Hoàng Yên chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng mà bà chuyển cho ông Yên và người thân để trả nợ xây chùa, làm từ thiện, chữa bệnh cho người dân…

    Bà Hằng còn tố bị nhóm ông Võ Hoàng Yên và luật sư hành hung.

    Vụ việc ông Võ Hoàng Yên liên tục bị các cá nhân thưa kiện lừa đảo sau khi bà Nguyễn Phương Hăng tổ chức các buổi livestream tố ông này và nhiều nghệ sĩ khác ăn chặn tiền cứu trợ bà con miền Trung bị bão lũ.

    Tuy nhiên mới đây, Bộ Công an cũng đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan việc làm từ thiện của các nghệ sĩ.

    Không có nhận xét nào