Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam


    Sau một năm tan tác vì dịch, Việt Nam sẽ đón cái Tết ảm đạm?



    Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua một đợt phong tỏa kéo dài trong năm 2021

    Nỗi đau mất mát người thân trong đại dịch COVID-19 cùng với thu nhập giảm sút trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người dân ở thành phố Hồ Chí Minh không còn tâm trí đón Tết hoặc đón Tết trầm lắng hơn mọi năm, theo tìm hiểu của VOA.

    Việt Nam nói chung và thành phố lớn nhất nước nói riêng đã trải qua một năm dịch bệnh tàn khốc với trên 2 triệu ca nhiễm và gần 36.000 người chết, theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam tính đến ngày 19/1 năm 2022. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh chiếm phần lớn với gần 512.000 ca nhiễm và trên 20.000 ca tử vong.

    Trong lúc chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến Tết Nhâm Dần, vốn là thời điểm buôn bán nhộn nhịp nhất mọi năm, nhưng năm nay tình hình ảm đạm với chợ vắng khách, mua bán ế ẩm và tiểu thương ráng cầm cự, theo tường thuật của tờ Thanh Niên.

    ‘Giảm một nửa’

    Tại chợ Bình Tây, chợ đầu mối cung cấp hàng tiêu dùng cho toàn bộ các tỉnh miền Nam, bà Phạm Thúy Hiền, chủ sạp bánh kẹo Thúy Hiền, cho VOA biết tình hình kinh doanh của bà bết bát hơn mọi năm mặc dù càng gần đến Tết khách hàng đi chợ có đông hơn.

    Theo lời bà thì sức mua ở tiệm bà năm nay ‘chỉ bằng một nửa năm rồi’. Số khách hàng mua đi và lượng mua của khách hàng cũng ít đi ‘chỉ còn 5 phần đổ lại’, bà Hiền nói.

    Về mối sỉ lấy hàng của bà đem về bán dưới quê, bà cho biết ‘cũng lấy ít hơn, do ở dưới cũng có dịch bệnh nên người ta cũng không dám mua bán nhiều’.

    “Năm nay người ta không dám làm hàng, mùa dịch người ta sợ bán không được nên làm hàng ít lắm. Đến bữa nay (17 tháng Chạp) người ta cũng nghỉ hết rồi,” bà nói.

    “Nguồn hàng có ít nên thành ra cũng không bán được nhiều,” bà nói thêm.

    Đối với ông Mai Ngọc Toàn ở quận 12, mùa cận Tết hàng năm là mùa làm ăn chủ lực của ông do ông làm nghề làm giò chả và gói bánh chưng bỏ mối. Ông nói với VOA đến thời điểm này, số lượng đơn hàng mà ông nhận được ‘thấp hơn năm ngoái từ 30 đến 50%’.

    “Các năm trước người ta ở trên này đi làm, xong rồi tới lúc về quê sẽ đặt một số lượng hàng đem về quê ăn Tết. Năm nay trong đợt dịch vừa rồi người ta về quê hết rồi,” ông Toàn giải thích tại sao ông nhận được ít đơn hàng như vậy.

    Về giá cả, ông Toàn cho biết năm nay hàng hóa Tết không tăng giá như mọi năm. Bản thân ông vẫn giữ giá bánh chưng từ 120 đến 150 ngàn đồng một cái tùy kích cỡ.

    Ông cho biết năm nay dù làm ăn không được như trước nhưng do vợ chồng ông có đến bốn con nhỏ nên ‘ăn Tết vẫn phải ăn thôi’.

    “Ăn thì có bao nhiêu đâu chỉ có mấy ngày thôi,” ông phân trần. “Chỉ là tiêu xài thì cắt bớt, chỉ chi tiêu những gì cần thiết.”

    Theo lời ông thì mỗi năm gần Tết, ông mua sắm quần áo, giày dép cho con ‘mỗi đứa vài triệu’, còn bây giờ ‘chỉ gói gọn mấy trăm ngàn thôi’. “Có nhiêu mặc nhiêu chứ không se sua nữa,” ông nói.

    Cả gia đình ông Toàn gồm hai vợ chồng và bốn đứa con, trong đó có một em bé mới sinh, đều nhiễm COVID-19 trong năm vừa qua, ông cho biết. Do đó, ông nói giờ ông ‘lì rồi, không sợ nữa’ và tính đến Tết sẽ đưa vợ con đi chơi.

    “Chỉ cần giữ kỹ chút thôi vì chắc trong người có kháng thể rồi,” ông nói. Riêng về đi chúc Tết, ông cho biết chỉ ‘đi hai bên nội ngoại vì đó là trách nhiệm’, còn bạn bè thân hữu ‘thì chỉ gửi lời chúc qua Zalo hay Facebook chứ không tụ tập’.

    ‘Mong Tết qua lẹ’

    Đối với anh Long, 33 tuổi, một nhân viên kinh doanh sống ở huyện Bình Chánh không muốn nêu đầy đủ tên họ, năm 2021 là ‘một năm đại nạn’ vì anh lần lượt mất cả bà ngoại và mẹ chỉ trong vòng 7 ngày vì COVID-19. Đến cuối năm, vợ chồng anh lại ly dị, anh nói với VOA.

    Anh nói những ngày gần đến Tết, anh ‘cảm thấy rất trống trải, trong đầu không nghĩ được cái gì’.

    “Năm nay mình chỉ muốn qua cho lẹ thôi. Mong thời gian trôi nhanh qua năm sau để mình làm lại cuộc sống của mình,” anh giãi bày.

    Theo lời anh kể thì năm ngoái đến tầm này (17 tháng Chạp) ‘gia đình anh rất vui’. “Mỗi lần tôi đi làm về mở cửa vào nhà mẹ lại hỏi đã mua củ kiệu chưa, đã sắm sửa đồ đạc trong nhà chưa, rồi mẹ kêu vợ chồng tắm rửa rồi vào ăn cơm với mẹ,” anh nói.

    Thời điểm này hàng năm thì anh đã ‘dọn dẹp, trang trí nhà cửa, sơn dặm tường’, anh cho biết, nhưng năm nay thì anh ‘không muốn làm gì nữa’. “Mỗi năm gần đến Tết là tôi hết ăn cơm nhà rồi mà chỉ chở vợ đi chơi, đi sắm quần áo,” anh kể.

    Anh nói khi ra đường thấy nhà người ta sum họp vui vẻ anh ‘thấy vui cho người ta’, nhưng suy nghĩ tới mình ‘thì lại chạnh lòng, buồn và chảy nước mắt’.

    Anh Long dự định đến 22 tháng Chạp, tức ngày tảo mộ theo phong tục Việt Nam, sẽ về quê xây mồ mả cho bà ngoại. Còn cốt mẹ anh để ở chùa thì đến Tết anh sẽ đến thăm, anh cho biết.

    Tết năm nay, anh nói là đối với anh ‘chỉ như ngày thường được nghỉ làm để xả hơi thôi’. Anh tính sẽ chở con gái nhỏ đi chơi, ngoài ra ‘ở nhà không đi đâu’.

    “Tôi chỉ lủi thủi trong nhà một mình thôi, lúc nào buồn quá thì đi uống cà phê cho qua nỗi buồn rồi về,” anh bày tỏ.

    Về mua sắm Tết, anh nói anh chỉ ‘sắm đồ cho con đủ mặc’ và ‘mua đồ ăn để mình tôi ăn trong mấy ngày Tết’.

    “Tôi cũng mua trái cây về cúng kiếng như hồi xưa mẹ chỉ, và chỉ làm mâm cơm cúng kiếng đơn giản thôi chứ không vui vẻ như những năm trước,” anh nói thêm.

    Theo quan sát của anh Long thì không khí giáp Tết Nhâm Dần ‘rất trầm lắng’. “Không có ai hỏi nhau là đã sắm sửa, chuẩn bị Tết nhất gì chưa,” anh cho biết.

    Việt Nam: ‘Trục lợi chuyến bay giải cứu sẽ bị trừng trị’


    Chụp lại hình ảnh,

    Ảnh minh họa một chuyến bay thương mại "trọn gói" từ Anh về Việt Nam.

    Chính phủ Việt Nam lên án hành vi trục lợi thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu.

    Thông điệp được người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đưa ra vào ngày 20/1 trong cuộc họp báo đầu năm 2022.

    Bà Lê Thị Thu Hằng phản hồi lại câu hỏi của phóng viên báo Dân Việt về thực trạng người Việt về nước theo các "chuyến bay giải cứu" phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn được truyền thông đưa tin và những đề xuất thanh tra điều tra có hay không sự trục lợi từ các chuyến bay giải cứu.

    "Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam.


    "Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

    "Trong quá trình triển khai đưa công dân về nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân có nhu cầu về nước, đăng tải công khai minh bạch thông tin về các điều kiện hồ sơ, thủ tục đăng ký trên website chính thức và mạng xã hội.

    "Để tránh công dân bị lừa đảo, bị lợi dụng chiếm đoạt tài sản, Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân không liên hệ với những cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào.

    "Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

    Bài của báo Dân Việt mô tả "trong suốt gần hai năm qua, thực hiện chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, các bộ ngành địa phương của Việt Nam đã phối hợp, hỗ trợ các hãng hàng không trong và ngoài nước thực hiện hơn 800 chuyến bay đưa 200 nghìn công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn".

    Hiện chưa rõ toàn bộ 800 chuyến bay mà bài báo này nói tới là "chuyến bay giải cứu" hay không.

    Các "chuyến bay giải cứu" theo cách diễn giải của nhà chức trách Việt Nam bấy lâu nay được hiểu là dành cho hành khách có hoàn cảnh đặc biệt theo thứ tự ưu tiên như "Lao động hết hạn hợp đồng, mất việc, không còn thu nhập mà nước sở tại không có điều kiện hỗ trợ; Học sinh dưới 18 tuổi; Sinh viên đã hoàn thành khóa học gặp khó khăn về nơi ở/ gia hạn lưu trú; Doanh nhân, trí thức, công dân xuất cảnh ngắn hạn bị "mắc kẹt" vì Covid-19, gặp khó khăn do không có nơi ở, không còn khả năng tài chính; Người trên 60 tuổi mắc bệnh lý nền; Khách du lịch, thăm thân nhân, công tác, khám chữa bệnh, hết hạn visa và bị mắc kẹt".

    Thông thường đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại chịu trách nhiệm trình dach sách này với Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan chịu trách nhiệm làm việc với các bộ ngành liên quan khác như Bộ Y Tế, Bộ Công an, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid 19,… để duyệt danh sách trước khi khách có thể mua vé.

    Từ nhiều tháng qua truyền thông tại Việt Nam đã đưa tin ít về các "chuyến bay giải cứu" và gọi các chuyến đang khai thác là "các chuyến bay hồi hương", "thương mại", hay "combo" với nhu cầu người Việt sống tại nước ngoài về nước vẫn nhiều.

    Các chuyến bay trọn gói (còn gọi là "combo") với các phí khách sạn, ăn uống xét nghiệm, chuyên chở khách ở trong nước lên tới hàng chục triệu mỗi vé và là vé một chiều.

    Vào tháng 12/2021 Chính phủ Việt Nam nói mở lại "đường bay quốc tế" với một số thị trường (đa số tại châu Á) nhưng nhiều tuần sau đó không có kế hoạch cụ thể và hành khách có nhu cầu về nước vẫn phải tìm cách mua vé theo dạng "combo" với giá rất đắt.

    Mặc dù các văn bản nói về việc người nhập cảnh có xét nghiệm âm tính chỉ cần ở nhà tự theo dõi 3 ngày nhưng đa số hành khách các chuyến bay theo dạng "combo" vẫn phải cách ly tại khách sạn trong ba ngày đầu.

    Như BBC Tiếng Việt tìm hiểu, việc Campuchia quy định từ sau 15/11 đón khách du lịch đã tiêm đủ hai liều vaccine mà không phải cách ly 14 ngày mở ra cơ hội cho nhiều người muốn về nước nhưng không muốn trả "giá trên trời" bởi nếu cộng cả chi phí cách ly khách sạn khi vào Việt Nam bằng đường bộ và giá vé bay từ nước thứ ba tới Campuchia thì với nhiều người, vẫn hợp lý hơn giá vé của các chuyến bay "combo" chào bán.

    Từ ngày 1/1/2022, các hãng hàng không Việt Nam bắt đầu bay quốc tế thường lệ nhưng vé máy bay vẫn gấp 2-3 lần trước dịch.

    Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Võ Huy Cường hồi cuối tháng 11/2021 nói "việc tìm mua vé máy bay phù hợp để trở về quê nhà đón Tết là mối quan tâm của nhiều kiều bào".

    Truyền thông Việt Nam đưa tin nhà chức trách đang làm việc với một số thị trường có nhiều nhu cầu khách bay về nước để tăng chuyến, đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu về ăn Tết tại quê nhà.

    Trong khi một số đại sứ quán Việt Nam đưa thông tin về các chuyến bay trọn gói "combo" trên trang web của mình thì họ nói không chịu trách nhiệm về các chuyến bay này.

    Cựu giám đốc BV Bạch Mai hầu tòa


    Nguồn hình ảnh, Bộ Công An Việt Nam/TTXVN

    Chụp lại hình ảnh,

    Nguyễn Quốc Anh, 62 tuổi, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

    Ông Nguyễn Quốc Anh, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, và 7 đồng phạm, hầu tòa sáng 20/1 về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,

    Ông Nguyễn Quốc Anh thừa nhận hành vi phạm tội, và rằng ông 'vô cùng đau đớn khi phải đứng trước tòa', theo tường thuật của Tuổi Trẻ.

    Tuy nhiên, ông cho rằng cáo trạng có một số điểm chưa chính xác, chẳng hạn cáo buộc ông thông đồng với Phạm Đức Tuấn - giám đốc Công ty công nghệ y tế BMS - để triển khai lắp đặt hệ thống robot trái quy định.

    Ông Quốc Anh nói rằng ông không hề quen biết Tuấn khai trước khi thực hiện đề án liên danh liên kết. Ông chỉ biết đến ông Tuấn khi được cấp dưới đề nghị gặp để mua hai hệ thống robot Rosa và robot Mako.

    Sau đó, nhận thấy chi phí quá lớn nên ông và các cán bộ ở bệnh viện thống nhất không mua.

    Tuy nhiên, để có được thiết bị này để cứu chữa cho người bệnh, ông Quốc Anh đã nhiều lần trao đổi với hội đồng khoa học của bệnh viện và thống nhất với Công ty BMS về việc thực hiện đề án liên danh liên kết.

    Ông nói mức giá 39 tỉ đồng robot Rosa là đúng với mức giá sơ bộ mà Bộ Y tế từng đưa ra, đã căn cứ vào chứng thư thẩm định giá.

    Ông Quốc Anh khẳng định việc lắp đặt máy là không vụ lợi, 'hoàn toàn vì lợi ích của người bệnh cũng như bệnh viện', để người bệnh không phải ra nước ngoài chữa bệnh.

    Trong vụ án, ông Quốc Anh bị VKSND Tối cao quy trách nhiệm đóng vai trò chủ mưu trong việc thông đồng với Công ty Công nghệ Y tế (BMS) đội giá thiết bị dưới hình thức "liên doanh, liên kết" và bắt hàng trăm bệnh nhân trả viện phí cao gấp nhiều lần. Ông Tuấn giúp sức tích cực và 6 người còn lại là đồng phạm. 8 bị cáo bị truy tố vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356, Bộ luật Hình sự.

    Bộ Công an từ hồi tháng 4/2011 đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố 8 bị can kể trên và nhiều bị can trong số này đã bị khởi tố và bắt giam từ tháng 9/2020.

    Vấn đề quà Tết

    Tại phiên tòa, ông Quốc Anh thừa nhận có nhận quà Tết từ ông Phạm Đức Tuấn. Mỗi lần đến chúc Tết, ông Tuấn thường đưa 10-20 triệu đồng hoặc 1.000-2.000 đôla.

    Ông Quốc Anh nói ban đầu ông 'không nghĩ đây là chuyện tiêu cực' vì là ngày lễ Tết.

    Toàn bộ số tiền, ông Quốc Anh nhận nhưng cho hay ông không giữ lại mà đưa lại thư ký "chia đều cho các bộ phận". Nhưng sau đó nhận ra số tiền này 'không chính đáng' ông nên đã 'tự nguyện khắc phục', theo Tuổi Trẻ.

    Ngoài ông Quốc Anh, ông Nguyễn Ngọc Hiền (cựu phó giám đốc) nhận 150 triệu đồng, bà Trịnh Thị Thuận (cựu kế toán trưởng) nhận 50 triệu đồng của BMS. Toàn bộ số tiền được 3 bị cáo nộp lại trước phiên toà.

    Công ty 'sân sau'

    Cáo trạng nói ông Nguyễn Quốc Anh là người chỉ đạo thuộc cấp hoàn thiện các thủ tục để "liên doanh" với Công ty BMS lắp đặt các thiết bị robot phẫu thuật có giá được nâng từ 7,4 tỉ đồng (320.000 USD) lên 39 tỉ đồng (1.7 triệu USD), từ đó làm tăng chi phí khám chữa bệnh cho hơn 600 bệnh nhân.

    Cáo trạng mô tả vụ án nâng khống giá thiết bị "ăn dày trên lưng bệnh nhân" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai xảy ra từ 2017 bất chấp hai khoa được lắp đặt các thiết bị này "không có văn bản đề xuất lắp đặt máy".

    Bị can Phạm Đức Tuấn, Giám đốc BMS, bị cáo buộc là người đã liên hệ với Công ty VFS để "thỏa thuận" việc cấp chứng thư thẩm định giá hai thiết bị tổng cộng lên tới 83 tỉ đồng nhằm "hợp thức hóa" giá thiết bị đưa vào liên doanh, liên kết với bệnh viện này.

    "Viện kiểm sát xác định trong vụ án này, bị can Nguyễn Quốc Anh giữ vai trò chính, là người quyết định để Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS ký hợp đồng liên danh, liên kết. Bị can Phạm Đức Tuấn giữ vai trò giúp sức tích cực, tạo điều kiện để cho Bệnh viện Bạch Mai ký được hợp đồng," Tuổi Trẻ đưa tin.

    Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot đã được "làm giá" này để phẫu thuật sọ não cho 637 ca bệnh, làm tăng chi phí và gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỉ đồng.

    Truyền thông Việt Nam mô tả chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá được khai đội lên thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng/ca.

    Cáo trạng nói thủ đoạn này mang lại cho "nhóm lợi ích" Bệnh viện Bạch Mai và cá nhân bị can Nguyễn Quốc Anh số tiền hơn 331 triệu đồng, Nguyễn Ngọc Hiền số tiền 150 triệu đồng; Trịnh Thị Thuận số tiền 50 triệu đồng.

    Những người liên quan trong vụ việc

    Ngoài bị can Nguyễn Quốc Anh, những người khác bị truy tố gồm:

    Nguyễn Ngọc Hiền, cựu phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

    Trịnh Thị Thuận, cựu trưởng phòng Tài chính Bệnh viện Bạch Mai

    Lý Thị Ngọc Thủy, cựu phó phòng Tài chính Bệnh viện Bạch Mai

    Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS

    Ngô Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Công ty BMS

    Trần Lê Hoàng, Thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS)

    Phạm Minh Dung, cựu tổng giám đốc Công ty VFS.

    Bé gái 3 tuổi bị đinh găm hộp sọ: Khởi tố nhân tình của người mẹ


    Nguồn hình ảnh, Công an Hà Nội

    Chụp lại hình ảnh,

    Nghi phạm Nguyễn Trung Huyên

    Nguyễn Trung Huyên bị công an khởi tố để điều tra về hành vi hành hạ con riêng 3 tuổi của người tình, theo truyền thông Việt Nam.

    Các hành vi hành vi hành hạ con riêng 3 tuổi của người tình mà Nguyễn Trung Huyên bị điều tra gồm đánh gãy tay, bắt nuốt đinh, uống thuốc trừ sâu, đóng đinh vào đầu, theo Tuổi Trẻ.

    Ngày 20/1, Công an TP Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) về hành vi giết người.

    Theo truyền thông Việt Nam, ông Huyên bị nghi bạo hành bé Đ.N.A. (3 tuổi, trú tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất). Ngoài ra, công an tiếp tục làm rõ vai trò của Nguyễn Thị L. (27 tuổi, mẹ của bé A. và được cho là người tình của Huyên) liên quan vụ án.

    Ngày 19/01, nhiều báo trong nước Việt Nam đưa tin về việc một bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị 9 vật thể lạ, nghi là đinh găm vào đầu.

    Trước đó, ngày 17/01, bé gái 3 tuổi được mẹ đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội trong tình trạng nguy kịch hôn mê, co giật. Tại đây, theo chẩn đoán ban đầu bị viêm màng não, có 9 đinh găm ở đầu khiến sưng tấy. Sau một giờ nhập viện, bé được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và hiện bác sĩ tiên lượng "tình trạng rất nặng".

    Nghi vấn có dấu hiệu bất thường, bệnh viện đã báo cáo vụ việc với Công an huyện Thạch Thất.

    Sau đó, công an đã lấy lời khai mẹ của cháu bé, 27 tuổi và một số người có liên quan vụ việc, nhưng chưa có thông tin kết quả điều tra chính thức.

    Gia đình cháu bé cho biết trong vòng 3 tháng qua cháu đã nhiều lần nhập viện, lần đầu cháu nhập viện với dị vật trong mũi, lần hai là bị ngộ độc thuốc sâu và lần thứ ba bé nhập viện do nuốt ba cái đinh trong bụng, truyền thông Việt Nam đưa tin.

    Cáo buộc bạo hành trẻ em ở Việt Nam đang được xã hội hết sức quan tâm gần đây sau vụ một bé gái 8 tuổi chết ở TP HCM hồi tháng 12/2021.

    Người dân Việt Nam chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

    Một bé gái 8 tuổi 'chết vì bạo hành'

    Trước đó, cuối tháng 12/2021, mạng xã hội ở Việt Nam rúng động trước tin và hình ảnh một bé gái 8 tuổi chết ở TP HCM do bị bạo hành.

    Theo thông tin chính thức, bé gái Vân An (SN 2013) ở với cha ruột là ông Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, ngụ Q1) và bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1995, trú Q.Bình Thạnh, TP HCM) tại căn hộ chung cư Saigon Pearl, quận Bình Thạnh, từ tháng 6/2020.

    Ngày 23/12/2021, công an quận Bình Thạnh xác định bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang có dấu hiệu bạo hành, đánh đập bé gái dẫn đến tử vong nên đã bắt khẩn cấp đối tượng để tiếp tục điều tra.

    Trang khai nhận, sáng ngày 22/12, cháu Vân An có lịch học online từ 7h đến 11h. Sau khi bé học xong thì Trang nấu phở cho Vân An ăn và cho uống 3 hộp sữa.

    Khoảng 15h30 cùng ngày, Trang tiếp tục kèm cháu Vân An học. Trong buổi học này, Trang đã dùng cây gỗ để đánh đập cháu bé liên tục trong khoảng 30 phút.

    Đến khoảng 18h00, cháu Vân An có biểu hiện mệt nên vào phòng nằm nghỉ. Một lúc sau Trang vào kiểm tra thì phát hiện cháu Vân An ói, mê man, yếu ớt nên đã gọi cho người tình trở về. Lúc này, Thái - cha của Vân An cũng vừa đi làm về đến chung cư nên gọi cấp cứu đưa cháu bé đến bệnh viện, nhưng bé Vân An đã không qua khỏi.

    Kết quả sơ bộ khi giải phẫu, khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định cháu Vân An tử vong do phù phổi cấp, trên cơ thể có nhiều tổn thương bầm tụ máu, gãy nhiều xương sườn, phần đầu cũng có vết thương, tụ máu, não phù.

    Ngày 31/12/2021, công an quận Bình Thạnh tiếp tục bắt khẩn cấp ông Nguyễn Kim Trung Thái để điều tra về hành vi "hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình".

    Công an TP HCM ngày 5/1 thông báo rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM vừa bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) về tội "Giết người" liên quan vụ án "bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành dẫn đến tử vong".

    Không có nhận xét nào